Nov 11, 2007

Giá mà thở được

Ngày lo dọn nhà. Đêm ngồi viết. Tóc rụng xuống chân. Mắt bạc bóng người. Cười nửa miệng. Ăn để sống. Ngủ để tới ngày mai.

Tàu chật
Tạp văn

Tôi chọn một chỗ ngồi gần cửa sổ, vừa mát vừa có thể nhìn sông. Nhưng cơn gió ướt lạnh kéo theo giề mây sẫm lợp bầu trời tối sầm lại đã làm cuộc hành trình không còn hoàn hảo như hình dung của tôi. Tàu đi khi mưa vừa tới. Người ta đóng tất cả cửa sổ, cửa trước để tránh mưa xiên, trong tàu hầm hập hơi người, nóng rẫy, mồ hôi ai nấy đầm đìa.

Thất vọng. Bên ngoài khung cửa, cách một màn mưa, là triền sông với những xóm làng thấp thoáng sau những rặng cây. Đi lâu lâu, sẽ thấy một cái chợ nhỏ, một chòm nhà sàn cất chồm ra sông, bán những cái chum vại đựng nước, lá chầm đóp… Ánh lửa bùng lên từ một lò rèn cũ kỹ. Vài người đàn bà lúi húi vo gạo, rửa chân bên sàn nước, trẻ con ngụp lặn cạnh những bụi lục bình trôi rười rượi. Nhưng cơn mưa đã nhẫn tâm đóng sập lại, chỉ còn biết nhìn mồ hôi chảy ròng trên mặt nhau, trong thứ ánh sáng nhờ nhờ.
Ngộp thở, mà chiếc tàu thì cứ è ạch ghé đón khách hoài, người ngồi tràn ra cả ghế xúp. Ban đầu, như thói quen khi ngồi trên những chuyến xe, tàu, cái đầu mơ mộng của tôi nhảy múa. Cái chị kia chắc là giận chồng na con về nhà má, nên nom trơ trọi, buồn rượi. Người đàn bà và cậu thanh niên ngồi đằng sau dường như đang hẹn hò, dù họ cố ý ngồi như những người xa lạ nhưng ánh mắt nhìn nhau kìm nén và dịu dàng biết bao. Ông cụ xách cái giỏ tre nhốt mấy con gà ác, có phải đi cho thằng cháu nội ? Cô bé kia, dường như xa nhà lần đầu nên cứ ngó lên bờ mà nước mắt rưng rưng. Trong cái góc nhỏ của mình, rảnh rỗi tuyệt đối, cô độc tuyệt đối, tôi có chút thời gian để nhìn những phận người, cho trí tưởng tượng tôi vẽ vời, bay bỗng.

Đi được quãng đường mơ mộng tắt lịm, vì bực mình. Cứ ngó ra cửa tàu nhưng chẳng thể chặn được việc lâu lâu nó hé ra, có người bước vào. Trẻ con lủ khủ, một đứa khóc ré lên, những em bé khác cũng khóc theo. Đã vậy, mấy con vịt cũng thò đầu ra khỏi giỏ kêu lạc cạc. Một mớ âm thanh rối bời. Ai đó ca cẩm với chủ tàu, rước khách làm chi mà rước quá chừng, chật muốn nín thở luôn. Một thím đang ngồi bệt dưới sàn tàu, cầm cái nón phe phẩy quạt, nói vói xuống, “hôm qua nguyên chiếc tàu này chỉ có mình tui, ế thấy thương, bữa nay may nhờ đông khách, kệ, chịu cực chút cho hia này bù lỗ bữa trước”.

Câu nói bỗng dưng làm mát rượi con tàu. Hay vì ngoài trời đã bớt mưa, ai đó bật cửa sổ lên ? Hay vì cửa trước lại hé ra lèn thêm người nữa ? Một cô nhỏ nhắn vuốt mái tóc lấm tấm nước, ngó quanh, buộc miệng, trời ơi, đi kiểu này ai mang bầu là… đẻ luôn. Trong câu nói là cái cười hồn hậu. Có cái gì đó không hợp lý ở đây, nếu nói vậy thì có nghĩa là than vãn, cằn nhằn, đáng lẽ cô phải nhăn nhó, quạu quọ. Nhưng cô cười.

