Jun 10, 2007

Bài viết cho tạp chí cơ quan số 21/06

Giữa đời thầm lặng








Qua cổng chào vào thị trấn đã thấy cột ăng ten của Đài Phát thanh, nhưng chạy xe quẩn quanh bên ngoài mãi mà chẳng tìm được đường vào. Anh xe ôm nhiệt tình bảo, em gái cứ chạy thẳng vào Uỷ ban, vòng ra đằng sau, là tới. Mà, chính xác thì Đài đâu chỉ nằm đằng sau Ủy ban, nó giấu mình sau ba dãy nhà ngang dọc nữa. Đứng nhìn ba chữ Đài truyền thanh bằng ximăng đắp nổi đã bạc màu, bỗng mừng gì đâu.

Nên tôi hình dung được ngay cái cảnh Trân, cô bé nhỏ tuổi nhất Đài truyền thanh huyện lần đầu đến thử việc. Từ Cà Mau, lên chiếc xe đò len chật người ém như ém mắm, qua mấy đoạn đường đầy ổ… voi, ổ… trâu, người Trân bị quăng ném đến nỗi đầu đụng nóc xe. Rồi xe hư dọc đường, tha thểu đợi sửa. Tới huyện thì cô bé rã rời, thảm hơn, là phải đi bộ lê thê lếch thếch, lòng vòng để tìm Đài truyền thanh.


Góc làm việc trong phòng Trân và Tuyền, radio, và những ngôi sao nhỏ trong hộp thuỷ tinh...



Trân nói đó là một ngày của tuổi hai mươi mốt mà cô không bao giờ quên. Trân nhỏ nhắn, nói cười trong veo, trong veo trước những vui buồn, trong veo kể lại những ngày đạp xe đạp từ thị trấn Cái Nước đến Phú Hưng, Hưng Mỹ, Trần Thới ròng rãi đi về ba mươi cây số lấy tin. Nhuận bút cho mỗi tin chỉ mười, mười hai ngàn đồng (10.000 đến 12.000 đồng, tôi muốn nhấn – mạnh – cho – rõ). Để tiết kiệm món tiền mọn (bằng tô phở sáng của tôi, bằng gói thuốc “Con mèo” của anh, bằng 1/100 giá chai rượu ngoại, bằng 1 chai bia, bằng 10 lần gởi xe vào chợ…), công tác ở Thạnh Phú, một xã giáp với thành phố Cà Mau, Trân đón xe đò, xong việc, ra đường ngóng người quen quá giang về.
Ba năm trước, khi co gái tên Trân này đến đây, khoảng sân này vẫn là những cái ao"thê lương", mười năm trước đó, đây là rừng, buổi chiều chim về kêu xao xác

Trân ngồi kể chuyện mình trong căn phòng tập thể nhỏ chừng bốn mét vuông, chung với Tuyền, một cô gái Tân Hưng sinh năm 1979. Chim hót diệu vợi ở bên hè. Phía sau là căn bếp nhỏ chỉ vỏn vẹn một cái bếp mà hai cô gái còn thẹn thò khi hỏi chuyện yêu đương, hai cô gái hay cười này “nấu mì gói nhiều hơn nấu cơm”. Cửa sổ phía Tây treo nhiều ngôi sao nhỏ thắt bằng ống hút nhựa. Những ngôi sao đã phai màu bởi căn phòng phải hứng đựng nắng sớm, nắng chiều, nóng như rang. Chiếc hộp thuỷ tinh trên bàn làm việc cũng đầy ắp ngôi sao xanh đỏ. Trân cười, “buồn buồn em ngồi thắt chơi vậy mà. Hồi mới xuống, ít việc để làm, em xếp cả mấy ngàn con chim giấy…”.

Chiếc xe đạp này đã đưa Trân đi xã, đi ấp, đã ròng rãi qua những chặng đường dài...

Cả cái sự buồn của cô gái cũng trong veo, chỉ vì “rảnh, không có chuyện làm”, chứ không phải bởi thiếu thốn vật chất và thiếu không gian vui chơi bè bạn. Cả lúc nhận món tiền thu nhập non già một triệu (cộng cả khoản lương hợp đồng và nhuận bút), Trân nói, em cũng không buồn phiền gì, cũng chưa bao giờ thắc mắc, sao ít quá vậy trời.

Nhưng trong buổi chiều nắng oi trước mưa, xuyên qua sự vô tư trong veo, tôi đọc được nỗi buồn sâu thẳm khi Trân nói về nghề, một chút thân phận của người làm báo huyện.

- Hồi mới vô làm, cầm cái giấy giới thiệu đi địa phương, có người nhìn mình như tụi lừa đảo, giả danh vậy, mắc cười lắm, chị ơi.

Trân nói cũng hay gặp những chuyện đại loại như vậy. Đi địa phương nhiều khi người ta ậm ừ không tiếp. Có lần đang làm việc với địa phương, nghe có nhà báo tỉnh xuống, mọi người chạy đi đón để cô đài huyện ngồi trơ đó. Và có lần, anh nhà đài đi tác nghiệp, xuống đến nơi rồi còn bị biểu quay về vì chỉ có máy ghi âm mà… không mang máy ghi hình.

