Sep 17, 2007

Đầu đội trời…

Về thành phố lúc mười hai giờ sáng, người chạy xe ôm trao cho chiếc nón bảo hiểm. Mình ngớ người, ờ, bữa nay Mười Lăm tháng Chín, rồi bật cười, đội nón lên, và lúc nửa đêm đó, thành phố của mình cũng bắt đầu khác lạ hơn bao giờ hết.

Một thành phố tràn ngập nón bảo hiểm. Cũng chẳng phải dân mình ý thức cao, chỉ là thành phố có quá nhiều đoạn quốc lộ xuyên qua nó đến nỗi không biết chỗ nào quốc lộ, chỗ nào không, cũng chẳng thể đi một một quãng lại đội nón vào, chốc lát lại lúi húi tháo nón ra. Thành ra không cần đến tháng mười hai, nón bảo hiểm đã xuống đường nườm nượp.

Xáo trộn. Xôn xao. Mỗi người đánh dấu ngày Mười Lăm của mình theo cách riêng mình. Anh cảnh sát chở về hàng mấy trăm xe mô tô vi phạm luật mới. Nghĩa là cũng có hàng mấy trăm người buồn bã tha thểu cầm biên bản đi xe… ôm về nhà. Có người quên đội nón chạy một khúc đường thấy cảnh sát bèn trốn chui trốn nhủi lòng vòng trong hẻm, đời hèn đi một tí. Kẻ khác khẳng khái, không chịu lòn cúi, tần ngần tạt vào sắm cái nón bảo hiểm đầu tiên trong đời xe cộ. Và tất nhiên, vỉa hè cũng có người hớn hở mang nón bảo hiểm ra bán, lời đủ cho con đóng tiền trường. Nhà nhà bán nón, người người bán nón. Mấy cái hàng bánh trung thu ngơ ngác thấy hàng bán nón còn đông đúc hơn mình. Tất nhiên, nón bảo hiểm thôi, chớ mấy bà bán nón thời trang thì khóc ròng. Quán cà phê dành cho tình nhân cũng ế ẩm, tụi yêu nhau thà cầm điện thoại nói nhớ nhau chớ chẳng chịu anh một nón em một nón ra đường. Và mình, đánh dấu ngày bằng một cái nón bảo hiểm cũ mèm, không thể cài dây của một người xa lạ trao cho.

Thành phố cũng đánh dấu ngày mười lăm bằng một khối đoàn kết lạ lùng. Đám đông vốn hằng ngày nhìn nhau so đo giàu nghèo cao thấp bỗng dưng hòa hợp, đại đồng. Không nón bảo hiểm trên đầu, thấy lạc lõng, vô duyên, dị hợm. Thấy... khác thường, không giống ai. Và sự trái thường cá nhân xưa rày luôn bị phản ứng. Nhưng sự bất an đó cũng có thể được dẹp bỏ bằng... nón bảo hiểm. Những cái nón bảo hiểm kiểu nào cũng tròn tròn trên đầu, cũng chừng ấy màu sắc, đố ai đẹp hơn, sang trọng hơn ai. Những lời than phiền cũng giống nhau, cũng bời bời, dồn về một điểm mang tên : nón bảo hiểm. “trời ơi, ban đêm mà đội nón ra đường vô duyên hết sức”, hay “trời ơi, nón lên giá dã man, mới mua năm chục giờ lên trăm hai rồi”, hay “trời ơi, bình thường đã mệt với áo khoác, khăn che mặt, găng tay, kính râm, bây giờ xách kè kè thêm cái nón nữa, lòng thòng lểnh thểnh, giống… móc bọc quá”… Câu chuyện của buổi trà sáng, cà phê sáng, quán nhậu trưa, quán bia chiều, trước cuộc họp, sau buổi mít tinh… có thể tóm lược chủ đề, “nón bảo hiểm, trời ơi !”

Mình thấy buồn cười, mình nghĩ nếu cái nón bảo hiểm có linh hồn, nó sẽ khoái chí lắm, nó sẽ ngênh mặt cười vào bọn người ta điên rồ này, những bác sỹ, kỹ sư, giáo sư, nhà giáo, sinh viên, công nhân, nông dân, cả những nhà thơ, nhà văn nhà báo, những người được xem là tinh hoa của xã hội bỗng chốc quên mất xã hội vì bận nghĩ suy, băn khoăn, trăn trở, giận hờn, cáu kỉnh vì một cái nón đội đầu không hơn không kém. Nếu người ta cũng có thể hoang mang, điên đảo, bận lòng chỉ vì một vật nhỏ nhoi như vậy, người ta quả thật dễ tổn thương.

