Dec 30, 2009

Entry cuối cùng...

(...của năm). Chúc mọi người một năm mới nhẹ nhàng và bình an !

Đường Lưu Tấn Tài

Lần đầu tiên đi qua con đường này, thắc mắc không biết ông Lưu Tấn Tài là ông nào. Những người quen cũng lắc đầu, biết chết liền. Suốt mười năm sau đó, lâu lâu lại thắc mắc ông Tài là ai? 

Đường chừng hơn năm trăm thước, thẳng nắn nót dưới bóng cây, đứng ở đầu đường ngó thấy cuối đường. Cơ quan hội văn nghệ nằm xế giữa, ấy vậy nên đôi khi cả tháng không đi hết con đường ngắn khụi, đời mình có đoạn chỉ là chuỗi lặp lại tẻ nhạt những vòng bánh xe quay. Bạn bè nói đường này đẹp nhưng buồn quá, bên kia là công viên dày bịt những cây cao lớn tàng, bên này có vài ba cơ quan người ít đầy ắp giấy tờ. Đầu kia có cái khách sạn cũ tăm tăm, dành cho khách dễ tính ít tiền. Đi suốt, không có mùi phấn hương, mùi thuốc bắc, hay mùi phở bò thơm phức như những con đường bán buôn sầm uất. Cũng chẳng thấy trẻ con chơi trên vỉa hè hay những ông già ngồi đánh cờ, kiếm không ra mùi cá kho khô, tiếng tỏi cháy xèo trên chảo lại càng không có tiếng xoong chảo khua… như vẫn thường rộn ràng ở một lối đông dân cư.

Chỉ lá rơi và tiếng lá khô chạy chơi cùng gió bụi. Con đường thơ mộng nằm chờ đợi một điều gì đó không rõ ràng, một cái gì đó ấm áp, sống động. Giống như khoảnh khắc của những buổi xế trưa, khi những người đàn bà đội thúng bắp luộc nóng hổi, nghi ngút khói từ trong ngõ hẻm duy nhất của con đường bước hòa vào dòng lá bay. Khói bắp nấu là đà trong khói nắng. Nghe đời sâu nặng vị mặn của mồ hôi.

Xưa mình đi xe đạp thì đầu đường có anh vá xe đạp. Sau mình đi ké chiếc cub của ba, chắc không còn ai vá xe hay sao mà anh kia cũng đi mất, lâu lâu đi qua chỗ thoi loi của anh, nhớ trước chỗ này có cái ống bơm gỉ sét cùi bắp đứng dựa vô gốc còng như một biển hiệu không lời. May, con đường không vắng lạnh lâu, bắt đầu thấy vài ba chị kê bàn rải rác ngồi bán vé số. Phía trong rào công viên xuất hiện mấy quán cà phê, thỉnh thoảng ai đó đập nước đá lóc cóc vui lổ tai. Ông bán đồ cổ cũng trải chiếu đầu đằng kia chưng đồ cổ (hoặc giống như đồ cổ). Nép bên cửa ra vào công viên  có người đàn bà bán chuối nếp nướng, lớp lá chuối bọc lấy vắt nếp là đà ngọn khói. Lá xanh nên khói bay thấp, trĩu hơi nước. Đường ngắn nhưng không vì vậy mà trôi tuột đi trong cảm xúc của người lại kẻ qua. Lá còng vẫn bay bất kể người đông hay vắng, cuộc thi vị tưởng chừng bất tận.

Mình đã đi qua hàng trăm con đường đất nước, và với mình con đường đẹp không chỉ để cho người đi mà còn để cho người sống. Song song với đường Lưu Tấn Tài, bên kia công viên là một đại lộ thênh thang, những buổi lễ lớn được sử dụng như một quảng trường. Đường này lạnh như mặt những anh bảo vệ mấy cơ quan đóng ở đây, vô duyên như cái bảng cảnh báo nằm trên rào, “cấm chụp ảnh quay phim, cấm tụ tập, cấm hàng rong…”. Nếu có một chị bán khoai nướng ngồi ở gốc cây kia là hết sảy, đường sẽ hết đờ đẫn trơ trơ.

Nhưng người ta đã chọn cho con đường đó một sứ mệnh mang vác cờ phướng rực rỡ, nó không thể ôm vào lòng những phận người khó nhọc. Nó không bao giờ có một đời sống vừa đẹp vừa buồn như đường Lưu Tấn Tài những ngày giữa cuối Chạp. Con đường nhỏ nhắn trở thành chợ hoa cho người trồng hoa tứ xứ. Những bàn chân nẻ rang như thói quen lặn lội nơi đồng bãi cứ bấm ngón cái xuống mặt nhựa bê tông. Làm nhói cả con đường. Nhói cả buổi trưa, lúc đi qua ngó ai đó nằm ngủ queo dưới bóng lá, ai đó dựa gốc cây cầm nón quạt vơi bớt mồ hôi, ai đó ngồi nhổ tóc ngứa cho nhau, ai đó nhẫn nại ngồi tuốt lá, nắn lại thế cây… Hoa Tết rực lên, người chăm hoa héo lại. Họ làm nhói cả Tết, lúc pháo hoa bắt đầu nở trên trời, cũng là lúc đường hoa tan tác, xiêu lạc. Con đường lên tận đỉnh vui để thả mình rơi chới với xuống vực buồn.

Đến cơ quan trực sáng mùng hai, đi trên con đường hai đêm trước còn xôn xao chợ nhốn nháo bán mua, giờ trống không. Thênh thang lá bay, rơi mãi chẳng trúng người. Cảnh vật đẹp, mà buồn thiêm thiếp, rã rời. Giống như những làng xóm miền Trung mà mình từng tới, đi cả ngày tuyệt không nghe tiếng tụi con trai ghẹo gái, thanh niên đã đã bỏ xứ tha hương.

