Oct 4, 2009

Ôi, có đôi khi...

Chút tình nhỏ nhít…


Hôm trước rửa chiếc xe máy của mình lần cuối, trước khi cho nhỏ cháu đem lên Sài Gòn, lúc kỳ cọ đồng hồ công tơ mét tôi nhìn thấy con số dừng lại ở 92.880. Tôi dừng lại mơn man mặt kính rạn nứt chi chít phía trên con số đó. Trong khoảnh khắc, tôi thấy thân thiết với chiếc xe biết chừng nào. Hơn một người bạn, hơn một người yêu. Và thật khó khăn khi phải chào biệt rời xa nó.

92.880 cây số. Tôi tự hỏi đã đi đâu trong bảy năm qua, cùng với chiếc xe cà tàng này? Xấp xãi lồng lên chạy trong nắng trưa, mưa sớm, trong khói bụi dày đặc. Tôi đi chợ. Đưa đón con. Tới cơ quan. La cà quán xá. Về nhà má… Và những chuyến đi xa. Qua những con đường mịt mù đất đỏ, những con đường chen chúc người, những con đường buồn hiu cỏ cháy, những con đường nhiều hoa dại… Chia sẻ với nhau nỗi hồi hộp khi qua những chiếc cầu xiêu vẹo như răng bà già, nỗi hoang mang đi trên cung đường xa lạ, sự bịn rịn man mác lúc đi qua cây bằng lăng lẻ. Từ chạy những vòng bánh xe đầu sợ cóng hết chân tay, cho tới buổi chiều nay, quả thật không đếm hết những kỷ niệm của chúng tôi, hôm nào xốc ổ gà té bầm đầu gối, hôm nào dầm trong cơn mưa thiệt dài, hôm nào kẹt phà đứng chờ trong nắng chang chang, hôm nào cả hai chìm trôi trong con đường mênh mông nước… Lạ lùng quá, khi chứng kiến, đồng hành và sẻ chia bao nhiêu cơ cực buồn vui đó là… chiếc xe.

Không phải người, không phải bạn bè tôi, hay những người thân thiết. Đơn giản vì họ cũng có những cung đường riêng, những bối rối, bức bối riêng. Và giống như tôi, ở vòng quay đi về lủi thủi đó, họ thương yêu những phương tiện, vật dụng vô tri giác ở quanh mình. Một chị bạn tôi kể rằng nhà chị có cái máy giặt xài lâu năm, sắp mục rã tới nơi rồi, vừa hao điện vừa rùm lổ tai, mà chị luyến tiếc chẳng muốn thay. Sao xài cái gì là có tình cảm với cái ấy, đàn bà tụi mình kỳ quá, chị cười.

Tôi cũng thấy kỳ quá, phung phí quá, trong khi quan hệ người với người lắm khi dè sẻn từng chút một, nhưng lại ngẩn ngơ nhớ tiếc khi xa một góc bếp, một mảng sân phơi, chiếc xe đạp, một cái áo cũ, bậc thang... Chỉ vì giữa tôi và chúng có quá nhiều kỷ niệm, những kỷ niệm đôi khi không bao giờ xảy ra giữa người với người. Nhiều nỗi vui, niềm đau ta nghĩ quá tầm thường, nhỏ nhít, nhưng chúng vẫn xảy ra thường xuyên trong cuộc đời, chỉ có điều hơi kỳ cục, trẻ con, sến rện khi thật thà chia sẻ với ai đó. Lúc tôi dụi mặt vô võng giấu nước mắt vì một cảnh phim quá sức cảm động, khi đó tôi và cái võng đã có với nhau một kỷ niệm. Kín đáo. Thầm lặng. Cái võng không bao giờ phán xét, “mít ước quá mày…”, hoặc “ê đừng có khùng vậy chớ, biết là dựng chuyện mà đi khóc như Lưu Bị…”, hoặc “thôi mà, nín đi...”. Và chiếc xe máy mà tôi sắp xa chưa từng tỏ ra buồn cười, chế giễu, “con nhỏ này tào lao ớn…” những khi tôi dừng lại giữa đường lặng nhìn một vạt hoa mua.

