Nov 29, 2007

Thương nhớ gì đâu

Của nước và gió
Tạp văn

Tôi từ giã căn nhà cũ đúng mùa nước rong. Chị tôi nói, may, nếu còn ở lại lội nước mệt xỉu. Con sông sau nhà bắt đầu đầy khi gió chướng gió Nam hui hút giành ngọn. Sóng vỗ ì oạp vào sàn nhà mỗi khi có chiếc tàu nhỏ chạy qua. Một bữa ngồi viết ba cái lăng nhăng, thòng chân xuống định đứng lên vặn vẹo người cho đỡ mỏi thì chủm, chân dầm trong nước. Sông đã lặng lẽ dời bờ vô hơn nửa… nhà. Mắc cười, tôi nhắn tin cho người bạn ở xa, “nước sông dâng tới chỗ tui ngồi viết”. Không hiểu sao tôi nghĩ tin nhắn của mình sẽ làm anh bạn chạy tới tủ sách lôi những cuốn của nhà văn Đoàn Giỏi, Sơn Nam, Nguyễn Quang Sáng… ra đọc lại, cho đỡ thèm, đỡ nhớ phương Nam.

Tôi không nhớ trong những cuốn sách đó có bao nhiêu trang, bao nhiêu câu chuyện liên quan đến con nước rong. Dường như là không có câu văn nào về dòng sông sau nhà tôi. Chảy qua thành phố với cái tên xa lạ, dòng sông nhỏ bị che khuất bởi những dãy nhà ken dày hai bên bờ, và cứ vậy, nó chảy thầm suốt một mùa mưa. Người ta sống trên nó, rửa chân và vất rác lên nó nhưng quên lãng nó. Và một buổi sáng mở cửa sau, sông bỗng tràn đầy trong mắt.

Sự trở lại lẫm liệt và rực rở tới mức người ta phải kêu lên, trời đất ơi, nước rong. Nước tràn trên những con đường trong thành phố. Tôi lâu không ngước nhìn trăng bỗng gặp trăng sóng sánh dưới chân mình. Chị tôi kê tủ giày, thùng gạo, mấy vật dụng bằng sắt lên cao, sóng đánh vói theo. Hết rằm, con nước tự bò ra khỏi nhà, nhưng vẫn đầy lấp ló. Tôi quét nhà, trong mấy hốc kẹt còn sót lại nhiều rác rưởi, cùng những trái mắm, trái đước lên mầm. Tôi thả chúng vào sông, hơi lo, với mớ rễ đã khô se, chúng có đủ sức sống để mọc lên ở một bãi bùn xa xôi nào. Và trên những con sông gần biển, lũ cá dứa chắc không còn nhiều nữa, nên những trái mắm mới trôi dạt đến nơi này.

Hơn hai phần ba số lượng những con sông của Cà Mau không có lục bình. Chúng chỉ mang những trái mắm, hay đước, vẹt, bẹ dừa nước, lưỡi mèo phèn… trong lòng nước ngầu đục phù sa của mình. Những lúc thôi nhìn chữ nghĩa, ra ngó sông, thấy trái dừa chuột khoét lừng lửng trôi ngang qua, tôi vui như gặp bạn cũ. Nước càng đầy thì cuộc trôi giạt càng đông đúc, là những trái mắm như trái tim sắp vỡ ra từng lớp, là cái bắp chuối đỏ, là những bông tra vàng, trái quao cong... Cái đầu mơ mộng của tôi nghĩ tụi nó đang nói với nhau, nước rong tính ra chợ sống, nhưng kiếm không ra cục sình cắm rễ, thôi về. Chúng không dừng lại. Cuộc diễu hành của sự sống đồng bãi như vô tận, như không bao giờ chấm dứt.

