May 9, 2010

Cũng là đá thôi...

Trên tay có đá


Trên một ngọn núi cao lêu đêu đứng khều mây, có ông thầy.

Lần đầu tới chơi thầy kêu bỏ mấy cục đá xuống cho rảnh tay múc giùm ta gàu nước. Bạn cãi ủa con có cầm đá gì đâu. Thầy cười, khi nảy con định ném đá cho bể đầu ông xe ôm dưới chân núi mà. Tại thằng cha đó lấy tiền công mắc quá, mới chạng vạng mà tính giá gấp đôi lúc ban ngày, bạn ngoay cái miệng phân trần. Thầy lại cười, mấy chục ngàn đó cũng còn rẻ, vì chở con là chở theo một đống đá, nặng lắm chớ đâu phải chơi.

Giọng thầy không có chút cà rỡn nào, làm bạn ngờ ngợ ngờ ngợ ngờ ngợ miết. Không nén được, bạn xòe tay ra coi, và thật kỳ lạ, bạn thấy trên tay mình thiệt tình là có đá. Thiệt tình là bạn đang lăm le chực hờ ném vào người khác, giống hệt cái cách người đời hăng hái ném nhau.

Bạn về nhà rồi chuyện mấy cục đá cũng lẻo đẻo theo về, đeo bám dai dẳng. Đôi khi bạn bĩu môi lườm nguýt ai đó, mắng xiên chửi xéo ai đó… mà thấy rõ ràng là mình vừa ném đá vào người ta. Đôi khi viết một đoạn chữ mà thấy lổn nhổn nặng nề như đá. Đôi khi chỉ nói nửa câu mà thấy người nọ rúm ró vì đau. Ném đi rồi thấy sướng phút đó hể hả phút đó nhưng dường như người không nhẹ bớt, vì cục đá thiên hạ ném trả bạn nhặt lấy mang theo bên mình, rình chờ cơ hội chọi lại.

Những hòn đá đó không bao giờ rơi xuống đất, bởi không người này cất thì người kia cũng cầm. Vì nó mà mình đau nhưng người ta vẫn giữ gìn để tiếp tục làm đau người khác, hòn đá được ném đi ném lại trong một hành trình sát thương không ngơi nghỉ . Sách nói vậy. Sau này, bạn nghiền ngẫm sách Thiền các loại, bạn nghiên cứu kinh Phật kinh Thánh kinh Coran… Bạn cố không lẫn lộn giữa chê bai và lăng mạ, giữa phê bình và đạp đổ, giữa dèm pha và hạ nhục… để nếu có ném đi thì chỉ là những hòn đá con con. Thấy chưa ăn thua, bạn hay lên núi nói chuyện với ông thầy học cách làm sao bỏ đá khỏi tay. Ông thầy cười nói phải có cách nào thì ta đâu có bỏ chạy lên đây, ở một chỗ chỉ có mây và vài nhà hàng xóm. Ít người lại qua, ít va chạm ít thị phi thì đỡ phải ném đá nhau…
Nhưng bạn ở một chỗ nào ? Chỗ mà sáng sớm dừng ở đèn đỏ có kẻ chạy xe lấn đường xước cả tay bạn. Chỗ mà sáng sớm phát hiện ra chị kia thản nhiên cân thiếu. Chỗ mà sáng sớm anh cảnh sát giao thông ngoắc bạn lại kiếm tiền lót tay. Chỗ mà sáng sớm mở trang báo thấy bao nhiêu chuyện nát lòng : người giàu thả chó cắn chết người nghèo, mẹ ngược đãi con, chồng giày vò vợ… Chưa hết, biển thông tin đưa bạn tới gần những sự thật, ở đâu đó người ta đào bới tận diệt thiên nhiên. Ở đâu đó có những đứa trẻ bị đẩy ra đường phơi mưa nắng kiếm tiền khi vẫn còn ẳm ngửa. Ở đâu đó có những người phụ nữ bị bán mua rẻ mạt…

