Oct 5, 2008

Lòng tốt, lòng tin và… lòng vòng

(Như một lời xin lỗi đến các anh Châm, Sen, Vi, Lượm...)


Một bạn đọc có nhã ý giúp đỡ sau khi đọc bài về gia đình nghèo có bảy nạn nhân tật nguyền ở Năm Căn. Bạn nói bạn muốn tặng họ một số tiền không nhỏ. Mình mừng quá, bảo vậy anh chuyển tiền vào tài khoản này, của cơ quan Hội này... Anh gạt ngang, thôi, nếu thế thì không giúp nữa.

Gì kỳ vậy ? Liên quan tới nhà nước thì vòng vo, chậm lụt, hao hụt lắm, anh bảo. Mình không cãi vì không thể cãi. Những vụ bê bối liên quan đến tiền cứu trợ thiên tai đã từng diễn ra khá nhiều năm, làm tổn thương đến lòng tin của anh. Mà mỗi khi nhận được thông báo của cơ quan bảo là tháng này trừ hai ngày lương ủng hộ cho bà con bị lũ, bão ở X, ở Y, thì mình cũng nghĩ ngay, chẳng biết có tới được tay người bị nạn hay không nữa...

Khi viết về những mảnh đời ngiệt ngã, bất hạnh, cần được giúp đỡ, mình chỉ đau đáu, mong bạn đọc thấu cảm mà giúp họ. Nhưng mình quên đi một chuyện quan trọng khác, đó là giúp bằng cách nào. Lặn lội dúi tiền vào tay họ, không có nghĩa là không bất trắc. Lần đi tới nhà cô dâu Huỳnh Mai bị chồng Hàn sát hại, dưới cái mái nhà rách cất tạm bợ trên đất người khác, là ti vi, đầu đĩa, tủ bàn sáng choang. Trên cổ và tay mẹ Mai lấp lánh ánh vàng. Tiền của những bạn đọc tốt bụng và giàu lòng thương cảm đã được dùng vào những việc không thiết thực. Thay vì mua mảnh đất để ở và canh tác, thay vì lợp sửa lại mái nhà, thay vì đưa hai đứa em Mai đi học một nghề gì đó ổn định hơn là mò cua bắt cá…

Hôm đó, mình trực tiếp mang số tiền khá lớn đến ba mẹ Mai, nhưng vẫn bất an. Bất an như thấy nhiều người nhận tiền từ quỹ “vì người nghèo” để đi mua… điện thoại di dộng, hay ti vi, hoặc sắm mấy món trang sức đeo chơi. Bất an như khi tình cờ gặp vài gia đình ung dung ngồi... uống rượu, chơi bài trong lúc chờ dọn vào căn nhà tình thương do nhà nước hỗ trợ cất cho.

Lòng tốt những lúc ấy bị tổn thương theo tỷ lệ thuận với lòng tin. Dù bằng cách nào, trực tiếp hay gián tiếp, thì rủi ro vẫn chực chờ, khi gửi chút lòng mình đến với người. 

Mình cũng có lần lăng xăng đi làm trung gian xin cho quê mình mấy cây cầu nông thôn. Mấy anh tài trợ có lòng tốt, nhưng tất nhiên, lòng tin thì cũng ít như nhân dân mình tin ngày càng ít. Các anh bảo các anh chỉ tin mình. Vì lẽ đó mình thấy hăng hái lắm, có điều, việc không đơn giản như cầm tiền đi chợ mua cây cầu về… lắp ráp. Phải có định vị, bản vẽ kỹ thuật, phải giám sát thi công, phải hợp đồng trách nhiệm… Đó không phải là chuyện một cá nhân thơ thẩn và ngơ ngác làm được, mình chọn cách đứng giữa, chạy đi chạy lại giữa anh đầu tư và một tổ chức chuyên bắc cầu. Mình nhận lòng tin của bên này và rót về bên kia. Lâu lâu nghe hỏi, “cầu xây đã xong chưa…?”, mà thót ruột, dường như đã quá ngày hẹn lâu rồi.. Mọi việc cứ chậm rãi cho tới ngày mình nhận tin và hớn hở chuyền tin đi, “cầu xây xong đã lâu không thấy người về đưa dâu…”(*). Mấy anh tài trợ tổ chức một chuyến đi hơn ba trăm cây số xuống, chạy lòng vòng bao nhiêu kinh rạch, ngang qua chỗ “cầu mình kìa…” thì chỉ thấy mấy cái cọc bê tông mọc giữa sông. Cũng may có một cây “cầu mình kìa” đã xong, nhưng đứng bên dòng xe cộ qua lại, mình thấy hào hứng đã bị hao khuyết ít nhiều, bởi đường bai của anh thợ quá cẩu thả, bởi màu sơn nguệch ngoạc, bởi những chi tiết thiếu mượt mà… 

