Jan 9, 2009

Mua vài đồng nhớ...

Có đôi khi mất nửa giờ để đi xuyên qua cái thềm chợ chỉ rộng chừng ba mét, tôi tự hỏi, cái gì đã níu bước chân mình ? Mớ rổ nan xếp hàng, mấy chú gà con mới thay áo lá bồn chồn vỗ đôi cánh trụi, hay vì cảnh đôi vợ chồng tóc bạc bẻ gói xôi thành hai nửa để chia nhau. Hay tất cả những hình ảnh đó đã khiến tôi nửa bước nửa dừng ?!.

Một tháng vài ba lần, đôi vợ chồng già bán rổ lại tới cái chợ nhỏ bên đường. Ông mắt sâu, cao lòng khòng, tay chân xương xẩu nhô ra bén ngót, lúc cười thấy còn lơ phơ hai cái răng. Bà già nhỏ nhắn, mặt tròn mắt tròn, môi đỏ, miệng nhai trầu móm xọm. Những cái rổ úp thành hàng như những dấu ba chấm lẻ loi giữa cái trang giấy chợ đời nhốn nháo những dấu câu gấp rãi. Đôi lúc, có cái rổ ngửa ra, nụm nịu trong đó là mấy trái bình bát, lekiama chín vàng, vài chùm dâu… cuống còn dính dấp nhựa, như thể khi ông gánh mớ rổ trên vai, bà đi đằng sau tiện tay thấy gì hái nấy, cứ vậy mang ra chợ.

Nhìn những món hàng con con, tôi hình dung được mảnh vườn xa xôi đó. Những bụi tre bụi trúc, bình bát mọc theo mé đìa, vài cây vú sữa, vài cây lekima, vài cây dâu… Và chúng đều đã già, hay đất già mà kiệt trái, nhỏ teo. Có bầy gà, bầy vịt túc tắc chạy chơi giữa những rau cỏ dại. Rau đắng đất, rau má mọc cạnh mấy dây bí. Đôi vợ chồng già mang mảnh vườn bày ra nơi thềm chợ. Người đã từng quê đi qua ngây ngô nhớ, người chẳng dan díu gì cũng đứng lại ngậm ngùi. Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy rồi, mà họ còn vất vả mưu sinh, đôi bàn tay chai khô chi chít nhiều vết cắt. Cái rổ nan giá chỉ vài ngàn, thương quá mua về không biết dùng để làm gì, để đâu cho khỏi lạc lỏng giữa những những vật dụng hiện đại và hào nhoáng khác.

Ông bà già cũng vậy, ngồi ở chợ mà chỏng chơ, chực rơi khỏi chợ. Bởi hai mái đầu bạc trắng, bởi bộ đồ cũ kỹ quăn queo, bởi những món hàng quê mùa lỗi thời mà họ mang tới từ cái rạch Ổ Ó xa xôi ... Lạ lùng, có vẻ hai người không thấy buồn vì điều đó. Ngồi bên nhau, ông bà tươi rói nói cười, có khi ngặt ngẽo như trẻ con lên bảy lên mười. Mặt trời vói qua mái hiên quán hủ tiếu mì, ông già xích ra sau lưng bà già, che nắng. Củ khoai luộc luôn được bẻ làm hai nửa, rồi lại bẻ hai củ kế tiếp. Khách ghé qua, bà nói rổ này xài bền vô phương. Ông nói bả đương rổ tiếng tăm từ hồi con gái. Bà lại nói ổng nứt vành khéo, chắc chắn lắm. Ông lại nói, bả vót nan đều trân, đó, thím coi…

Nồng ấm và âu yếm. Bà ngồi bên phải thì ông già sẽ hơi nghiêng vai về bên phải. Hôm bà lụi hụi bên trái vai ông lệch hẳn về trái. Cái kiểu ngồi làm tôi vừa mắc cười vừa cảm động. Không cố tình, nhưng lúc nào hai ông bà cũng làm tôi đi chậm, bởi cái ngón trỏ trên tay ông bà còn nguyên cuộn vải cũ sờn dùng để vót nan, như thể sớm nay họ đang ngồi đan rổ thì nghe tiếng tàu chạy, vậy là họ xỏ dép mau mau đùm túm đi; bởi mấy con vịt con lông vàng như rạ đứng trong rổ lao nhao rỉa gạo nát trên đầu nhau; bởi mớ trái nhãn lồng chín cây này đã lâu ngày tôi mới nhìn thấy lại.