Bạn nghe lửa bốc lên đầu, giận đầy ứ họng. Căm. Uất. Ngột ngạt. Nghe đá ở đâu bỗng chất oằn cả người, kẻ thủ ác mà đứng trước mặt bạn dám ném cho họ chết lắm. Nhưng đó là "ở đâu đó…", giờ chuyện xảy ra ngay ở quê hương bạn, cách chỗ bạn chỉ hai mươi cây số. Nghe đâu, coi bản tin thấy hai vợ chồng trẻ người mà tàn ác man rợ, nhục hình tra tấn thằng nhỏ làm công mà tỉnh bơ như thở như ăn, có một bà già quê đập bể ti vi rồi xách dầm xuống xuồng bơi đi "đi đánh hai đứa ác ôn đó coi tụi nó biết đau không ?".

Như thể hết cách rồi, đá phải được đáp trả bằng đá. Bạn giận mình sao không được như bà già đó. Những cuốn sách về nghệ thuật buông bỏ, hạn chế sân hận trải rộng tình thương… đã trở nên vô nghĩa.

Không thể buông bỏ ở cái thời thế này. Đến cha mẹ mà tàn tệ với con, không phải loạn thì là cái gì. Ông thầy trên núi gọi điện thoại xuống, nói ông coi ti vi rồi. Lặng đi giây lát, ông nói, "ta thấy sợ…". Ông thầy sợ vì tôn giáo mà ông đeo đuổi làm sao cứu rỗi được người đã đánh mất chất người. Còn bạn sợ vì luật pháp làm sao cải tạo thay đổi được người đã không phải là người nữa. Sách nói không có gì là rác hết, bạn đã từng tin vậy, nhưng giờ chê sách xạo, thiệt tình.

Nông nổi này biết đâu nảy sinh từ những cú ném đá lặt vặt nhỏ nhít mà người ta không nhận ra. Cho đến một ngày…

(Ngoại tình với báo Tuổi Trẻ. Bên chồng có người buồn...)

26 comments:

  1. Xã hội nào cũng có tốt, có xấu. NHưng không thể vì thấy nhiều cái xấu mà mình buồn và nhìn đời toàn xấu xí được. Càng không nên ăn nói thô lỗ, chửi rủa những kẻ xấu, việc xấu...vì sức lực, tâm trí ấy nên dành cho việc nhìn ra những cái đẹp ở xung quanh để mà khen ngợi, vui vẻ và động viên nhau thì hơn :-)

    ReplyDelete
  2. Anonymous5/10/2010

    rất hay Tư ơi ! mình hay nhận được nhiều email, nhiều bài viết về nghệ thuật "sống", "buông bỏ", "hạn chế sân hận" "biết yêu thương" từ nhiều người mà không ít người trong số đó đó lại là người hay thích "ném đá" vào người khác, vào bất kỳ cái gì làm cho họ không vui không thích, ngay cả những mẩu chuyện vui nho nhỏ cũng có thể làm họ bực mình và họ liền ném một nắm đá ra chỉ để hả cơn tức về một cái gì khác không liên quan (???)// Tư cho mình copy bài này qua facebook nhe, cám ơn Tư trước nhe.

    ReplyDelete
  3. Anonymous5/10/2010

    Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa.

    ReplyDelete
  4. Tư ơi, bài này cảm xúc lắm. Đau lắm. Nặng nề lắm. Làm sao sống mà không thể ném đá dù chỉ là những cục con con. Làm sao sống mà không có lúc nào bị ai đó ném cho vài cục đá có khi to tướng.