Mình mắc cỡ với những người đã tin mình. Thấy buồn. Hôm trước còn nghĩ, xong mấy cây này, mình rao trên blog, mấy web bạn bè xin tiền làm thêm mấy cây nữa. Dân không cần những cuộc họp hành vô nghĩa, vậy thì đi làm cầu. Nhưng bây giờ thì mình nản lòng, chẳng muốn làm gì bởi không còn đủ tin. 

Hình như, khi mình cho người hành khất ít tiền, cho đứa bé ở bãi rác vài tấm áo, viết lên những thân phận đang ngụp lặn trong quên lãng và nghèo khó… là mình tặng chính mình một lời an ủi nhỏ, rịt thuốc cho lương tâm, một kiểu chữa thẹn, để đỡ áy náy vì sự sung sướng no đủ này. May, thì giúp được cho đời vài bữa cơm no trước mắt, chứ không dám tin, với tấm lòng này sẽ thay đổi một cuộc đời, một số phận… 

Nên có những người vẫn loay hoay không biết trao tấm lòng của mình đi bằng cách nào, cách nào thì thiết thực và ít bị tổn thương nhất, ít bất trắc nhất, để mà còn có lần sau…

Chúng ta có lòng tốt, nhưng vì thiếu lòng tin nên mọi chuyện vẫn... lòng vòng. Những em bé này sẽ chờ đến bao lâu nữa ???!!!

13 comments:

  1. Anonymous10/05/2008

    Có một người phụ nữ bước vào nhà thờ Ðức Bà để cầu nguyện. Bà vừa khóc vừa cầu nguyện với Chúa rằng: - Chúa ơi, gia đình con đang gặp khó khăn, xin Chúa cho con 200 ngàn về mua gạo cho gia đình. Trong khi bà đang cầu nguyện thì có 1 ông cán bộ đi ngang qua, nghe thấy bèn rút trong túi ra 1 tờ 100 ngàn đặt cạnh người phụ nữ kèm theo 1 tờ giấy đề: - Tiền này là của Ðảng và Nhà nước cho chứ không phải của Chúa. Khi mở mắt ra, nhìn thấy tờ 100 ngàn đồng, không những người phụ nữ không mừng rỡ mà còn khóc to hơn: - Hu hu, Chúa ơi, mai mốt Chúa có cho tiền con thì đưa trực tiếp cho con, chứ đừng đưa qua Ðảng và Nhà nước

    ReplyDelete
  2. Anonymous10/05/2008

    sure, why not!

    ReplyDelete
  3. Anonymous10/05/2008

    Một chuyện nhỏ như vậy Tư sẽ thấy rằng không phải cứ muốn là được. Trên có muốn, có rót tiền mà không giám sát thì cũng làm sai, làm mất lòng tin.
    Do đó chỉ nhìn cái bé đó mà suy ra cái lớn hơn. Không phải cứ bám lấy cái bé đó mà quy hẳn ra cái lớn.
    Tư có thể thất vọng, nhưng người tài trợ có thể mất lòng tin bởi vì Tư đã không giám sát, họ có thể nghi ngờ đủ thứ.
    Giá kể Tư hỏi han, ngó qua xem thực hư thế nào có hay hơn nghe báo cáo không.