Mọi người cũng đang cười, bà mẹ cười dỗ đứa con, ông già cười vì thằng nhỏ xa lạ bên cạnh cứ ngã vào vai ông mà ngáy. Những nụ cười không vì bất tiện, nóng nực, chật chội mà bay hơi, lạt. Không còn lối đi, mỗi khi có người ngồi phía sau ghé lên bờ, xảy ra một vụ nhốn nháo, “ui da, đạp tiêu cái móng chân mới sơn của tui rồi”, “chèn đét ơi, dơ cái quần đi ăn đám cưới”, “cái bụng tui bự vầy làm sao hót lại cho ông qua ?”. Cảm giác như xem bộ phim bị lồng tiếng nhầm, bởi những gương mặt bình thản, vui vẻ kia chẳng ăn nhập gì với những câu nói mang nội dung ta thán.

Những nhà làm phim truyền hình Việt Nam chắc là hay đi những chuyến tàu như thế này nên nhân vật của họ cũng tiếng một đường, hình một nẻo. Ý nghĩ đó làm tôi buồn cười, thấy mình nhẹ nhỏm. Vì mọi người quanh tôi đang nhẹ nhỏm.

Khi mưa đã vô tình giăng kín vẻ đẹp của sông, của những xóm quê heo hút bên bờ, bất ngờ, tôi đã gặp những người thật đẹp. Họ ngồi kia, và không tắt nụ cười, không thèm khổ tâm vì đi lại cách trở, khó khăn, vì chen lấn, chật hẹp, vì nóng hay vì mưa. Họ bảo nhau cách nuôi trẻ sao cho… ú tròn, họ hỏi thăm chuyện vụ mùa, buôn bán, họ than vé tàu mắc mỏ nhưng vẫn xuề xòa, “Ừ, lúc này xăng dầu lên giá quá chừng. Thời buổi khó khăn mà…”. Có thể, suốt một đời người ta chỉ gặp nhau một lần thôi, trên chiếc tàu ọp ẹp này, và họ đã dùng quãng thời gian ít ỏi đó để chia sớt chút đời.

Tôi mở cửa sổ, trên sông vẫn còn lay phay một làn mưa mỏng. Mưa xiên vào ô cửa, tôi buộc miệng nói mưa ấm quá. Ai đó nghe thấy, cười, nói ngộ hôn, mưa mà ấm nỗi gì.

Tôi thì không nghĩ mình mắc lỗi ngữ pháp. Mưa ấm thật mà.

6 comments:

  1. Anonymous11/12/2007

    Cô Tư có khỏe không? cô vẻ bận bịu nhiều trong lúc này? Cô Tư giữ gìn sức khỏe nha...
    Tôi chỉ là 1 người xa lạ, xuất thân từ Miền Tây và đọc nhiều về Cô Tư, cũng như những bài viết của cô...
    Bảo Trọng

    ReplyDelete
  2. Cô Tư ơi: Mình bấy lâu chỉ đọc duy nhất 1 cuốn của cô, "Cánh đồng bất tận". Mình xin nối blog của cô vào blog của mình ở khoihcmc.blogspot.com để viếng thăm nhau cho tiện. Mong có dịp về Cà Mau thăm cô Tư nhé.

    ReplyDelete
  3. Anonymous11/13/2007

    Ngọc Tư ơi, mình là độc giả trung thành nhất của bạn (đã đọc hầu như tất cả TN + tạp bút của NT). Mình rất vui khi sưu tầm được blog này. Nhưng giờ đây vì cái sự có người tự ý lấy bài của bạn đem in mà NT chỉ post có nửa bài thế này thì buồn quá. Thật là con sâu làm ...thiệt thòi cho độc giả. Bài nào in ở báo nào thì bạn cũng công bố để tìm mà đọc tiếp chứ cứ ăn nửa bữa thế này thì chịu sao được

    ReplyDelete
  4. Anonymous11/14/2007

    nghe danh chị lâu rồi...nhưng em cũng chỉ mới đọc tác phẩm của chị gần đây thôi...đọc truyện của chị, em càng thấy yêu quê hương Cà Mau nhiều hơn...chắc chắn em sẽ tìm đọc nhiều hơn ^__^...em tự hào về chị lắm đó ngen...chúc chị càng có nhiều tác phẩm hay!

    ReplyDelete
  5. Anonymous11/17/2007

    Cam on Tu, da dang toan bai.

    ReplyDelete
  6. Anonymous11/19/2007

    Tui cũng cám ơn cô Tư đã đăng toàn bài. Lúc này cô Tư viết ít quá!

    ReplyDelete