Và đáng thương. Bởi ta không nghĩ tới cái nón trên đầu, ta không có cái nón xa lạ đó trong đầu, ta vẫn đầu trần, ta không có gì, thì cái nón bảo hiểm hay nón lá, nón lụa, nón tai bèo cũng chẳng khác gì nhau.

Ta bực mình khi ban đêm mát mẻ cũng phải đội nón bảo hiểm ra đường, ta bực mình vì không thể thì thầm những lời yêu vào tai, không thể ôm xiết và vùi mặt vào lưng người yêu, ta bực mình vì phải vướng víu nón khi ngoái lại một người thương vừa chạy vù qua mặt… Trong cái buổi bực mình ngằn ngặt đó, ta quên những ý nghĩ về một bãi cỏ hoang nằm ì ngay trước quãng trường, một con đường mù bụi, những hàng cây lâu năm bị đốn bỏ một cách không thương tiếc, dòng sông đặc sệt những rác… Ta quên quanh đây còn nhiều kẻ xấu. Và họ chỉ đợi có vậy, chỉ chờ một phút lơ đểnh của người đời thôi, một phút mất cảnh giác, họ cũng đã làm thêm chuyện xấu xa khác.

Nón bảo hiểm có quyền cười cợt con người, bởi quá nhiều người chỉ mãi mê nhìn nó mà không thấy những thân phận đi bên nó. Thấy một sự đại đồng, công bằng, nhưng chỉ là công bằng ảo. Dưới những cái nón bảo hiểm tròn tròn y hệt nhau là những khuôn mặt khác nhau, mang nỗi vui buồn, sự giàu nghèo khác nhau. Nỗi đau khác nhau. Hạnh phúc khác nhau.

Những va chạm đó mới làm người ta thương tổn, cái nón bảo hiểm kia đáng gì mà chúng ta lại khổ tâm ?

16 comments:

  1. Anonymous9/17/2007

    Sao ma hay qua, chi co cai non bao hiem ma ban viet mot bai qua hay. Tui chi phan doi mot chi tiet rat nho. "Hanh phuc nao cung giong nhau, chi co noi dau bat hanh moi nguoi moi khac."

    Xin chao nguoi di choi moi ve. Ngoai bai viet nay ban co mua qua khong?

    ReplyDelete
  2. Quà của tôi chính là... tôi. Bạn thấy món quà này không... đã sao ?

    ReplyDelete
  3. À, quên nói vụ này, tôi thấy hạnh phúc khác nhau nghen, có người hạnh phúc chỉ vì ăn được bữa no, có người hạnh phúc vì trời không mưa, buôn bán đắt. Tôi thì có lúc bụng đói meo, nhưng thấy hạnh phúc vì nhìn thấy một bờ lau trắng trước nhà.

    ReplyDelete
  4. Anonymous9/17/2007

    Nhắc hạnh phúc làm tôi nhớ bài thơ này, có mấy câu này, thi sĩ Dương Hương Ly nếu tôi không nhớ lầm:
    Trong một góc vườn cháy khét lửa napalm
    Em sửng sốt gặp một nhành hoa cúc
    Và em gọi đó là hạnh phúc

    Còn một trong những niềm hạnh phúc nho nhỏ đầu ngày của tôi ấy à? Là mở máy lên có ngay bài mới sắc lẻm của Tư, hihi!

    ReplyDelete
  5. Anonymous9/17/2007

    Quá hay! Bạn viết văn hay thiệt, tràn đầy ý nghĩa.

    ([email protected])

    ReplyDelete
  6. Anonymous9/18/2007

    hôm nào phải rình chụp hình chị Tư đội nón bảo hiểm post lên đây làm ảnh minh họa mới được!

    ReplyDelete
  7. Đó là cái hình mà tui đẹp... trai nhất từ trước tới giờ. Ha ha.