    ReplyDelete
  4. Anonymous10/05/2008

    Cô Tư ơi,
    không có gì phải mắc cở với mấy anh tài trợ. Ngược lại mấy anh nầy phải cám ơn Tư mới đúng. Tư bỏ nhiều thì giờ để giao tiếp lo việc xây cầu. Có Ngọc Tư thì mới có cầu “Kinh Xáng Cùng” ở thị xã Sông Đốc. Có Ngọc tư thì các anh tài trợ mới có điều kiện đóng góp một ít phương tiện và nhất là tấm lòng của mình với bà con trong nước.
    Ai có đi đến kinh Hoạ Đồ, nơi hai cây cầu đang thi công, sẽ thấy có rất nhiều cầu khỉ, được bắt tạm bợ qua sông, trong số đó có nhiều cây bị nghiêng hay bị sụp, nhưng dân ở đây còn nghèo, chưa có điều kiện sửa chữa. Để đưa mấy mươi em bé qua sông đến trường học người ta chỉ có 1 cái xuồng nhỏ duy nhứt, không đủ. Nhiều em sợ trễ giờ học, lội đại qua sông; lúc nước ròng thì không sao, nhưng khi nước lớn sẽ rất nguy hiểm.
    Nếu Tư mất lòng tin hay buồn rồi không kêu gọi bạn bè xây thêm cầu hay không chịu tiếp tục giúp mấy anh tài trợ tạo điều kiện xây cầu cho mấy em học sinh đến trường thì
    Những em bé này sẽ chờ đến bao lâu nữa ???!!!
    đây ???
    TQSen

    ReplyDelete
  5. Anonymous10/08/2008

    TQSen có phải là Trang Quang Sen, tiến sĩ?
    Nếu đúng, thì rất cám ơn anh vì, anh đã nói thay cho nhiều người đã động viên Tư tiếp tục xốc tới làm công việc "kêu gọi và tiếp nhận đầu tư" này.
    Mong rằng nhiều ngưởi không "hằng sản" nhưng "hằng tâm" ghé lưng chia sẽ gánh nặng này với Tư.
    Mong lắm thay!

    4 SG

    ReplyDelete
  6. Anonymous10/09/2008

    Co Tu oi,

    Cai cau co the khong dep, khong dat tieu chuan quoc te, nhung it ra con co cay cau.

    Voi nguoi nha giau thi neu co con ruoi rot ro to canh. Ho se do to canh di vi mat ve sinh.

    Voi nguoi ngheo nhu minh, thi vot con ruoi ra roi an tiep. Minh dau co do to canh.

    Chang le 80 trieu nguoi VN minh, khong co mot nguoi "tu te" ha Co Tu?
    Nen Co Tu dung buon long. Dung vi con ruoi ma do to canh nha Co Tu

    ReplyDelete
  7. cám ơn chị vì bài này. nó thực sự làm em ngộ ra rất nhiều điều chị à. em không bao giờ góp tiền thông qua một tổ chức để giúp đỡ người khác cả, hoặc giả có thì em cũng chỉ là bị ép buộc, tại vì em không tin là số tiền của em có thể vào tay vào bụng người cần nhận, hay vào bụng những người chuyển tiền. em cũng hiếm khi cho những đứa trẻ hay những người đi xin tiền, vì em nghĩ cuối cùng số tiền đó cũng chỉ để vỗ béo bọn chăn dắt chứ chẳng giúp ích gì cho họ. Nhưng có lẽ em đã sai... Em cảm thấy mọi thứ quá rắc rối để suy nghĩ và cố gắng giải quyết cho đúng lẽ phải. Thôi thì, ... Thôi thì em sẽ theo cái suy nghĩ đầu tiên của mình, không nghĩ sâu xa nữa. Hồn nhiên và tin tưởng như một đứa trẻ thôi. như vậy liệu có tốt hơn không chị?

