Mar 18, 2007

Ngồi buồn nhớ ngoại ta xưa

Bà ngoại ta, mấy nhà hoạt động xã hội vì sự tiến bộ của phụ nữ, hay giải phóng phụ nữ gì gì đó, gặp một lần là khóc chết luôn.

Sơn móng tay hay móng chân, mặc váy hay quần đùi, tóc uốn hay tóc tém, tóc nhuộm, áo hở ngực hay áo bó… tóm lại, tất cả cái gì liên qua đến chưng diện bà ngoại đều ghét cay ghét đắng. Nên hai con gái của ngoại suốt thời thiếu nữ chỉ thả tóc đen dài, chết bỏ cũng chỉ bộ bà ba, móng chân suy nhất màu phèn vàng ệch. Lúc già, hai nàng này bắt đầu day qua nhằn tụi nhỏ, “bà ngoại mầy còn sống, bả chửi tan nát…”

Nhưng bà ngoại mất rồi, rất thanh thản, bà ngoại còn lựa ngày để chết, vào buổi sáng hôm tiên thường đám giỗ ông ngoại. Bà ngoại đi trong lúc con gái lúi húi ngoài sau hấp bột xào nhưn gói bánh. Hồi sống, bà ngoại luôn nói chết làm sao cho bớt bận lòng đám con cháu vốn ít ỏi, bây giờ thì vui rồi, hai đám giỗ nhập làm một, có cả cháu ông, cháu bà, bên nội, bên ngoại.

Hồi còn sống, bà ngoại hay nói về ngày ngoại chết, nói thản nhiên, nói rộn rã như đang lên kế hoạch cho buổi hội nghị nào đó (có phong bì). Ngoại dặn, đừng mời thầy chùa vì sợ con cháu bận theo lạy lục trong lúc tụng kinh mà không phục vụ khách chu đáo. Dặn nấu đồ ăn phải dư nhiều, để lúc kết thúc thì bưng cho xóm giềng, cho những người mấy ngày trời tới lui giùm đám. Dặn sau này cúng giỗ thì đơn giản thôi, miễn có con cá lóc nướng cũng xong rồi, nhưng cúng trăm mươi ngày với bận giáp năm thì phải làm thiệt lớn, đây là dịp đãi đằng hậu tạ những láng giềng, họ hàng đã giúp đỡ nhà mình hồi đám ma. Dặn đừng có mời kèn trống làm chi, uổng tiền.

Uổng tiền, đó là câu nói đầu môi của bà ngoại. Nó làm mất lửa bất cứ ai hí hửng đem cho ngoại bộ đồ mới, caí võng mới, hay nón, dép mới. Đồ cũ còn mặc được (dù đã vá mấy chỗ, dù lưng aó mỏng te, mấy nẹp áo đã sờn). Võng cũ còn nằm được (dù đã vá chồng mấy lớp). Đội nón cũ đâu có chết (dù đã bung vành, xuống màu, thâm kim). Cái gì ngoại cũng tận dụng đến cùng, bao gạo, hay caí mùng vải đều nằm trong chủ trương còn rách còn… vá. Cấp bậc cao hơn là vá… lu, xoong chảo bằng gang cũng vá luôn. Nếu đã vá rồi mà vẫn không dùng được, lu ngoại sẽ để dành dú chuối, xoong chảo làm mẻ ung muỗi cho heo. Áo, nếu không còn mặc được nữa, ngoại sẽ lắt mấy nút bóp đem cất trước khi chuyển áo qua làm… nùi giẻ. Mà, nó sống hết đời lau chùi thì chỉ có nước làm phân cho… trầu.

Vườn trầu của ngoại nổi tiếng cả xóm, nên mấy chiếc ghe hàng bông hay ghé hỏi mua. (Tụi nhỏ đất liền có dịp gặp tụi nhỏ hàng bông, để sau này có đứa lon ton lượm lặt chi tiết để viết… truyện thương hồ). Ngoại hái trầu đến mức móng tay cái mòn khuyết một lỏm. Những ngày vào đợt hái trầu, ngoại quảy cà vung ra vườn sớm, lúc mặt trời lên cũng là lúc ngoại è ạch na cà vung vào, đổ ra bộ ván, rồi lấy dây lát bó từng ốp. Ốp trầu của ngoại cũng nổi tiếng, chặt chẽ mà mềm mại, không quá siết làm lá giập, cũng chẳng dễ tuột dây. Để có những lá trầu mượt mà, nồng đậm, ngoại ủ một khạp cá phân thúi ùm, ngang qua đó tuị nhỏ nín thở, chạy caí vèo. Chỉ ngoại là tỉnh bơ lấy gàu múc tưới.