Và bởi hai ông bà nói năng duyên dáng, dùng nhiều chữ lạ. Ông nói, ngó người ta đi ăn xin lang thang lưới thưới thấy thương. Ông kể vụ mất trộm gà, nhà có con chó chậm chạp như bà già đi âm phủ, con chó này làm kiểng lâu quá rồi chắc ông phải làm gỏi thôi. Bà già nói bữa nay đi lúc trời còn lu, sương nhiểu hột ướt sượt cái đầu. Mấy nải chuối chín mùi rụng rún này ngọt mật phải biết. Bữa nay im trời dữ. Dì Hai buôn bán dễ ợt mà con, đâu có ke re cắc rắc từng đồng từng cắc. Hồi trẻ tui với ổng thương nhau bén chết, giờ già rồi, nên mần cũng thủng thẳng khẻ khọt thôi. Nhà mót dữ lắm cũng chỉ có hai mạng già, ăn láp váp ba hột cơm cho rồi bữa…

Ngồi nghe ông bà già nói chuyện, suốt đường về nhà tôi cứ thấp thỏm sợ quên luôn thì tiếc. Lúc ghi lại vào sổ tay thấy từ ngữ bỗng trơ, thiếu mất vẻ đẹp, sự sống động như khi chúng phát ra từ đôi môi héo móm, từ cái miệng phập phều chỉ có hai cái răng nằm xiêu lạc, và ánh mắt đã dần mờ đục nhưng vẫn hồn hậu hấp háy, hấp háy…

Những ngày đôi vợ chồng già không tới, qua thềm chợ tôi vẫn chậm, vì nhớ. Biền biệt một quãng ngày ngày, một sáng chỉ mình bà già quay lại, với gánh rổ nan toòng teng trên vai. Cái chợ chật chội nhưng rộng lòng nhón cho bà một khoảng trống nhỏ nhoi. Bà già chơ vơ ngồi đó, nắng rọi cái bóng lẻ thiệt buồn. Khách hỏi mua cái rổ, bà ngơ ngẩn, ờ ờ. Hỏi ông già đâu không thấy, bà ngơ ngẩn ờ ờ, bỗng dưng mắt kèm nhèm nước. Ngồi chợ không tha thiết bán mua, bà tới đây để nhớ người bạn đời đã về với đất rồi.

Nhưng sao khi đứng nhìn những buổi chợ tan ban trưa, khói nắng vẫn thường hiện lên trước mắt tôi một ảo ảnh, có ông già cao lỏng khỏng gánh mớ rổ ế đi trên đường, bà già nhỏ nhắn lúp xúp bên cạnh tay cầm cái nón lá quạt mồ hôi cho chồng, như tát cạn vũng nắng đi.

12 comments:

  1. Anonymous1/09/2009

    Bi kịch của tình già là một trong hai ra đi trước...

    ReplyDelete
  2. Anonymous1/09/2009

    Biết là sẽ vậy nhưng đọc vẫn thấy buồn.
    rồi lại ước ao giá mà mình cũng được vậy. nhưng chắc khó lắm...

    ReplyDelete
  3. Bi kịch cho những người gọi đó là "bi kịch". :)
    Chí ít người ta cũng đã sống trước khi chết, người ta đã hết lòng trước khi không còn gì để mất.
    Uất quá ... chắc là đọc xong lại buồn, vậy mà cứ đọc thế này! Bữa nào viết truyện gì dzui dzui tí nghen chị Tư.

