Jan 8, 2009

Tản mạn thú vị của anh Kim

Cũ và Mới

“Hãy tìm đến tận đáy của vấn đề” là lời khuyên tôi tâm đắc trong cuốn “Đưa tin thời toàn cầu hóa” (Nhà xuất bản Văn hóa thông tin - 2004) mỗi khi tôi viết báo. Chuyện kể sau đây, cũng nằm trong ý nghĩa đó…

* Học nghề

Chuyển từ lính pháo binh sang làm báo Quân khu 9 từ năm 1985, tới giờ, tôi học nghề báo từ nhiều nguồn: những bài báo của mình đã được biên tập, những bài báo hay của đồng nghiệp, những khóa đào tạo chính qui, và những bài học từ cuộc sống.

Năm 1985, nước nhà đang còn chiến tranh ở biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam. Tại một khóa học viết báo ở Hà Nội, đại tá Phạm Phú Bằng, tức nhà báo Phạm Hồng - trưởng phòng Văn hóa văn nghệ báo Quân đội nhân dân, không giảng nhiều về lý thuyết, chỉ yêu cầu tôi đọc và có nhận xét về mỗi số báo Quân đội nhân dân ra hằng ngày. Ông chia sẻ ý kiến sau khi lắng nghe tôi nhận xét về một bản tin, tấm ảnh hoặc một bài phóng sự. Ông nói: “Để khi tác nghiệp, anh có thể tìm ra cách thể hiện của riêng mình”.

Đợt đó, đi thực tế một tuần lễ tại biên giới tỉnh Hà Giang, tôi viết phóng sự “Gửi về đồng đội phía Nam” đăng báo Quân đội nhân dân. Cái “riêng” tôi tải được trong bài báo này là thông điệp về sự khác nhau và giống nhau giữa cuộc chiến của quân dân ta ở địa đầu phương Bắc và cuộc chiến của quân tình nguyện Việt Nam chống quân diệt chủng Pôn Pốt ở Campuchia.

Hôm rời điểm tựa Một Ngàn, tôi đi cùng chuyến xe đưa một tử sĩ trở về thị xã Hà Giang. Xe phóng điên cuồng trên con đường độc đạo để né đạn pháo rót qua từ hướng Bắc. Mỗi lần quan tài xóc lên là máu từ bên trong lại lặng lẽ ứa ra. Ba người lính đưa bạn về, nom dữ dằn và lạnh lùng như… người rừng. Và đã xảy ra một chút xô xát ở trạm gác cuối cùng trước khi vào hậu cứ, vì người lính gác đòi kiểm tra xe coi có ai bỏ ngũ hay không. Tôi bị ám ảnh về cái sự lạnh lùng khủng khiếp đó giữa những người đồng đội ở ngay trong cuộc chiến. Nhưng không thể nào tải được trong một bài báo, lại đăng trên báo quân đội. Tôi “chuyển thể” qua tuần báo Văn Nghệ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam. Bài thơ văn xuôi “Chiến tranh và tôi” ra đời trong dịp đó. Tôi xin chép ra đây, như một kỉ niệm làm báo, của một thời thiếu mất hòa bình:

“Chiếc xe Gát chở thi hài người lính lao điên cuồng xuống Hà Giang trên con đường độc đạo bị nã pháo suốt ngày đêm. Ba người lính đưa bạn về, mặt mày nhăn nhó lạnh lùng giận dữ. Tôi quặn người sau những cú xốc đứt hơi nẩy lửa – mà mỗi lần, máu từ kẽ ván quan tài lại nhứt nhối ứa ra! Tôi lặng lẽ khóc thầm giữ chặt đầu quan tài và hãi hùng nhìn khuôn mặt ba người lính vẫn lạnh lùng giận dữ.

Xe thoát chết dừng trước barie trạm gác. Hai người lính mang quân phục chỉnh tề lạnh lùng đòi thi hành phận sự kiểm tra. Một người lính rách bươm trên xe tôi lạnh lùng chỉ tay quát tháo: “Này kẻ tuyến sau! Bay muốn kiểm tra xương máu hay muốn hóa máu xương?”. Tôi kinh hoàng buốt nhói trong tim.

