Dec 17, 2009

Buồn quá. Ừ, thôi...

 

Không chút nào bất ngờ khi em từ chối làm nhân vật cho bộ phim tài liệu của bọn tôi về hôn nhân quốc tế. 


Suốt mấy tuần tôi với anh đạo diễn thay phiên nhau lượn lờ ở Sở Tư Pháp. Mỗi thứ năm có một buổi phỏng vấn xuất cảnh cho những cô dâu không biên giới. Nhiều đôi rất hay, như anh đạo diễn nói, nhìn là ra phim. Có thể vì cách biệt tuổi tác hay ngoại hình, hay vẻ lo lắng bồn chồn, vẻ ngượng ngập xa xôi giữa hai người đã chính thức cưới hỏi, sống đời vợ chồng. Nhưng bọn tôi vừa ngỏ lời thì các cô lắc đầu ngoe nguẩy, có cô còn cảnh giác lôi ông chồng ngoại quốc bỏ đi ngồi chỗ khác. Họ cảm nhận được từ đám công chức bọn tôi - những người được coi là hiểu biết - đang có sự kỳ thị, thiếu thiện chí, nói thẳng là khinh thường với những mối lương duyên kiểu này.

Chuẩn bị tinh thần người ta sẽ từ chối nên bọn tôi cũng chuẩn bị tinh thần quyết tâm đeo bám. Nhưng thuyết phục kiểu nào cũng không ăn thua. Chỉ em là phát ra một tia hy vọng khi xởi lởi hỏi lại, “trời, anh chị kêu em lên truyền hình hả ?”, nhưng ngay lập tức em dập lửa tắt ngóm luôn, “thôi, hai vợ chồng em xấu lắm, vô ti vi người ta cười.”

Em nói đúng một nửa, chồng em ngoại hình không đẹp, gương mặt lớn bành bạnh, gò má chân mày cái mũi đều thô. Anh ta lớn hơn em gần hai mươi tuổi, chân lại cà nhắc, được cái hay cười. Em mười chín, ngơ ngác như mới tan học ở trường cấp ba nào đó, mặt mũi khá đẹp, xinh xẻo. Một cặp vợ chồng ngồn ngộn chất liệu mà chúng tôi từng mơ ước có trong bộ phim của mình. Phỏng vấn lần đầu, em bị đánh rớt vì không trả lời được một câu bằng Hàn ngữ, “Sở thích của chồng chị là gì ?”, một tháng sau quay lại, đến lượt anh chồng ngẩn ngơ khi người ta hỏi tên quê vợ của anh, tên xóm, ấp, thuộc xã, huyện nào. Người cán bộ trực tiếp ngồi phỏng vấn, càu nhàu bằng tiếng Việt, “trời ơi anh lấy một cô làm vợ mà anh không biết cô ta thường trú ở đâu, gia cảnh ra sao thì kỳ quá…”. Và họ chỉ còn mỗi một cơ hội ở lần phỏng vấn thứ ba, nếu họ không vượt qua có thể cô dâu sẽ bị buộc ở lại Việt Nam vài năm nữa, hoặc vĩnh viễn không chừng.

Bọn tôi phải nói là thèm nhỏ dãi đôi nhân vật này, cuộc hôn nhân này, mối lương duyên nhiều bi hài kịch tính này, mối tình (thì như hai người nói là họ thành thật yêu nhau trước khi cưới) trắc trở này. Anh đạo diễn bàn, hay là đừng quay gương mặt họ. Phim sẽ ấn tượng, lạ, mà thông điệp vẫn rõ ràng, cô dâu quốc tế nào cũng từng ấy vui buồn, đây không chỉ là câu chuyện của riêng Hường riêng Mai, Trúc… Quan trọng nữa, với việc không xuất hiện trên màn ảnh bằng gương mặt, biết đâu em và chồng sẽ đồng ý bước chân vào phim.

Chữ “bước chân vào phim” này có thể hiểu theo nghĩa đen, nếu đúng như ý tưởng bọn tôi vừa phác thảo. Thay cho khuôn mặt là sự biểu cảm của những phần cơ thể khác. Là hai bàn tay em xoắn vặn lại tươm mồ hôi rối bời trước một câu hỏi bằng ngôn ngữ quê chồng. Là đôi chân đòng đưa vô tư như trẻ con khi ngồi băng đá ngoài hành lang, bên cạnh người chồng chỉ một chân trầm tư chấm đất. Là đôi vai nhỏ bé hơi rụt lại bên cạnh đôi vai lớn khuỳnh khuỳnh. Là đôi giày hở mũi rẻ tiền chi chít nhiều đường may bằng chỉ trắng, chật vật không giấu nổi bàn chân con gái nhiều vết chai. Là những bước đi cuống cuồng, hấp tấp trên con đường về nhà, khi qua một quán nước đầu xóm Xẻo Chà, vẳng ra vài tiếng thanh niên chọc ghẹo. Những khuôn mặt cười cợt, ánh mắt xoi mói đó làm cho vợ chồng em càng trở nên dấp dúi, tấp tểnh hơn. Và biết đâu bọn tôi sẽ bắt gặp một gã trai nhìn theo bằng đôi mắt rất buồn. Chi tiết này sẽ gây cảm động cho mà coi, tất nhiên đây là bọn tôi mơ ước vậy.

