Jan 3, 2009

Thềm nắng sau lưng...

Thềm nắng sau lưng
“người ra đi đầu không ngoảnh lại…”
Truyện ngắn : Nguyễn Ngọc Tư


Ngày đầu tiên tới trường, Bằng lếch thếch quay về nhà với mớ sách vở ướt mèm, bộ đồ bê bết sình đất, bà ngoại kêu trời, nói, “tại thằng cha mầy không nên thân…”. Bằng nói không phải, do đường trơn, bữa qua mưa lớn quá.

Bằng mười tuổi, đi đào bắt chuột với mấy đứa nhỏ trong xóm, bị tụi nó vô tình xắn lưỡi dá vào cổ tay, máu chảy tràn, bà ngoại kêu trời, nói, “thằng cha mầy thiệt là bất nhân…”. Bằng nói, tại thằng Kẹo tưởng đâu tay con là con chuột…

Bằng mười sáu tuổi, đi đốn so đũa làm củi chụm, búa trật vào bàn chân làm đứt phăng một ngón, ngoại đấm ngực kêu trời, “ông trời ngó xuống coi, thằng cha bây có phải là người không ?”. Bằng nói, tại con mài cây búa bén quá.

Giờ thì Bằng đã hai mươi hai tuổi, trên người thẹo vết không đếm hết. Ngoại Bằng nói cha cậu phải chịu trách nhiệm về tất cả nỗi đau này. Nhưng không có vết nào là do chính tay cha Bằng gây ra, nên cậu vẫn chưa thể oán hận ông như bà ngoại và má mong muốn. Đôi lúc cậu thấy buồn, vì mình đã làm họ thất vọng, đôi lần.

Hôm Bằng ra đời, má đã thất vọng rã người, khi phải đẻ rớt cậu trên xuồng, giữa đường tới trạm xá. Xanh xao và mất máu, má cũng kịp thở dài, “nhà đã có một người đẻ trôi nổi rồi, chưa đủ sao ?”. Người “đẻ trôi nổi” là ba cậu, lúc đó đang đi theo máy cày bên Đồng Ông Lớn. Ba Bằng về thì con trai gần đầy tháng, ba rón rén nhìn đứa trẻ được gói ngo ngoe trong chiếu, phì cười, “trời, ngộ quá hen, dài ngoằng vầy mà sao nằm khoanh trong bụng con người ta được vậy ?”. Bằng chỉ nghe kể lại, ngay cả vụ ba bồng cậu đi chơi bên xóm, về tới nhà trên tay chỉ còn mấy tấm khăn áo bọc ngoài, cậu thì rơi tuột xuống đống rơm bên đường… Mới bốn tháng tuổi, Bằng chưa có ký ức, nên cũng không nhớ là đã đau và đã khóc ra sao, nên cũng không thể giận ông vì cái lỗi lơ đễnh đó.

Người lớn thì giận. Có lần đi mượn gạo về, má Bằng vấp chân vô cái rễ cây, ngay lập tức má rút chiếc dép ra đập cái cây điên dại, mếu máo “anh khốn nạn, khốn nạn lắm…”. Bữa sau ba cậu mới cặp xuồng vô bến, mặt mũi, áo tóc nhàu nhò. Ông chở mười mấy giạ lúa ra tới nhà máy chà, gặp thằng bạn đi qua, bạn rủ đi chợ nhậu chơi, ông gật đầu. Ở chợ ông gặp vài người bạn nữa, họ rủ ở lại mai về, ông lại gật đầu. Lúc về chiếc xuồng trống không, ba cậu bán lúa đi chơi hết tiền. Má Bằng nằm day mặt vô vách, mắt mở trừng trừng mà nước mắt cứ tuôn ra. Ông nhón chân trên nền nhà ướt bọp bẹp, kéo tay thằng con, thôi, hai ba con mình ra vườn chơi.

