May 8, 2010

Mần thơ, chụp ảnh dạo


Mùa bông cháy


Tôi dừng xe dưới hàng tràm bông vàng tạm trốn cái nắng rừng rực trên đầu. Uốn dẻo thân người đang cứng đờ như manơcanh vì ngồi xe máy suốt mấy giờ đồng hồ, rồi ngẩn ngơ nhìn khoảng sân tràn ngập bông giấy bên kia sông. Hoa đỏ như cháy.


Hạn đang chếch cuối mùa. Đi dọc theo những con đường xóm quãng này thường ấn tượng những giàn bông giấy cứ rực lên dưới nắng. Có cây nở bung như pháo hoa, không còn một chiếc lá nào, chỉ cành cong bông trĩu. Có cây bông lấp mất cành. Gặp bông trắng cảm giác như dịu nắng, gặp bông đỏ tưởng đâu lửa của bông loang sức nóng ra trời.


Những xóm làng nằm theo con lộ làng mê mỏi thiu thỉu giấc ban trưa. Bên đường thưa vắng người. Lâu lắm mới thấy vài bà cụ già vừa nhai trầu vừa phe phẩy nón trước hàng ba. Vài con chó nằm ườn ra thè lưỡi thở dốc. Nhiều con mương cạn trơ lòng, chơ vơ cái cầu ao thành ra không thấy con nít tắm truồng. Cũng chỉ gặp năm ba đứa chạy chơi vào cái ban trưa thời trốn ngủ. Cỏ cây tàn tạ, lớp cháy sém, rụi ngọn, lớp còi cọc. Chỉ những cây phượng, cây bò cạp nước, râm bụt và đặc biệt là cây bông giấy bất chấp cái hạn dài khắc nghiệt, tuôn đổ hoa ra biển nắng. Những loài cây hơi giống nhau, khi hoa bắt đầu bung nở đến kín cành thì lá thưa vắng hẳn.


Thứ bông giấy này chịu nắng giỏi nhứt hạng, đất nào cũng chịu, tưới càng ít nước, càng cằn cỗi càng chịu trổ bông. Người bán quán nước xập xệ bên đường khoe vậy, khi tôi săm soi cây bông giấy già bên rào. Chị nói trồng nó từ hồi mới về nhà chồng, giờ thằng con đầu đã mười hai tuổi. Chồng chị mấy bữa rày đi tiếp chữa cháy rừng bên lâm trường. Mà bình thường anh cũng vắng nhà đi làm mướn suốt. Đang mùa giáp hạt mà, làm có vài công đất thì xài đâu vô đâu. Có năm chưa hạn là chạy gạo rồi, nên giờ “ai có móng nấy bươi”… Nghe giọng chị không phải người miền này, chị nói “Bà già ẵm tôi ngoài Quảng dạt vô, lúc đó tôi nhỏ quá nên quên trần ai cơ cực ở xứ đó rồi. Nên nhiều khi thấy khổ quá tôi than là bị bà già cằn nhằn, nói, khổ cùng khổ tận như tao mà sống được tới giờ…”


Ly mủ gòn chị làm đúng điệu miền Tây, trong khi nước đá đầy ứ tới miệng ly thì đường cũng ngọt lừ dưới đáy, lẫn trong hương dầu chuối có mùi đậu phộng rang. Nước mát đến nỗi chạy tới đâu hay tới đó. Ban nãy khi tiễn tôi ra khỏi cái quán tuềnh toàng của chị, người phụ nữ khum tay che nắng chói, nói thấy mây đùn ở chân trời đen kịt thấy ham quá, không biết chừng nào ông trời mới chịu nhỏ hột xuống cho nhờ…


Nhưng cũng ngó về chân mây xám đó, một anh bán kem vừa trờ tới đụt nắng chung với tôi dưới hàng tràm bông vàng, đã thở hắt lo âu. Sắp tới mùa mưa rồi, kiếm miếng ăn vất vả cho mà coi. Mây thành mưa là cái đường xóm này sẽ thành bùn sình lầy lội, đi bộ còn vất vả nói chi lai dắt xe kem. Anh bán kem than. Áo anh ướt rượt mồ hôi, vẳng ra một mùi vừa mặn vừa chua khẳm. Chiếc xe đạp đeo theo thùng kem cũ mèm đang dựa vào một gốc cây và nó vẫn vẳng ra một điệu nhạc quen nhàu nhĩ. Bộ dạng anh bán kem lọm khọm như một ông Chà Và ngồi thổi sáo dụ rắn ra khỏi hang nhưng tiếng sáo vừa khàn vừa hụt hơi nên rắn không ra múa. Bớt liên tưởng và văn vẻ đi là bầy con nít không bu theo anh như hồi xưa tôi từng sướng run sướng rẩy khi người bán càrem lắc cái chuông leng keng từ đằng xa. Trẻ con giờ có nhiều đồ ăn ngon hơn món kem làm bằng đường và hương liệu công nghiệp rẻ tiền. Hoặc tụi nó cũng thèm kem lắm nhưng nhà chúng như những xóm nghèo khác đang ở mùa giáp hạt. Mùa chạy gạo.