    ReplyDelete
  4. Anonymous1/10/2009

    Không bi cho người chết, chỉ bi cho người sống, bạn Moon ạ. Mình nghĩ vậy. Người chết không bao giờ biết buồn và khổ. Chỉ có người sống thôi...

    ReplyDelete
  5. Em đọc truyện này ban đầu thì thấy thật là ấm áp, nhưng mà về sau sao thấy rợn rợn như là truyện ma í chế tư à. Nghe nói đâu người già linh lắm.

    ReplyDelete
  6. Anonymous1/10/2009

    Câu chuyện thật cảm động. Khi sống, hãy dành cho người quanh mình tất cả tình thương mà mình có thể.Đến lúc chết, mình sẽ vẫn sống trong trái tim, ánh mắt của mọi người.

    ReplyDelete
  7. Anonymous1/10/2009

    Chị Tư ơi, em rất thích bài thơ "Mùa xuân này tôi có hẹn óới một chàng trai chưa hề íiết mặt" của chị. Em có người bạn cũng sắp sinh nở, em muốn xin chị bài thơ ấy để làm quà. Mong chị đồng ý.

    ReplyDelete
  8. Bài này hay quá chị Tư. Mãi tới nay em mới đọc và ko ngờ nó hay đến dzậy.

    Chắc bà lão đó buồn dữ lắm hả chị? Chị có an ủi bà ấy ko? Bà ấy giờ còn bán ngoài chợ chỗ chị ko? Mà sao con cái ông bà ấy đâu mà để cha mẹ như dzậy? Còn quá trời câu hỏi mà có lẽ gặp bà mới nói hết được.

    Em thấy thật xót xa, và buồn cho bà ấy quá. Tuổi già sợ nhất là sự cô đơn mà, ko biết bà ấy sống một mình dzậy rồi ai quan tâm chăm sóc bà ấy... Buồn thiệt. Mà cũng chỉ biết buồn thôi chứ bất lực chẳng giúp đc gì cả. Thiệt thấy chán, chán chính bản thân mình.

    Nếu cho một điều ước trong tình yêu thì em ước mình được như hai ông bà ấy: yêu nhau thắm thiết, mặn nồng, keo sơn bền chặt tới đầu bạc như thế. Thiệt, có chết cũng cam lòng.

    Tâm hồn chị nhạy cảm và ngòi bút chị viết rất tuyệt chị Tư à. Còn nhớ chị từng nói: "Những thân phận, câu chuyện bình thường cần một tài năng lớn để viết!" --> Nói rất hay và làm rất được he he... :D

    Mong sẽ được đọc, thưởng thức những sự nhạy cảm như dzầy của chị nữa.

    Bye bye chị :D

    ReplyDelete
  9. Tôi ngỡ ngàng vì đôi vợ chồng già ấy.
    Dễ thương quá. Và cũng buồn quá khi chỉ còn mỗi bà trong buổi chợ đông. Nhưng cũng phải vậy thôi.
    Chuyện không lạ nhưng đẹp và buồn.

    ReplyDelete
  10. Câu chuyện cảm động quá.
    Mình rất thích những tản văn của Tư nó cho mình thấy Tư có một vốn sống và một tâm hồn rất nhạy cảm. Mình sẽ thường xuyên ghé thăm saurieng.

    ReplyDelete
  11. bài viết cảm động lắm,lủi thủi 1 mình như vậy bà già sống quảng đời còn lại chắc sẻ chẳng còn chút ý nghỉa nào, sống mà buồn, mà nhớ , mà thương, còn đau hơn cái chết nhìu

    ReplyDelete
  12. Đàn Bầu8/29/2013

    Không có gì là hoàn hảo, là mãi mãi. Có được 1 mối tình già mà đầy nghĩa tình, yêu thương nhau cho đến những ngày cuối đời thì không uổng 1 kiếp người.

    ReplyDelete