Oct 21, 2007

Cho buổi cafe với Ng

Nón và người


Tôi nhớ, khi ngồi ở cái quán cafe trong một tối Sài Gòn nóng nực, chúng ta nói tới những cái nón. Không phải nón vải có viền đỏ dơ èm của tôi, hay nón lưỡi trai mà bạn hay dùng để che mớ tóc hoang dã, bù xù của mình. Chúng ta nói về những cái nón ai đó cố đội cho chúng ta. Đó là những cái nón đẹp, và mỗi loại nón, có cả một hiệp hội Ai - Ai - Đó đội rồi, như một thứ đồng phục của nhóm. Như để tìm nhau, như sợ lạc nhau. Khi tự giới thiệu về mình, hay trong cách bày tỏ quan điểm về một sự kiện, Ai Đó khéo léo cho thấy, tôi thuộc nhóm đội nón tai bèo (hay nón lá, nón cao bồi rộng vành kiểu cao bồi…). Và với loại nón mà Ai Đó đang có, ngay lập tức điều chỉnh ánh nhìn của đám đông, một số thân thiện làm quen, một số bĩu môi, nguýt dài quay đi, số khác nữa vô cảm lướt qua. Cái nón, như một phương cách nhanh nhất để thấu thị tấm lòng nhau giữa xã hội bộn bề. Mỗi người được bảo đảm quyền đội nón, nhưng bi kịch cho chúng ta, hai đứa đen đúa trong quán café nhạc jazz tối ấy, là chúng ta không muốn nón. Chúng ta thú vị, thấy mới mẻ, thấy xốn xang trước những cái nón nhiều màu sắc lung linh giữa con đường mà chừng hai mươi năm trước nón chỉ có bàng bạc một màu. Nhưng đó là khi ở trên đầu Ai Đó, chúng ta không thích nó ở trên đầu mình. Bởi chúng ta không cần nón. Tóc chúng ta cần tự do, da đầu chúng ta cần thở. Nhưng hiệp hội nón lá, hay làn sóng nón cối không thích vậy, họ buộc chúng ta phải chọn một trong những cái nón đó. Họ sợ cô đơn, sợ cái nhỏ nhoi của thân phận người trước cuộc đời rối rắm. Họ biết sức mạnh của đám đông, sức mạnh khủng khiếp đã làm nên bao nhiêu cuộc cách mạng lớn. Một bữa, họ nhận chúng ta thuộc về họ, hiệp hội Nón Lá, bởi vì chúng ta viết gì đó, nói gì đó thấm đẫm tư tưởng Nón Lá, xót xa những bi kịch Nón Lá. Trong lúc chúng ta vắt óc coi mình thực sự có ý đội nón lá hay không thì làn sóng nón cối kêu lên, thằng nhỏ ấy và con bé đấy là người của chúng tôi, lý do họ đưa ra làm chúng ta ngỡ ngàng, vì chúng ta bị kẻ thù của họ tát một cái. Lý luận theo kiểu vầy, A từng đánh B, nên C bị A đánh nghĩa là B với C là một.Và chúng ta lại mất nhiều thời gian để nhận ra, nón cối cũng chẳng để làm gì giữa thời buổi này. Mắc công giữ. Mắc công thấp thỏm sợ mất. Mắc công những Ai Ai Đó thuộc hiệp hội các loại nón khác ghét bỏ, lườm nguýt, tấn công mình. Mà đời này quá chừng buồn, tìm thêm người thương chứ ai lại mong bị ghét. Cộng thêm một hệ lụy khác, là mất tự do trong cái nón của mình, cả Hội Nón Cối, được xem là những người tiên phong cho việc tìm kiếm tự do đang chẳng tự do tí nào. Khi anh quay cuồng nghĩ về tự do thì đầu óc anh đâu có tự do bởi đang bị buộc chân ăn quẩn trong hai chữ “tự do” mất rồi. Nhưng cái điều quan trọng nhất, là khi chúng ta thốt ra một câu được xem là “có vấn đề”, hoàn toàn vì hồn nhiên, vì nghĩ sao nói vậy, vô ưu vô lo. Rủi thay, nó trùng với tư tưởng của hiệp hội nón nào đó, chúng ta được tung hô, được Ai Ai Đó rùng rùng chạy lại, đội nón cho ta. Họ cần thêm người, thêm sức mạnh, thêm tự tin. Họ thấy khó chịu vì hội nón đối lập kia đông người hơn bên mình, quyền lực hơn bên mình, tiếng nói của họ có trọng lượng hơn bên mình. Từ chối một xã hội đồng phục để tìm kiếm một xã hội đồng phục khác ?!Chúng ta buộc phải chọn cô đơn, vì không thể ghi trong lý lịch đời mình một câu buồn thảm thiết, “trước khi là một cái giá treo nón tôi từng làm con người”. Vì không nỡ nhìn cái cảnh Ai Ai Đó đem nón của nhóm mình đến ta bằng một niềm hy vọng, yêu thương chia sẻ, để một ngày thất vọng não nề, trời đất ơi, sao không nói như vầy mà lại nói như vậy.Nói như vầy mà không nói như vậy là chúng ta nghĩ như vầy chứ không nghĩ như vậy, vì chúng ta đang ở trong cái tâm thế không có nón nào trên đầu. Nhưng có phải chính cái ý nghĩ đó của chúng ta đang tạo ra một thứ nón mới, trong suốt, ta đang đội nó mà có vẻ như không đội. Chỉ khi nào ta không còn nhìn thấy những cái nón, không có ý nghĩ nào, hay không có khái niệm về nón nữa, lúc đó, ta thực sự tự do.Liệu lúc đó, ta còn bạn bè không, khi vài người đã rời đi, chỉ vì bạn cảm thấy ta đang đội loại nón mà bạn không thích, hay bắt gặp ta uống nước mía ở vỉa hè với nhóm người sùng bái nón nào đó. Ngày xửa ngày xưa, chúng ta thương ai đó, nhớ ai đó vì chúng ta thấy anh chàng này (hay cô nàng này) hay hay, dễ thương, chơi được. Ngày xửa ngày xưa, chúng ta nhìn nhau bằng phần NGƯỜI, trước hết.