Phần âm thanh bọn tôi thu trực tiếp, cả những ấp úng ngập ngừng trong cuộc đối mặt với người bên tư pháp; cả những ngây ngô, chân chất khi trao đổi cùng bọn tôi; cả những ngơ ngác, nhọc nhằn khi đôi vợ chồng nói chuyện với nhau. Múa may hết kiểu mà không hiểu, thỉnh thoảng người chồng cau mặt, lật lạch xạch cuốn đàm thoại Hàn – Việt cấp tốc nhàu nát ra, dầm cái ngón trỏ ngắn như trái chuối cao mẳn vào một câu nào đó, em ngồi bối rối bẻ những ngón tay lắc cắc. Hình ảnh nói thay cho lời bình. Hình ảnh đau cho thân phận. Hình ảnh xót cho sự thật. Nhưng tất cả, là mường tượng mơ mộng của bọn tôi.

Em lắc đầu nói thôi, bàn tay của em xấu lắm. Hồi trước, đi mần cỏ mướn bị dao cắt trúng ngón út chút nữa là đứt lìa, giờ nó quẹo đơ, ngó sơ bàn tay là trong xóm em nhận ra em, rồi đồn đãi rùm trời. Nhà em người ta cũng đâu có xa lạ gì, mới xây tường lại thay cho cái nhà cũ mối ăn gần sập. Mà chân chồng em bị tật như vầy ai lại đem khoe…



25 comments:

  1. không biết nói gì với chị luôn! Nhưng em hiểu một điều, những người con gái ấy đều tràn ngập hi vọng thay đổi cuộc sống cho mình, cho gia đình nên họ phải làm như vậy. Nếu là em, em cũng từ chối yêu cầu của các anh chị. Hơn ai hết, họ thừa biết mình lên phim để trở thành "tấm gương" cho những người khác ( và những lời bình, nhưng thông điệp nghe cay đắng lắm chị à!)

    ReplyDelete
  2. @Dinh Dinh : Bạn nghĩ là tui đi làm phim thiệt hả ?

    ReplyDelete
  3. Anonymous12/17/2009

    Làm sao cho VN đừng còn cảnh những cô gái quê chân chất vì nghèo khổ phải đành lòng làm dâu xứ người, họ đem số phận của mình bỏ vào một nơi xa lạ đầy bất trắc, thường có cả tủi nhục.

    Lãnh đạo nào liêm chính và cố gắng cho đời sống nông thôn VN bớt cơ cực sẽ được ghi nhớ.

    Những kẻ bất tài tham nhũng làm giàu bản thân sẽ có tội với người dân, như cô gái đáng thương trên đây chẳng hạn.

    Ở đời có nhiều loại luật, nhưng trên hết là luật nhân quả ứng cho từng người.

    ReplyDelete
  4. Buồn nhưng dòng đời vẫn trôi...

    ReplyDelete
  5. Anonymous12/17/2009

    Tư à,

    Tui vừa đi karaoke với anh Ba & anh Sáu về. Trong karaoke có mấy em ngồi tiếp chuyện với tụi tui....

    Về nhà, đọc chuyện của Tư, tui nghĩ... thôi thì... đui què sứt mẻ gì cũng là chồng ... còn hơn lành lặn mà ...

    Các anh của tui nghĩ gì nhỉ?...

    Chúc Tư luôn bình yên!


    Nguyên

    ReplyDelete
  6. Anonymous12/17/2009

    Lại một nạn nhân của ... "cánh đồng bất tận"... http://www.anninhthudo.vn/tianyon/Index.aspx?ArticleID=64357&ChannelID=80

    ReplyDelete
  7. Anonymous12/18/2009

    Quê hương bản quán, gia đình ruột thịt, đất đai ruộng vườn không thể níu kéo. Vì sao? vì sao họ vẫn ra đi, quyết chí ra đi, bằng mọi giá ra đi. Câu hỏi này không thể trả lời đơn giản bằng những gì mà bấy lâu nay chúng ta vẫn đọc được trên thông tin chính thống.

    Đọc văn của chị buồn nhưng thấm lắm. Xin cám ơn

    ReplyDelete
  8. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  9. Anonymous12/18/2009

    Tat ca deu bat dau tu chu " ngheo " ma ra thoi. Ngheo vi chang biet lam ra tien tu dau? thoi thi du co dep nhu Thuy Kieu con phai ban minh chuoc cha, huong gi ... dang nay con co the cuu ca nha!!!!