Trời ơi chiến tranh! Sao mi nỡ làm con dao hai lưỡi? Mi tôi luyện cho ta dũng cảm phi thường giữa trận đánh quyết tử sáng nay. Mi lại hóa ta lạnh lùng chai đá trước máu của chính bạn mình giữa chập choạng tối nay. Rồi đây hẳn là ta sẽ dạn dày trước kẻ ăn xin, trước người hát rong và trước cả mẹ của ta khi người đã già nua lâm trọng bịnh. (Hà Giang, tháng 7-1985)”.


Cuối khóa đào tạo phóng viên quân đội vào giữa năm 1987 tại Bắc Ninh, tôi đi thực tế nửa tháng trên biên giới Chi Ma, tỉnh Lạng Sơn với hành trang là lời nhắn gởi của thầy Phạm Hồng: “Nghề báo, nên hỏi mười để viết một”.

Mặt trận Lạng Sơn hoàn toàn khác mặt trận Hà Giang đầy lửa đạn: bên đây bộ đội ta phải đối mặt với một cuộc chiến tranh tâm lý. Ngày ngày, loa phóng thanh từ bên kia biên giới ra rả những chương trình phát thanh “hậu phương quân đội” chĩa vào các điểm tựa của bộ đội ta. Giọng của cô “Ngọc Ánh” lúc nào cũng ngọt ngào: “Các đồng hương Bắc Ninh thân mến”, trong khi có những trung đội của ta, cả năm trời chưa ai về phép vì phải bám trụ ngày đêm trên từng điểm cao biên giới. Chưa kể, hàng tuần có những chiếc máy bay nhỏ không người lái bay lòng vòng trên các điểm chốt để thả những “túi quà” tỉ như những chiếc khăn tay vẽ lã lướt hình các cô gái Trung Quốc.
Chuyến này, tôi đã “hỏi” đầy một cuốn sổ tay và mấy cuộn phim để hoàn thành bài phóng sự đăng hai kỳ trên báo Quân đội nhân dân: “Yên tĩnh ở hướng Chi Ma”.

Tôi cũng học nghề từ một người thầy khác, dù ông không dạy tôi giờ nào trên giảng đường. Đó là nhà văn Sơn Nam, tác giả tập truyện ngắn nổi tiếng “Hương rừng Cà Mau”.
Năm 1993, Hội Văn nghệ tỉnh An Giang mở trại viết. Nhà văn Sơn Nam nói chuyện về kinh nghiệm viết văn, xong ông theo một tốp đi thực tế ở vùng tứ giác Long Xuyên. Ngồi xe ôm, ông luôn nhắc: “Chạy chậm thôi nghen”, vì ông không biết chạy xe hai bánh mà chỉ thích đi bộ.

Ở xã Tây Phú thuộc huyện Thoại Sơn, trong khi chúng tôi cứ loay hoay với mấy cái báo cáo sơ kết, tổng kết về chuyện đi khai hoang vùng tứ giác, thì nhà văn Sơn Nam đã lội lòng vòng quanh chợ xã. Quay về, ông chỉ hỏi anh bí thơ xã mấy câu mà nghe xong thấy… quá nể: “Có gái giang hồ vào tứ giác tìm tình yêu hay không?”; “Có người nông dân bất mãn? Có anh cán bộ cường hào?”; “Điện thoại bàn đã gọi ra quốc tế nhưng sách báo về xã sao thấy còn ít quá?”…