    ReplyDelete
  5. Anonymous5/10/2010

    Xã hội nào cũng có tốt, có xấu. NHưng không thể vì thấy nhiều cái xấu mà mình buồn và nhìn đời toàn xấu xí được.Vâng đúng là như vậy. Nhưng cũng biết đấu tranh chống với cái xấu, làm giãm bớt cái xấu chứ. không thể nói là cứ làm cho cái mặt đẹp thôi vì chổ đó người ta nhìn thấy còn ở mông có bị ghẻ thế nào cũng được vì kg ai nhìn thấy cả

    ReplyDelete
  6. Thích bài này. Cái hình ảnh bà già đập TV xách dầm đi đòi đánh thiệt là làm hả dạ. :D

    Nhưng mình thích chị liệng đá, chọi gạch hơn là "ném đá".

    ReplyDelete
  7. Em vô cùng căm phẫn trước hành động biến thái của 2 vợ chồng ông đó, không cần cho họ ở tù, chỉ cần lặp lại tất cả những hành động dã man đó lên người họ.
    Đối với bọn mất nhân tính, đá chỉ là 1 hình phạt nhẹ nhàng .

    ReplyDelete
  8. Thỉnh thoảng mình cũng nắm trong tay một ít đá để trong một vài trường hợp cần thiết thì ngắm cho kỹ rồi "vèo". Với những kẻ không có đủ khả năng phân biệt tốt xấu thì ném đá là cách tốt nhất để da thịt kẻ ác thực hiện bản năng cảm nhận đau đớn.

    Ném trúng đích khoái cực.

    ReplyDelete
  9. Chi Tu oi, minh tim hoai khong ra cuong "Khoi troi long lay", Chi biet o dau con ban ko, chi minh voi.

    ReplyDelete
  10. Cô Tư viết hay quá nhưng cũng đau quá...

    ReplyDelete
  11. @Luong : Khói trời lộng lẫy chưa có in sách bạn ui, hôm nào in là tui PR trên blog liền. Mong bạn đừng... đổi ý hen.

    ReplyDelete
  12. Anonymous5/11/2010

    Ai o ben chong can nhan chi vay ?
    Quan trong la "chong" co can nhan khong ?

    ReplyDelete
  13. Anonymous5/11/2010

    tui mong ước mình làm được như bà má xách dầm đi đánh những kẻ hành hạ em bé (và đánh nhiều kẻ khác nữa). Bà chắc không học hành cao siêu, không đắn đo coi việc mình làm có bị trả thù, có vi phạm pháp luật không như tui, không chờ đợi chính quyền, công an can thiệp. Bà chỉ làm cái việc cần phải làm: tiêu diệt kẻ ác, tiêu diệt cái ác, không để nó tiếp tục gây tội ác. Giá gì ai cũng được như bà má đó thì Việt Nam mình đỡ lắm. Tui cũng gia nhập vào đội quân những người không buông bỏ hòn đá xuống, dù mình cũng đã từng đọc đủ loại sách triết học, tôn giáo, về tham sân si, về tình thương đáp trả hận thù,.... giống như Tư

    ReplyDelete
  14. Anonymous5/11/2010

    Nông nổi này biết đâu nảy sinh từ những cú ném đá lặt vặt nhỏ nhít mà người ta không nhận ra. Cho đến một ngày…
    Tui nghĩ khi cô Tư viết câu kết này, là cô Tư đang chờ một ngày mà lúc ấy mọi người ai cũng biết thả cục đá mình đang cầm trên tay, chứ không phải mong mọi người thủ càng nhiều đá trong người càng tốt phải không cô Tư?
    Nhưng thấy còn nhiều người sát khí đằng đằng ngoài kia, tui cũng lo quá...

    ReplyDelete
  15. (: dao. nay' chi bat dau ca' ron~ roi!

    "tinh nguoi" ... dieu con lai de tin!

    chuc chi manh gioi?