Và không có gì ngăn chặn được những cuộc trôi đi khi mà gió chướng càng thổi sâu vào mùa, nước càng đầy. Sông vào những ngôi nhà ven sông đòi lại đôi bờ đã bị con người xâm chiếm. Rác của con người vất xuống, sông thản nhiên trả lại cho người. Nhưng trong sông vẫn còn sự tử tế, thay vì dâng lên nhà người cái dòng chảy ô nhiểm đen ngòm, sông liếm láp đôi chân tôi bằng thứ nước lợn cợn phù sa.

Nhưng vào cái mùa sông đẹp nhất, tôi chuyển nhà đi. Giờ thì mở cửa sau không còn mênh mông nước, dù tối ra đường vẫn xẻ trăng dưới bánh xe lăn. Tôi nhìn gió. Gió trong suốt vô hình. Nhưng có thể nhìn thấy chúng trên bãi lau sậy bát ngát sau nhà. Sậy đang mùa bạc đầu, tôi vẫn thường cầm trái ổi ngồi nhai chèm chẹp trong khi bông sậy già bị gió thổi bay lả tả chung quanh. Bông sậy li ti, phải nhìn qua tia nắng xiên mới thấy chúng bồng bềnh, nhẹ nhỏm, chênh chao giữa không trung. Ngồi nhìn cái chậu rửa chén váng bông sậy trên mặt, thấy bình an đến nỗi không dám nhúng tay vào.

Chỗ bãi sậy người ta định xây trường mẫu giáo. Nhưng trẻ con chưa thấy đã hoa cỏ mọc đầy. Gió chướng được một chỗ chạy chơi, với tất cả sự hoang dã và mơ mộng của mình. Ở đâu đó, các con sông đang trình diễn cuộc nổi trôi thì gió cũng trình diễn cơn phiêu bạt. Mang trong mình sự cám dỗ mang mùi đất, gió thổi làm bông sậy lay lắt, bông tràm chút bay chút đậu, và những hạt cỏ đã khô se trên ngọn cũng lăn đi. Không biết chúng sẽ theo gió tới tận đâu, tôi bỏ chữ một bên ra nhìn, và lại hỏi thầm.

Nhưng để được trọn vẹn lời đáp những hoa cỏ đã đậu lại ở đâu, đã chết khô hay nảy mầm sống mãnh liệt, chỉ có gió chướng mới biết. Tôi chỉ có một phần của câu trả lời khi mưa xuống trên bãi cỏ hoang. Lau sậy đã loang ra xa. Có vài cây lứt mọc sát bìa rào, và một bữa nào tôi đi công tác về, chợt nhìn giữa xanh cỏ dại là tím biếc của hoa mua.

Nhìn hoa, bỗng nhớ lại mùa trôi giạt trên dòng sông cũ. Những trái mắm héo queo ở góc nhà khi về với đồng bãi, biết đâu đã sống đàng hoàng, xanh lá.

Tôi lại nhắn tin cho người bạn xa mấy câu thơ của nhà thơ Đinh Trầm Ca “Bèo bữa trước vì sông mà trôi giạt. Chợ chở hoa về rợp bóng quê nhà. Thì sá gì cuộc nổi trôi ta”. Bạn nói, bao giờ gió chướng thì cho hay, bạn về.

Thì đây, bây giờ đây. Mùa của cuộc rong chơi. Mùa đi.

3 comments:

  1. Chị Tư viết hay ghê! Đọc rồi thích lắm, vì có nhiều hình ảnh trong bài viết của chị mà em tưởng tượng được lắm, dù là em hổng có sinh ra ở quê hương Cà Mau, nhưng mà vẫn tưởng ra được cái hình ảnh đó!

    ReplyDelete
  2. Anonymous12/03/2007

    Nhớ quê, nhớ tuổi thơ quá... chị Tư à! Gió chướng, nước rong...
    Cám ơn chị.

    Tinh Không (Người thích đọc...)

    ReplyDelete
  3. Anonymous12/12/2007

    tôi không muốn viết gì, muốn có một cái mặt cười đặng cười hết sức với bạn, bạn thương

    ReplyDelete