    ReplyDelete
  8. Anonymous10/11/2008

    Không nên cho tiền đối với người chỉ ngửa tay xin - trừ người đó còn quá nhỏ hoặc tật nguyền để không thể làm được gì. Ai cũng phải tự làm mà ăn.
    Người dân miền Tây kể có tính cũng lạ: Làm bao nhiêu, ăn từng đó, nhậu từng đó, có nghĩ đến tự xây những cây cầu hay là chờ nguời hảo tâm?
    Nếu Tư là người thương họ, hãy bảo họ tự góp tiền xây, không cầu to thì cầu nhỏ, tự họ làm, tự giám sát là tốt nhất.
    Người hảo tâm thì cho nhau cái nghề, cho nhau cái suy nghĩ cách làm ăn, cách suy nghĩ về những gì thực tế để sống, chứ không thể bố thí mãi sự lười biếng được. Đó là những suy nghĩ nhỏ hẹp, bao giờ mới thoát đuợc đói nghèo hả nguời nông dân?

    ReplyDelete
  9. Anonymous10/11/2008

    bai nay cua chi qua hay. Ai ma cung nghi la minh cho tien se bi hao hut roi ko cho nua, thi roi ai se giup nhung nguoi can giup. Phai chong lai chuyen hao hut, nhung cung ko co nghia la vi no ma xoa sach ket qua mang lai.

    ReplyDelete
  10. Uhm. Chuyện mỗi người có 1 tấm lòng thì đáng quý, nhưng cuộc sống cũng rất nhiều thực tế khác nhau. Tôi cũng như nhiều người ở cơ quan, rất mất lòng tin vào chuyện quyên góp qua các tổ chức. Nhưng trong sự việc sập cầu Cần Thơ, Cơ quan tôi tự quyên góp và tự đi đến nơi thăm hỏi, đến tận nhà nhà gửi quà (tiền) theo danh sách địa phương cung cấp, thì cũng chứng kiến nhiều sự thật như chị Tư kể trong bài trên. Có lẽ đây là bài toán khó và rất vĩ mô. Tôi thấy càng ngày có nhiều chương trình quyên góp, quỹ ủng hộ, chương trình tình thương, . . . và cũng càng ngày, số người (hộ gia đình) cần giúp đỡ, ủng hộ, tài trợ ngày càng nhiều.
    Có lẽ, cứ chương trình, quỹ ủng hộ như thế không ổn lắm về mặt lâu dài.

    ReplyDelete
  11. Anonymous10/13/2008

    cái vụ bà mẹ có con mất mà đeo vàng đỏ tay thiệt tình nghe mà boxtay luôn!
    Hồi cty có công trình làm ở miền tay, thuê nhân công tại chỗ, anh cai công trường về kể: trời ơi tui thấy thợ nó nghèo, nó ăn cơm trưa với nửa cái hột vịt thôi, việc thì đang gấp nên hết ngày tui nói nó ở lại phụ chuyển vật liệu tui trả tiền thêm, nó nói làm nhiêu đó đủ sống roài,chiều là mắc zìa zí zợ hông cần thêm tiền...tui dân miền Tây mà tui còn boxtay với mí cái người ko biết cầu tiến kiểu đó! Tức
    BB

    ReplyDelete
  12. Theo tôi, giờ chị đã là người nổi tiếng (dù muốn hay ko thì sự cũng đã rồi ^_^ ) nên việc xin tài trợ có lẽ trở lên dễ dàng hơn. dù có khó khăn trong việc thực thi, nhưng tôi mong rằng chị cứ tiếp tục làm. Dù cây cầu làm xong không được như ý muốn nhưng có còn hơn không, làm vài cái nữa chắc quen rồi tốt hơn thôi ^_~ . Chị có lòng làm còn chưa được như ý, không biết những tổ chức khác khi đi làm từ thiện sẽ ra sao! Nghĩ mà buồn!

    ReplyDelete