Mình không ưa vẻ đẹp đó tẹo nào. Thật may sáng mùng bốn có mấy hoàng tử bán báo dạo đen đúa đã bày báo tân niên ra vỉa hè sành soạn, lao xao đánh thức con đường mê ngủ. Vé số lại chào mời bên đường những cơ hội, những vận may; khói từ mớ bắp luộc mới vớt ra khỏi nồi nghi ngút trên vành thúng. Gia nhập đội quân vỉa hè có thêm một tủ bánh mì cùng hai quán cà phê. Vừa đẹp, buổi sáng vừa uống trà đá vừa đọc báo, vừa gặm bánh mì vừa ngắm lá, còn gì bằng.

Nhưng mình phải rời đi, giờ mình cũng hay qua con đường mà mình nghĩ là đẹp nhất thành phố, nhưng như người khách có việc tạt ngang qua. Tám, mười năm trước, trời đất, mình ngây ngô đến mức coi cơ quan là nhà, còn đường là lối về nhà, giống như cái lối hai bên trồng dâm bụt rậm rì, có mấy con rắn chạy qua chạy lại ở nhà ba má. Mười năm, hàng cây bên đường lớn lên, già đi, vẫn giữ nguyên màu lá, lá giữ nguyên sự thi vị lúc lìa cành, nhưng con người mình thì tối sạm đi, xấu xí thấy rõ.

Điều duy nhất mình còn giữ của mười năm trước là thỉnh thoảng lại nghĩ không biết Lưu Tấn Tài là ai nữa, tên lạ quá đi…

14 comments:

  1. Tư ơi, em qua nhà anh coi phải là con đường nầy không nhé. Mạn phép lấy về đăng nhe em...Hì hì
    http://caulongbachai.multiply.com

    ReplyDelete
  2. Đôi khi cũng không cần biết con đường mang tên ông nào. Cứ quen miệng nói đường nhà ông Tám Tàng, nhà bà Ba Mập vậy mà dể nhớ, dể gần

    ReplyDelete
  3. Anonymous12/31/2009

    Cái này thật quá, dường như con đã lướt qua bao nhiêu webs để coi truyện nhưng không đâu sinh động và thật như ở đây...

    ReplyDelete
  4. Chúc chị Tư và gia đình năm mới vui vẻ nha

    ReplyDelete
  5. Chúc Mừng Năm Mới 2010 nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

    ReplyDelete
  6. Anonymous1/01/2010

    Ngọc Tư ơi, chúc mừng năm mới 2010 nhe ! Cầu chúc mọi điều tốt lành đến với Tư và gia đình trong năm mới, nhất là chúc Tư viết nhiều và hay hơn (vốn đã hay rồi nhưng chúc hay hơn nhen).

    ReplyDelete
  7. Anonymous1/03/2010

    This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  8. Giang Đặng1/03/2010

    em biết con đường này lúc em còn nhỏ xíu. Bây giờ nó cũng chẳng khác xưa nhiều lắm, có khác là mấy cây điệp, cây còng ở 2 bên đường giờ thưa bớt đi. Ngày xưa tình nhân hay "tập hợp" ở đây!hhii
    Mà hình như "chuối nếp nướng" chỉ có dân SG mới gọi vậy??!:P

    (tb: em đọc blog chị cũng lâu, lần đầu tiên comment ở đây. Có gì không phải phép chị tha tội!:P)

    ReplyDelete
  9. Anonymous1/03/2010

    This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  10. ttdinh5c11/05/2010

    Những khi buồn em nhớ đến chị. Mở blog ra...dòm. Cảm thấy mình có được người chia sẻ. Nhưng chị đâu chỉ chia sẻ với em, chị còn chia sẻ với rất nhiều người bữa. Tình cảm đâu mà san sẻ nhiều quá vậy Tư?

    ReplyDelete
  11. Chị Tư đặt quảng cáo của google lên blog để kiếm thêm thu nhập đi :D

    ^^

    Chúc chị luôn vui và viết nhiều bài hơn

    Và nhờ những tác phẩm của chị, một thằng bé đã xích lại gần hơn 1 cô bé xa lạ... [Kỷ niệm vui từ những trang viết đọng nỗi buồn phải không chị]

    ReplyDelete
  12. Nhiều khi em cũng gặp những tên đường vô duyên lắm! Điển hình đường Thúc Đẩy, đường Động lực, đường Bà Khen (cũng không biết Bà Khen là tên của người nào nữa), còn nhóc hết những tên đường lạ lùng, khó hiểu.
    Chuối nếp nướng ăn với nước cốt dừa béo ngậy, ngon vô cùng tổ quốc ta ơi!
    Cám ơn chị Tư đã cho đọc một bài hay đến thế!

    ReplyDelete
  13. Anonymous1/09/2010

    Cám ơn chị,đọc chuyện này để nhớ về những con đường nhỏ,thân thiết của ngày xưa.

    ReplyDelete
  14. Anonymous3/19/2010

    Chị ơi, em hâm mộ giọng văn của chị lắm,em đã đọc " Cánh đồng bất tận" và " Gió lẻ và 9 câu chuyện khác" của chị,em chỉ biết nói rằng những gì chị viết ra thật sâu sắc và thấm thía, em ấn tượng những gì mang dấu ấn " sầu" của chị,chị Sầu Riêng ạ!:)

    ReplyDelete