Nov 14, 2009

Chia khói

Tui đặt lòng tin sâu sắc vào con người, dù có đọc... một khúc khói trời rồi thì vẫn mua sách của tui (năm sau mới in). Hehehe. 

Tui cảm ơn những bạn đã khuyên tui để dành bán lấy tiền nuôi con (điều này tui nghĩ tới chớ, tui nói trong bụng mình post một khúc thôi chớ đâu có ngu, kekeke), cảm ơn luôn những bạn kêu tui post lên nhanh nhanh vì chứng tỏ những thứ tui viết ra có người còn muốn đọc, may mắn và hạnh phúc thay !

Không hứa hẹn gì ở lần bán khói này, chỉ là món quà cho mình, mỗi năm viết một cái truyện tử tế ngoài những cái ít tử tế bán để mưu sinh.

Gửi một lời nhắn nhỏ tới những bạn đọc từng hy vọng và mong mỏi nơi tôi rằng, tôi vẫn còn đi...

Truyện này tác giả giữ bản quyền do chưa có bán chác được bao nhieu, vui lòng không sao chép sử dụng  bằng bất cứ hình thức nào. Đội ơn !!!!!!!!!!!!!

Khói trời lộng lẫy

Truyện : Nguyễn Ngọc Tư

 

1

Nghe tiếng mưa khi mưa hãy còn xiêu xiêu ngoài sông, rồi mưa băng qua bờ lá có căn chòi hoang ở phía Nam cồn, ào vào bãi đất xơ rơ những thân lau sậy cháy, giờ thì mưa đã dội trên mái nhà, trượt theo những đuôi lá mục mưa thả mình vào đất. Khe vách rách rã chẻ mỏng những ngọn gió ướt, chém ngọt qua người, lạnh rởn từng lỗ chân lông. 

Tôi lụi hụi ngồi dậy đắp mền cho thằng Phiên. Tấm mền ngắn ngủn, mong ấm cổ thì hở chân, che kín đôi chân thì phong phanh khoảng vai trần. Lại chạm tay vào nó như thường chạm khẽ trong đêm. Có lúc thằng nhỏ hơi mỉm cười, có lúc nó càu nhàu rồi lăn sát vách mùng, có khi nó quạu quọ gạt tay tôi ra. Nó phản ứng kiểu nào tôi cũng vui bởi ý nghĩ, nó còn ở bên tôi. 

Nhưng khuya nay, khi tay tôi vờn trên cái mũi chi chít mụn của Phiên, khi cái đầu gối xương xẩu của nó co lại thúc vào sườn tôi đau nhói, vẫn cảm giác thằng nhỏ đang rời đi xa lắm rồi. Nó đi trên chiếc xáng cơm lạ cùng những gã đàn ông lạ. Chiều qua, chiếc xáng đã nhổ neo rời khỏi cồn. Nhưng mưa mùa triền miên cùng với những cơn giông gió cũng không ngăn được nó quay lại, càn rướn vào rặng ô rô rách bươm. 

Và không có gì ngăn gã đàn ông trên chiếc xáng kia tới tìm tôi, với vẻ nham nhở thường ngày, hỏi tôi suy nghĩ tới đâu rồi. Nham nhở như gã của ba ngày trước, khi chìa ra một vuông báo cũ ố vàng và khiêu khích hỏi tôi có gì để đổi không. Mảnh giấy nhỏ nhoi ngó chừng vô nghĩa nhưng gần như tôi không có gì đáng giá đánh đổi, ngoài chính tôi. Gã chỉ chờ đợi điều đó thôi, khẽ cười đắc thắng. 

Nhưng tôi câm lặng không phải vì tuyệt vọng mà vì những bức ảnh trong bài báo phất phơ trên tay gã. Ba tôi, Anh, và tôi của ngày hai mươi ba tuổi. Tấm hình tôi dán trong bộ hồ sơ xin việc, mặt quang quẽ, tóc vén lên vành tai, nhìn thẳng, hơi mỉm cười nhưng mắt tối và sâu. Trên bài báo, ba cái hình nằm gần như cạnh nhau, nhưng hai người kia đang tuyệt vọng tìm tôi. Ngày trên trang báo dừng lại ở mười ba năm trước. 

Ngày hai mươi ba tháng tám. Không biết bữa đó tôi với Phiên đang ở trên chuyến xe đò nào trong một lộ trình trốn chạy. Ngày hôm đó, có thể chúng tôi đang ôm nhau ngủ còng queo trong một toa xe lửa hôi sặc cứt gà, một phòng trọ mốc meo, có thể chúng tôi đang ngồi tàu đò, lúc đi qua cái cồn xanh mịt những rặng dừa nước, rặng bần có ai đó thở dài ứ hự, “cho tui nhiêu tiền cũng không lên cái cồn Bần này ở, buồn thấy mẹ…”, tôi liền kêu tàu ghé lại. Anh tài công xửng vửng, chắc hôn vậy, chắc chỗ này không, tôi gật đầu cười, bồng Phiên bước lên bờ, nói về tới nhà rồi, cưng ơi. 

Chiếc tàu de khỏi bờ lá, Phiên vẫn đang ngái ngủ trên vai tôi, không biết rằng từ nay nó sẽ sống một cuộc đời khác, với cỏ cây, với sông nước, và vài ba nóc nhà thưa thớt của xóm cồn. 

2

 Khoảng cách ngàn cây số cũng không làm sao ngăn được những chiêm bao. Có thể ban ngày tôi thường nhớ, khi ngó cỏ cây, nhìn những người xóm Cồn í ới giúp tôi lợp nhà, ven vách, nhìn Phiên lửng đửng đi từng bước trên đất… tất cả đều quen thuộc. Như những gì cất giữ ở Viện di sản thiên nhiên và con người.  

Mỗi chiêm bao là một lát cắt, một bộ phim dang dở về nơi đó. Có khi tôi thấy vía mình ngập ngừng đi vào một tòa nhà cũ chìm lút trong một khuôn viên um tùm cây cỏ. Qua mấy bậc tam cấp gãy nứt nối với khoảng hành lang hơi tối có vài căn phòng khép cửa. Cuối lối có mảnh sân rộng nằm giữa tòa nhà, nắng sáng rót lưng chừng. Nhiều tấm pano được treo trên bốn bức tường vây quanh, giăng giăng những khẩu hiệu, bên này là “giữ gìn cái đẹp của nhân loại như giữ nhịp đập trái tim mình”, “Cái đẹp thường mong manh và tàn nhẫn, chúng ta sẽ chạm vào điều kỳ diệu giữa cơn đau”, bên này là “cần có một tâm hồn lớn để cảm thụ những cái đẹp cuộc đời”. Chữ nào cũng chắc nụi, lớn lao. 

Vía tôi bị chữ hù, cứ hí húi đong đếm coi tâm hồn mình bao lớn, rồi vía thấy một dòng chữ khác được đắp nổi lên tường, “Không có gì là mãi mãi, hãy cất giữ thế giới này”. Vía tò mò, hồi nhỏ tới giờ chỉ biết đất nước muôn năm, anh hùng muôn năm. Ở đây họ nói không có gì là mãi mãi. 

Tò mò quá, vía đẩy cửa vào. 

Và trong những chiêm bao hao khuyết tôi từng đêm, những cánh cửa của tòa nhà Viện di sản thiên nhiên và con người luôn mở ra rất chậm, sau tiếng kèn kẹt là vùng ánh sáng chói lòa, như thể phía tôi là bóng tối. 

Khi đó thằng Phiên lăn sát vào tôi, hay chân nó đập xuống giường trong lúc trở mình làm tôi thức giấc, ký ức vẫn tiếp tục mở ra những cánh cửa, mở ra những rung động, bất ngờ. Một vài căn phòng giống như biển, ngay lập tức khiến tôi chìm sâu, ngộp thở, nhưng tôi hoàn toàn không muốn vùng vẫy, chạy trốn. Lý do đôi lúc chỉ vì trong đó có người đàn ông giống như một người nào đó tôi đã gặp trong đời, một người tôi đã mất dấu. 

Nhưng người đàn ông phỏng vấn tôi hôm xin việc không tỏ ra chút nào quen biết, anh ta hờ hững và xa lạ, lơ đãng khép mở hồ sơ trên tay, lơ đãng hỏi một câu lơ đãng, em có kinh nghiệm gì? 

Trời, kể hết chắc tới mai. Tôi đã từng rửa chén và phục vụ ở nhà hàng, sơn tường nhà, phát tờ rơi, chăn trẻ con, xé vé ở rạp chiếu phim… và tôi còn có khả năng tươi cười, bất kể hoàn cảnh nào. Nhưng chẳng hiểu sao khi anh gác chân còn lại lên bàn, tôi lại nói ra một kinh nghiệm kỳ lạ : 

- Tôi lắng nghe người ta nói.

 - À, vụ này hay nghen, vậy chớ em nghe làm sao ? 

Tôi nhìn mấy tờ giấy bay lắt xắt trên bàn, và nghĩ mình có quyền nói dóc là trực đường dây nóng cho sản phẩm dầu gội hay thuốc diệt muỗi abc nào đó. Nhưng tôi ngước lên, cố bắt chước vẻ giễu cợt của anh ta, làm bộ điều tôi nói ra đây không quan trọng, “cũng lâu lâu rồi, tôi có làm bồ mướn”. 