Nghe anh bí thơ xã kể chuyện bà con nông dân lập miếu Thần Nông, 17 tháng 3 âm lịch hằng năm họ cúng tạ ơn trời đất, tổ tiên và cây lúa, nhà văn Sơn Nam nói: “Đó là đạo. Làm ruộng là đạo, giữ đất là đạo. Khuyến nông tức là cách giữ đạo làm nông, thì dân mới giàu mạnh được. Tôi lội chợ Tây Phú, thấy có đánh bi-da, có tiệm vàng, có cái kéo rèn từ Phú Tân đưa qua, có bộ xa-lông tre lấy mẫu từ Mộc Hóa, có cô bán quán quê Đồng Tháp, có thầy giáo quê Thanh Hóa… Người tứ xứ đã về vùng tứ giác này sinh cơ lập nghiệp, thì ta cần giữ cái đạo làm người. Có như vậy kinh tế thị trường ở đây mới nên bộ mặt nông thôn mới”.

Khi ghé thăm chùa, thăm khu di chỉ văn hóa Óc-Eo, trong lúc cánh nhà báo chúng tôi lăng xăng hỏi nhà chùa đủ chuyện thì nhà văn Sơn Nam lặng lẽ thắp nhang trước bàn thờ Phật, cúng dường nhà chùa và bố thí cho người nghèo chung quanh chùa.

Chuyến đi đó, chúng tôi học được từ nhà văn Sơn Nam nhiều chuyện. Cả trong chuyện viết báo, mà cho tới giờ, với tôi, ông là người thầy với lời dạy ngắn gọn, dễ nhớ nhưng khó thực hành: “Cố gắng viết ngắn, câu nào cũng có thông tin”.

Cái chuyện “viết ngắn, có thông tin” này thực sự là chuyện hấp dẫn. Đợt tham gia hai tuần lễ học làm phim, chụp ảnh và viết phóng sự xuyên biên giới ở sáu nước hạ lưu sông Mekong, do tổ chức Inter Press Sevice (IPS) của Mỹ mở tại Thái Lan (9-2006) và kết tại Campuchia (3-2007), tôi càng “ngộ” ra điều này. 40 nhà báo từ Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Lào và Trung Quốc dự khóa học, dù thảo luận và tác chiến nhiều đề tài khác nhau nhưng cùng gặp nhau ở một điểm: phải biết cách làm cô đọng câu chuyện mà vẫn tải được nhiều thông tin. Các tác phẩm báo viết được chọn in trong tuyển tập cuối khóa, thấy rõ mỗi người một vẻ nhưng lại có cái chung là câu văn ngắn, đoạn văn ngắn và ăm ắp thông tin.

Cũng tại khóa học này, chúng tôi chia sẻ tâm huyết với nhau những đề tài xuyên biên giới. Một tác phẩm báo chí giá trị trong thời buổi này luôn có tính “xuyên quốc gia”. Từ chuyện cúm gia cầm, mại dâm, ma túy, phá rừng, khai thác sông Mekong, giáo dục, du lịch… đến chuyện mậu dịch biên cương, các nhà báo đều nhận thấy: nếu không biết hợp tác để cùng phát triển thì không một quốc gia riêng lẻ nào trong vùng giải cho tốt được những bài toán đó.

* Tai nạn

Sự kiện hai nhà báo Nguyễn Văn Hải (Tuổi Trẻ) và Nguyễn Việt Chiến (Thanh Niên) bị bắt hôm 12-5-2008 vì chuyện tác nghiệp về vụ án PMU 18, làm tôi nhớ lại ba lần “tai nạn nghề nghiệp” của mình.

Lần đầu vào tháng 10-1989, sau khi phát hành báo Quân khu 9 số đặc biệt nhân dịp rút quân tình nguyện Việt Nam về nước sau 10 năm giúp bạn Campuchia. Trước đó khi ở Mặt trận 979, nhờ một đồng nghiệp Campuchia phiên dịch, tôi đã phỏng vấn Đại tướng Bu-Thoong, lúc đó là ủy viên Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Campuchia - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội cách mạng Campuchia. Nội dung bài báo được cấp trên ở Hà Nội cho là “phỏng vấn theo luận điệu BBC”. Số báo đó được lệnh phải thu hồi nhưng không kịp vì nó đã đến tay bộ đội hơn một tuần lễ. Tôi bị khiển trách và sau đó, ít được cử đi tác chiến những đề tài hấp dẫn như vậy. Thực ra bài báo ấy ra đời không có chuẩn bị trước mà do tôi tình cờ gặp Đại tướng Bu-Thoong ở gần Phnôm Pênh, lúc bộ đội Việt Nam sắp rút về nước. Bây giờ đọc lại, tôi thấy cái không khí thời sự lúc đó quả là “nóng” thật, thí dụ mở đầu cuộc phỏng vấn, nó đã như vầy:

”- Liệu quân Pôn Pốt có thể gây ra nội chiến không sau khi quân tình nguyện Việt Nam đã rút hết?

- Nội chiến lớn thì không thể xảy ra. Chúng chỉ có thể đánh lẻ tẻ, như phục kích, gài mìn, gây chiến tranh tâm lí ở nội địa. Ở biên giới thì chúng mở hành lang, đánh điểm tựa như hiện nay. Cũng có điểm tựa bị đánh chiếm, nhưng bộ đội chúng tôi đánh lấy lại được, không để mất.

- Thế còn lòng dân, họ có còn sợ quân Pôn Pốt không?

- Dân ở những nơi hẻo lánh thì còn sợ. Ví dụ chúng có ập vào nhà giữa đêm thì họ sợ. Nó xin gạo, xin bò-hóc, họ có thể cho gạo, cho bò-hóc, nhưng sau đó họ tìm cách đánh lại hoặc tố giác với chính quyền. Chớ còn dân ở các phum xã khác thì không sợ vì họ đã thấy được thế và lực của mình hiện nay. Mấy trận vừa rồi ở Bần-tia Miên-chây, Xiêm Riệp đã chứng tỏ điều đó, quần chúng đã cùng với bộ đội của mình bắt sống hơn 70 tên địch. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn luôn luôn đề phòng, có kế hoạch sẵn sàng đánh thắng mọi âm mưu của địch”.

Lần thứ hai, tôi “gặp nạn” sau khi báo Tuổi Trẻ Xuân 1992 đăng bài “Về đâu chất xám miền Tây?” chỉ vì có một đoạn mở đầu như thế này: “Hồi cuối năm về Minh Hải, tôi nhận được một thông tin buồn: tỉnh không cho Đài Phát thanh & truyền hình Minh Hải phát bài nói của Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Võ Văn Kiệt tại Đại hội Đảng bộ tỉnh vòng 2. Ông Võ Văn Kiệt đã nhận xét thẳng những nguyên nhân ảnh hưởng sự phát triển của Minh Hải, trong đó có việc Minh Hải chưa biết trọng dụng chất xám. “Một đất nước muốn phát triển, không thể không trọng dụng những trí thức, trọng dụng nhân tài, cả chuyên gia trong nước và ngoài nước” – ông Kiệt nhấn mạnh”.

Lúc đó, đây là cơn sóng gió trong làng báo Minh Hải mà người tạo ra sự kiện cấm đoán ấy chính là ông Bí thư Tỉnh ủy Minh Hải. Với tư cách Khu ủy viên Quân khu 9, ông đã yêu cầu Quân khu điều tra quá trình tác nghiệp của tôi và động cơ tôi viết bài ấy cho báo Tuổi Trẻ. Báo Quân khu 9 đã cử người đi Minh Hải tìm hiểu và xác nhận đó là sự thật. Tuy nhiên tôi vẫn bị “hành” rất mệt mấy tháng liền vì đã cộng tác “tự do” với báo chí ngoài quân đội. Còn với báo Tuổi Trẻ thì anh Nam Đồng, lúc đó là Phó Tổng biên tập, đã tính cử người về Minh Hải làm việc để “bảo vệ cộng tác viên” nhưng sau lại thôi.

Đã hơn 17 năm trôi qua từ sự kiện ấy, giờ đây (tháng 1-2009), tôi nghĩ, những chuyện kiểu như vậy khó có thể xảy ra trong làng báo chí nước nhà?