Ngoại không sợ gì hết (chết mà không sợ thì sợ gì nữa). Ngoại cất cái quán nhỏ dưới bến bán “tót ten” (Chữ naỳ của ngoại hay khủng khiếp, rất tạm bợ, thờ ơ, cũng rất tuềnh toàng, giản dị). Từ quán lên nhà phải qua con đường mòn hai bên dừa nước bịt khù. Lại còn ráng, ô rô mọc xon xen ra lối đi, ban đêm tối mịt mùng, thấy ớn. Với ngoại chẳng nhằm nhò gì, cả con sông Rạch Rập trước nhà cũng khủng khiếp, nghe kể hồi chiến tranh lâu lâu ngoại bơi xuồng đụng phải một xác chết, lâu lâu lại có khúc… chân người tấp vô ven đó. Ngoại lấy dầm… vít ra. Chuyện nhỏ như con… thỏ.

Những năm tháng sống bên đồn Chẹt chắc không phải dễ dàng gì khi chồng và con gaí đầu lại là… Việt Cộng, bà ngoại trở nên (hay sẵn tính) gan lì. Vườn cũ, chim cú trú ngụ thành bầy, đêm nào chúng cũng thảm thiết cất tiếng kêu, rất thê lương, ngoại tỉnh bơ, xách đèn cóc ra chuồng heo coi sao tuị heo chộn rộn vậy. Trời ban cho ngoại bàn tay lẹ làng, tướng đi lật đật, con mắt lanh lợi nên bà rất giỏi giang. Làm bánh hết sẩy, buôn bán có khiếu, làm ruộng trúng mà đan đát cũng tài. Sàng sịa, thúng mủng, rổ lớn rổ nhỏ toàn ngoại đương. Nên cái quấn vải mà ngoại quấn trên ngón tay trỏ để vót nan cũng mau mòn. Tuần rồi, về U Minh ghé qua rạch Ổ Ó, quê nhà của bà ngoại, gặp người dì (gọi ngoại bằng dì) đang ngồi đương rổ, bỗng giật mình. Người sao mà giống người. Ở đây, bảy mươi năm trước, có một bầy con gaí ngồi vót nan dưới trời chiều, không biết yêu đương hò hẹn, cứ vậy, chờ người tới rước đi. Để tiếp tục nấu nướng, làm lụng, quần quật với cuộc đời.

Ngoại cũng có khi lo sợ, toàn chuyện không đâu, lý do rất mắc cười, thí dụ, bà thảng thốt khi nghe tiếng gà gáy ban trưa, ngoại ngó con gái mình, hơi dè dặt, rầu rĩ, “Gáy kiểu naỳ là xóm có đứa chửa hoang rồi. tụi bây ráng giữ mình…”. Nhà có đến hai “hủ mắm treo đầu giàn”. Ngoại sợ đỗ vỡ cái mà người ta gọi là gia phong. Mà, sợ cũng mắc công, hai con gái má cũng chẳng thèm yêu đương hò hẹn, ai thích thì rủ lại nhà chơi với… má tui. Một bữa con gái lớn đòi theo ông ngoại về cứ, bà ngoại nói mầy mà bước đi, tao từ, con gái không lo may vá, vén khéo mà bày đặt cầm súng đạn (hay đó chỉ là cái cớ, ngoại sợ rủi một ngày, ngoại phải khóc chồng, khóc cả cho con ?). Nhưng con gái vẫn đi, cô biết, sức mấy mà ngoại bỏ con. Sinh mười lần, chỉ còn hai đứa con gái cu ky, con trai, đứa chết vì sài đẹn, đứa chết bởi viêm phổi, bởi ban đen ban đỏ, bởi những căn bệnh tưởng như vặt vãnh nhưng vì nghèo, vì thiếu thốn, lạc hậu mà những đứa trẻ tuột khỏi tay bà.



Trong thời gian đi tìm cái hình bà ngoại, mình lấy tạm hình của… cháu bà ngoại đem lên chơi. Người này được đánh giá là giống bà ngoại nhất (tất nhiên, khuôn mặt thôi), hơn cả con gái của ngoại

Ở ngoại luôn có mùi lưu cửu, cũ kỹ. Nó thống nhất với bộ đồ sờn rách đôi ba chỗ, từ mùi dầu dừa trên tóc, bàn tay đượm hương trầu. Cái tiệm của ngoại cũng cũ mèm những hủ tương da bò, khạp đường mía, mấy ciá mọc bẻ bằng dây chì treo lùm đùm bọc to bọc nhỏ. Có thể tìm thấy đủ thứ hầm bà lằng ở đây, từ kim chỉ, nút bóp, đến đá lửa, hột quẹt, ống cuốn(quấn tóc, tạo nếp cho tóc), kiếng lược, đường đậu bột khoai bột mì, tương chao, nước màu nước mắm, xì dầu, kẹo dừa… Hiện đại nhất là lon go của lính Mỹ dùng để đựng tiền.