Vườn nhỏ, nhưng rất dài, liếp nối liếp tiếp giáp với cánh đồng mênh mông đằng xa. Ba Bằng thường trốn ra đây mỗi khi làm vợ giận. Gác sẵn mấy cây cần câu ngoài vườn, ông ngồi câu cá trong khi chờ má Bằng nguôi ngoai. Ông sợ nước mắt. Bằng tha thủi chơi gần đó. Có lúc ông gọi giật giọng, “Bằng, tàu đò Rạng Đông lên tới đầu doi kìa…”. Chuyện tàu qua làm ông dợm đứng lên, xao xuyến, dù ông chẳng định đi đâu hết. Có lúc chờ cá cắn câu, thì con chim tu hú kêu, ông cũng cất tiếng kêu. Tu hú tưởng tiếng đồng loại bèn đáp lời, vậy là hai bên cứ rượt đuổi, quấn quýt, buộc vào nhau không rời, không dứt. Cho tới mệt ngất ngư, cho tới chạng vạng, con tu hú chắc cũng thở dốc ở đâu đó trong lùm tre, ba Bằng mới chịu xách mấy con cá vô nhà, với vẻ mặt hớn hở và ngây ngất, quên mất mình đã gây ra chuyện tày đình gì.

Sau này, khi ba Bằng đi rồi, cậu vẫn nhớ những buổi chiều tiếng tu hú vờn nhau, đuổi bắt, mơn trớn, dìu dặt trong vườn. Có bữa bơi xuồng qua nhà ngoại chở nước mưa, trên đường về nghe bìm bịp kêu thâm u trong bờ dừa nước, cậu cũng bắc chước kêu bịp bịp. Cả khúc sông nhói ran. Bà mẹ đợi lâu quá lội bộ đi kiếm, thấy thằng con đang thả xuồng trôi dập dềnh bên những chùm gọng, đang nói tiếng chim giữa chơi vơi nước lớn. Bữa đó Bằng bị trận đòn tơi tả, má vừa đánh vừa khóc, “thằng cha đã không nên thân rồi, giờ tới thằng con, chừng nào mầy bỏ má mà đi, hả ?”.

Không, Bằng kêu trong lòng, con không bỏ má. Ba Bằng nói, nhà có một người giang hồ là đủ khổ rồi. Hôm đó ông vừa nói vừa vò đầu cậu. Hai ba con ngồi ở bên hè, má cậu đã lạnh lùng bơi xuồng qua nhà ngoại, chắc là qua đó nằm khóc. Bữa đó ba cậu mới về, sau chuyến vắng nhà ngót nửa năm. Ba ngó nghiêng vô bồ lúa, hỏi :

- Nhà mình lúc này sao ?

- Cũng vậy. Lúa đủ ăn.

- Má con sao ?

- Cũng vậy. Có mấy người tới, má lấy chổi quét dạt ra đường. Má nói thấy đàn ông mắc chán.

- Trời, giờ nói vậy, mai mốt kiếm không ra à.

- Thì đó… con cũng nói vậy.

Bằng nói với ba như với ông khách mới tới nhà, như người quen lâu lâu mới gặp. Cậu ta lẻo đẻo đi đằng sau bước chân bỡ ngỡ của khách, lâu lâu lại nhắc “ba, coi chừng đụng đầu. Cái chái này con mới lợp lại…”. Cuối ngày thì ba cậu đón tàu đi. Bằng hỏi, lúc này nhà ba ở đâu. Ông cười nhỏ, vò đầu cậu :

- Nhà ba ở chỗ có người ba thương.

Bằng lại hỏi :

- Cái người tên Hường ca hay ba kể hôm trước hả ?

Ba cậu cười, nửa ngượng ngiụ nửa sung sướng, cánh mũi phập phồng, thôi rồi, ba đang thương cô Năm Phượng trồng khóm bên Xóm Rẫy. Cô này lớn hơn ba năm tuổi, mà trẻ măng. Bằng ờ ờ, ngó chiếc tàu đò vừa ló cái mũi qua doi trâm bầu, nói vội :

- Chừng nào rảnh ba dẫn con đi theo chơi ít bữa.

Ba vò đầu cậu lần nữa, và nói cái câu chìm sâu trong vũng ngậm ngùi, rằng nhà mình chỉ nên có một người giang hồ thôi. Bằng nén thở dài, thấy trùng trình nhìn tàu đi.

Hai mươi hai tuổi Bằng vẫn hay bợ cột nhà, mỗi khi tàu đò qua. Như thể cậu đang níu, đang vịn chính mình ở lại. Những chiếc tàu nối đầu ghềnh cuối bãi, đi tới những chân trời xa xôi, tươi mới. Cậu muốn vẫy tay, để cùng chiếc tàu xé đôi cái viền sông xanh rợp những lùm cây hoang dại, chui ra khỏi cái chốn quê này. Nhưng chút nữa Bằng phải qua nhà má đốn cây, chẻ lá để vài ngày tới lợp rạp. Hiên, con gái của dượng sắp lấy chồng.