    ReplyDelete
  10. Tình không biên giới, nhưng trong cái tình này chứa đựng nhiều uẩn ức. Thế giới vẫn rất vô tư trong chuyện này. Nhưng VN mình, thực tế và truyền thông cách nhau trời vực. Rồi còn tỷ lệ nữa, bao nhiêu cô dâu ra đi, mấy cô trở về với nụ cười, mấy cô với nước mắt... Tại sao lại có trường hợp cô chị đi, sau đó về đưa cô em đi luôn. Hẳn trong trường hợp này, không thể là lang sói. Lại nữa, bao nhiêu cô gái Mỹ, Nhật, EU làm dâu trên đất nước VN mình, bao nhiêu chàng trai thế giới làm rể ở đây ? Sao lại tung hê họ như những niềm tự hào đất Việt ? Hỡi ơi truên thông ...
    Lại nữa, có bao nhiêu sinh linh VN mình đi lao động kiếm sống ở đất khách quê người. Họ đi như thế nào, đặt cọc bao nhiêu, lương bị các nhà môi giới, các công ty XK lao động chiết khấu (hay còn gọi là chặt đẹp ...) bao nhiêu. Rồi số phận của họ ở nước ngoài bị đối xử , khai thác ntn ? Có ai được biết. Bít bùng và bít bùng... chỉ có cái lưỡi không xương đường nào cũng trở được đang bô bô dưới cái ngôn từ rất mỹ miều là "Xuất khẩu lao động".
    Dẫu sao thì cuộc đời vẫn cứ trôi. Thời gian vẫn không thể dừng lại. Nhưng nó trôi đẹp với ai, trôi khắc khoải với ai, trôi cay đắng với ai. Trộn nhào tất cả các tỷ lệ đó lại thật đều, nó sẽ cho ra cái màu đo được sự bình yên, tốt đẹp, hạnh phúc của XH. Hoàn toàn không phụ thuộc vào các báo cáo hay loa đài đầy rẫy các ngôn từ mỹ miều nào khác . Amen.

    ReplyDelete
  11. Truyện nào của chị cũng buồn cả!

    ReplyDelete
  12. Anonymous12/22/2009

    que nous ferions sans votre idГ©e excellente soigner l ejaculation precoce

    ReplyDelete
  13. Ừ thôi thì buồn thiệt!
    Đọc xong lại nhớ các cô gái chết bên HQ hiện ở gần mình (huyện Cờ Đỏ, tp. Cần Thơ).

    ReplyDelete
  14. Giáng sinh vui vẻ, chị!

    ReplyDelete
  15. Giáng sinh vui vẻ nhé, pà con !

    ReplyDelete
  16. Chị Tư! Giáng sinh an lành nha!

    ReplyDelete
  17. Anonymous12/23/2009

    Chị Tư ạ!

    Bạn bè của Kiên hay hỏi sao gần như không bao giờ thấy Kiên xem phim? Kiên trả lời: cuộc đời mỗi người đã là một bộ phim thật nhất rồi!

    Phải không chị Tư?

    ReplyDelete
  18. Anonymous12/24/2009

    Qua đây mấy lần cứ thấy Buồn quá. Ừ, thôi... em về chiều mưa giông tới...
    Chị Tuyền.

    ReplyDelete
  19. @Chị Tuyền : Chị biết lý do mừ, lúc này mà em xanh xao vàng vọt là chị biết là do em ra khơi mừ. Hihi. Hứa với chị chỉ vài hôm nữa thôi là blog huy hoàng ngập ngập lun đó.

    ReplyDelete
  20. Cô dâu hồn hậu, chân chất và có gì đó cam chịu.

    ReplyDelete
  21. Blog chị Tư mấy bữa nay buồn quá, chẳng có gì mới ..

    ReplyDelete
  22. Anonymous12/27/2009

    " Đi ta đi giải phóng miền Nam, đi đến khi nào người dân không còn cái quần, thì ta còn chiến đấu, quét sạch chúng sinh , lời bác sui dại bên tai, chiến đấu cho đến ngày Nam, Bắc nghèo bằng nhau".

    ReplyDelete
  23. ai mà tên Q.Vương đó, comment tào lao quá đi! mấy dòng vậy hay lắm sao mà viết hoài vậy?! kì cục qua!

    ReplyDelete
  24. Chị 4, cái hoa đó là Ylang Ylang đó, em không rõ nó tên tiếng Việt là gì nữa, chị vô Google chữ Ylang Ylang ra hình nó nhiều lắm áh.

    Vì nó thơm nên ngta hay dùng để làm tinh dzầu áh

    ReplyDelete
  25. Anonymous1/09/2010

    Buồn cho người con gái nhà quê thật thà của xứ mình.Nỗi đau của thân phận hay nỗi đau của cái nghèo ?

    ReplyDelete