À, người đàn ông không hề chớp mắt, cũng không biến sắc, anh ta làm như mới nghe nói tới nghề này lần đầu, nói lạ quá, em kể thêm chút nữa đi. Tôi dùng hết vẻ thản nhiên mà tôi vơ vét được, thuật một câu chuyện mà tôi biết nó chán òm. Có lúc không tìm ra học phí, bạn bè nói làm bồ mướn cũng có tiền, rồi giới thiệu cho tôi một anh. Chúng tôi gặp nhau không đem quá khứ theo, không có cả tên, gọi anh ơi em ơi như mặc nhiên tên họ là Anh tên tôi là Em. Những cuối tuần, tôi nín thở chờ điện thoại run lên và Anh nói sẽ đón. Chúng tôi đi ăn, uống, đi tới những cái quán nước vắng người để ngồi chơi. Có khi anh nói, tôi nghe. Có khi Anh không nói gì thì tôi im lặng, im lặng cũng là cách lắng nghe. Cao trào của mối quan hệ này là một lần Anh bật khóc nên tôi cho mượn vai. Tóc Anh hơi rối làm cổ và má tôi nhột ran, cả người tê dại, nhưng tôi cố chịu, vì tôi là bồ mướn. Nên vai này coi như được trả tiền rồi. 

- Chúng tôi… không đi xa. 

- Đi xa là đi đâu ? – Lại giễu cợt. 

- Từ eo tôi trở xuống. 

Tôi quyết định dừng câu chuyện ở đó, giữ đoạn cuối trong lòng. Sau bữa cho mướn vai, tôi bỗng nghĩ, thôi kệ, đi xa cũng được, nhưng Anh không bao giờ gọi nữa. Không có tăm tích nào trên đời, như một giấc mơ vậy. Tôi buồn xanh xương. Không bao giờ tôi hình dung mình gặp lại giấc mơ xưa trong căn phòng này, vẫn gương mặt phớt đời, vẫn cái nhìn ngạo nghễ, và vẻ xa xôi lạnh lẽo không lẫn với ai. 

Tự dưng, tôi thèm muốn tìm được một công việc nào đó ở đây, quét lá cây trong vườn cũng được. Buổi phỏng vấn là một cơn nín thở, và òa vỡ khi người đàn ông xốc xấp giấy tờ lại, bắt tay tôi : 

- Từ giờ cô sẽ lắng nghe thiên nhiên nói. 

Cái kiểu bắt tay cũng hờ hững, đầy vẻ ban ơn. Tôi không thấy phiền chút nào hết. Tôi vui muốn chết. 

3 

Chuyện đời tôi được người xóm Cồn đồn đoán, thì thầm rằng, yêu một người bị gia đình phản đối, tôi bất chấp trốn nhà theo anh ta, sinh thằng Phiên, rồi bị anh ta bỏ, không biết đi đâu về đâu, tôi tạt qua xóm Cồn ở tạm, chờ ba má tha thứ tôi sẽ dẫn con về. Chưa bao giờ tôi kể, nhưng ánh mắt u tối của tôi, thằng nhỏ đang lẽo đẽo dưới chân tôi, kiểu cười  tránh những câu hỏi khó, tất cả đã nói thay. 

Rằng tôi tới đây chờ đợi một sự lãng quên, giống ông Sáu Câu từng chịu án giết người, giống chị Thắm lẩn tránh những đòn ghen của bà vợ lớn, giống chị Thiện bỏ lại ở quê chồng con và món nợ hụi hè … Những người mà họ nợ dù tình cảm hay tiền bạc, biết họ ở đây, nhưng không ai đuổi theo. Cái cồn nằm giữa dòng sông Mê mênh mông, tự nó như một chốn lưu đày.

Chân trời chỉ nước và cây, mặt trời mọc trên sông rồi lặn vào sông, bờ Bắc bờ Nam nhiều bụi rậm mọc hoang lẫn trong những chòm cây cối. Chiều nào bìm bịp kêu, nắng chìm lỉm theo. Tôi hay nhìn về đó, tự hỏi người ta còn tìm kiếm tôi không ? 

Một ông già vác cần câu đi qua, hỏi tôi, nhớ nhà hả cô ? 

4 

Tôi nhớ vài căn phòng, ám ảnh và xao động, như kho lưu trữ của Viện di sản thiên nhiên và con người. Kho rộng mênh mông, dài những cái tủ kệ cao đến tận trần nhà, chạy song song tạo nên những lối đi hun hút. Trên kệ người ta xếp hàng ngàn khay dữ liệu, tất cả được ghi chú bằng những ký hiệu lạ lùng. Những thiết bị nghe nhìn đặt rải rác ở các góc phòng. Khi tôi chạm tay vào chúng lần đầu tiên, bằng tất cả nôn nóng tò mò và bối rối, tôi chỉ có thể nghĩ, chắc mình chết ở đây luôn quá. 

Nhốt mình trong đó suốt một tuần, và sau này, khoảng thời gian nghỉ giữa những chuyến đi, tôi gần như chọn kho lưu trữ của Viện là chỗ trú chân, vạ vật. Tôi luôn thấy tiếc nuối khi rời đi khỏi căn phòng đó như hay tiếc nuối khi rời khỏi mộ mẹ tôi. Khi lục lọi những khay này, tôi đã dòm ngó qua khay bên cạnh, bên đó không biết có cất giữ những hoa lau óng muốt dưới nắng, có đàn cò trắng bay qua trăng chiều, mớ lục bình rách nát trôi ra cửa biển.không biết có ông già rớt nước mắt thổi khèn vờn quanh bà già trong phiên chợ… Lẫn giữa sự háo hức là nỗi tuyệt vọng, có thể hết đời này tôi sẽ chẳng bao giờ thưởng thức hết những hình ảnh, âm thanh đẹp đẽ và rung động của cuộc sống đang được lưu lại nơi này. 

Họ vẫn đang làm đầy nó lên. 

Và tôi sẽ làm đầy nó lên. 

Hồi làm bồ mướn, có lần tôi lén lấy điện thoại thu tiếng nói Anh, buồn buồn lấy ra nghe chơi. Mà nghe lần nào cũng có cảm giác đói, đoạn âm thanh ngắn là tiếng muỗng chao leng keng trong ly cà phê đá, và Anh lơ đãng hỏi, “đói bụng không ?”, tôi nhớ khi đó mình đã ứa nước mắt, giả vờ cúi xuống cột dây giày. Tôi hay cảm động với những câu hỏi như đói bụng không, ăn gì chưa… 

Công việc của tôi ở Viện cũng gần giống vậy, tìm kiếm và ghi chép những âm thanh, hình ảnh giản dị của cuộc sống được cho là có giá trị, đáng lưu giữ. Nó có thể như một cái phim tài liệu nhỏ có mở đầu và kết thúc, hay chỉ là lát cắt bất chợt của mưa, gió, của lá rụng hay những bông hoa lăn bên sườn đồi… 

Tôi rời căn phòng nhỏ trên tầng thượng cư xá sinh viên, nơi tôi làm ổ bốn năm học và thêm một năm tìm việc. Nhiều đêm buồn quá, tôi giả làm tượng phơi sương, rình coi những đôi chim heo yêu nhau, lá cờ bay bên tai rười rượi. Hôm gom mớ hành lý hẩm hiu cùng di ảnh của mẹ đi, tôi ghi lại tiếng cờ bay, coi như là mẫu đầu tay, mang về Viện. Anh trưởng phân ban của tôi râu tóc rối bời, lúc nào cũng bỏm bẻm nhai kẹo cao su, nghe xong anh vạch bụi râu ra cười, “Buồn hen nhỏ, nghe cô đơn dã man, đâu đem duyệt thử coi…”. Tôi luôn chờ đợi những cơ hội nhỏ nhoi đó, được tới gặp anh Viện phó mà tôi thương thầm, với lý do chính đáng. Và vẫn như mọi khi, anh này giễu cợt, chậm rãi và tàn nhẫn, làm tôi chết mê chết mệt. 

- Kiếm sọt rác nào xấu nhất quăng cái này vô, xong đi tìm cho tôi những gì sắp mất, ngoài kia nhiều lắm… 

Tôi gật gật làm ra vẻ đã hiểu rồi, nhưng “ngoài kia” chính xác là ở đâu ? cái gì sẽ mất ? 

