Mar 3, 2010

Ông Cà Bi ở Xẻo Quao

Cái nửa giống chòi nửa giống nhà chỉ có hai tấm vách. Cột cặm vào đất, cây to cây nhỏ cây thì cong queo. Cái bàn nhổ mạ được trưng dụng làm bàn thờ, thứ duy nhất còn đứng vững, những thứ còn lại liêu xiêu. Lại gần thì thấy bàn thờ cũng bị mọt ăn rách ván. Ngồi dưới vỏ lãi ngó lên nghĩ nhà ông Cà Bi này nghèo quá xá, càng tới gần càng nhận ra chẳng những nghèo mà là nghèo thứ thiệt, nghèo tận mạng, tới cái võng ông nằm ngủ trưa cũng te tua.

Cả đoàn thiện nguyện ai nấy đều xót xa. Năm nào cũng rủ nhau đi làm từ thiện, cảnh nghèo gì cũng thấy qua nhưng nghèo kiểu ông Cà Bi thì lâu lâu mới gặp. Trong nhà không thấy món đồ nào đáng giá chừng hai mươi ngàn, đến mùng ngủ mà chỉ có nửa cái. Có người mò vô bếp thấy cơm cháy trong cái nồi móp méo với hai con cá sặt kho khô quắt. Ông già Cà Bi dửng dưng ngó khách lục lọi nhà mình, ngồi uống trà khà khà. Chẳng nhận ra ở ông chút tủi buồn nào. Hỏi ông sống bằng gì, ông nói “cắm câu, mần mướn, ai kêu gì cũng mần”. Hỏi sao nhà chỉ có hai vách, ông nói “mùa này nắng nôi, qua để trống vách cho mát, chừng nào mưa tính tiếp”. Ai đó rưng rưng chỉ cái nóc nhà thưa ngó trời lồng lộng, ông già cười, “chỗ ngủ với bàn thờ vợ qua có che nilông rồi, chỉ cần không ướt hai chỗ đó…”. Hỏi có tiền không, ông nói tiền để rải rác trong xóm. Anh thanh niên địa phương dẫn đường sợ khách xa không hiểu, giải thích: “Ý ổng là ổng sẽ có tiền khi người ta mướn sên đất, dọn dừa, hay đắp bờ lên liếp…”.

Lúc ngồi dưới vỏ thì anh thanh niên tả sơ sơ chân dung ông Cà Bi. Anh nói ông này làm buổi sáng đủ tiền nhậu thì chiều không làm nữa. Có khi làm suốt tuần bỗng nghỉ ngang, ăn xài hết phần tiền đó rồi lại lang thang kiếm việc. Một năm nhà ông Cà Bi ăn tới bốn cái tết, mỗi tết ít nhất cũng mười ngày. Có tiền trong túi đồng nghĩa với hội hè, ông Cà Bi ta sẽ đủng đỉnh rong chơi. “Chơi kiểu đó ổng nghèo là phải…”, anh thanh niên dường như giận.

Giận là phải. Khách cũng thấy hơi giận. Ông già có vẻ tự hào về việc ham chơi dẫn đến “vô sản” của mình. Thay vì ne nép trước nhà giàu, ông già ngồi trên bộ vạt cau cũng rách mà điệu bộ khoan thai khoái chí như đang tiếp khách ở… dinh Thống Nhất. Vợ chết, ba đứa con đã dựng vợ gả chồng làm ăn xứ khác, ông già kiếm sống một mình. Ông treo võng trên mấy cái cây trồng quanh nhà, nắng sớm nằm đòng đưa bên vách tây, chiều ngủ khò bên vách đông tránh mặt trời. Quởn thì cuốc bộ đi chùa, cách đây chừng mười cây số. Nhà không điện, nước sạch, không tivi, radio cũng không và tất nhiên là không cửa (đâu có cần thiết).

Vậy mà lúc anh giám đốc ngân hàng thay mặt đoàn thiện nguyện tặng ông già phần tiền an ủi đời nghèo, ông già chỉ giữ lấy một tờ giấy bạc năm mươi ngàn, còn bao nhiêu đưa trả lại. “Nhiêu đây đủ cho qua rồi. Mua gạo ăn tới ngày mốt, dư ra chút đỉnh đong rượu nhâm nhi chơi. Ít bữa nữa đi sên đìa cho bên xóm là qua có tiền. Phần còn lại này chú em đem cho thằng Tám bên sông giùm, con nó bệnh nặng dữ lắm – nói rồi ông Cà Bi lỏn lẻn nhét tiền vô túi cười phô ra ba cái răng xếu xáo, mặt tỉnh rụi – Có tiền nhiều giống như có con vợ đẹp, mắc công giữ…”

Anh chủ nhà máy gạch bất mãn, anh có tiền tỉ còn chưa thấy đủ, sá gì ít chục ngàn… Anh nói “cũng phải để dành tiền phòng khi đau bệnh chớ chú, mà không lẽ chú ăn cơm không, phải có thịt thà cá mắm…”. Ông già Cà Bi vận cái quần cộc nhuộm mủ chuối lem luốc, chờ qua cơn nghẹn nước trà mới khề khà bảo đau yếu sơ sơ thì uống thuốc nam, cây cỏ ở đất Xẻo Quao này nhiều thứ nên thuốc lắm. Đau nặng nữa thì bất quá chết, có tiền cũng chết mà. “Còn cá mắm hả, chậc, cần thì chống xuồng qua Trảng Sen thiếu cha gì. Mà, mấy chú có qua Trảng Sen chơi chưa?” – ông già bất ngờ hỏi.

Chưa. Sáng nay họ tính đi tặng quà cho bà con nghèo xong sẽ ra Trảng Sen chơi, nghe khen chỗ đó còn hoang sơ lắm, nhưng ai cũng sợ chiều không về kịp, mà một số người còn phải đi suốt đêm nay để về lại Sài Gòn, nhiều công việc, nhiều tiệc tùng, hò hẹn, nhiều hợp đồng làm ăn quan trọng đang đợi. Ông Cà Bi nghe qua lắc đầu chua xót nói, “tội nghiệp không!”.

Ngữ điệu của ông già làm khách giận lắm, xuống vỏ chạy đi xa rồi mà còn giận. Chúng tôi đây không lười biếng ham chơi, đầu tắt mặt tối làm ăn kiếm tiền để cuối năm đi thơm thảo với người nghèo như vầy là quá tốt, ông già nói tội nghiệp là tội nghiệp gì?! Anh thanh niên địa phương xoa dịu nói ông già đó tưởng đâu ai cũng ham chơi như ổng.

Nhưng khách còn giận ông Cà Bi, tới mức quyết định ra… Trảng Sen chơi. Cái ông già nghèo xác xơ đó có gì mà lại thương hại cho tụi ta chớ…

(Bài đăng báo Sgtt)

22 comments:

  1. Anonymous3/03/2010

    Đọc bài này nhớ miệt thứ quê Ngoại quá .

    ReplyDelete
  2. Anonymous3/03/2010

    Lại nhớ ... những người muôn năm cũ.

    ReplyDelete
  3. Sống chừng này tuổi, học chừng này sách vở, tiếp xúc chừng này người, làm được chừng này việc ... cuối cùng, bị ông già rách phán cho một câu "tội nghiệp hôn"

    Bị tác giả phán cho 1 câu "tội nghiệp hôn"

    Rồi bị tiếp người đọc phán cho 1 câu "tội nghiệp hôn"

    Ừ mà, Tội nghiệp hôn ... suốt ngày ru rú trong phòng máy lạnh, cứ tưởng mấy người há miệng đớp gió trời ngoài kia thua mình dữ lắm, ước ao mình dữ lắm, ai dè ... Tội nghiệp hôn!

    ^__^ Iu Tư nhiều héng!

    ReplyDelete
  4. Thay minh "toi nghiep hon:

    ReplyDelete
  5. Chèng ui, đọc bài ni mà thấy tội nghiệp mình lun nè :(( :(( Chi mà lo mần sáng đêm chi rồi không còn thời gian rảnh rỗi để quần quay, hưởng thú trăng rằm, gió sông nữa ngheo.

    ông Cà Bi coi sống dzậy mờ thoải mái đầu óc, khỏi cần nghĩ ngợi chi cho xa xăm, lo xa chi cho cực lòng, cực óc ngheo !

    ReplyDelete
  6. Giận ông Cà Bi, giận Tư và giận luôn cả chính mình!

    ReplyDelete
  7. Đùa chứ lâu mới đọc được một bài thấy vui, cười được thành tiếng đó Tư. Dư vị của nó vẫn còn vui. Vui đến mức tưởng giống như truyện Tàu, ông già ngửa mặt lên trời than "Cả đời này đục, một mình ta trong ..." Vui quá xá. May, đó là mấy ông doanh nghiệp tặng quà, đi kèm với 1 ông phụ trách văn xã nho nhỏ nào đó, chứ đi cùng một ông kễnh thì "tội nghiệp không" có giá trị gấp nhiều lần. Vô sản như ổng không hiếm, nhưng vô tư và tư tưởng thoải mái, trong sạch, chẳng vướng bận "Tham, Sân, Si" như ổng thì xứng đáng được đưa vào sách giáo khoa, đưa vào cương lĩnh được rồi. Trời ơi, người ...