    ReplyDelete
  8. Anonymous9/18/2007

    Mai quá đang đi vắng, đến khi trở về chắc cũng đội nồi cơm điện như ai. Mà tui có nó lâu rồi nghe. Comment lãng xẹt há. Chỉ là để đón bạn tri âm đi chơi về thôi.

    ReplyDelete
  9. Anonymous9/18/2007

    May mà viết nhằm, phải chỉnh ngay kẻo ngại quá !

    ReplyDelete
  10. Anonymous9/18/2007

    hôm qua không dưng mơ thấy tới nhà chị Tư chơi (mơ mà thấy giống y như thiệt) , thấy cái nhà gạch mới xây, nhưng cái bếp cũ kỹ giống y như trong bài "Cửa sau" của chị viết. Không phải tự động đến chơi mà được em Út của chị Tư mời mới ghê, cái cô Út đó có gương mặt và tóc ngắn giống y chang chị Tư luôn, vui vẻ niềm nở. Đang chơi tự nhiên chị Tư về, mà cái bà Tư trong mơ này tóc dài, búi lên, da đen thui mà khó chịu lắm, kêu cô Út lên nhà quở một trận vì tự tiện mời khách về nhà (chỉ mời có giới hạn chứ không đụng ai cũng mời - giống như tui - tui nghe lén được đó).. tới đây thì .. chắc ức quá nên không thèm mơ nữa hay sao mà chẳng còn nhớ gì nữa.
    Trời, có ai giải mộng giùm được không? Cũng muốn được đến thăm nhà chị Tư lắm.

    ReplyDelete
  11. Anonymous9/19/2007

    Xin lỗi chị Tư, tôi không thích bài viết này. Tôi đọc không thấy...đã, chưa đủ sâu và kết thúc theo một mô-tip cũ. Đây là trang của chị, chị có thể viết bất cứ cái gì. Nhưng nếu chị viết tạp bút mà như thế...sẽ bội thực mất, chị TƯ ơi!

    ReplyDelete
  12. Mỗi người có một cảm nhận riêng. Và nếu bạn tin vào cảm nhận của mình, bạn đừng nói xin lỗi, và đừng ái ngại.

    ReplyDelete
  13. Anonymous9/19/2007

    Bai viet cua Tu la mot mon qua, qua da. Toi von khong dam nghi den Tu nhu mot mon qua cua rieng minh, nhung neu duoc Tu lam mon qua thi cung...qua da. Hehe. Tai tinh tham lam, duoc voi doi tien vay thoi.

    ReplyDelete
  14. Nghĩ tới cái việc không hôn nhau được,không vuốt tóc nhau được,không thì thầm với nhau được quả là một tấn bi hài...Người ta điều hành nhà nước một cách rất chi là "thủ công",cái gì không giải quyết được thì bắt dân chịu.Dân phải lo cho cái mạng của mình trước khi nhờ ông nhà nước lo giùm chớ!.Để coi rồi sau cái ngày toàn dân trùng trùng,điệp điệp đội mủ bảo hiểm thì người chết vì tai nạn giao thông có giảm đi không?tôi tin là không.

    ReplyDelete
  15. Còn tôi thì tôi tin là có. Khi mình đội mũ bảo hiểm trên đầu, ít ra có chút sức nặng để mình nhớ tới việc chú ý hơn khi tham gia lưu thông trên đường.

    Có thể là nhiều ng ghét sự bất tiện của mũ bảo hiểm sẽ chuyển sang dùng các phương tiện giao thông công cộng chăng? Có thể là mọi người khi bị tắc đường, do cái ngột ngạt của mũ bảo hiểm mà sẽ tắt máy trật tự chờ đợi, ko bấm còi inh ỏi nữa chăng?

    Tôi ko thích mũ bảo hiểm, nhưng tôi nghĩ nó là cần thiết và tôi ủng hộ nó.

    ReplyDelete
  16. thật sự là rất thích bài viết này của chị! Em thích nhất là đoạn những cái bực mình khi đội nón! Và em cũng thích cái đoạn thấy buồn cười...nón có linh hồn...
    Lần đầu đọc Cánh đồng bất tận của chị, em không thích, không thích tí tẹo nào vì nó ...chua xót quá! nhưng càng ngày em càng thích văn của chị!
    Chúc chị luôn thành công!

    ReplyDelete