8 comments:

  1. Anonymous10/21/2007

    "Nhưng hiệp hội nón lá, hay làn sóng nón cối không thích vậy, họ buộc chúng ta phải chọn một trong những cái nón đó..."
    Tuyet!
    Tu khong thich doi non, co dieu, de che cho minh trong nhung ngay nang, ngay mua, va duoc tu do chon lua, Tu thich dung cai non nao?

    ReplyDelete
  2. Anonymous10/21/2007

    Nguoi ta khong the chon noi sinh ra nhung co the chon cuoc song cho minh...va cung chon cho minh cai non nao de doi, khong thich doi thi de dau tran phoi nang gio cuoc doi...ma chi Tu.
    Doi non khong phai cua minh chac se bi nhuc dau ma khong khong doi non khi di nang cung nhuc dau do chi Tu...
    Doi vui qua khong buon duoc! Vi the hay cuoi len chi Tu a.

    (Nguoi thich doc...)

    ReplyDelete
  3. Anonymous10/22/2007

    Rất hay, cảm ơn bạn!

    ReplyDelete
  4. Anonymous10/22/2007

    Chị Tư già quá trong suy nghĩ của mình rồi. Chắc không cần nói người ta cũng hiểu chị sẽ đội khăn giống bà ngoại chị như bất cứ người miền Nam nào cần che mưa nắng.

    ReplyDelete
  5. Anonymous10/22/2007

    Tu oi,
    Chuc Tu vui ve, "nhe nhang"!
    Co gi de ma phai "nang ne" dau!