    ReplyDelete
  8. Bạn ơi, đọc xong bài này mình tự tội nghiệp cho mình quá. Cho mình copy về blog mình nhé! Cám ơn bạn.

    ReplyDelete
  9. Chỉ có ông Cà Bi của Miền T6ay, rặt miền tây thôi nhen chị!!!

    ReplyDelete
  10. Anonymous3/05/2010

    Có ít lỗi chính tả, uổng quá, vì nếu không sửa, chẳng ai hiểu được, thí dụ: "võ", đúng là vỏ, chỉ cái xuồng.
    Bài viết hay quá, nhưng ngầm chứa trong nó, sự kiêu ngạo, có thể không phải chỉ của Cô Tư không thôi...
    Cám ơn

    ReplyDelete
  11. Tui đã copy bản trên báo về thay cho bản đầy lỗi chính tả rồi đó. Cảm ơn bạn đã nhắc nhở.

    ReplyDelete
  12. Anonymous3/06/2010

    Cảm ơn chị Tư

    Em xin mạo muội đề nghị phần tiếp theo vầy nghen chị Tư:

    10 năm sau...

    Một ngày tháng 3 trời khô hạn. Không ai còn thuê ông Cà Bi be bờ hay khơi mương nữa. Bây giờ ông sống nhờ lòng thương của bà con lối xóm. Sông Cái cũng cạn khô vì nghe đâu ở trên thượng nguồn người ta xây đập ngăn nước để làm thủy điện. Thượng nguồn thì ngta xây đập. Hạ nguồn thì nước mặn tràn vào. Đời sống của làng ông Cà Bi ngày một khốn khó. Hôm nay nhà không một hột gạo, bụng lại đói cồn cào. Chẳng lẽ số mình đã tận rồi sao?, ông Cà Bi tự hỏi. Không. Một kẻ kiêu bạc như ta, xem thường vật chất, coi khinh cường quyền, ung dung tự tại như ta mà dễ dàng buông xuôi chịu chết vậy sao? Trong đầu ông loé lên: Trảng Sen. Phải rồi, cái Trảng Sen mà một thời ông náu mình trong đó để chiến đấu chống giặc, không thua kém Lung Ngọc Hà về lượng cá tôm. Mà bấy lâu nay vì sức yếu nên ông không đi nữa.

    Ông Cà Bi cố gắng hết sức đi ra chiếc xuồng con đang cột ở con rạch nhỏ sau nhà, rồi nhắm hướng Trảng Sen, cách nhà chừng vài chục cây số, mà chống miết. Ông định bụng kiếm chút tôm cá, trước hết là sẽ đem ra chợ bán, sau là làm mắm ăn dần.

    Sau gần 1 giờ đồng hồ chèo chống mướt mồ hôi, ông Cà Bi cũng đến được Trảng Sen. Hỡi ơi, cá chết trắng cả mặt sông. Nhưng con cá lóc, cá mè, cá trắm ngửa bụng trắng nổi lềnh bềnh trên dòng nước đen ngòm. Một sự tương phản đầy chết chóc. Ông lão hết sức kinh ngạc. Trảng Sen một thời "rừng vàng biển bạc" đây sao? Một thời không ai dám thả vịt vào đây, sợ cá lóc đớp mất vịt con. Cái trảng sen mà ông từng ví là bầu sữa nuôi ông giờ đây khô quắt lại, đen ngòm. Ông lão không tin vào mắt mình, liền đảo nhìn quanh như thể tìm kiếm kẻ đã giết chết Trảng Sen của ông. Xa xa những cột ống khói cao ngất, xả từng đám khói như mây lên trời. Dưới đất, từ những đường ống, những dòng nước đen ồng ộc tuôn chảy.

    Từ kinh ngạc ông Cà Bi chuyển sang giận dữ. Ông ngửa mặt than trời: Trời ơi, ta sống nhờ chim trời cá nước. Không màng danh lợi, không chịu luồn cúi, không thích bon chen. Ngẫm ra, ta có phần kiêu ngạo khi buông câu "tội nghiệp hông" với nhóm người dạo nọ chăng? Hay ta trước đến giờ chọn sai cách sống? Lão ngã vật xuống xuồng và rồi ngửa mặt lên trời hỏi lớn: Chim trời cá nước hóa ra cũng dễ dàng bị giết chết vậy sao? Giữa ta và bọn người hôm nọ, ai kiêu ngạo hơn ai? Ai thương hại ai? Ai chọn lối sống đúng?