Có nhiều câu hỏi người ta tốn cả đời để trả lời, thí dụ như câu “Anh có thương em tới chết mới thôi không?” Tôi nghi ngờ mẹ tôi đã từng hỏi cha tôi câu này, hồi còn con gái. Cha tôi thấy khó nói quá, thôi cúi xuống khóa môi mẹ tôi cho rồi, có ai vừa làm chuyện đó vừa nói được đâu. Tôi thò đầu ra đời, mẹ mừng húm, tưởng tình yêu trả lời. Nhưng cha tôi cùng chiếc xe tải bèo nhèo bán cây giống chỉ quay lại xóm Chiếc vài lần, thưa, thưa dần và cha tôi không tới nữa, khi tôi bốn tuổi. Tôi bắt đầu hỏi một câu dễ òm, “mẹ ơi, cha con đâu ?”, mẹ ngó ra sân, nói con chuồn chuồn đẹp quá. Cũng có khi mẹ chỉ vào vách và nói thằn lằn cụt đuôi kìa con. Tôi rượt đuổi theo những vu vơ của mẹ suốt thời thơ ấu, cho đến khi ngơ ngác đội khăn tang đi trong một đám ma ít người đưa, vẫn không nhận được lời đáp. Tôi hay nghĩ, nếu hôm đó chiếc xe khách không hất mẹ văng bên đường, chắc chắn buổi tối lại mẹ sẽ kể cho tôi nghe chuyện về cha tôi. Nhưng buổi tối bị bỏ lỡ, câu hỏi đó vẫn được day đi day lại, và tôi trả lời theo cách của mình. Như khi mợ tôi tỏ ra hờn giận, “nhà hết gạo rồi, chừng nào ba mầy về dẫn mầy đi ?” tôi cười nói trưa nay con không ăn cơm, hồi sáng ăn mấy củ khoai còn no quá chừng. Như những lần sắp nhập học, mợ vu vơ, “không biết chừng nào ba mầy quay lại…”. Tôi nhẹ nhỏm cười, hồi hè con đi làm kiếm được ít tiền, con tự đóng tiền trường được, mợ khỏi lo… Nói trớt quớt, nhưng mợ hài lòng. 

Hồi đó tôi đã biết một câu hỏi có năm bảy kiểu trả lời, giản dị nhất là toét miệng ra cười, khỏe nhất là kêu “đi hỏi ổng”, phức tạp nhất là đi mấy chặng xe lớn nhỏ tới một chợ xã lún trong bụi đất đỏ, gặp một người đàn ông tóc vuốt dầu mướt rượt bảnh bao, thảnh thơi ngồi chơi bài “tiến lên”, góc nhà có hai đứa nhỏ đang cự nự. Vợ ông trạc tuổi hơn mẹ tôi, bưng ra cho tôi ly nước hột é, hỏi em cưng kiếm ai ở chợ này, tôi ngó người đàn ông nói, quen sơ sơ thôi, giờ mưa quá nên hết quen rồi. Năm đó tôi mười bốn tuổi, đã bắt đầu tự mình tìm kiếm câu trả lời, những khi thấy lòng thắc mắc. 

Giờ tôi đang thắc mắc cái đẹp nào đang và sắp mất. Để tìm câu trả lời, tôi bắt đầu rời khỏi thành phố, bắt đầu những chuyến đi xa. Vì thành phố đã xua đuổi thiên nhiên đi xa.  

Tôi thường đứng bần thần ở ngã ba, không biết mình nên đi đâu, bắt đầu từ đâu. Chung quanh tôi quá nhiều vẻ đẹp, đừng nói dấu mưa xoi khuyết những viên gạch trần, hoa bìm bìm lợp tím rịm cả một chòm cây, vạt rừng bướm bay như trấu vãi… với tôi, cây cỏ cứt heo mọc bên đường cũng đẹp. Nhưng những vẻ đẹp này trong kho lưu trữ Viện đã chật đầy, tôi vẫn phải loay hoay. 

Một bữa, khi rửa đôi giày bê bết bùn sình bên sông Ba Bẩy, tôi nghĩ, không biết dòng nước này đang mang bụi đường này chảy về đâu, sao mình không theo nó thử coi. Nước cứ men theo bờ bụi chảy hoài cong cong quanh quanh, có đoạn nhập vào nhánh sông khác rồi lúc sau lại rẽ. Những biến hóa bất ngờ cứ xỏ mũi dắt tôi đi, dòng chảy lúc cuống quýt lúc nhởn nhơ, hoa cỏ bên bờ, những xóm làng bên bờ… Có tối tôi nằm ém gần bụi chùm gọng hàng giờ, chỉ để chờ con bìm bịp trong đó cất tiếng kêu cho bầy đom đóm hết hồn bay lên lả tả. Có trưa ngồi coi nước lên, thấy vài sự sống tình cờ từ những trái mấm đi hoang kẹt trong miệng hang của con cá thòi lòi, bén rễ luôn ở đó; một trái dừa chuột khoét trôi ngang qua, chở theo con chàng hiu ngồi thom lom, mặt nó buồn vô phương, như thể hỏi rồi đời đưa ta giạt về đâu ? 

Dọc đường, gặp người tôi cũng xáp vô làm quen. Tôi theo những người chài cá chốt giấy, tường thuật luôn một vụ giỡ chà, rồi nhảy qua chiếc xuồng be chín có cắm tàu lá dừa làm buồm cho gió đẩy đi, lai rai với ông già vừa uống rượu vừa ung dung cầm lái. Tôi còn rình được thằng nhỏ vừa thót lên cất vó thì cái quần đùi giãn dây thun bị tụt, nó quýnh quáng buông càng vó chụp quần lại, làm cái vó úp trúng chiếc xuồng chèo ngang qua, tiếng rầy la dậy động. 

Tôi về nói bên mộ mẹ, lúc này con làm mấy chuyện tào lao lắm, mắc cười lắm. Mẹ tôi im lặng, kiểu của mẹ dù sống hay chết, dù chung quanh mẹ người ta đang nhộn nhạo nói cười. Ngày tôi bỏ quê đi ngôi mộ còn nằm tuốt ngoài đồng, giờ thì lọt thỏm giữa một xóm nhà, muốn ra thăm phải chen bên hè của một quán nhậu có rèm che. Đi qua lần nào cũng có người níu lại, kêu cầm mớ tiền rồi đem cái mả đi, chớ giờ người ma lộn xộn xà ngầu, hết phân biệt nổi. Đi qua lần nào cũng có cô nào đó giòn tan than í nhột nè quỷ sứ anh, tiếng đàn ông cười khơ khơ anh khát sữa lắm rồi cưng ơi, lẫn trong tiếng nôn ói ồ ồ đằng sau. 

Dòng kinh trước nhà ngoại tôi người ta chặn lấp, những chỗ còn lại thành những ao tù đầy nước, ai đó cắm bảng “cho mướn nền”. Tôi sực nhớ ra thân phận của con sông Ba Bẩy tôi vừa đi qua. Bèo thôi trôi, chỉ còn người trôi, chắc chắn có mấy cô í nhột nè quỷ hà. Di sản của con sông chỉ là hình ảnh mà tôi vừa nhặt nhạnh được. 

Và những vẻ đẹp được nhốt trong phòng lưu trữ của Viện là những tiếng kêu thét tuyệt vọng, bất lực trước mất mát, sự run rẩy của nỗi buồn, bởi quá nhiều thứ ta sẽ không bao giờ thấy lại ngoài đời. Anh đạo diễn phim sẽ tới đây để tham khảo những âm thanh của khu rừng nguyên sinh ngàn năm tuổi cho bộ phim mới, tôi sẽ đưa cháu mình tới, chỉ cho chúng biết kia là chim sẻ, kia là núi, còn đây là chiếc xích lô, xe thổ mộ hồi xưa ngoại từng ngồi, hơi xóc tí nhưng hay lắm, thơ mộng lắm… Cứ vậy, tôi hình dung mông lung, rồi bỗng dưng ăn gấp thở gấp ngủ gấp. Tôi muốn nhanh tới những dòng sông, cánh đồng khác. Chỉ khi nào nhớ anh sếp ngạo mạn, tôi mới trở về cơ quan, bước vào căn phòng anh, xổ ra bàn mấy chục mẫu, ngẩn ngơ lén ngó anh ta rồi quay ra. 

Có khi anh ngó lom lom, chui vô chỗ nào mà gai quào rách con mắt vậy ? 

Có khi anh nói, hèn chi mấy bà bán giày ngoài chợ ế ẩm khóc lóc thảm thiết… 

Tôi ngúc ngoắc cái ngón chân thò ra khỏi chiếc giày rách, cười rưng nước mắt, bước ra ngoài, nghĩ, trời ơi anh này dễ thương hết sức nói. Rồi tôi đi ngủ, bằng cách đó nước mắt được giữ lại trong mắt. Tỉnh dậy nhiều khi thấy có tấm áo đắp trên người, chắc ai đó đã vào, thấy tôi nằm chò co khó coi quá. Cái tướng nằm, như nhiều người nói, toát ra một nỗi buồn. Tự mình cuộn vào, ôm ấp, tự che chở, tìm hơi ấm của chính mình. 