    ReplyDelete
  6. Anonymous10/22/2007

    Nguyễn Khải nói : ...không phải hao tổn nhiều sức lực và thì giờ vào những chuyện không đâu, những chuyện rất vô nghĩa. Biết bỏ qua những chuyện vô nghĩa (tức là phải biết cách đứng lùi lại một chút, đứng về thì tương lai để nhìn cái hôm nay như đã thuộc của thì quá khứ), tập trung sức lực vào những công việc ấp ủ một đời của mình, những việc thuộc về lợi ích lâu dài của cộng đồng.

    ReplyDelete
  7. Thu nhat, tui rat nhe nhang. Nhung may cai hiep hoi non khong nhe nhang. Thu hai, entry nay nhu mot thong cao cua tui, thoi dung mang non den cho tui nua.

    Nhat la ban be tui, nhung nguoi ma tui yeu quy, dung vi tui noi giong cai kieu cua hiep hoi non nao do ma tung bung gian tui. Hong co dau, nhin nhau thi nhin nguoi, nhin non lam chi.

    ReplyDelete
  8. Anonymous10/23/2007

    lại thêm một cái mũ này Tư ui:
    Nguyên Ngọc nói : Mấy năm nay chúng ta đều rất thích Nguyễn Ngọc Tư. Cô ấy như một cái cây tự nhiên mọc lên giữa rừng tràm hay rừng nước Nam Bộ vậy, tươi tắn lạ thường, đem đến cho văn học một luồng gió mát rợi, tinh tế mà chân chất, chân chất mà tinh tế, đặc biệt "Nam Bộ" một cách như không, chẳng cần chút cố gắng nào cả như các tác giả Nam Bộ đi trước... Tuy nhiên, thích và phục cô gái tài năng ấy đến thế, ta vẫn thấy cô ấy về cơ bản thuộc về một cái gì đó đã cũ, một thế giới tinh thần và giá trị đã ổn định. Văn cô ấy thật trẻ, nhưng có lẽ nếu muốn xếp loại thì cũng không phải khó lắm. Đã có một thứ thang bậc tương đối ổn định để xếp cây bút này vào đó...

    Nhưng đến "Cánh đồng bất tận" gần đây của Nguyễn Ngọc Tư thì bỗng là một Nguyễn Ngọc Tư khác hẳn. Bỗng nhiên không thể xếp loại vào đâu nữa cả. Đặt vào bất cứ ô nào cũng thấy khiên cưỡng. Nghe nói tác phẩm vừa ra, lập tức đã có mấy anh đạo diễn nhanh chân tìm xuống tận Cà Mau mua bản quyền làm phim ngay: Tác phẩm quá đậm chất tiểu thuyết! Nó bày ra đấy một thế giới kỳ lạ, trong đó ai còn lẩn thẩn đi tìm, đi nói chuyện chuẩn mực giá trị gọi là "đạo đức", "đạo lý" này nọ, đều trở thành ngớ ngẩn, vô duyên, thậm chí ngu độn.

    Vậy đó thôi, một thế giới rất người, vô cùng là người, đau khổ đến tận cùng, đến mênh mang bất tận, một nổi đau nhân thế, tại ai nhỉ, chẳng tại ai cả, thậm chí kẻ nào ngớ ngẩn đi tìm thủ phạm thì đều là chẳng hiểu gì về cuộc đời này cả. Chẳng có "tiêu cực" nào hết, cũng chẳng tội ở "cơ chế" nào cả. Thế đấy thôi, cuộc đời này. Đã trót làm người thì phải chịu, biết kêu ai! Mà cũng có lẽ cuộc đời này đáng, rất đáng sống chính vì nó là như vậy đấy, hạnh phúc tận cùng ở trong đau khổ tận cùng... Có lẽ trong nhiều năm qua, ít có tác phẩm nào lại nhiều chất tiểu thuyết hơn là cái truyện ngắn này!

    ReplyDelete