Lần thứ ba, tôi bị kỉ luật nặng: cảnh cáo, giam quân hàm một năm vì đã “viết báo để lộ bí mật quốc phòng”. Đó là bài “Nhìn lại cuộc diễn tập phòng chống biểu tình gây rối, bạo loạn ở TP. Cần Thơ” đăng báo Quân khu 9 (số 343 tháng 7-1992). Bây giờ đọc lại bài báo này, tôi thấy mình thật ngây ngô và đáng trách. Viết cái gì mà như là tường trình lại toàn bộ “bí quyết” của cuộc diễn tập phòng chống biểu tình gây rối, bạo loạn – chuyện mà khi đó, chưa thấy tờ báo nào ở trong nước đả động tới.

Thí dụ một đoạn “nhẹ” nhất trong bài, ghi lại ý kiến tại cuộc rút kinh nghiệm diễn tập hôm 5-7-1992: “Phòng chống biểu tình gây rối bạo loạn” là loại hình và nội dung diễn tập. Nhưng các đại biểu nhấn mạnh chưa thấy phòng, chỉ diễn tập chống. Đồng chí Bùi Hữu Trí, Chủ tịch huyện Thốt Nốt (Cần Thơ) nói: “Cần phân biệt rõ việc quần chúng đấu tranh vì quyền lợi chính đáng (ví dụ vì đất đai, cháy chợ Cần Thơ; vì chính sách hậu phương ta làm chưa tốt…) với việc kích động đấu tranh, xuyên tạc sự thật của kẻ xấu. Những tình huống đặt ra về đối tượng gây rối, nội dung gây rối… diễn tập này làm chưa rõ. Như vậy dễ dẫn đến xử trí nhập cục kẻ xấu với quần chúng, sai chủ trương của Đảng, làm phản tác dụng diễn tập. Bình thường, ta phải có chủ trương đúng, giải quyết dứt điểm các kiến nghị của quần chúng, chăm lo tốt đến đối tượng chính sách, sửa kịp thời những sai trái trong quản lí nhà nước của địa phương”.

Khi đó, tôi đã nhận hoàn toàn trách nhiệm về mình, dù có thanh minh rằng, tôi viết theo chỉ đạo trực tiếp của thủ trưởng cơ quan chủ quản báo Quân khu 9 - đại tá Nguyễn Dân Nam, Phó Chủ nhiệm Cục Chính trị Quân khu 9, người đã cùng tôi theo dõi trọn hai ngày diễn tập. Bài học tôi thấm thía sau vụ này: là nhà báo, tự anh phải hiểu luật; không thể dựa vào ý kiến của thủ trưởng để cho đó là chân lý.

Sau những tai nạn bình thường này, tôi tự rút ra một “cẩm nang viết báo” cho chính mình với mấy lời độc thoại nôm na như thế này:

- Báo chí là gì?

- Báo chí là thông tin.

- Thông tin cái gì?

- Thông tin sự thật.

- Làm sao có thông tin?

- Tìm tới tận đáy của vấn đề.

- Thông tin như thế nào?

- Thông tin kịp thời và bổ ích.

- Viết như thế nào?

- Cố gắng viết ngắn, câu nào cũng có thông tin.



Muối : Em thấy ở Việt Nam mình vấn đề đâu có... đáy, anh Kim ?????????????

2 comments:

  1. Anonymous1/08/2009

    Nhớ lúc trước chị Tư nói là ghét phim Trung Quốc. Giờ còn xem không ? Không xem thì lấy gì xem, em thấy truyền hình từ Trung ương tới địa phương ngày nào giờ nào cũng phim Trung Quốc. Mở lên là xí xa xí xồ, mắc ngắn ngược.

    ReplyDelete
  2. Anonymous1/08/2009

    Nhận xét về câu Muối: chính xác
    Người ta cho đáy tới đâu thì... tới đó.

    ReplyDelete