Lúc sinh ra là đã thấy ngoại bán tiệm rồi, cũng như đã thấy ngoại khó tính sẵn, ngoại việc dằn mặt vụ chưng diện ra, ngoại còn làm con cháu “rè” dài dài, lên mâm cơm, ăn có chậm, hoặc vừa ăn vừa chỏi tay cạnh hàm, gác cằm lên đầu gối, ngồi chồm hổm, ngoại sẽ hát khúc “Ăn kiểu đó nghèo chết luôn”. Trong chén còn mấy hột cơm cũng phải vét cho sạch, ngoại cấm đứa nào ăn rơi rớt, trái ổi, trái khế nhóc ngoài vườn cũng đừng hòng cạp nửa bỏ nửa. Bà ngoại hay nói ăn xài hủy của sau này có lúc cần, hỏng có mà ăn, lời ngoại như tiên tri vậy, đúng là bây giờ bỗng dưng thèm trái ổi chát ngấm ngày xưa, kiếm được chết liền. Giũa mấy nhỏ trong nhà tả tơi, ở xóm mà chạng vạng mới chạy lại mua dầu đốt đèn, hay tới bữa cơm mới đi mua gạo, thể nào cũng bị ngoại “tụng” một trận. Ngoại không biết mà cũng không thèm biết “khách hàng là thượng đế” mà khách hàng là con cháu. Không dạy để sau này thành quen, không chịu lo xa, nước tới chân mới nhảy thì muộn rồi.

Đúng là khó thấy ớn. Có lần, ngoại chèo xuồng ra nhà con gaí lớn chơi, thấy thằng rể xách cây đánh cháu ngoại mình, bà giận lắm, từ ấy, căn nhà đó không còn được đón ngoại ra, dù mười, hay hai mươi năm nữa đã trôi qua. Rể giờ đã già, nhắc chuyện xưa buồn bứt rứt.

Nhưng đấy không phải là chân dung đầy đủ nhất của bà ngoại.

Ngoại sợ uổng tiền, ngoại tiện tặn giặt từng cái bọc ni long cũ, xúc rửa từng cái chai sành, nâng niu từng cọng dây thu khoanh nhưng đối đã với xóm giềng, họ hàng, nhất là người nghèo, người làm mướn cho nhà mình thì mướt rượt. Ngày mấy bữa cơm, cà phê, thuốc hút đầy đủ, thợ gặt ngoại cũng bưng nước uống, khoai luộc ra tận ngoài đồng. Ngoại không dám may áo mới nhưng đám con cháu được ăn mặc đủ đầy. Về ngoại, chưa kịp khoanh tay thưa ngoại đã xúc gạo nấu cơm, rửa khoai đem luộc, lúc thì ngâm đậu nấu chè, xay bột nấu bánh canh, nấu trôi nước. Cái món bánh tổ ăn thừa, ngoại đem phơi khô treo giàn bếp, lâu lâu đem ra chiên với mỡ heo, từ ngoại ra đi không còn thấy nữa.

Không còn thấy nữa bà già nhỏ nhắn, miệng luôn rầy la, chửi chó mắng mèo nhưng trong bụng hiền khô. Bà già đó, nhiều khi cũng cực đoan, phong kiến, cũ kỹ nhưng nền nếp, tử tế.

Không còn thấy nữa, nhưng ngoại vẫn ở bên ta hoài, theo cách riêng của bà, thí dụ gặp khuôn bánh dưới đáy tủ, ai đó vô tình buột miệng, “bà ngoại hồi đó khoái nướng bánh kẹp, bánh bông lan…”. Nhờ vậy, câu chuyện này được chắp vá từ những người khác nhau ở những thời điểm khác nhau. Bởi có đứa cháu của bà ngoại hồi xưa không gần gủi với bà, bởi nó sợ căn buồng kín mít chứa toàn đồ cũ nên không đời nào chịu chun vô ngủ với bà, bởi nó nghĩ bà ngoại thương cháu trai hơn, bằng chứng là bà toàn rửa đít cho ông anh, bởi bà hay cằn nhằn nó.

Để một ngày nó thấy ngoại trong nó, ra đường gặp mấy đứa nhỏ tóc đỏ tóc vàng, hở lưng hở rốn, nó bỗng đổ quạu, cằn nhằn, “Con gái con đứa gì không nên nết…”

Rất có thể sẽ có bà ngoại phần III.

3 comments:

  1. Anonymous8/26/2007

    Cam on chi da ve dum toi buc chan dung cua ngoai toi ma toi vi thieu chu, thieu tinh nen mai van chua ve noi !
    Cam on chi da thanh lap cai blogspot nay nhu mot noi chon cho toi ve tim lai tuoi tho xua!

    ReplyDelete
  2. Doc bai nay cua Tu ma minh nho ba ngoai cua minh, so ma may ba ngoai cua tui minh giong nhau y hich vay khong biet. Hoi do ba ngoai chui hoai thi cung gian hon ngoai hoai, bay gio thi hoi han la khong con ba ngoai o ben de duoc nghe ba la mang...
    Cam on Tu

    ReplyDelete
  3. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete