Apr 5, 2010

Đứng hình và những chuyện linh tinh

Nhắn nhe :

1. Sầu Riêng mà đứng hình thì bà con hãy vững tin là nó đang âm mưu gì đó. Cái gì đó thì nó dán một đoạn ở phía dưới đây. Nên sau này gặp trường hợp vậy, bà con đừng sốt ruột hen. 

2. Đa tạ bà con (một số) đã gửi lời mời tui chat, nhưng vì sợ... nghiện (tui hay bị đứt thắng bất tử lắm) nên tui không dám mò vô chat trong yahoo messenger. Huhu

3. Đội ơn bạn bè gần xa đã tha thứ cho một con vô duyên (thúi) như tui, vì đôi khi tui quá mất lịch sự chẳng trả lời trả vốn những còm mà các bạn gửi lại đây. Tui thấy mình có lỗi vô cùng tận, nhưng chỉ biết xin lỗi và nhe răng cười trừ mà thôi. Chỉ mong các bạn hiểu rằng tui ghi nhận hết thảy tấm lòng của các bạn bằng kiểu của tui. Cảm kích lắm lắm.

4. Hết biết nói gì...

Sau đây là một đoạn trích cho cái chiện cũng ngắn của tui, bà con đọc trước cho đỡ bùn hen.

bến bờ vắng ngắt

Truyện ngắn : Nguyễn Ngọc Tư

"Đừng sợ, dù vì nó mà người ta sống, chết…"                                                         

 

1

 Chồng Sáo chết vì mấy lá ngò gai.

 2

 Nhà chức trách nói rằng họ đang tìm sự thật nhưng có thể chồng Sáo đã lẻn lên bè rẫy Đại Thanh trộm tài sản của họ, lúc người ta bắt gặp đã xảy ra xô xát nhỏ, anh lao xuống sông định trốn, chết nước là chuyện rủi ro không ai ngờ… “Những người đầu tiên trông thấy xác chồng cô đều chứng kiến trên tay anh ta còn cầm một sợi dây chuyền vàng đã đứt”, nhà chức trách bảo vậy. Sáo nói không phải đâu, anh Thi chồng tôi chỉ muốn lén hái vài lá ngò. Nhà chức trách hơi xẵng giọng, chúng tôi dựa trên nhiều bằng chứng quan trọng. Sáo cãi không phải đâu, chồng tôi cần có chút ngò gai thôi. Họ kiên nhẫn kêu vài nhân chứng tới nói mấy câu chuyện ngập ngừng. 

Sáo cãi phăng đi. Ngay khi Sáo ôm xiết chồng đang nằm thõng thượt trên cái bàn dài đặt giữa văn phòng nhà chức trách, ngay khi nó vùi mặt mình vào cơ thể lạnh lẽo chi chít những chỗ tím bầm, ràn rụa tìm kiếm hơi thở của anh núp trốn đâu đó, trong rún, trong mắt hay ở bên sườn. Khi lướt qua đôi môi dập nát nó nghe phảng phất mùi ngò gai. Trời đất ơi, chồng nó đã nhấm nháp thưởng thức mùi vị chúng ngay khi vừa hái được. Anh vẫn chưa nuốt trôi khỏi cổ, ý nghĩ đó làm nó nghẹt thở. Người ta đang nhâm nhi ngò gai thì không ngó ngàng tới vàng bạc đâu, Sáo nói và xốc ôm chồng tha về ghe. 

Dưới sạp ghe hai con cá Bạc Đầu đã chết. Cặp cá này sáu tiếng đồng hồ trước vợ  chồng Sáo giăng lưới bắt được. Cá bị nước đuổi ốm tong teo nhưng chồng Sáo sướng quên trời đất, và như con nít, anh đứng múa may quay cuồng ở đầu ghe, kêu hết sẩy hết sẩy, nói phước đức ông bà để lại. Chưa bao giờ Sáo thấy anh hạnh phúc, hân hoan đến vậy, đến nỗi nó đã chạnh lòng ngay lúc đó, anh đâu có từng tỏ ra quý mình như quý cặp cá này. 