Đó là “kỷ niệm” mà nhà đài xem như những câu chuyện vui, kể mà chen vào đó những nụ cười. Cười xót dạ chơi vậy, chứ biết làm gì nữa. Thành ra ở Đài huyện có nhiều “chuyện vui”, mà riêng anh Phạm Quốc Tuấn thôi cũng có cả “kho”. Phụ trách về kỷ thuật cho Đài, anh đảm nhận luôn lắp đặt, theo dõi trạm truyền thanh cơ sở, sữa chữa, nâng cấp toàn bộ hệ thống truyền thanh của huyện. Cái người “leo giỏi nhất huyện” này cũng luôn cười để kể những “chuyện cười”, “có chỗ, mình mới lắp đặt loa, người ta lấy cây khoèo, phá cho… nín. Mình quay lại, sửa chữa, nhưng khi quay lưng đi thì cái loa cũng im re. Phải leo lên leo xuống nhiều lần, mệt lắm, mình chỉ muốn làm tròn công việc của mình thôi mà cũng không được…”. Và trong cuộc chiến thử thách lòng kiên nhẫn, đôi khi anh là người thua cuộc, lặng lẽ dời loa đi nơi khác, nơi mà chỉ im lặng nửa buổi đã có người gọi chạy đến Đài hoặc gọi điện thoại nhắc, sửa mau mau cho tụi này nghe cải lương. Họ, thường là những người nghèo.


Không biết có phải vì những câu nói ấm lòng như vậy mà anh Tuấn đã gắn bó với Đài truyền thanh ngót mười ba năm. Những cái tết trực máy không về nhà, Đồng Nai gần mà xa. Công việc thì khó mà diễn tả chi tiết cái cảnh chạy đi chạy lại giữa các bộ loa không dây hư hỏng liên tục, làm việc trên cột cao, dưới lưới điện chằng chịt trên đầu, nguy hiểm rình rập sau mỗi cơn mưa, xong còn phải vác máy đi lấy tin, viết bài, thu, dựng. Có bữa phía cơ sở mời, dặn phải ghi hình, anh giải thích, chắc chắn là Đài truyền hình không phát được. Cơ sở quả quyết, không phát cũng được, nhưng phải ghi hình. Anh hì hụi vác máy quay đi làm, mà lúc trở về, anh chẳng biết làm gì với nó. “Chuyện cười” này làm tôi cười đến chảy nước mắt, nao lòng, trèo cột điện thì cực chân tay, nhưng tác nghiệp theo kiểu oái oăm này, thì khổ hơn nhiều.

Mà, cực nhất là Nhàn. Giữa những câu chuyện của tôi và Trân, tôi và anh Tuấn, luôn nghe được câu này, “Cực như vầy nhằm nhò gì với Nhàn”. Ba mươi tuổi, anh nhận trọng trách trưởng Đài Truyền thanh huyện. Mà, nghe qua công việc của anh, tôi chỉ muốn thay chữ “nhận” bằng chữ “gánh” chữ “gồng”. Nhân sự vỏn vẹn bảy người, trong đó sáu làm chuyên môn, Nhàn quản lý, chịu trách nhiệm nội dung, kẹt người quá cũng thu, dựng, cũng… đọc luôn và là… phóng viên chính (mặc dù Đài đang khuyết chức danh này). Giao chỉ tiêu cho mỗi ngày mỗi người một tin hoặc bài, được hai thì càng tốt, mọi người được bao nhiêu, phần còn lại Nhàn gánh hết, làm sao bảo đảm đủ thời lượng. Có ngày trắc trở, một mình anh ngược xuôi làm nguyên một chương trình phát thanh dài 15 phút. Buổi chiều tôi đến, Nhàn đang làm tin ở một hội nghị nào đó, lúc anh về, mưa lấm tấm trên mặt. Ngồi với nhau một chút, tôi bỗng nghĩ, cái tên Thanh Nhàn sao mà trêu ngươi vậy ?