Hiên bằng nhỏ hơn Bằng một tuổi, đó là đứa con gái hay mủi lòng. Có lần ngoại chiên bánh xèo, sai Bằng đem qua nhà má, gặp Hiên, Bằng nói, ngoại tao cho ba mày bánh. Con Hiên tự nhiên khóc mướt, nó mếu máo nói sao mà anh Hai nói chuyện nghe xa lạ quá chừng. Nó cũng cho rằng việc học hành dang dở, hay những thương tích trên người Bằng là do Bằng không có người cha tử tế. Bằng chỉ cười, gãi gãi cái đầu gối.

Có đôi lúc Bằng thấy đời mình hơi buồn. Bằng cố gắng giận ba về cái việc ông giang hồ ham chơi. Nó cố gắng giận má việc bà đi bước nữa với dượng Tư Thuần. Nhưng giận dữ và day dứt lại làm Bằng thấy buồn hơn. Quên bỏ thì thấy nhẹ nhỏm, hớn hở. Cảm thấy nhiều chuyện hồi nhỏ trong lòng mình vẫn nhớ, nên không gọi là mất. Và nhiều thứ mình chưa kịp có, càng không thể gọi là mất.

Hiên, Bằng không tính là mình đã có. Đứa em này từ trên trời rơi xuống, chưa sống chung nhà một ngày, vài ba bữa gặp nhau một lần, nói vài ba câu. Hiên hay khóc quá, Bằng cũng sợ, vì không biết trước được con nhỏ sẽ sụt sùi lúc nào. Hỏi má tao đâu Hiên cũng khóc. Hỏi bên nhà mầy ăn cơm chiều chưa, Hiên cũng khóc. Hôm nghe tin đám gã sẽ tổ chức vào rằm tháng chín này, Bằng ngồi tra cái cán dao, nói, “mừng quá, bữa đó tao được ăn ngon…”. Con Hiên khóc tức khóc tưởi như Bằng vừa mới đánh nó. Bằng sợ nước mắt như ngày xưa ba nó sợ nước mắt má nó, nên bỏ ra vườn, chọc ghẹo con tu hú, chim vừa kêu vừa bay, Bằng vừa kêu vừa đi, theo hết chín mảnh vườn, băng qua chín hào ranh, mệt đứt hơi. Lúc quay vô nhà con Hiên vẫn còn thút thít. Từ bữa đó, nó không nhìn Bằng nữa.

Bằng cũng không lấy đó làm chuyện buồn lòng, cậu bận tối mắt mũi. Lúc thì kéo cá dưới ao, lúc thì chạy xuồng đi mua nước đá, lúc chở má đi chợ… Đôi khi bỗng nghĩ, khi nào mình cưới, chắc ba sẽ về. Ông sẽ xớ rớ ngồi bên mép ghế, tay mân mê mép bàn, sượng sùng nhìn quanh. Bằng sẽ ra cầm khách, mời ba ăn bánh, hay ba ăn thêm chén cơm nữa, đừng có ngại. Bằng hình dung, má cậu sẽ giả vờ lạnh lẽo lướt qua người đàn ông năm xưa là chồng mình, bà không thể lấy chổi chà quét đuổi vì đó là ngày cưới. Bằng cưới, thí dụ vậy. Có điều, lúc đó Bằng sẽ không biết ông ở đâu mà nhắn tin. Năm ngoái chạy chiếc ghe chở than đước qua khúc sông Láng Cháo này, ông thập thò ghé thăm Bằng. Bà ngoại mắt đã mờ, cũng không biết ai ghé nhà, nhưng nghe cất tiếng hỏi “má khỏe không ?” là cằn nhằn ở đâu lổn nhổn bò ra. Ba Bằng cười hề hề, kéo tay thằng con ra sông ngồi nói chuyện chơi. Bằng không còn hỏi lúc này ba ở chỗ nào, tự thấy chiếc ghe mui vuông đậu đằng kia là nhà ông, nơi thấp thoáng một tà áo đỏ lúi húi vào ra.

Hôm đó, ba rờ nắn dái Bằng, hỏi :

- Ê, muốn vợ chưa mậy ?

- Muốn hồi mười lăm mười sáu tuổi rồi, ông ơi ! – Cậu nghe cái đó nhộn nhạo chạo chực trong bàn tay mềm mại của ông.