Cá Bạc Đầu luôn đi thành đôi, là loại cá rất hiếm hoi. Sục sạo như chồng Sáo cũng chỉ một lần thấy chúng. Má chồng Sáo hồi còn sống thường thắt thẻo nói vợ chồng nào hiếm muộn con cái nuốt mật cặp cá Bạc Đầu thể nào cũng cấn thai. Bà hay ngồi ở cửa trước hóng coi trẻ con bên xóm đang chạy giỡn, tiếng thở dài của bà lửng thửng bay về phía Sáo nhoi nhói. Chồng Sáo cà rỡn, “bắt được cá Bạc Đầu rồi vợ con sanh một lần bảy đứa, cho má giữ mệt nghỉ…”. Má chồng không chờ được, lúc bà chết bên vách vẫn còn giắt mớ vỏ tỏi - thứ đàn bà đẻ dùng để xông da thịt cho thơm. Chồng Sáo vẫn phấn khích quăng chài xuống sông Sắc nuôi hy vọng, không hoàn toàn vì khao khát trẻ con. Chồng Sáo đã được ăn cá một lần  hồi mười lăm tuổi mà mỗi khi anh nhắc lại nồi canh cá nấu mẳn, Sáo lại thấy nước miếng rỉ ra rưng rưng bên mép anh. Người Châu Thổ hay nói, bắt tao tả đau bụng đẻ ra làm sao chẳng khác nào kêu tả mùi vị con cá Bạc Đầu, tức là chẳng thể chia sẻ cảm giác với người khác nếu họ không tự mình trải qua. Sách “Bi ký” chép lại, năm 813 đã có một làng chài lưới bị tàn sát vì giữ lại cá Bạc Đầu mà không cống nộp cho vua. Một trăm ba mươi bốn người trong làng đã chết. Ba chồng Sáo quý cuốn sách đó  như một gia tài nhưng nhà nó đã làm mất vào một bữa nước đột ngột dâng. 

Giờ con cá của những đồn đãi, con cá huyền thoại, con cá vì nó mà người ta sống, chết đang nằm trong ghe nhà Sáo, đuôi màu xám đậm rồi phai dần cho đến phần đầu thì trắng muốt tựa bông lau chín. Cái chết cận kề không làm cho chúng thôi quấn quýt. Chúng chạm râu vào nhau khẽ khàng, như  âu yếm như đờ đẫn, như dịu dàng lại như kiệt sức. Phải, nước đuổi đã quá hai tháng rồi, đến con người cũng phờ phạc bạc đi.

 3

 Mùa nước đuổi bắt đầu từ giữa tháng Giêng. Ngó nước bắt đầu linh đinh bờ bãi, người ở xóm Rẫy thở dài ứ hự, chắc năm sau ăn Tết trên ghe.  

Cứ mỗi năm nước đuổi lại tới sớm hơn, mùa mỗi năm mỗi dài hơn. Tết chưa tàn vợ chồng Sáo đã lụi hụi dọn đồ đạc lên ghe, bông vạn thọ trồng trong cái khạp lủng để trước hàng ba còn chưa bung nở hết. Chồng Sáo cứ tiếc là ghe chật quá, không rinh cái khạp đó đem theo được. 

Anh còn muốn bứng cả cây cỏ quanh nhà theo, nếu có thể. Nên trên ghe lủ khủ những bụi hành hẹ, sả, vài cây ớt, ít hẹ, ngò om… Mấy thứ cỏn con này hay làm chồng Sáo bận lòng, ăn cá chốt nấu cơm mẻ mà thiếu sả ớt, cá trê nướng mà không gừng… là anh băn khoăn lắm. Anh nói thà không ăn, chứ ăn vầy không đúng điệu. 

Chồng Sáo ưa nói hai từ đúng điệu. Coi kìa, đêm nay trời trong nhưng trăng tròn quá nhìn không đúng điệu, phải khuyết chút ngó hay hơn. Nắng vầy mà có bóng cây để treo võng nằm chơi là đúng điệu. Con lá lóc này phải có rơm khô chất lên đốt nướng trui mới đúng điệu. Sống giữa trời nước bao la vầy mà không có nước để tắm cho đúng điệu, nghĩ mà tức. 