Nụ cười của anh Kiều Minh Nhàn, sinh năm 1973 

May sao, nụ cười nhẹ nhỏm, thư thái vẫn rất… Nhàn. Cười khi kể chuyện lắp đặt trạm ở Trần Thới, phía xã ngày nào cũng biểu dương những người đóng góp cho quỹ đền ơn đáp nghĩa, hay thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, bà con nghe vậy thích quá, nên ai cũng hăng hái tham gia, xã chạy lên, khoe với Đài, nhờ mấy anh mà tụi tui hoàn thành nhiệm vụ sớm. Cười khi kể lại lời của một lãnh đạo huyện, bày tỏ sự quan tâm, chia sẽ, “chi bộ mỗi tháng họp một lần, nhưng Đài mình “họp” một ngày ba buổi, một tháng “họp” 90 buổi. Bằng bao nhiêu thời gian đó, thông tin giữa nhà nước với dân làm gì mà không đến được với nhau ?”. Cũng cười, kể chuyện thuê xe ôm gởi cái tin (hình) lên Đài tỉnh mất 35.000, nhuận bút 34.000 đồng, “lời” ngược 1000. Cười khi kể chuyện đi đoạn đường dài gần 60km kể cả lượt về, làm cái tin, Đài truyền hỉnh tỉnh không phát, huyện phát, lấy mười hai ngàn đi đổ xăng chơi. Và bình thản, anh kể về những lần một ngày phải chạy đi 4 xã, các xã cách nhau gần 80 cây số. Cũng rất bình thản nói về các chương trình – sản phẩm mình làm ra không đến được với bạn xem đài, nhất là “Trang địa phương” đã vắng dần trên Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, từ 1tuần/kỳ giờ chỉ 1 tháng/kỳ, giờ phát lại tréo ngoe (7h30 và 16h45), giờ mọi người làm việc, giờ bôn ba, giờ cơm nước, cả những người làm nghiệp vụ như anh cũng không có dịp xem tác phẩm của mình. Còn tôi thì không biết làm cách nào để cho câu chữ mình được thản nhiên, như anh Nhàn, anh Tuấn, như Trân, như Nhứt, như Kiều, những nhân vật của tôi rõ ràng không ta thán, kêu ca gì, nhưng tôi không diễn tả được cái nhẹ nhỏm đó. Có lẽ, từ ngữ của tôi đã muộn phiền sẵn rồi, trước khi đến được đây.

Nên cả cái câu mà anh Tuấn nói, “Đài Cái Nước có một đặc điểm ngộ lắm, bất cứ việc gì người nào cũng làm được” tôi cũng ngậm ngùi, mà rõ ràng câu nói đó là cả một niềm tự hào, tôi lại ngậm ngùi, mới điên. Nhưng tôi cũng cười, bỗng nghĩ, Đài anh có nhiều cái ngộ nữa, mà lần đầu tiên trong đời, tôi mới biết. Mọi người sống trong veo, trong vắt trước món tiền thu nhập héo hắt, trước hàng núi công việc, trước những cái nhìn khi ấm khi lạnh của người đời. Đáp lại câu hỏi, “tại sao gắn bó với Đài lâu vậy?” tôi luôn nhận được câu trả lời tự nhiên pha lẫn ngơ ngác, “Cũng không nghĩ tới nữa. Thấy thích, vậy thôi. Cơ quan như gia đình, không phân biệt trên dưới, mọi người rộng lượng, đầm ấm với nhau, như anh em ruột…”.

Câu nói làm tôi cảm động một thoáng, bởi nếu ai đó hỏi tôi, sao Tư làm ở cơ quan đó lâu vậy, thì tôi cũng trả lời như Trân, như anh Tuấn, như Tuyền… Vì tình vì nghĩa, vì thương, vì yêu mến công việc dù nhỏ, dù mọn, dù người đời trịch thượng trọng khinh. Hỏi ngớ ngẩn vậy mà cũng hỏi, thiệt tình…

Ra về lúc trời chớm tối. Con đường chìm vời vợi trong đêm. Giờ này, chắc anh Nhàn đang viết tin vừa đi lấy lúc chiều, anh Tuấn loay hoay với các thiết bị máy móc. Trân chờ để đọc, thu. Tuyền ngồi bên máy may kiếm thêm chút tiền thu nhập. Mọi người đang miệt mài làm việc cho buổi phát thanh sớm mai.

Và tôi biết, sớm mai này dù chẳng được nghe chương trình, công sức, tâm huyết của anh chị em, nhưng tôi không còn cáu kỉnh khi tiếng loa phát thanh trước nhà tôi chào một ngày mới.

Họ đang làm những công việc thầm lặng của họ trong lúc tôi vẫn còn chăn nệm ấm trên giường.

Một góc cải thiện nhỏ, với bạc hà và ớt...

4 comments:

  1. Anonymous6/11/2007

    Tu oi,
    Chang le cu cam on hoai thay sao ma khach sao qua. Nhung minh khong biet noi cai gi bay gio nua ngoai cai long nang triu mang on Tu, mang on nhung nhan vat cua Tu.
    Doi se nhat nheo the nao neu khong co nhung nguoi nhu Tran, Tuan, Tuyen, Nhan, Nhut, Kieu...va nhat la khong co "saurieng"
    Hehe, minh cung dang lam cong viec tham lang cua minh trong luc "saurieng" van con chan nem am em tren giuong do nhe. ( Cho vui vay, vi o ben do minh biet bay gio la khoang 3 gio sang)

    ReplyDelete
  2. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  3. Vay la ban o... ben do. Nhung ban do la ben nao vay kia ?

    ReplyDelete
  4. Anonymous6/11/2007

    Minh o cung thanh pho voi Bill Gates ! Minh cung giau co lam chu bo. Bill Gates chua chac co nhung luc thay giau co nhu minh ( chang han nhu luc minh doc bai cua Tu)

    ReplyDelete