- Trễ vậy ? Hồi đó tao mười hai tuổi là thấy gái biết ham - Ông cười vang. Rồi rất cố gắng, vừa sửa cái bâu áo lại, ông vừa nói với giọng nghiêm túc - - Chừng nào cưới vợ ba lo cho một cây vàng.

Bằng cười, tự biết lời hứa này không nên chờ đợi. Người cha cũng tẽn tò, bẻ nhánh cây xoi xoi trên mặt đất. Bằng biết ông nghèo bộng ruột. Nghèo mà không áy náy hay lo lắng chuyện mình nghèo. Hồi đi theo máy cày, nửa tháng ăn sương ngủ gió trên đồng, lúc về nhà chỉ có nhúm tiền con con, má Bằng thở dài, “trên đời dưới thế chỉ có mình anh, gặp bạn bè là quên phứt vợ con…”. Ba Bằng gãi đầu, cười hệch, ừa, sao kỳ quá, anh tính ghé tiệm tạp hóa mua cho con lon sữa với mấy ký đường, gặp thằng bạn cũ, nó rủ ngồi lai rai chơi. Bữa sau tính về, bạn kéo đi đám cưới cháu vợ nó, đờn ca vui quá…” Và trong đám người vui chơi ca hát đó có người đàn bà tên Hường, chuyện đó thì ba cậu không kể.

Khi nhớ về người cha trôi giạt, Bằng luôn trong vai một người đứng bên lề, nghiêng ngó. Dù khi ông rượt theo con tu hú, cậu cũng ở đó, nhưng lại thấy mình rời ra. Chỉ mình người cha với cuộc chơi tùy hứng và bất tận của ông. Bằng nhận ra điều đó khi thả chiếc xuồng chở đầy nước mưa trôi theo tiếng kêu buồn trĩu của con bìm bịp, trong Bằng không còn thời gian, bờ bến, thế giới không còn người, đến chính Bằng cũng không còn. Sau đó má Bằng xuất hiện, cái nón lá chấp chới trong tay, đứng réo Bằng ơi Bằng, mới xua tan được khoảng sương mù mịt.

Sau lần đó má càng ân hận hơn vì đã đẻ Bằng trên xuồng. Bằng thấy áy náy, nên cố gắng làm cho má tin trận đòn dữ dội kia đã làm cậu thay đổi. Biết má luôn dõi theo mình với tất cả hy vọng và thất vọng, giữa bữa cơm Bằng không bao giờ ngừng đũa dù khi ấy tàu đò qua, Bằng không ngó xa về phía chân trời, không lang thang ngoài vườn vắng, không nhìn theo những cánh chim, không tụ tập với bạn bè… Má Bằng cũng thấy yên lòng đôi chút, nhưng bà không hề biết, cái khúc sông tối om, con bìm bịp làm cậu nhớ dai dẳng, dù nhiều năm qua rồi. Dù lúc này cậu hai mươi hai tuổi, đang chở một xuồng cây về bắc cái cầu ra sông, phòng hờ mai rước dâu vào giờ nước ròng, xuồng đàng trai có thể dễ dàng cập bến.

Sau này Bằng cứ tiếc, phải biết có cô trong đoàn người đó, cậu đã đóng thêm tay vịn cho cây cầu. Cậu sẽ tìm ván lót sàn chứ không phải ghép vội những thân cây còn ướt nhựa, làm cho cái gót giày nhỏ xíu của cô kẹt lại, gãy lìa. Đám rước dâu hơi nhốn nháo. Cô loay hoay đứng chôn chân một chỗ, chẳng biết nên bỏ giày đi chân không hay cứ bước thấp bước cao, cho tới khi Bằng không nói không rằng bẻ luôn cái gót giày bên kia. Lúc cúi xuống, vạt áo dài vàng chanh cứ mơn trớn hững hờ đắp lên mặt cậu.

Từ đó thì mắt Bằng không thấy gì ngoài cái màu vàng chanh chấp chới. Không có đám cưới nào, sáng nay. Không có bà mẹ ngượng ngập mặc áo dài lén lau nước mắt. Không có Tuyết Hiên mặt mũi như đào hát, cổ đeo dây chuyền vàng đang đứng ngơ ngác, dè dặt bên cạnh chồng. Không có đám đông ăn uống chúc tụng nói cười. Không ai cả. Vắng rợn như khúc sông chiều với tiếng bìm bịp kêu, như mảnh vườn thâm u tiếng con tu hú. Bằng nhìn những ngón tay nhỏ nhắn và khẽ khàng của cô, lúc nhón cái bánh, lúc chậm mồ hôi, lúc vén mớ tóc lòa xòa, lúc cắn hột dưa, cảm giác lâng lâng như khi bắt đầu cất tiếng chim gọi nước. Thỉnh thoảng cô nhìn Bằng, thẳng thắn và dạn dĩ, có chút dò hỏi, chút ngạo nghễ, rồi môi đỏ nhuộm nụ cười cũng đỏ, thả lửng lơ về phía thằng con trai đang đứng lơ ngơ.

Cô đi khi nước vẫn chưa lớn, vịn Bằng để bước xuống chiếc đò máy, cô cười, “chà, không biết chừng nào mới gặp lại…”. Bằng vẫn không biết tên tuổi, không biết nhà cô ở đâu, cô đã có chồng hay chưa. Bằng càng không biết được cô có còn nhớ cậu không, khi quay lưng lại. Nhưng điều đó chẳng làm cậu buồn, hay mất mát. Bằng đã kịp nắm bàn tay của cô, chạm vào từng ngón, từng ngón. Chúng mềm và mỏng manh như những cọng bông súng chớm héo đi dưới nắng.

Không một chút oán giận nào cái dòng sông đưa cô đi, như đã từng đưa ba, má cậu đi. Lúc rảnh rỗi, Bằng ngồi bên dòng chảy, nhìn tàu qua, nhìn tàu qua. Mỗi ngày năm bảy lượt. Bằng nhớ cô, nhớ nụ cười, cái nhìn, bàn tay ấm nắng. Bằng hay giơ bàn tay mình ra, dưới ánh sáng mặt trời, như không tin vào điều kỳ diệu, bàn tay chai sạn sứt sẹo này đã từng nắm lấy một bàn tay.

Một sáng, bỗng dưng có chiếc tàu ghé lại, họ tưởng Bằng đã vẫy tay gọi. Sự hiểu lầm làm cậu ngẩn ngơ giây lát, ông chủ tàu hối “lẹ lên, mậy…”. Vậy là Bằng nhảy xuống tàu. Cái thềm nắng lấp ló sau hàng bông bụp, nơi bà ngoại cậu đang treo võng ăn trầu, nơi cậu từng ngồi vót cần câu thả… đã khép lại, như gánh hát khép màn.

Lúc thu tiền, ông chủ tàu đò hỏi Bằng đi đâu, cậu cười, tàu chú đi tới đâu tôi theo tới đó. Ông chưng hửng, trời, vậy nhà cửa chú mầy chỗ nào mới được chớ... Cậu lại cười, lòng nghĩ, nơi nào có người tôi thương nhớ, thì nhà tôi ở đó. Nhưng giờ thì tôi chưa biết nhà cô ấy ở đâu.

Khi đi, Bằng mặc cái quần lỡ màu xám, áo sơmi xanh dương ngã màu đã đứt hai cái nút phía trên, chân không, đầu trần với ít chục ngàn trong túi…

17 comments:

  1. Anonymous11/20/2008

    chi tu viet cang viet cang hay

    ReplyDelete
  2. Anonymous11/21/2008

    Hay nhất Việt Nam! Em không hiểu tại sao người ta không trao giải Nobel Văn học Việt Nam cho chị nhỉ?
    Cố gắng lên, lần sau rinh Nobel thế giới lun!

    ReplyDelete
  3. Cô Tư ơi , sao nhân vật của cô cứ hay bước vào đời một cách lơ đãng đến vậy . Có khi nào cô Tư cũng vậy không há ?

    ReplyDelete
  4. Anonymous11/21/2008

    Hình như em biết cậu Bằng.

    ReplyDelete
  5. Anonymous11/21/2008

    Trong truyện này NNT đã "rộng rãi" với người đàn ông quá! (Mà phân lớn truyện của NNT đều cho người đàn ông có mô-típ kiểu này). Nhiều lúc, chính văn học đã làm hư người đàn ông Việt Nam. Và, phải chăng, chính vì thế mà người đàn ông VN giờ đây ngày càng xuống cấp thê thảm đến mức báo động rằng trong tương lai không xa, họ sẽ khônglấy được vợ Việt Nam!

    ReplyDelete
  6. Anonymous1/05/2009

    chị ơi, còn bà ngoại nó, ai lo? Truyện thì hay, nhưng mà đọc mấy lần rồi, cái câu hỏi đó nó vẫn làm em bứt rứt.

    ReplyDelete
  7. Ừa, bà ngọai nó chắc là nhờ... em lo giùm rùi.

    Đằng sau số phận một người là số phận những người khác, em có thấy như vậy không ?

    ReplyDelete
  8. Anonymous1/05/2009

    Nếu Bằng không ra đi thì truyện nhân hậu hơn.
    Nếu Bằng đi thì truyện thật hơn, đời hơn.

    ReplyDelete
  9. "Dạ em là Nguyễn Ngọc Năm
    tác giả truyện ngắn Cái Đầm tròn vo
    Cái Đầm không nhỏ không to
    Nước ở trong Đầm không đục không trong..."

    Mình nhớ mấy câu thơ vui mà ai đó đã làm nhân vụ Cánh đồng bất tận.

    Mình nghĩ, đời không lãng mạn lắm. Nó trần trụi vậy.

    ReplyDelete
  10. Anonymous1/06/2009

    Đúng rồi. Đời trần trụi thế. Mình thích cái kết đời như thế này.
    À, cho mình hỏi nhỏ, khi nào thì cô Tư nằm ổ vậy? Chúc sức khỏe nha.

    ReplyDelete
  11. Anonymous1/06/2009

    Mong Tu binh an!

    ReplyDelete
  12. Anonymous1/06/2009

    Cái chi tiết cậu bé ở bên cạnh cha nhưng thấy mình rời ra, chỉ mình ông với cuộc chơi tùy hứng và bất tận của ông.. chi tiết đó rất thật.
    Nhiều người đã chiều theo những niềm vui của bản thân một cách hồn nhiên, mà không biết đằng sau mình là những số phận và tổn thương.

    ReplyDelete
  13. Anonymous1/06/2009

    Tư à, em ước được 1 lần gặp Tư. Tết này, "biển của mỗi người", với em sẽ là Cà Mau. Dù chẳng biết Tư ở đâu nơi mảnh đất yêu thuwong đó, nhưng em sẽ cố gắng tìm ra Tư, chỉ để cầm tay Tư, để nhìn cái người mà từng từ từng chữ người ta viết ra chẳng hiểu sao em cộng hưởng và đồng cảm kinh khủng. Mà chắc gì....
    Thôi, em mong Tư bình an, ít ít buồn đó nghe Tư!
    Quỳnh Như.

    ReplyDelete
  14. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  15. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  16. Anonymous1/19/2009

    Mình đọc đi đọc lại mãi đoạn "cậu cũng ở đó, nhưng lại thấy mình rời ra. Chỉ mình người cha với cuộc chơi tùy hứng và bất tận của ông. Bằng nhận ra điều đó khi thả chiếc xuồng chở đầy nước mưa trôi theo tiếng kêu buồn trĩu của con bìm bịp, trong Bằng không còn thời gian, bờ bến, thế giới không còn người, đến chính Bằng cũng không còn"
    Mình thấy cách Tư tả tâm trạng Bằng trong đoạn đó rất thật, rất đạt, rất xuất sắc. Nhất là rất giống mình.
    Mình thích văn Tư lắm. Cám ơn Tư.
    Hương Hoa

    ReplyDelete
  17. Thiệt tình đọc đoạn đầu đã biết ngay kết cục. Điều này có hai nghĩa, tui hông biết cái nào là đúng.

    1/ Truyện của chị viết là theo quy luật tất yếu của cuộc đời. Đời là phải vậy, không thể khác. Chị chỉ mô tả lại theo cách của chị, và thêm vào đó là chị mô tả chuyện đó diễn ra như thế nào.

    2/ Truyện của chị chỉ có một mô-típ, lâu nay hông có gì mới. Có một truyện đó, đọc lần đầu, sau đó đọc lần hai. Lâu lâu cả năm sau lật ra đọc lại, thấy không có gì cần đọc nữa. Khác truyện ông Sơn Nam chẳng hạn, lâu lâu đọc lại, thấy vẫn còn thông tin, thấy vẫn còn mới và còn phải học. Dù ông viết truyện đó từ hồi nẳm nào rồi, đúng hông chị?

    ReplyDelete