Thường, tôi là tôi thật nhất lúc ở một mình, lúc lộ nguyên hình con đàn bà vụng về, ngơ ngác. Nấu canh thì canh mặn, chiên cá để dầu cháy văng ra làm phỏng da, gọt rau củ lưỡi dao lỡ cứa ứa máu tay, chạy ra sân phơi gom mớ đồ trước cơn mưa thì mấy ngón chân lại vấp vào thềm, giũ áo con đem giặt bàng hoàng nhận ra áo nó dài bằng áo mình, con lớn hồi nào mình có hay gì đâu, trời… Những tình cảm bé mọn, bâng quơ đó vừa vặn để làm vài kỷ niệm vừa đau đau vừa ngọt ngào giữa tôi với ông táo, thềm nhà, sàn nước… Có lần lơ đãng sụp ổ gà té đo đường, lúc lồm cồm bò dậy, tôi liền săm soi chiếc xe coi có trầy trụa chỗ nào không, một ông già chống gậy đi qua cười, con nhỏ này coi trọng cái xe hơn thân nó. Tôi đâu có ý đó, chẳng qua vì thể diện, không nhờ chiếc xe để mình giả đò nghiêng ngó, biết giấu đi đâu cái mặt sượng ngắt này.

Giờ chiếc xe cà tàng đầy thẹo vết (y chang tôi) đã đồng hành cùng người khác, cũng yếu đuối, cũng vụng về, bất ổn nhưng ra vẻ mạnh mẽ, tươi trẻ, giỏi giang. Những con số trên công tơ mét lại lặng lẽ quay vòng theo những buồn vui người mới, rồi thảng thốt một ngày… như tôi đã thảng thốt bữa qua. Trời đất, mình đã đi muôn ngàn dặm mà vẫn không ra khỏi sân phơi, góc bếp, mái hiên… nhà mình.

Giờ đi qua khoảng sân ráo tạnh, nhớ buổi tiễn đưa sến rện chiều rồi (ngó tới ngó lui không có ai, mình đã ôm choàng chiếc xe máy một cái, haha). Và, giây phút đó tôi cùng mảnh sân lại có thêm một ký ức nữa, tình này cũng hứa hẹn đậm sâu…

Đường : Bài đăng Sgtt nguyệt san. Nhân tiện, có nhiều bạn hỏi sao tui hay đăng bài ở báo Sgtt, nay tui trả lời luôn, dạ, tại tui là một thành viên lang thang cơ nhỡ của tại báo này.  Lang thang xa xôi tới mức không nhờ... lãnh lương là tui không biết tui làm việc ở đâu, cho ai lun.


20 comments:

  1. Anonymous10/05/2009

    4 à,

    Cuộc sống bận rộn làm cho mọi người ít nhớ lại chuyện xưa cũ, dù chuyện xưa cũ đó có thể là vài ngày, vài tháng, vài năm, hay vài chục năm trước....
    Bài này của 4 như một nhắc nhớ, làm tui tự hỏi - cái gì là cột mốc để tui hình dung ra được chuyện xưa, chuyện cũ. Tưởng đơn giản, té ra lại khó - Mọi thứ cứ mông mông lung lung :o)
    92.880- Mỗi km là một kỷ niệm, phải không 4? Còn "mảnh sân" của 4 thì chắc "dàn trời" kỷ niệm luôn....
    Tui mong 4 luôn yêu đời. Mai mốt có chạy "xế hộp" vẫn là 4 với "92.880" ;o)

    ReplyDelete
  2. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  3. Ua! Chia tay sen ren ! haha
    Ma hinh nhu ai cung vay! Ngo nghien khong co ai, tu nhien ... sen :))
    --> Sen la song that voi nhung cam xuc cua chinh minh, khi khong can phai quan tam den nguoi xung quanh nua, phai khong ta :D

    ReplyDelete
  4. Bạn Bành Thị Mít Non, mong bạn thứ lỗi, nhưng Nguyễn Ngọc Tư là tên cha mẹ cô ấy đặt cho. Cô Tư tự xưng là Sầu Riêng, bạn thích chị gọi, không thì thôi, sao lại lấy tên của người ta sửa lại nữa ta nữa Tây, đùa như vậy không vui, và theo tôi không tôn trọng cả Tư lẫn, ba, má cổ.