Nhứt thấy tôi nằm ngủ một lần, cậu ta nói tôi như con cá Bảy Trầu, sống khép mình ở những chân ruộng sâu, ẩn náu trong rong rêu và rạ nát. Nhứt là cộng tác viên của Viện, mê đắm những cái xóm làng miên man bên bờ sông Ngó Ý, nơi cậu chạy đò máy xuôi ngược mỗi ngày. Mỗi tháng một lần Nhứt lên thành phố chở cá giống, ghé Viện, khoe với bất cứ ai cậu gặp, “chuyến này mẫu của em khẳm xuồng luôn”. Mẫu của Nhứt gợi cảm, sôi nổi như chính cậu. Con rắn mối thì thụt trong bộng dừa mục rã. Những rạp cưới được trang trí bằng lá dừa, bẹ chuối, lá đủng đỉnh, bông lồng đèn… Những gàu lá, gàu miểng dừa đặt cạnh những khạp nước mưa trong lẻo, đặt ngoài hiên đỡ khát người qua đường. Một con nhỏ bưng tô canh măng hầm thịt vịt đi trên đường làng, nước canh đầy quá, đi nửa chừng nó húp bớt, qua nhà kế bên nó đưa tô măng cạn queo cho thằng nhỏ kia, thẹn thùng nói, má tao cho má mầy canh… 

Mộc mạc không chịu nổi. Tôi thích tính Nhứt hồn nhiên, nên khi lang thang, Nhứt gọi điện thoại nói cuối tháng này em lên, tôi lại thu xếp trở về. Ngồi nghe Nhứt sôi nổi, “đó đó, lúc đó em núp bên mé mương nghen chị, ô rô nó đâm đau dã man luôn, nhưng quay được cảnh hai thằng nhỏ tắm sông ở truồng đo chim tự nhiên như vầy, sướng…”. Sau đó, Nhứt sẽ mời tất cả mọi người trong Viện đi nhậu, bằng tiền thù lao mà cậu ta mới nhận được, chèo kéo cho bằng được, “Bảy Trầu đi cho vui…”. Tôi thích biệt danh đó, nghe như trên tôi có có năm anh chị, dưới tôi còn vài đứa em, không phải tôi trơ trọi một mình. 

Món quà của Nhứt, tôi mang theo ra xóm Cồn. Tôi tên Trầu, thứ bảy, mẹ của thằng nhỏ một tuổi rưỡi tên Phiên. 

5 

Chỉ có một đám giỗ ở xóm Cồn, trùng với ngày tôi với Phiên đặt chân lên đó. Người ta nhắc, năm trước cô Trầu nhớ hôn, thằng nhỏ con cô mới biết đi lũn đũn, năm nay nó nói sõi, chạy không sót chỗ nào. Lúc nhìn ra sân, thấy Phiên đang rượt con vịt xiêm cồ, è ạch cố cưỡi lên, rồi té lăn quay ra đất, tôi ngỡ ngàng kêu thầm, trời đất, một năm rồi sao ? 

Một năm. Chín lần cười trừ khi người ta hỏi, sao trôi giạt tới chỗ này. Một lần đốt cỏ hoang làm rẫy. Năm lần gieo và thu hoạch trên những giồng rau. Một lần bị rít cắn. Một lần cuốc phập vào chân tuôn máu. Tám lần thằng Phiên ấm đầu, sổ mũi, ho. Bốn lần hết gạo nấu cơm, phải giả đò đợi đến bữa qua chơi nhà khác, chờ ai đó mời lơi là nhào vô ăn chực. Ba lần quá giang xuồng đi chợ cách Cồn hai cây số đường sông, ba lần Phiên nhìn thấy người đông. Ba lần bỏ quên thằng nhỏ ở nhà hàng xóm, lúc nhớ ra chạy đi tìm thì nó đã ngủ queo rồi. 

Mười năm sống một mình trở thành một thói quen đáng sợ. Tôi thường đi băm băm làm Phiên rớt lại đằng sau, thường ăn cơm bằng dĩa, rúc ngủ chèo queo nơi góc mùng… Nhưng giờ tôi đã là mẹ thằng Phiên, tôi luôn dặn mình điều đó. Làm mẹ thì nên thường xuyên hôn hít nó, ôm ghì nó quay vòng cho đến khi cả hai chóng mặt quá nằm bẹp xuống đất, thổi vào mấy chỗ nhột của nó cho nó cười nắc nẻ, dành cho nó những trái chín cây ngon nhất, cuộn nó vào lòng lúc nửa đêm… Mẹ tôi đã từng làm vậy cho tôi. Với ký ức xa xôi, tôi học cách làm mẹ từ mẹ. 

Và mẹ thì không bao giờ để con mình thiếu ăn. Tôi theo ông Sáu Câu đi câu. 

Ông già kỳ lạ đó có hai cái chòi cất trên cồn. Chòi phía Tây nằm sát mé sông, mỗi khi nước rông, hay lũ lớn nhấn cồn lún xuống, chòi còn trơ trọi nóc. Ông già chuyển lên sống ở chòi phía Đông, vốn ở lưng chừng, nhưng giờ cũng chấm chân vào mép nước. Và trong cái chòi lá quật quăng tơi tả, ông đối mặt với dòng sông, ngồi câu bất kể những ngày mưa dầm tối tăm trời đất. 

Ông không mê câu, ông không sắm chiếc xuồng đi tìm cá như những người kiếm sống trên sông mà chờ cá tìm mình. Vì ông hay thèm giết người, đây cũng là lý do ông ra cồn Bần ở, khi mãn tù. Ở đây, nếu sự ham muốn đó trỗi dậy, ông phải lội qua sông, hay chờ tàu đò đi ngang. Có khi tàu tới thì ông ngủ quên dưới bóng mát mấy cây bần. Có khi lội chạm bờ kia thì ông mệt rã rời, tạnh nguội nỗi khát khao máu người. Nằm thở một lát, ông lội ngược lại cồn. 

Người xóm Cồn kể có ngày ông qua sông đến ba bận. Kiếm được cây cần câu, ông không phải lội tới lui nữa. Tôi hỏi : 

- Chú còn muốn giết người không ? 

- Còn chớ, căm hận thâm căn cố đế mà. Lúc nào muốn quá thì xách câu ra, dặn trong bụng, chừng nào dính được con cá mới được đi nghen. Rủi, có bữa mới thả câu thì thấy nó rị phao.

- Rồi sao chú ? 

- Thì bắt cá nướng trui. Ăn no quá đâm ra buồn ngủ, không còn muốn đi đâu. 

Ông già cười, tôi cũng cười. Tôi tập hỏi để tôi trở về con đàn bà hai mươi chín tuổi, chớ không phải bà già chín mươi hai. Một phần, ở cái đất Cồn này, mỗi lần hỏi đều nhận được câu trả lời, hoặc gần với câu trả lời. Hỏi chị Thiện nhớ chồng không, chị cười khậc khậc, nhớ có khúc dưới của ổng hà. Hỏi chị Thắm sao đem son phấn thả sông, chị nói ở đây chỉ có mỗi thằng Thơ khùng, chưng diện nó cũng đâu có coi. Anh chàng tên Thơ đó sống một mình, không già không trẻ, suốt ngày ràng cái radio cạnh lỗ tai, mở đài rột rẹt rột rẹt cả khi đi ngủ, có bữa đi ngang qua thấy anh đứng một chân dưới gốc cây trứng cá, hỏi anh làm gì, anh nghiêm nghị, “Đừng nói rùm, con vịt đang học tiếng người”. Hỏi ông Sáu đã giết ai, ông già ngó ra sông, để lời rớt khỏi môi như một giọt rượu chảy ngược qua cái răng gãy, “Con vợ tôi…”. Và có khi tôi chưa hỏi, ông đã nói, “Thứ đó không phải để câu cá”. Đó là lúc tôi nấn ná gần cây cần câu nhỏ ông dựng ở góc chòi đã lên nước bóng ngời, sợi nhợ mỏng nối với một lưỡi câu lớn không ngạnh, thẳng như dấu chấm than. 

Ông già đã bao nhiêu lần thả câu này vào sông chờ tạnh nỗi thèm muốn tìm giết gã tình địch đã làm gia đình tan nát, khiến ông nhúng tay vào tội ác, tôi tự hỏi lúc nắm đoạn cần câu lạnh buốt, neo lưỡi câu thẳng đuột xuống nước. Ngồi hàng giờ bên cạnh thằng Phiên đang giang tay phơi rún ngủ, tôi tưởng mình đang chờ nó thức dậy để hai mẹ coi cùng về nhà, nấu cơm chiều. Ông già day lại móc mồi, bâng quơ hỏi, cô thấy bất an sao ?   

Tôi nói không, nhưng nhận thấy câu trả lời đó rất bất công với ông, tôi sửa lại, à mà có, cháu sợ mất thằng Phiên.

 6

 Tôi không biết cảm giác mất mát gieo trong tôi hồi nào, nhưng nó thật rõ ràng khi làm việc ở Viện di sản thiên nhiên và con người.