    ReplyDelete
  16. Anonymous5/12/2010

    Troi dat! Cu tuong doc xong bai viet cua co Tu, moi nguoi bo bot"da" cho do nang long, ai de...
    thu ke ra ne :
    "...Cái hình ảnh bà già đập TV xách dầm đi đòi đánh thiệt là làm hả dạ. :D "
    "...chỉ cần lặp lại tất cả những hành động dã man đó lên người họ."
    "...thì ném đá là cách tốt nhất để da thịt kẻ ác thực hiện bản năng cảm nhận đau đớn.

    Ném trúng đích khoái cực."
    "...Tui cũng gia nhập vào đội quân những người không buông bỏ hòn đá xuống"
    Co Tu suy nghi sao ne ?

    ReplyDelete
  17. Anonymous5/12/2010

    còn tui ,còn quá xá nhiều đá, sẳn sàng chia bớt cho các bạn cho nhẹ bớt vì tui lượm ngày càng nhiều mà không dám chọi, chưa dám chọi, sẽ chọi, sợ chọi chưa tới bị chụp chọi lại né không kịp...hu! hu!

    ReplyDelete
  18. Anonymous5/12/2010

    Em Tư nói, đôi khi chúng ta ác mà chúng ta vô tình không biết...

    ReplyDelete
  19. bigbug5/12/2010

    cái ác nhiều quá, do đâu? trả lời đại cho có: do xã hội ít công bằng nên luật pháp ít đc coi trọng. Nó oánh mình thì mình (nếu mạnh) thì chém lại nó, (nếu yếu) thì nhịn luôn, có bao nhiêu người nghĩ tới chuyện nhờ luật pháp can thiệp? Riết rồi luật rừng lên ngôi, phải vậy k ta?!?

    ReplyDelete
  20. Roi! Khi nao co sach Tu nho noi 1 tieng nha. Minh tuong la da phat hanh, di tim qua troi....nho vay lam quen voi 1 so fan ruot cua Tu o CT do :-)
    Vu thang nho bi hanh ha tan nhan qua, Tu noi y kien nguoi cung xu di

    ReplyDelete
  21. Mỗi tạp bút là mỗi một câu chuyện, mỗi một bài học cuộc ssống.
    Cảm ơn cô Nguyễn Ngọc Tư đã viết chúng thành hình hài những câu chữ
    Cô bé đang lớn-20- và thấy cuộc sống, con người đang thay đổi ghê ghớm qua.....

    ReplyDelete
  22. cám ơn chị, câu chuyện làm em cảm thấy mình thật vặt vãnh khi đã cầm 1 cục đá lăm le ném đá vào kẻ đã làm em đau! bỏ xuống có lẽ sẽ nhẹ lòng hơn!

    ReplyDelete
  23. Anonymous5/14/2010

    Cảm ơn Nguyễn Ngọc Tư, vẫn chất giọng dân dã Nam bộ, hiền lành và pha chút hóm hỉnh... Tư đã dắt người đọc vào một ẩn dụ hay quá... Không thấy một sự khó chịu hay giận dữ nào của bài viết. Hiền lành thật... Hi hi.. Tks

    ReplyDelete
  24. Anonymous5/14/2010

    Vấn nạn thấy vậy chứ khó giải quyết à nghen.
    - Nếu thấy chuyện sai quấy mà hổng 'hê' lên cho thiên hạ biết, có mang tội đồng loã không?
    - Nếu không có tội mà bị thiên hạ liệng đá oan thì làm sao?
    - Học làm sao để bỏ cục đá xuống và khuyên người khác cũng đừng cầm theo đá gạch?
    - Có cách nào để giúp người mất nhân tính trở lại làm người?
    ...

    ReplyDelete
  25. Anonymous5/16/2010

    Cổ nhân dạy: Tiên trách kỷ, hậu trách nhân!
    Mình không sửa được thì đừng có mà cố sửa người.

    ReplyDelete
  26. Bài hay quá. Càng đọc càng thấy luẩn quẩn trong cái vòng ném và bị ném. Chắc chỉ có lên núi như ông thầy kia mới giảm bớt được.

    ReplyDelete