    Vài lời khó nghe. Mây.

    ReplyDelete
  5. Tôi viết vội có vài lỗi chính tả,

    ("Thích thì gọi" và "nửa ta, nửa Tây")

    Xin lỗi.

    ReplyDelete
  6. Cảm ơn bạn May N đã góp ý,tôi không có ý xúc phạm nhà văn Nguyễn Ngọc Tư mà tôi quí trọng,vì đây là blog nên gọi nhau cho vui cũng như có bạn gọi Tư là 4 vậy.-Xin lỗi các bạn và nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

    ReplyDelete
  7. Anonymous10/05/2009

    Tôi thích nhất là câu này: "Sao xài cái gì là có tình cảm với cái ấy, đàn bà tụi mình kỳ quá, chị cười."
    Cám ơn chi Tư về một bài cảm động.

    ReplyDelete
  8. Anonymous10/06/2009

    Nhắn riêng chị May N : chị, từ hồi mất blog của chị bên y360, em lang thang hoài mới tìm đc chị chơi bên trang multi gì đó :), có nhắn cho chị nhưng hổng đc phép tại nặc danh :).
    Dù sao biết mấy chị (Kiến, chị,..) vẫn khỏe là em cũng thấy dzui :)
    Dòng sông ( ko biết chị còn nhớ em ko nữa hè)

    ReplyDelete
  9. Ủa, có một thú mắc tiền mà quẳng hoài chẳng ngán, đó là điện thoại di động bạn à. Theo như logic của bạn thì hay là tại nó chứa danh sách người cần gọi trong đó và vì thế mà cứ cần làm mới liên tục để lọc bớt đi những gì cần lọc.

    ReplyDelete
  10. Em thích cái giọng văn ... cà chớn của chị. Chắc tại cũng là người miền Nam, nên thấy thương quá, chị Tư à! ^^

    ReplyDelete
  11. Anonymous10/06/2009

    Sống trong đời ít còn người trôi và biết siết tay lại như cô lắm...

    ReplyDelete
  12. *** Cảm ơn bạn Bành Thị Mít Non rất nhiều vì đã cởi mở với góp ý thẳng thắn đến mức "khó nghe".


    *** Nhắn với "Dòng Sông" : chị vẫn nhớ em. Lạc mất nhau sau khi YH360 đóng cửa thật là đáng tiếc. Nếu em sang multiply chơi thì để lại dấu chân nha, để biết em vẫn vui, khỏe ( hay em làm 1 account để đó chẳng hạn để còm cho vui.)


    *** Xin cáo lỗi cùng Nguyễn Ngọc Tư vì đã lạm dụng sự hiếu khách của bạn để viết những comment không liên quan đến chủ đề của entry.

    ReplyDelete
  13. Anonymous10/06/2009

    Đọc Tư vui thiệt !

    Cho nhỏ cháu xe cũ, chắc là có xe mới, đẹp hơn?! Chúc mừng !

    Áo con Tư đã dài bằng áo mẹ? Hơi lạ.

    Xài cái gì là có tình cảm với cái đó, đôi khi đành. Có tình cảm với cái gì chưa chắc đã xài được cái đó, thì cũng đành. Không hẳn là kỳ và cũng không hẳn chỉ đàn bà.

    Thói quen có lẽ là tập tính rất mạnh, nếu không muốn nói là mạnh nhất, của động vật. Với con người, nó được nâng lên mức cao, có lúc được mang danh tập quán, văn hóa.

    Có vẻ Tư đang sợ cảm thấy mình già?

