Sep 23, 2007

Lời ngỏ cho cuốn sách đã in rồi

Khi tôi, cô con gái nhà nông quẩn quanh trong vườn nhà viết những trang văn đầu tiên, tôi bắt đầu tin văn chương thay đổi được số phận con người, ít ra là thay đổi số phận tôi.

Khi tôi, một người viết văn non nớt đón nhận những phản hồi đầu tiên từ độc giả của mình, tôi bắt đầu tin văn chương kỳ diệu, khi gắn kết những con người xa xôi ở những vùng đất xa xôi xích lại gần nhau. Tôi bắt đầu tin văn chương cũng có lửa, làm tan chảy những bức tường thép mà mỗi người tự dựng lên; văn chương cũng là băng, gắn kết những ốc - đảo - người thành một khối, văn chương cũng là nước, dịu dàng mà mãnh liệt vượt qua những rào cản của lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ…

Đã có nhiều câu hỏi đặt ra, tại sao tôi viết “Cánh đồng bất tận”. Tôi nói rằng tôi muốn vượt qua mình, muốn thử sức mình, muốn làm mới mình. Nhưng tôi cũng tự hỏi, tại sao tôi viết “cánh đồng bất tận”. Ký ức giả vờ thản nhiên kể tôi nghe một câu chuyện trong kho tàng văn học cổ, chuyện rằng người vợ có chồng đi chinh chiến, đêm đêm nàng chỉ bóng nàng trên vách, bảo với đứa con, kia là cha con. Khi người lính trở về, đứa bé không nhận cha, nó nói nó đã có cha, đêm đêm vẫn đến. Và người mẹ đã trầm mình dưới lòng sông để chứng minh sự tiết hạnh, trong sạch của mình. Người ta thường quá tự tin vào mắt, vào tai mình, người ta không dè dặt trước chữ “biết”.

Xin cảm ơn nhà văn Ha Jae Hong, người đã quan tâm và dịch “Cánh đồng bất tận”, một tác phẩm dày đặc thổ ngữ Nam Bộ (mà một số vùng mìền khác của Việt Nam còn cảm thấy… khó hiểu). Chúng tôi đã có nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi với nhau, đôi khi chỉ vì một vài thổ ngữ lạ, và tôi đã thấy người dịch không làm một công việc bình thường với sự cần mẫn bình thường, tôi nhận được ở anh một tấm lòng nhiệt thành, tâm huyết, một sự thấu hiểu, đồng cảm lớn giữa người viết và người đọc.

Hàn Quốc, với tôi là một đất nước xa xôi về mặt địa lý nhưng không xa lạ, nên tôi rất vui khi bản dịch ra ngoại ngữ đầu tiên của “Cánh đồng bất tận” là tiếng Hàn, bởi tôi nghĩ người Hàn, như người Việt, sẽ có một sự đồng cảm đặc biệt với tinh thần Á Châu sâu sắc, kín đáo và dịu dàng…

Tác phẩm của tôi chưa phải là băng, là lửa, nhưng tôi mong chúng là nước…

7 comments:

  1. Anonymous9/23/2007

    Trời cô Tư viết đọc bắt mê luôn làm tui hết biết còm men gì nữa.
    Ừ tác phẩm của cô Tư sẽ như dòng nước dạt dào miên man chảy mãi không thôi trên cánh đồng bất tận.
    Tui tin chắc vậy!
    Mừng cô Tư gặp đúng người dịch tri kỷ nha.

    ReplyDelete
  2. Anonymous9/23/2007

    Thế là "cánh đồng bất tận" được xuất ngoại rồi. Hông biết "Cánh đồng bất tận" mà dịch ra tiếng Anh thì sao ta? Hông biết mấy cái thổ ngữ Nam bộ dịch ra thế nào nhỉ? "Cánh đồng bất tận" mà ra bản tiếng Anh là em mua về ngay lập tức luôn đó.
    Ngày vui chị Tư nha.

    ReplyDelete
  3. Anonymous9/24/2007

    Tôi có biết anh Ha Jae Hong, anh ấy là người làm việc rất nghiêm túc và nhiệt tình, tôi biết anh ấy đã dịch nhiều tác phẩm từ Tiếng Việt sang tiếng Hàn và ngược lại. Như 1 cầu nối văn hóa Việt - Hàn. Hôm nay lại biết anh ấy dịch "Cánh đồng bất tận" ra tiếng Hàn. Tôi cũng phân vân không biết những thổ ngữ anh ấy chuyển tải như thế nào. Nhưng với người hơn 10 năm ở Việt Nam tôi tin anh ấy sẽ chuyển tải được những đặc trưng ngôn ngữ của Chị Tư.
    Chúc mừng chị Tư.
    (Người thích đọc những gì chị viết)

    ReplyDelete
  4. Anonymous9/25/2007

    @Ngọc Tư
    Chúc mừng cánh đồng đã bất tận rồi giờ còn bất tận thêm vì rộng ra ...đến xứ Hàn.
    Chắc phải làm bữa tiệc liên hoan tiễn đứa con đi xuất ngoại chứ Ngọc Tư?

    ReplyDelete
  5. Anonymous9/25/2007

    @Ngọc Tư
    Chúc mừng Cánh đồng giờ còn bất tận hơn vì mở rộng sang đến tận xứ Hàn.
    Chắc Ngọc Tư phải làm một cuộc liên hoan đình đám tiễn đứa con tốn rất nhiều công sức sinh thành đó đi xa chứ nhỉ!

    ReplyDelete
  6. Anonymous9/25/2007

    Nếu là một thử nghiệm thì Cánh Đồng Bất Tận là một thành công lớn. Tư cứ dạn tay viết thì chỗ đứng của Tư trên thế giới sẽ tốt đẹp hơn.

    Cánh Đồng Bất Tận nếu dịch ra tiếng Anh được nhiều chữ lắm. Endless field, unlimited field, . . . . Không muốn dùng chữ field người ta có thể dùng chữ land, hay meadow. Không muốn dùng chữ endless hay unlimited người ta có thể dùng chữ no boundary . . . . Tôi nghĩ có nhiều người có thể dịch truyện này ra tiếng Anh nhưng chắc phải du di chuyện dùng phương ngữ. Đâu có ai dịch truyện của Nguyễn Huy Thiệp mà bị bắt phải nhấn mạnh chuyện phương ngữ Bắc Bộ. Cũng như dịch truyện của John Steinbeck-East of Eden (Phía Đông Vườn Địa Đàng) mà phải phân biệt đó không phải giọng Yankee. Còn quyển Cuốn Theo Chiều Gió (Gone With The Wind) hay Túp Lều của Chú Tom (Uncle Tom's Cabin) viết theo giọng văn miền Nam đôi khi cách nói chuyện của dân dồn điền da đen làm sao mà chuyển phương ngữ. Cái chính yếu là cốt truyện, những tư tưởng gói ghém trong truyện, chớ có nhiều người thích văn của Tư quá rồi cứ nói này nói nọ thì khó có dám người dịch truyện của Tư.

    Văn hay mà không ai dám dịch thì người nước ngoài không biết được cái hay của nhà văn này. Có khác gì mặc áo gấm mà đi ban đêm.

    ReplyDelete
  7. Anonymous9/26/2007

    Tu oi, to yeu thich rat nhieu truyen cua ban, mot nguoi dac biet. Viet nhieu nhe... thanks a million.

    ReplyDelete