    La hét chán, lão thiếp đi hồi nào chẳng hay. Một đường khói trắng thẳng như kẻ chỉ, bay ngang bầu trời. Mũi kim của đường chỉ ấy lao vun vút, để lại đường khói mờ dần mờ dần. Đó chính là một chiếc máy bay xuyên lục địa. Ngồi ở hàng ghế hạng nhất là một tay tài phiệt chủ của những nhà máy giết chết Trảng Sen. Lão đang đi đến một xứ sở trong lành, để lại Xẻo Quao cho những người sống dựa hoàn toàn vào "ông Trời" và thương hại kẻ khác như lão Cà Bi.

    ReplyDelete
  13. bạn gì ở trên có phần tiếp nối chị tư khá hay á nhen..cũng sử dụng từ ngữ dậm chất nam bộ như chị Tư.

    Tui thì tui nghĩ có thể ong Cà Bi ko kiêu ngạo, ông chỉ nói những lời tự nhiên thôi, tự nhiên trong suy nghĩ và thốt ra thành lời.. vì ông quanh năm sống ở ruộng đồng, ông đâu có biết những người làm từ thiện này có đời sống ra sao, họ bận bịu tới cỡ nào, giàu hơn ông tới cỡ nào mà kiêu ngạo với họ cho được..

    Nhưng thực tế trong đời sống tui đã gặp những người có đời sống rất bình thản với chính mình, họ buôn bán nhỏ hoặc làm nghề thủ công..họ muốn làm giờ nào thì làm, muốn nghỉ thì nghỉ, chơi thì chơi, nói gì thì nói...và tui cũng thấy trong số họ, có người cũng tỏ vẻ tội nghiệp những người tối ngày gò mình vào những khuôn khổ , công việc và địa vị...Nhưng họ kín đáo hơn, ko có nói ra như ông Ca Bi này.. dĩ nhiên họ là họ, ong Ca Bi là ong Ca Bi ma...

    ReplyDelete
  14. Mấy bác đi làm từ thiện này hay quá còn gì,biết nghe lời bác Cà Bi sung sướng để mà quay về hưởng thụ Trảng Sen vào phút chót.

    ReplyDelete
  15. Anonymous3/08/2010

    Ông Cà Bi buông câu "tội nghiệp hông" để 10 năm sau như bài viết tiếp... vì sau khi đi Trảng Sen những nhà từ thiện lớn có thêm sáng kiến mới quay lại đặt ống khói ở Trảng Sen... Ông Cà Bi thiệt thà quá hại cả Trảng Sen... hahaha

    ReplyDelete
  16. Anonymous3/11/2010

    Nếu bà con dân chúng mà giống ông Cà Bi này thì sẽ không có cái gọi là vựa lúa, sẽ không có xuất khẩu, không có tăng trưởng, không có phát triển... Và đất nước sẽ toàn những con hạc giấy chấp chới chờ ngày... về trời.

    Phew, may quá, ông Cà Bi chỉ có ở Xẻo Quao.

    ReplyDelete
  17. Ông Cà Bi là tỉ phú thời gian nha. Mấy người kia đầu tắt mặt tối, lấy đâu ra 1 phút rãnh mà ngắm trảng sen. Tội nghiệp hông

    ReplyDelete
  18. Còn nữa, ông Cà Bi là tỉ phú hảo tâm

    ReplyDelete
  19. ung dung tự tại, từ bi hỷ xả
    vật chất cần cho ai đang cần
    chim trời cá nuớc dẫu chết đi,
    ta cũng chẳng còn sống nổi
    nhưng ta ko biết đến chim trời cá nước
    thì cũng như ta bỏ đi một nửa cuộc đời vậy

    ReplyDelete
  20. Mỗi người một cách sống. Sao lại giận ông già làm chi heng. Mà sao lại buộc người ta phải cám ơn cám ngãi mình khi người ta không cầu mình cho? Tại mình đem tới đó chớ.
    Giữa ông Cà Bi với những người kia, ai thanh thản hơn ai vậy?
    Chuyện đời mà!

    ReplyDelete
  21. Quả thực là hình như em chưa đọc bài nào của chị Tư mà có giọng văn giống phần thêm của Ano cả :D.

    ReplyDelete