    ReplyDelete
  14. Anonymous10/07/2009

    cánh đồng bất tận của Tư phèn người ta mang ra hiếp dâm trên SK. tệ hết sức. khi người ta mang ra làm kịch bản SK thì phải đọc chứ, không thấy đạt thì phải kêu lên chứ !

    ReplyDelete
  15. Thật không may là tôi không quan tâm vụ kịch cọt lắm. Tôi cho rằng văn học đã làm xong phần việc của nó rồi, cũng có chút thành công rồi, nếu anh chị nào làm kịch, làm phim mà nó... dở thì do họ.

    Tôi không có nhiều thời gian để lẽo đẽo đi theo một tác phẩm đã đi khỏi vòng tay tôi lâu lắm rồi.

    @May: sau khi "chiến cuộc" tàn thì tôi mới hay, kakaka. không sao đâu.

    ReplyDelete
  16. ngồi lai rai có Lê Nguyễn ở CM , vui vì gặp Ng Tư giản dị ,về đọc thêm mấy cái tản văn thấy mê nhạc Trịnh là hợp "gu" , món này trước 75 trên đường di tản tôi chỉ ôm mỗi cái máy castsette để rồi " một ngày như mọi ngày nghe giọng người buồn tênh..." .
    Hổng biết comment có đến Ng Tư hông nhưng cứ viết liều gửi đại vậy .

    ReplyDelete
  17. doanhonganh10/08/2009

    Hôm qua đọc bài chút tình nhỏ nhít của chị, em khóc sưng mắt đến sáng đi làm thì mắt chỉ còn 1 mí thôi. Bấy lâu em cứ thấy mình vấn vương lung tung các thứ, chẳng hiểu tại sao, cứ tưởng mình bị làm sao. Đọc xong rồi thì thấy nhẹ nhàng vì cũng có người giống mình...em vẫn luôn thích dõi theo những loanh quanh nhỏ nhít của chị...

    ReplyDelete
  18. Anonymous10/08/2009

    Đúng đó Tư ơi, kịch Cánh Đồng Bất Tận dở quá dở, sách HAY bao nhiêu thì vở kịch dở bấy nhiêu! Thất vọng kinh khủng! Tui đọc truyện rồi mà xem kịch nhiều khi còn không hiểu nổi, huống gì những người bạn của tôi chưa đọc sách CĐBT của Tư nên cứ ngồi ngáp thẫn thờ với những câu hỏi to tướng! :)
    Chỉ muốn "báo cáo" cho Tư biết cho dzui dzậy thôi...

    ReplyDelete
  19. Anonymous10/08/2009

    Nho Tu biet khong, nhung luc lai xe dung nham lam mop meo tai loi cua minh vi vo y, minh khong dau nhung lai xuyt xoa xin loi cai xe vi da lam no dau va xau xi. Nhung luc nhu vay cung phai len len khong co ai moi lam, khong ngo co Tu cung lam giong, khoai trong bung qua chung, cam on bai viet nay cua Tu nghen.

    ReplyDelete
  20. Anonymous10/14/2009

    Tư làm một thiên phóng sự về nạn Số đề ở Ca mau đi. Một gia đình coi như có của ăn của để, anh chị em ai cũng có vuông, có nhà có nghề nghiệp, chỉ trong có 3 tháng là thành ngườ nghèo, ai cũng thành người nghèo, đng tính dắt díu nhau lên BD, DN làm thuê...tất cả cũng chỉ vì " số ", mà tui thì không hiểu cái trò số ấy nó ra sao, chỉ biết là tác hại khôn lường. Tư phải làm thôi Tư ạ. Đừng ngại ngần ai bảo vạch áo cho người xem lưng, Cà Mau khỏi vạch cũng thấy cả, nhìn nản lắm, nản như xem cái anh Phi Thường nhà ta vậy đó.
    Giáo dục nữa, cô giáo gì mà mày tao với học trò, còn bảo " nghèo thì đừng đi học " khi học trò than không có 150 000 đóng quỹ lớp (Một thứ quỹ trời ơi ).
    Viết đi Tư !

    ReplyDelete