 Ông già bảo vệ ở cổng Viện có lần nói nụ cười cô Di như cái áo, mặc để giấu mớ bề bộn trong lòng, chắc có đôi ba chỗ bị thương. Thêm một lý do tôi thích những ông bảo vệ, họ biết tôi về khuya hay sớm, biết bữa tối tôi ăn xôi hay bánh mì, biết tôi có áo mới, biết tôi vừa cắt tóc, biết cả ít chuyện riêng tư, “cái cậu chạy đò tên Nhứt gì đó, chắc thương cô Di mà cô không để ý, nên lúc này không thấy lên nữa…”

 Tôi giật mình, chắc không đâu, không phải vì Nhứt nhìn tôi trong lúc tôi nhìn Anh… Nhứt không tới Viện nữa bởi những xóm ấp ven sông trong lòng Nhứt không còn. Lúc đầu Nhứt còn nhăn nhó lác đác, than vãn lai rai khi cái đình thần Thạnh Hưng xây lại, sơn phết như “đào hát bội”, khi người ta làm cửa cho những ngôi nhà vốn bao đời mở phơi lòng, khi người ta dẫn nhập nước mặn vào đồng... rồi thì một bữa Nhứt tới chơi, nói, đi nhậu chị ơi, lần này nữa thôi… 

 Nhứt không tới nữa. Ấn tượng cuối cùng về Nhứt là cậu ta quăng ly rượu vô vách quán bể nát, chửi thề, “Quê tui còn mẹ gì, giống như cái biển vậy …”. Điều đó làm Nhứt khác chúng tôi, Nhứt không chịu nổi sự mất mát. Còn người ở Viện đối mặt với mất mát hằng ngày, hàng giờ, ở trong nó, ăn nó, uống nó. Họ buộc phải lựa chọn, hoặc không yêu bất cứ gì, hoặc tập chai sạn trước nỗi đau. Cách nào thì dẫn con người về một chỗ : vô cảm. Họ có thể giẫm lên những mầm cây vì tin rằng những cái cây này không bao giờ sống sót được mười năm tuổi, khi cái xóm nghèo đang chực hờ gần đó. Họ có thể nhấm nháp rượu rắn với chim sẻ nướng dù biết đó là những con cuối cùng, họ đã giữ cuộc đời chúng bằng tiếng hót, bằng hình ảnh chúng sà xuống sân như một bầy lá rụng… và đem cất trong Viện, là xong. 

 Tôi không còn thích ra quán ngồi, như hồi Nhứt còn tới lui. Hồi đó tôi nghĩ đây là dịp mình gần anh Viện phó, được chào hỏi những đồng nghiệp có khi chỉ mới gặp lần đầu. Tôi vẫn chưa mở được tất cả những cánh cửa trong Viện giữa những chuyến đi về. Hiếm hoi trong những bữa tiệc tùng quen được chị Hát lỡ thời, say đắm những cơn gió trời thích anh Đê bên phân ban con người nhưng anh này lại mãi mê đeo đuổi vẻ đẹp lem luốc của những người thợ mỏ. May mắn ngồi chung với một anh khét tiếng tắm ít, suốt ngày giang nắng cùng những người đàn bà quang gánh. Mẫu của anh rất hay, những người phụ nữ có đôi vai lệch và bên vai áo sờn, những đôi chân gân guốc vồng lên vì chịu nhiều sức nặng. Những cuộc gặp cũng đôi khi xảy ra trên đường, có bữa lang thang trong chợ trung du, tôi lén sổ lồng cho mấy con nhồng bị người ta bày bán, lúc bỏ chạy tự dưng nghe tiếng xe máy sau lưng, ai đó kêu lên xe anh chở, tôi nghĩ lỡ anh ta là người bán nhồng thì sao, mình đâu có ngu. Người đó thấy tôi cắm đầu chạy hoài, kêu lớn, “dân Viện nè…”. Ủa vậy hả, tôi hí hửng nhảy lên xe ôm eo anh, nghe đằng trước rầy vói lại, “em đúng là con nít, làm chi uổng công vậy em, mấy con chim trước sau gì cũng bị bắt lại…”. Tôi nghĩ  trong cơn thở dốc, phải biết vầy mình chạy bộ luôn cho rồi.

 Người của Viện đông, nhưng họ cũng như tôi, đi níu kéo những mong manh, chỉ khác, họ hay đi cùng nhóm, thực hiện những chuyên đề về làng nghề, những trò chơi dân gian, hay nghệ thuật làng. Lâu lâu, thấy phòng đã lâu im ỉm bỗng dưng hé cửa, bật đèn, biết có người về, tôi ló đầu vào làm quen. Sau đó nhậu nhẹt, khen nhau và chê nhau. Cái anh hay theo mấy cô thôn nữ đội nước lên đồi cát chê anh nằm vùng trong những hẻm lao động đem về mấy cái mẫu tầm thường, lem luốc. Anh này cười nói đẹp đâu phải là mấy cô gái mặc áo dài đi qua cầu khỉ, đẹp là mồ hôi, là da sạm, tay chai. Rồi thì gió qua đồng cỏ là cái đẹp xa xỉ và vô nghĩa, một cánh đồng xanh mạ, hay rẫy bắp đang trổ cờ hay hơn nhiều. Rồi thì bồ câu là vứt đi, chim đồng chim bãi mới đẹp. Rồi thì rừng núi mới kỳ bí, mới nhiều tầng nhiều vỉa cần khai thác, chứ đồng bằng toang hoác, còn gì mà người ta chưa chạm vào đâu. mấy anh phân ban thiên nhiên nói không con nào tàn phá gây hại như con người, đi tới đâu thiên nhiên lụn bại tới đó. Mấy anh phân ban con người sôi máu, vậy thì anh từ chối làm người rồi, con người mà không đẹp thì có gì đẹp nữa.

 Lúc đó tôi ngồi rất gần họ, mông bẹp lên xác kẹo cao su của họ, mặt dính dấp nước bọt của họ, mắt thấy vũng ghèn và những bợ rau trên răng của họ, tôi bỗng nghĩ mười năm trước hẳn họ vẫn còn rất đẹp, họ còn biết run rẩy, xốn xang, đau nhói trước cuộc đời, nhưng không ai giữ vẻ đẹp của những người giữ gìn vẻ đẹp, cũng như không ai lãnh đạo lãnh đạo những người lãnh đạo, không ai chiến đấu cho những người chiến đấu. Bỗng dưng cái sự gấp gáp trỗi dậy, tôi sực nhớ mình cần đi tới sông kia, suối nọ. Bỏ cuộc chơi giữa chừng, ai đó càm ràm, nhỏ này đi như điên, không mệt hả ?” 

 Tôi xốc ba lô lên vai ngoái lại cười, mệt sao được, em có tới bốn cái chân.

 7

 Suốt một mùa mưa, tranh thủ nước trời tôi cắm mặt vào rẫy. Mây treo phía lưng tôi mỗi ngày năm bảy tiếng đồng hồ. Trong khi tôi cuốc giồng này thì giồng rau muống đã vượt khỏi gang tay, bên kia cải vừa gieo hạt, nhưng những cây còn sót lại đã lên ngồng. Tôi giành đất với lau sậy, lấn từng giồng, từng giồng. Sao cho mỗi khi xóm Cồn có xuồng đi chợ là có mớ đồ rẫy tôi gởi theo. Và với Phiên mỗi chuyến xuồng về là một cuộc hội hè với bánh kẹo, quần áo mới. 

 Tôi chờ bí ra trái. Tôi chờ ổi ra trái. Tôi trồng những cây lâu năm. Đôi khi tự thấy hành động này cũng giống như ông già Sáu ngồi bên sông với cần câu lưỡi chữ i, tôi đang neo cặm mình vào mảnh đất này, nuôi Phiên lớn.

 Người xóm cồn đi qua rẫy tôi nói, cô Trầu làm lụng như có tới bốn tay. Ểnh người, một tay chống nạnh, một tay đấm lưng, tôi lặng đi, nhớ đứa bạn tên Lam. 

 Hồi học cấp Ba, khoảng giáp Tết, Lam giới thiệu tôi và đội sơn nhà của chú nó. Phần việc của tôi là lon ton bên dưới, Di ơi lấy giùm thùng sơn, Di, lấy cho cây cọ, giấy nhám đâu rồi, Di và Di, dời thang. Tôi rất thích được kêu Di ơi suốt. Tôi thèm muốn mình được gọi tên, đến nỗi có lần mướn thằng nhỏ bán vé số, nói nó kêu Di ơi đi tôi trả năm ngàn. Nó nói vậy tui làm má bà hen, rồi chống nạnh riết róng, “Di, mầy trồi đầu về đây tao biểu coi…”. Thấy tôi trào nước mắt, nó cụt hứng, càu nhàu, “thôi bà khùng quá bà ơi, tui lấy tiền của bà chi...”

 Nên tôi ưa làm sai vặt, khoái cảm với những lời rầy rà la mắng. Đi sơn tường càng thích vì khi lơ lửng trên cao người ta hay kêu tên tôi. Lam hay ghé qua công trình của chúng tôi, nói tiện đường… Mọi người cười, sao không nói thẳng là mê gái, mậy ? Tôi lừ đừ không ngó tới, miết giấy nhám vào vách tường loang lổ. Tôi không thích Lam nhà giàu rảnh rổi, mới lớp mười một mà đòi yêu đương. Tôi ghét cái tên không biết là trai hay gái, ghét chiếc xe máy tiếng nổ như xé vải. Tôi ghét Lam cha mẹ đủ đầy, thậm chí còn dư mấy má nhỏ ở quận hai quận tám. Tôi ghét cái đầu tóc dày hất ngược bồng bềnh, ghét luôn nước da trắng và cái mũi thẳng, ghét như thể trời lấy hết của tôi để ban cho Lam. 

 Lam biết, nhưng nó vẫn thích tôi, cuộc sống của một thằng con trai muốn gì được nấy không phải lúc nào cũng gặp một thách thức thú vị như vậy. Một bữa đúng lúc Lam đảo qua nói vo nói ve, tôi dời cái thang chữ A ra ban công, thang nhôm chạm vào dây điện trung thế làm tôi chết giấc.

 Lúc tỉnh dậy tôi đã sống cuộc đời khác. Người ta kể Lam vì cứu tôi nên đôi tay bị cháy, có thể phải tháo khớp tận vai. Có vẻ như ông trời đang lấy của Lam để chia chác, mà tôi biết làm gì với một đôi tay nữa, chỉ một thôi đã quá nhọc nhằn rồi. 

 Nhưng tôi không có chọn lựa nào, Lam đã cho rồi, tôi phải nhận. Thăm Lam khi vừa tỉnh dậy, nó khóc, tôi mếu máo nói,  “thôi đừng buồn, tui sẽ lấy Lam làm chồng”. Lam ngoẹo đầu qua bên vách, cố giấu cơn khóc dữ dội hơn, khóc mà không có tay để giấu mặt, không có tay để lau nước mắt. Hồi đó, báo chí ca ngợi Lam như một anh hùng, nhiều cơ quan tới tận giường tặng bằng khen, tặng tiền, tặng nước mắt cảm thương. Lam trả lời tám cái phỏng vấn, nói tôi không hối hận.

 Lam nói không hối hận. Nhưng mắt nó nói tôi hối hận. Mặt nó nói tôi hối hận. Đôi tay áo trống rỗng phơ phất của nó nói tôi hối hận. Tôi chưa bao giờ thấy nỗi buồn nào giống vậy, buồn vì đã làm việc tốt. Buồn vì đã tốt. Những lần tôi tới chơi, vui thì Lam để tôi đẩy xe đưa nó ra vườn, buồn thì nó đuổi thẳng, về đi, tui không cần thương hại. Tôi chối nhưng ánh mắt tôi đã phản bội, nó nói rõ ràng, tôi thương hại. Không bao giờ mắt dám nhìn thẳng vào đôi vai trụi trơ. 

 Tôi cố dặn mình hãy nhìn vào đó công bằng như nhìn một người lành lặn, công bằng như nhìn thằng bạn mà mình căm ghét, hãy cười ha ha và nói đáng đời mầy, ai kêu mày giàu, mày sung sướng, giờ ráng chịu. Những buổi tối làm việc ở nhà hàng, tôi cắt cánh gà, nhìn vào cái thân mình trụi lủi của nó, thấy không có gì là khó. Nhưng Lam không phải con gà, hay cái cây bị tỉa nhánh, Lam là người. Và nếu quyết định gắn bó suốt đời, thì chúng tôi sẽ làm tổn thương nhau trong lúc nhìn nhau, âu yếm nhau, liệu chúng tôi có chịu được không, tôi nghĩ nát cả tuổi mười bảy. Lam nói không được đâu, nó nói bằng cách nhảy từ ban công tầng ba xuống. Tôi bắt đầu sống bằng hai người, nhưng việc đó cũng làm tôi tàn tật. 

 Nghe câu chuyện này, anh Viện phó kêu, thôi khóc nhiều rồi, từ giờ em nín đi. Nhưng tôi đâu có thấy mình đang khóc. 

Chuyện của Lam, tôi kể Anh nghe trong một tối trời mưa. Cúm rúm trong một căn lều ở bìa rừng, lớp lá mục dưới chân ngấm ướt, phải ngồi chồm hổm, hai chân tê rần, tôi lóng ngóng hết ngó Anh lại nhìn ra cửa lều bóng đêm đã bịt kín. 

Anh ở quá gần. Với tay là tới. Bồn chồn, bối rối, sốt ruột không che giấu được, Anh đánh mất vẻ kiêu bạc, ngạo ngược thường ngày, tôi ao ước phải chi mình là lý do, chứ không phải vì cánh rừng năm hai trăm năm tuổi này. 

 Năm sau, người ta sẽ san phẳng chúng và trồng lên một khu công nghiệp lớn nhất nước. Chúng tôi được lùa tới đây, làm chuyên đề rừng, mong vớt vát được chút gì trước khi nó biến mất. Nên tôi được đi công tác cùng anh, chuyến đầu tiên, đêm đầu tiên. Nhưng không phải lần đầu tiên tôi nhìn thấy sự vật vã của một “con nghiện rừng”, một biệt danh mà trong giới ai cũng biết. Cái hôm nào đó, khi Anh mướn vai tôi để vùi yếu mềm vào đó, cũng có cánh rừng qua đời. 

 Nên dù giờ Anh vẫn giả lơ, vẫn giữ vẻ lạnh lẽo như chưa từng thuê tôi làm bồ, dù nhiều khi cả tôi cũng hoài nghi, biết đâu người giống người thôi. Chỉ khi tôi mở tất cả những khay dữ liệu mang tên Anh, tôi biết chắc đây là người tôi tìm. Mẫu của Anh nhiều lần làm tôi suýt rớt nước mắt vì tuyệt vọng. Vẻ đẹp của những tán rừng lúc nào cũng chực bứt ra khỏi máy móc, đòi sự sống, đòi hơi thở, đòi không khí trong lành… Nghĩ, nếu ai đó đã yêu đến vậy thì không thể yêu con người nữa. 

 Nên Anh có kiêu hãnh hơn, lạnh lùng, mai mỉa hơn tôi cũng không ngạc nhiên chút nào. Chỉ thấy lạ khi con người đó trở nên đa cảm trước sự mất mát. Mười lăm năm Anh làm việc ở Viện, bỗng yếu mềm như một đứa mới vào nghề, trong một tối mịt mùng mưa.

 - Nghe lời tôi, em đừng yêu bất cứ gì.

 Tôi nghĩ thầm, sao làm được ta, mình có tới hai trái tim mà. 

 - Trời đất, em yêu luôn những cái đã mất rồi.

 - Kể tôi nghe đi, em đã mất gì ? 

 Tôi cười, nhưng cười không phải là một câu chuyện để nghe. Giữa cô quạnh, không có chiếc xe nào chạy qua, không có người nào đi qua, tôi không có gì vớ lấy để đắp những hố thẳm trong tôi lại. 

 - Sao em không nói ? Em nghĩ trên đời này có người nào muốn nghe em hơn tôi sao ? Anh hỏi.

 Ngay giây phút đó, tôi không bao giờ mặc cái áo cười trước Anh nữa. Tôi là tôi, trơ trụi xơ rơ, gân guốc bụi đời, và rửa mặt mỗi ngày bằng nỗi muộn phiền không đong đếm được. Quá nhiều chuyện tôi muốn kể Anh nghe, nhưng tôi bắt đầu từ Lam, người khiến tôi đi nhanh, sống gấp. Như nàng Sheherazade của thiên truyện Nghìn lẻ một đêm, tôi để dành vài câu chuyện cho lần sau, sợ không biết nói gì vào dịp thứ hai, đêm thứ hai.

 Lúc đó tôi không nghĩ sẽ cùng Anh đi tận những đất trời. Lúc đó thì tình yêu là chiêm bao. Bởi sáng sau thức dậy ở cái bìa rừng đẫm nước, Anh lại là ông sếp dày dạn, thông minh đến lạnh lùng, kiêu ngạo đến hách dịch. Một bữa theo những triền sông tìm những lò rèn, lò cốm, những vườn trầu, cau còn sót lại… thấy ham quá không hay chuyến đi đã dài hai mươi bảy ngày. Về Viện, anh đón tôi bằng ánh mắt rát mặt, giận dữ nói “sao em không đi lâu hơn nữa ?”. Mà kỳ thiệt, anh lại kéo tôi ôm vào lòng. 

 Khoảnh khắc đó tôi đã biết âm thanh đẹp nhất của cuộc sống là tiếng của một người nói yêu một người. Tôi nghe rồi, bàng hoàng nghĩ chắc chết mới hết cảm động. Nhưng tôi phải tỏ ra không cảm động gì cả, khi rời khỏi căn phòng đó, khi gặp một đồng nghiệp ái ngại hỏi, “bị sếp giũa te tua rồi hả ?”. Tôi cúi đầu buồn tủi cho giống như cô nhân viên ít thâm niên xốc nổi, hay mắc lỗi vừa bị ông sếp khắt khe rầy rà. Thành phố giống như một sàn diễn lớn, và chúng tôi đang cố tròn vai.

 Những lần về thành phố lúc cuối tuần, giống như diễn viên chờ tới lượt mình ra đèn, tôi vạ vật ngồi quán ở ngã tư Sương, uống một ly cà phê đá cùng bảy ly trà đá, ngồi từ sáng tới chiều, mong bắt gặp Anh chạy xe qua để nhìn mặt, vậy thôi. May mắn thì sẽ thấy Anh đi dạo cùng gia đình, đứa con cao nhòng nên phải khoanh tròn trong lòng ba nó, đằng trước. Vợ Anh ngồi sau thổi nhẹ một câu nói nào đó vào vành tai chồng. Chị là tiến sĩ xã hội học, đẹp và thông minh. Tôi đọc những bài viết sắc sảo của chị in trên báo, thấy chuyện chị không nhận được tình yêu trọn vẹn của Anh chỉ vì lúc mặn nồng chị luôn mở mắt nhìn, thiệt là lý do vô duyên. Anh thì không nghĩ điều đó là ngớ ngẩn, “tôi cảm giác như cô ấy đọc tôi, dò xét tới gan ruột tôi. Ngay cái lúc con người bản năng nhất, thì cô vẫn lý trí, vẫn suy nghĩ”. 

 Tôi cũng thường suy nghĩ lắm, khi quấn nhau, khi mê miết da thịt nhau đến tan thành khói, thành nước. Tôi nhớ mẹ, ước phải mẹ còn sống, mẹ sẽ dạy tôi biết giữ gìn và chờ đợi, tôi sẽ yêu từ từ. Chuyện mở khuy áo hay không làm tôi bối rối cũng nhiều, bỗng nghĩ không nên hoãn tới cuộc gặp sau, khi tôi đã mất Anh một lần mà không biết tìm đâu, khi chỗ chúng tôi ở, nơi chúng tôi tới hay vừa rời khỏi, mọi thứ đang đứng bên bờ vực diệt vong, và chúng tôi sẽ cùng nhau bao lâu ? Nhưng dù là lần cuối cùng tôi áp môi lên môi Anh thì tôi sẽ đẹp đến phút cuối cùng. Tôi không muốn “phải chi…” một điều gì đó về Anh, sau khi đã dai dẳng hối tiếc, phải chi tôi đừng có lẻo đẻo theo mẹ hỏi về cha tôi, phải chi trước tai nạn Lam nói gì tôi cũng ừ…  

 Yêu nhau phải đến trăm lần cuối. Tôi hầu như về Viện rất vội, nộp mẫu, thanh toán những khoản phí, tôi lại khăn gói lên đường. Giữa thành phố tôi ngày càng ngơ ngác, nên có bữa kêu anh xe ôm từ bến xe về cơ quan, anh này chạy lòng vòng qua tám ngã tư ba ngã bảy, nhưng tôi chỉ trả tiền bằng đoạn đường ngắn ngủn mà tôi biết, thấy anh định há miệng ra cự nự, tôi cười, ủa, em tưởng anh chạy lòng vòng là vì anh thích em. Bữa khác về cơ quan gặp một người đàn ông đang đứng tra khóa vào ổ, tôi khều vai ông, lộn phòng rồi chú ơi, đây là phòng viện trưởng đó. Ông già ung dung cười, “Thì chú là viện trưởng mà. Cháu mới vô làm hả ?” Tôi bật ngửa, dạ cháu làm được năm rưỡi rồi. À, ra vậy… Ông nói bằng cái giọng ung dung, lúc nào cũng ung dung, rót trà ung dung kể chuyện nằm viện vừa qua, ung dung bấm ngón tay, còn bốn tháng mười bảy ngày nữa ông mới nhận quyết định hưu, vội gì.

 Sự ung dung, chậm rãi làm nhiều cấp dưới sốt ruột, trong đó có Anh. Người ta ung dung trong lúc thiên nhiên vẫn không ngừng biến mất. 

 May nhờ hẹn hò khiến cho nỗi chờ đợi trong Anh ịu cơn quay quắt. Hẹn hò hay lắm. Người này đón ở con đường người kia chắc chắn sẽ qua, rất xa thành phố. Vẫy đúng chiếc xe tình yêu đang ngồi, rủi trên xe đó có người quen với chúng tôi, một trong hai đứa sẽ nói, “trời, trùng hợp quá, anh (hay cô) đi đâu vậy ?”, rồi ai đó xuống dọc đường. Hành trình có trắc trở chút đỉnh, nhưng rốt cuộc chúng tôi cũng được lang bạt với nhau.

 Có bữa đi tới cái thác có mỏm đá trông giống đầu con voi, ai đó đắp thêm cái ngà bằng bê tông cho người ta khỏi mắc công tưởng tượng, Anh cười chua chát, “Con người trừng trị thiên nhiên bằng cách hạ nhục, hủy hoại nó. Còn thiên nhiên trả thù bằng cách nào em biết không ? Nó biến mất”. Tôi trân trọng những lời này cũng như câu “anh yêu em”, ghi nhớ dài lâu, cảm kích như đứa học trò ngưỡng vọng ông thầy giỏi. 

 Có bao nhiêu tình tôi yêu hết, tật tôi vậy, xưa thích cây kẹp tóc mà mẹ mua cho, lỡ để mất, tôi cắt tóc ngắn luôn. Một bữa tôi rủ Anh ghé qua một cái quán nước vùi giữa bụi đất đỏ, gặp người đàn ông tóc chải mướt ngồi đằng trước, miệng ngoắc ngoắc cây tăm, vuốt ve âu yếm mấy con gà nòi. Vợ ông cỗi cằn, héo quắt bưng cái bụng bầu nhọn lểu với hai ly nước mủ gòn ra, xởi lởi khoe, “trước đẻ toàn con gái, giờ mới kiếm được con trai nè, ông chồng mừng húm…”. Tôi day qua ngó người đàn ông, thấy mình tệ hại hơn mấy con gà, bàn tay đó đã lần nào ve vuốt tóc tôi ? Nghĩ vậy, nên níu Anh đứng dậy đi, chân bước chới với. 

 Coi như đó là câu chuyện cuối cùng liên quan tới nhân thân tôi. Nhưng vua vẫn để Sheherazade ở bên mình, bởi vua yêu nó không phải vì những câu chuyện của nó. Vua yêu tâm hồn xanh xao của nó, yêu những quạnh hiu được che giấu bằng vẻ ngoài mạnh mẽ, yêu sự giản dị và và vẻ đẹp rực lên bất chấp bao nhiêu mất mát. Yêu vì khi khám phá tận cùng nhau, bỗng thấy nỗi đau, niềm đam mê, sự vơ vất, hoang mang của người kia cũng giống mình. Yêu vì khi vua kể chuyện đi rừng, những dã hương, chiêu liêu, sến mũ … đã tuyệt vong nó không bao giờ ngủ gật, luôn háo hức mở tròn con mắt, dạ dạ, ui trời, vậy hả anh, tiếc quá… Nó cố giấu tuyệt vọng ứa ra đầu lưỡi, như một hôm nào còn làm cô bồ mướn, nó nhìn thấy ở người đàn ông này một nỗi cô đơn vô tận. Khi đó, Anh thuê nó vì cần một người nghe. Anh kêu cứu cho rừng trên tivi, báo chí, trên những diễn đàn, hội thảo, nhưng rồi chỉ còn mình nó nghe, chia sẻ, nhưng chỉ nó nhỏ nhoi thôi thì có ích gì ? 

 Nên Anh vẫn quay quắt chờ đợi, một lúc nào đó, tiếng nói của Anh sẽ làm thay đổi hàng triệu người. Có lần Anh rủ tôi ghé tạt ở nhà hàng bên đường, chị chủ quán trạc tuổi Anh, là người quen cũ, đã chớm đẫy đà, mà đằm thắm kinh khủng. Mừng đến mắt như cháy ngút lên, nhưng vẫn đằm thắm, “coi anh vui hơn hồi trước”. Chị hỏi thăm năm ba người quen có còn ở Viện, hỏi thăm những đứa con đang học lớp nào, hỏi thăm rừng khộp Chớp Mi, thủy tùng Lac Deo… còn hay mất, hỏi thăm cái suối lần mình bị kẹt lại vì lũ quét còn hay mất, hỏi thăm những người hát dân ca trong bộ tộc Sai So còn hay mất ? Câu nói, nụ cười quấn quýt. Một hồi thấy có đứa nhỏ rớt ra ngoài câu chuyện của hai người, Anh day sang tôi nói, trước Trúc làm ở cơ quan mình. Tôi cười nói, dạ, em biết rồi. Ở kho lưu trữ của Viện nhiều lắm những mẫu mang tên chị, gắn bó duy nhất với vùng đất Thổ Sầu.

 Nhưng mẫu của chị, và của Anh nữa, đã dừng lại ở mười hai năm trước. Mười hai năm trước, người ta bắt đầu tới vùng thảo nguyên Thổ Sầu xới tung nó lên khai thác quặng, nơi đó biến thành một đại công trường. Chị đưa đơn nghỉ việc. Anh từ giã rừng, nhận chức viện phó người ta đã từ lâu mời mọc. Anh cưới cô bạn học, con gái của thứ trưởng. Bước vào đường quan trường, Anh muốn đi tắt, muốn chạy mau mau đến cái ghế viện trưởng, rồi bộ trưởng, Anh sẽ vào hội đồng thành phố, hội đồng trung ương, Anh sẽ cứu được những cánh rừng bằng tiếng nói của mình. Anh sẽ giữ được chúng bằng quyền lực. Hơn ai hết, Anh hiểu cái mà Viện đang gìn giữ là vẻ đẹp không hoàn hảo, chúng đã chết một phần, chúng không có cảm giác trên da thịt, không có mùi, vị… Chúng là sự níu kéo vô vọng của con người.