Sáo nhớ chồng nó nói câu đó khi đang ngồi ểnh ra, se miết mấy ngón tay da cổ làm đất rụng xuống lả tả. Gọi là tắm khô, kỳ cọ bằng mồ hôi xong sẽ tắm ướt bằng hai gàu nước. Nhưng có bữa chồng Sáo tắm cả xô, tắm đúng điệu. Chữ đúng điệu nhiều lúc làm Sáo sợ. Nhất là khi nghe bảo “em nằm day lại tui gãi cho đúng điệu cái coi”. Đêm nào trước lúc ăn nằm với nhau bao giờ chồng cũng gãi lưng Sáo, trong một trình tự lớp lang đúng điệu, bắt đầu từ lúc những ngón chân cọ vào bắp chân Sáo, sau đó này sau đó kia, anh nhẩn nha đến nỗi nó thiu thiu ngủ luôn bỗng nghe cái gì đó xộc tới chới với. Nó không thích vậy nhưng không dám nói, biết đâu vì cái khoảnh khắc chới với đó mà trẻ con không chịu ra đời. 

Sáo còn hồ nghi vì hai chữ đúng điệu mà nhà nó nghèo. Gieo mấy giồng cải, chồng Sáo nói lá cải chưa mướt mà nhổ bán là không đúng điệu, nhưng chờ tới lứa cào cào ở đâu bay lại ăn đám rau rách nát. Có năm trồng dưa hấu, thấy dưa lớn trái lại đang được giá Sáo đòi bán cho thương lái. Chồng bảo chờ cho dưa chín thêm ít nữa, cho da trái dưa căng bóng mới đúng điệu. Ai ngờ trời trở mưa một trận, không kịp cắt dây dưa nổ lụp bụp như pháo, nứt vỏ hết. Trắng tay. 

Mùa đó là mùa dưa cuối cùng trên đất nhà Sáo. Năm sau nước đuổi tới nơi, cứ nghĩ nước tràn  quanh quẩn những vùng gần biển thôi, nhưng nước theo sông ngày càng vào sâu hơn, tràn bờ bãi, ngấm vào chân ruộng. Người ta kéo nhau đi đào đất đắp bờ, nhưng đắp tới đâu nước theo tới đó, cơi nhà tới đâu nước ngập tới đó, không lẽ ở trên mái nhà, thôi kéo nhau lên ghe ở cho rồi. Cây trái tàn rụi, chỉ còn cỏ Đuôi Mèo là sống được, đem bán rẻ mạt cho những người chăn nuôi bò ở bên kia biên giới, chẳng được bao nhiêu tiền. 

Chồng Sáo không lấy chuyện đó làm phiền, cả khi ôm cái lư hương cha mẹ rút lên ghe chờ qua mùa nước đuổi, anh vẫn làm mặt tỉnh queo. Cả xứ này bỏ đất mà đi chớ đâu phải chỉ nhà mình, chồng Sáo nói vậy. Chỉ một lần duy nhất chợt thèm ớt giữa bữa cơm, mà cây ớt đem theo đã chết queo, anh mới dựng đũa kêu trời. 

Trời im ắng ở trên cao, trong ngằn ngặt, trong như nước mắt. Nắng quay quắt như vắt như vo con người thành những hòn đá khô khốc có thể lăn cọc cạch. Vợ chồng Sáo neo ghe ngay trên đất vườn mình, cạnh mái nhà mình, lây lất sống nhờ chài lưới những con cá nước đục còn sót lại ốm ròm trên mình đầy ghẻ lở… sau đó thì tới đám cá nước trong len lỏi vào sâu trong đất liền, hai đứa kiếm được chút đỉnh tiền gạo và không đến nỗi cực ăn. Nhưng có bữa chỉ bắt được cá Sầu Ngư, đành ăn cơm với muối hột. 

Sầu Ngư bình thường vẩy màu xám bạc chỉ nhẩn nha ăn bèo rong trôi dạt, đến nước đuổi thân cá trở nên đỏ thẫm. Chúng có thể sống tỉnh queo nhờ rỉa xác súc vật chết trôi, trong đó có cả xác người. Chồng Sáo vừa ghét vừa ghê sợ chúng, anh xỉa xói, “Cái thứ ham sống tới nỗi bất chấp tội lỗi…”. Sáo mắc cười quá, mắng cá mà như mắng người. 

Sáo đâu có ngờ có ngày mình phải bảo vệ chồng khỏi miệng cá Sầu Ngư.

(còn tiếp vô cùng còn tiếp)

27 comments:

  1. Đạo Sĩ Thúi4/05/2010

    Tu tập có 84 ngàn pháp môn. Gặp Phật, giết Phật. Gặp Ma, giết Ma. Nếu "Phật" xuất hiện đầy nham hiểm từ bên trái, hãy đá y sang bên phải, bởi y muốn tu sinh sẽ ngã gục ở hướng đó. Nếu "Ma" dụ dỗ hay doạ giẫm từ bên phải với ý định dập tắt sự tinh tấn cuả tu sinh, hãy hất y sang bên trái. Không tôn sùng, không miệt thị. Yêu thương và hỉ xả. Bi trí mà từ tâm. Lên núi trĩu nặng, xuống núi rỗng lặng, tức nhiên là sự khác biệt. Tư viết dài và xoàng như ri mần chi cho uổng công mất thời gian? Hãy về đóng cưả luyện văn chương thượng thưà, đừng hoài phí tài năng thiên phú cho những thế sự tầm thường. "Văn chương không phải là chỗ để cho em bưạ…" (Mai Thảo).

    ReplyDelete
  2. Hay lắm. Nhiều tầng ẩn ý. Mong được đọc phần tiếp theo :-)

    ReplyDelete
  3. Híc, tui hông dám nói nặng lời như đạo sĩ, nhưng tui đã từng bày tỏ ý quá trời mong muốn của tui khi thấy một tập truyện vừa hay một cuốn tiểu thuyết chi đó, cỡ như "Tiếng chim hót trong bụi mận gai" dzậy. Không nói đến cái tầm, cái vĩ đại của nó, chỉ nói đến cái quy luật của muôn đời thì thời nào cũng giống nhau, gầm trời nào cũng vậy. Có khác chăng chỉ là mức độ xa nhau giữa 2 từ "CON" và "NGƯỜI" đến thế nào thôi. Hôm nào Tư tả cho anh em nghe một vụ mùa, từ gieo đến gặt rồi lại gieo đi ... Biết đâu điều đó sẽ đưa đến một điều gì đó, tựa như VAN GỐC tự vặt tai để vẽ vậy, same same như chim cắm gai vào ngực mà hót. Lâu lâu hông thấy đăng đàn, đang thấp thỏm trong niềm vui dẫu có thể 3-4 năm. Quá trời là mong !!!

    ReplyDelete
  4. Quao, đạo sĩ! Thúi thiệt! Thấy ghê!

    ReplyDelete
  5. Anonymous4/08/2010

    Đọc thấy càng ngày càng bi thương nghen. Xì tai bi thương của chị Tư thấy ghê quá. Chụp hình thì cười toe toét vậy mà viết thảm thiết không hà.

    Gửi riêng Đạo sĩ Thúi : Giùm ơn mang thúi đi chỗ khác chơi. Đừng cao giọng dạy đời.

    ReplyDelete
  6. Thiện Tai4/09/2010

    Cho bần tăng hỏi thăm Đạo sĩ Thúi tu theo pháp môn gì đó?
    Phải biết hệ phái mới bình tiếp về khả năng cảm thụ cái đẹp, cái hay trong Trời Đất, sau đó nói tới cả văn chương.
    Còn tu theo hệ Thích Đủ Thứ thì e hèm, bần tăng miễn bàn, he he.

    ReplyDelete
  7. nhảm4/09/2010

    Em chỉ có cái ước mơ nho nhỏ là chị 4 in sách cho em đỡ đọc trên màn hình mỏi mắt hic

    ReplyDelete
  8. Anonymous4/09/2010

    Em Nhảm, nói một câu hông nhảm chút xiú nào.
    Tui cũng ước như vậy!

    ReplyDelete
  9. phonui4/12/2010

    @Đạo Sĩ Thúi, "văn chương thượng thừa" là cái giống gì? thiệt thấy ớn!
    Đang chờ Tư cho đọc tiếp phần còn lại :)

    ReplyDelete
  10. Anonymous4/13/2010

    "Phùng Phật sát Phật. Phùng Ma sát Ma", câu nầy của tổ Lâm Tế. Vậy Đạo sĩ Thúi tu Thiền, không phải Lão. Ý Đạo sĩ Thúi không xấu, nhưng do cách nói có phần hơi "khẩu khí" nên bị ném đá. Dẹp bỏ mọi vọng tưởng, tập trung công lực, quánh một chưởng để đời, kiểu như "Những người khốn khổ" hoặc "Trăm năm cô đơn" v.v... Ý Đạo sĩ Thúi là vậy thôi. các bạn không nên ném đá nữa.
    Nhưng, Đạo sĩ Thúi ạ,theo tui thì "Cánh đồng bất tận" cũng đáng đươc để đời rồi đó.

    ReplyDelete
  11. Đạo Sĩ Thúi4/13/2010

    Cảm ơn bạn Ano "lượm đá" cho ĐST tui. Ui choa, chất lại cũng được một đống.
    Đúng, "Cánh Đồng Bất Tận" rất hay. ĐS Thúi đọc mà còn rơi nước mắt. Nói chung, ĐST tôi xúc động khi đọc các truyện khác cuả cô Tư chứ hong chỉ mỗi CĐBT. Nhưng, cái kết thúc cuả CĐBT, theo ý tui là chưa đạt "thượng thưà", có lẽ bởi cô Tư còn nhơn hậu quá, hoặc chỉ muốn tha thứ cho đời... Viết ÁC không có nghiã là một nhà văn có cái tâm ác. Nhưng tôi cũng thông cảm, bởi cô Tư mà viết khác đi, thì búa rìu còn vung tới không biết đâu mà đỡ. Cho nên, cô Tư phải dành cái tài cuả mình cho những tác phẩm mới. Những ý, tứ hay nên biết để dành, đem vung vào hết các tản văn hay truyện lẻ tẻ thì làm sao còn vận dụng cho cái cú "thượng thưà" được nưã??? Cô Tư nên quay lại đọc toàn bộ những bài viết cuả mình, phải dành thời gian suy gẫm về cái hay, dở cuả mình, tìm kiếm một bút pháp mới để có thể hiển lộ hết những gì tích tụ trong tâm trí mình.
    Nam Bộ là một kho tàng cho sáng tác, một đề tài lớn mà cô Tư có cái may nhắm mắt lại mà đi cũng bắt được không biết bao nhiêu là cảm xúc. Chỉ cần một tác phẩm để đời, là đủ, phải không?

    ReplyDelete
  12. Anonymous4/13/2010

    Chỉ cần một tác phẩm để đời, là đủ, phải không?

    Phải phải... tác phẩm để đời đã có rồi, nổi đình nổi đám nhiêu đó cũng đã đủ rồi. Vậy thì đòi hỏi thêm chi nữa. Biết bao nhiêu là đủ, bao nhiêu là thiếu.

    Nhà văn không uống nước lạnh suông mà sống được. Đòi hỏi nhiều quá tui thấy mệt giùm cho nhà văn.

    ReplyDelete
  13. @ĐST : Phải bạn nói giản dị dễ hiểu như vầy thì đâu đến nỗi mấy bạn kia nổi sùng.

    Nhưng thưa bạn, ý tôi vầy : tôi không phân biệt văn lớn văn nhỏ, truyện lớn truyện nhỏ, càng không tham vọng tác phẩm để đời hay tác phẩm đỉnh cao gì hết. Tôi chỉ viết những gì tôi thích. Biết đủ là đủ. Tôi là đứa không tham vọng. Nhưng nhà Phật hay nói chữ "duyên". Tôi đã thấy người tham vọng mà chẳng viết được gì. Người dạo chơi nhởn nhơ thì lại có cái để đọc.

    Tôi thì không phải loại nhởn nhơ chơi. Tôi phải sống, nuôi hai thằng con lớn lên. Tôi không thể nhịn ăn để gom lại ăn một cú... thượng thừa, cũng như tôi không thể bảo con tôi làm vậy.

    Tôi coi văn chương là nghề, tạm thời là sống được. Đây là việc để mưu sinh.

    Hôm nay là ngày tôi nhận lương kỳ giữa tháng, và tôi vô cùng khổ sở và áy náy vì nửa tháng rồi chẳng viết bài nào cho báo nhà mình. Bằng cách nào đó, tôi đang nói tránh chữ "nhục" dù đó là những gì mà tôi đang cảm thấy.

    Sức tôi chỉ đến đấy, thưa bà con !

    ReplyDelete
  14. nhảm4/13/2010

    Nhà văn nam khác nhà văn nữ ở chỗ họ ít khi nghĩ đến đồng tiền bát gạo của gia đình khi đang viết. Bởi cái đó đã có vợ họ lo rồi.
    Người phụ nữ viết văn có cái lợi thế riêng và cũng có cái khổ của riêng mình.
    Hậu bối có vài lời mong san sẻ vậy.

    ReplyDelete
  15. "Biết mình biết người..." Phàm là ai, khi biết được điều đó ắt sẽ trụ vững trên đôi chân mình. Giống như lấy ngắn nuôi dài vậy. Quý vô cùng những tình cảm của bạn đọc gần xa dành cho Tư, nhưng bên cạnh đó cũng là áp lực dành cho riêng mình. Thời gian chẳng bao giờ quay lại cho chúng sinh thay đổi, nhưng nghiệt ngã là vẫn cho phép chúng ta ngoái đầu nhìn. Biết là yêu, nhưng muốn yêu hơn chút nữa, chắc gì đã được ? Vậy nên, hãy yêu những gì mình đang có và đón nhận những gì sẽ đến trong tương lai một cách bình thản, xem như đó là một quy luật nhân quả của cuộc đời vô cùng hữu hạn này. Amen.

    ReplyDelete
  16. Một ngày được đọc một câu truyện ngắn của chị Tư để suy ngẫm thì ngày đó em thấy mình đã cho tâm hồn mình ko bị đói, thế nên em ko nghĩ là em thích đói trường kì để ăn một bữa no ách bụng đâu :D.

    ReplyDelete
  17. Anonymous4/14/2010

    Đúng là dừng lại lâu chị Tư viết khác ghê. Những dòng văn này khá lạ nhưng vẫn mang nét rất riêng của NNT. Tôi ủng hộ chị!
    H.H

    ReplyDelete
  18. @Thuong hoai que huong : Bạn DST đã giải thích rồi, mong bạn đừng cố chấp.

    ReplyDelete
  19. Anonymous4/15/2010

    "Bằng cách nào đó, tôi đang nói tránh chữ "nhục" dù đó là những gì mà tôi đang cảm thấy."

    co may ai thay duoc!

    ReplyDelete
  20. Tôi yêu lối viết mộc của Tư. Tôi đồng cảm với áp lực trước cuộc sống mưu sinh của 1 tài năng nữ.
    Yêu Tư, tôi hoàn toàn đồng ý với Lê Hoàng:"Biết là yêu, nhưng muốn yêu hơn chút nữa, chắc gì đã được ? Vậy nên, hãy yêu những gì mình đang có và đón nhận những gì sẽ đến trong tương lai một cách bình thản, xem như đó là một quy luật nhân quả của cuộc đời vô cùng hữu hạn này".
    Mong những điều bình an và tốt đẹp nhât đến với Tư.

    ReplyDelete
  21. Chị ơi cái truyện này khi nào có tiếp vậy, em đợi hoài, như cái thời "khói trời lộng lẫy" :((

    ReplyDelete
  22. Anonymous4/28/2010

    Mọi sự so sánh đều khập khiễng mà. Tui đọc "Tiếng chim hót trong bụi mận gai", "Những người khốn khổ", "Trăm năm cô đơn" rồi mà chẳng cuốn nào làm tôi xúc động rưng rưng như truyện Nguyễn Ngọc Tư hết. Bởi đó là truyện về xứ mình, về người mình, dẫu không nổi danh toàn cầu như mấy cuốn kia thì cũng chỉ có truyện của chị Tư là chạm đến tận đáy những gì thương yêu xúc động nhất của người Việt.

    Muốn nổi danh toàn cầu nhiều khi cũng đòi hỏi nền văn hóa mình có tầm ảnh hưởng mạnh cho người ta dễ cảm lắm. "Tam quốc chí" đâu có nổi danh toàn cầu nhưng dân Việt Nam mình hâm mộ còn hơn "Trăm năm cô đơn" gấp tỉ lần, :D

    ReplyDelete
  23. Đọc những gì chị viết thấy thương chị nhiều.

    ReplyDelete
  24. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  25. @Anonymous 4/28/2010: Nói thiệt hay, thiệt ưng cái bụng à :D

    ReplyDelete