 - Chờ đợi làm anh sắp chết, may nhờ em…

 Tôi xỏ những ngón tay khô cứng của mình vào mái tóc dày của Anh. Lại nghĩ, có thể đây là lần cuối cùng tóc Anh xước nhói vào những ngón tay này. Chút nữa biết đâu có một cuộc gọi từ thành phố, Anh sẽ được thứ Anh muốn được. Và sân khấu đó sẽ giữ Anh lại, vì Anh đã là nam chính rồi, tôi cứ thì thụt mãi vai nữ tì, lâu lâu mới chạy ra dạ dạ. 

 Chắc lúc đó tôi tội nghiệp lắm, khi xó xỉnh nào cũng có kỷ niệm với Anh. Nhà trọ nằm trên dốc Mùa Sương, nơi tôi mở chiếc khuy đầu, phiên chợ chúng tôi tháo cũi cho hai con khỉ bị người ta xách dao rượt chạy trối chết, nơi kẻ trước kẻ sau è ạch đẩy chiếc xe máy xẹp bánh trên hàng chục cây số đường rừng, và thung lũng Khơi Ma một ngày mưa giông ngợp ngụa, tôi nói, anh ơi, em có thai rồi.

(chưa hết và... còn nữa)

27 comments:

  1. chac chan e se la ng mua sach chi Tu dau tien

    ReplyDelete
  2. Anonymous11/14/2009

    Mới đọc có "một khúc" (như Tư nói) mà thấy nóng ruột muốn đọc hết liền. Hay quá, mới có chút "Khói" mà thấy bộ hơi cay cay mắt mũi rồi đó nhen. Cái này là đăng để câu khách nè, kakakak (giỡn thôi). Sẽ mua sách liền khi ra đợt đầu tiên.

    ReplyDelete
  3. Anonymous11/14/2009

    Trời ơi, tới năm sau mới in, vậy mà thấy mấy báo điện tử đã đăng rầm trời là sẽ có, hôm bữa mới nhờ con nhỏ bán sách quen lấy giùm, hic hic, sao lâu quá vậy Tư.

    ReplyDelete
  4. Nè Tư, học cách PR của tư bản bao giờ vậy ? 3 đồng / MB ... chơi không ? File = Acrobat cho đỡ sửa ! Chỉ cần HIT khoảng 50.000/ngày là sống khỏe. Nhờ ai đó đo cái HIT coi sao ?

    ReplyDelete
  5. Em đang ngồi đọc nè chị Tư, đọc diễn cảm kiểu ngày nhỏ đi học đó!

    ReplyDelete
  6. Anonymous11/15/2009

    chuyện dở òm, đọc không muốn còm.

    ReplyDelete
  7. chị ơi truyện hay lắm. Cám ơn chị!

    ReplyDelete
  8. Anonymous11/16/2009

    Buồn như con chuồn chuồn ngơ ngác ngoài sân, không biết đậu chốn nào để tránh cơn mưa đang sầm sập đến mà chỉ mình nó biết ....

    ReplyDelete
  9. Anonymous11/16/2009

    Nếu tui không nhầm thì các nhân vật đã từng xuất hiện trong tạp văn lẻ tẻ của chị: ông già muốn giết người đi buông câu, làm bồ mướn lại luôn nhớ câu bâng quơ "đói bụng không" ....
    Truyện rất hay, cảm ơn chị Tư đã tặng những giây phút bình yên và giúp tui tự nhìn lại bản thân mình.
    tks

    ReplyDelete
  10. NT à, xin phép chép để đọc riêng thôi, được không ? Nếu được thì chép không ừ thì chôm ( ! ) reply sớm nha .

    ReplyDelete
  11. Anonymous11/17/2009

    Hay lắm Tư à, cảm ơn Tư đã viết rất hay, đã cho đọc trước và đừng bắt chờ lâu để mua sách nha Tư? Bao giờ Tư xuất bản vậy?

    ReplyDelete
  12. Chế 4 ơi, khi nào mới có tiếp. Bài này hồi đó chị có đăng tới đây rùi nè. E muốn đọc tiếp chị ơi.

    ReplyDelete
  13. Anonymous11/18/2009

    Chị Tư! Chừng nào in sách nhớ hú bà con một tiếng nha!Em chờ đó!

    ReplyDelete
  14. Vui quá chị Tư ơi,tìm mãi mới gặp chị ở đây! Em sẽ đợi sách in ra mua rồi đọc luôn!

    ReplyDelete
  15. Tư ơi, ra sách nhanh đi. Từ khi "Gió Lẻ" tới giờ hông có gì coi hết. Dù sao cũng khóai cầm cuốn truyện coi hơn là dán mắt vô màn hình

    ReplyDelete
  16. Trời ơi!
    Sao viết như vầy mà đăng có bấy nhiêu hả chị Tư?
    Em chờ đến sang năm thì đã... khóc hết nước mắt rồi!
    Sao đọc truyện nào của Tư em cũng muốn khóc, truyện cười cũng vậy.
    Em tưởng tượng nếu em có suy nghĩ như Tư, như những lời chị viết lướt qua trong đầu em, chắc em sống không nổi. Sao buồn quá...

    ReplyDelete
  17. Anonymous11/18/2009

    Truyện hay, em.
    Chị Tuyền.

    ReplyDelete
  18. Nghe danh Tư đã lâu, giờ mới được tận mắt đọc tác phẩm của Tư. Rất ngưỡng mộ! Và cũng rất hãnh diện được là đồng hương của Tư

    ReplyDelete
  19. Chào chị Tư. Em rất thích các tác phẩm của chị. Em là Chí, hiện phụ trách mỹ thuật của nhà sách Nhã Nam, và cũng thường thiết kế bìa sách:
    http://www.zda.vn/member_gallery.php?username=adachi13
    Nếu chị đồng ý em rất muốn được thiết kế tặng chị bìa cho cuốn sách sắp tới, tất nhiên là miễn phí :) (vì quả thực em thấy các bìa sách trước đó của Cánh đồng bất tận hay Gió lẻ chưa đẹp lắm).
    Nếu chị muốn cứ gửi email cho em: [email protected]
    Chúc chị và gia đình mạnh khỏe.
    Em Chí.

    ReplyDelete
  20. Mãi mới có dịp ngồi đọc hết cái này. Hình như đăng đâu đó rồi chớ. Sau rồi còn rủ nhau lên núi, tìm truyền thuyết giữa đời. Quả như tui đoán, nói về tình yêu mà vẫn trớt quớt à nha. Nhưng vẫn hai mặt, một mặt thô ráp nhìn vô là bít liền. Một mặt phải ngửi mới thấy được, mà thấy được là chết liền. Đang đi chết đây. Về thôi.

    ReplyDelete
  21. Em phải ra tiệm sách kiếm xem có chưa mới đc. Cầm cuốn truyện trên tay đọc thú hơn đọc trên Net nhiều. Luôn luôn ủng hộ chị Tư ^^

    ReplyDelete
  22. Anonymous6/06/2010

    Ngày xưa mình cũng hay xem phim, đọc truyện có những chuyện ngoại tình ngang trái, thấy cảm động ghê lắm. Gần đây chuyện này xảy ra với một người thân thiết của mình,mình tự dưng thấy căm ghét và ghê tởm những kẻ ngoại tình và những kẻ thứ ba, mượn cớ tình yêu tàn phá lòng tin, hủy hoại gia đình. Mình ghê sợ tới mức hoang mang về cái gọi là tình yêu. Nếu người ta nhân danh tình yêu làm những việc ích kỉ, vô đạo đức với người vợ/chồng thân yêu và tin tưởng mìnhh như vậy, thì cái họ gọi là tình yêu liệu có gì là tốt đẹp, là đáng ca ngợi. Đó chẳng qua là tận cùng của sự ích kỉ mà thôi.
    Nên mình không thông cảm gì với cô gái này hết, cô ta làm một việc vô đạo đức là xen vào gia đình của anh kia. Bất kể vì lý do gì, bất kể gia đình người ta ra sao, thì ở vị trí của cô ấy cũng không có quyền gì mà xen vào. Làm việc thất đức như vậy thì trời sẽ phạt thôi.

    ReplyDelete
  23. cảm ơn chị Tư

    ReplyDelete
  24. Đã gặp bạn bằng xương bằng thịt tại quán cafe....
    Nhìn moi người ủng hộ bạn mà lòng thấy vui quá đỗi
    Tiếp tục nữa nhe!

    ReplyDelete
  25. Anonymous11/30/2010

    Mỗi lần đọc chuyện chị Tư là em lại muốn bỏ phố về đất Mút Cà Tha ở ẩn,buồn quá chị Tư ah...Ngày hôm nay thật tệ,tâm trạng u ám lại muốn tìm truyện của chị Tư đọc...buồn,nhưng nặng tình người,mong níu kéo lại được chút ít cái lòng tin vào con người vừa đổ vỡ...thanks chị nhiều =_=

    ReplyDelete
  26. Anonymous5/06/2011

    "Còn theo chị Tư là còn bấn", hic, mỗi lần đọc xong truyện của chị em buồn mất mấy ngày, dù là đọc đi đọc lại hoài ..

    ReplyDelete
  27. chị NNT ơi em có viết một câu chuyện ngắn em muốn cho chị đọc góp ý chị có thể cho em gmail hay yahoo gì đó để em gửi cho chị được không`

    ReplyDelete