Mùa hoa cháy. Anh bán kem cũng ưa bông giấy, nhân tiện ngó về chân trời mây đen đang đùn ngọn, thấy hoa chói chang bên sông. Anh nói nắng tới nỗi người ta còn héo ngắc ngoải mà bông giấy trổ thấy ham, thấy cánh mỏng dính vậy mà chịu trận mạnh dạn thiệt. Ờ thì cái phận người của chúng ta cũng mỏng manh vậy, mà ham sống thôi là ham, tôi nghĩ bụng. Lúc chuẩn bị chở bài hát cà rem đi tiếp, bỗng anh khoe, “Lay lắt vậy mà thằng nhỏ tôi sắp qua được năm nhứt đại học Cần Thơ rồi đó cô…”.


Tôi thấy thật sống sượng khi so sánh người đàn ông đen đúa khô khòng này với cái cây bông giấy đang cháy hết mình như lửa, ở bên sông. Nhưng tôi vẫn không thể không liên tưởng vậy. Trong mắt tôi lúc này chỉ có anh bán kem hối hả đi về phía mây đen và cây bông giấy đỏ.


Không biết hạn năm sau tôi có được gặp anh đụt nắng dưới hàng cây này để khoe thằng con đã sắp hết năm hai, hiển nhiên như gặp lại những vầng bông cháy.




11 comments:

  1. từ "đụt nắng" nghe lạ...

    ReplyDelete
  2. Anonymous5/09/2010

    đụt nắng, đụt mưa là từ của miền TRung thì phải

    ReplyDelete
  3. Tui cũng thích bông giấy! Đọc bài của chị Tư rồi mê thêm!

    ReplyDelete
  4. Quê em (Trà Vinh) người ta gọi đụt mưa nhưng mà nắng thì là trú nắng

    ReplyDelete
  5. Anonymous5/09/2010

    Bài "Trên tay có đá" đăng trên báo Tuổi Trẻ đâu rồi Tư? Hay và thấm thiá lắm, nhưng cũng muốn đọc lại nguyên bản trên blog của Tư xem bản đăng trên báo có bị biên tập chỉnh sửa như một số bài khác hay không. Nguyên bản chắc còn những câu chữ thắt lòng hơn nữa

    ReplyDelete
  6. Tư ơi! Hôm qua TTCN phát hành, Tầm Vông cầm lòng không đậu đã lỡ "chôm" bài "Trên Tay Có Đá" về làm entry trên Blog Tầm Vông cho bà con xa quê đọc. Tư đừng có rầy hoặc truy cứu hình sự Tầm Vông tội nghiệp nhe. Cám ơn Tư. Nếu Tư không đồng ý thì Tầm Vông vẫn để cám ơn lại.

    Tầm Vông

    http://tamvong.wordpress.com/2010/05/09/tren-tay-co-da/#more-793

    P/S: Mình cùng quê với Tư đó. Tư ở Năm Căn còn Tầm Vông ở Bốn Căn (nhà trọ) kế bên đó.

    ReplyDelete
  7. Anonymous5/10/2010

    Tư mà về miền Trung, ở 3 cái Phan (phan Rang, Phan Rí, Phan Thiết), thì Tư sẽ thấy cái hoa giấy ở đây đẹp rực rỡ hơn nữa. Vì cái xứ này nắng khủng hoảng, nên hoa giấy cứ đỏ chói giữa trời, nhìn không mê ..ko ăn tiền :)

    ReplyDelete
  8. Anonymous5/11/2010

    Trời nắng cháy da, chảy mỡ vậy mà cái cô nhà văn này không thấy xi nhê hay sao nhỉ, còn viết lãng mạn được như thế mới tài!

    ReplyDelete
  9. Anonymous5/14/2010

    Cái hình cuối bài thấy rất 'thoáng' và 'thi vị' hơn cái hình ở trên.

    ReplyDelete
  10. Anonymous5/15/2010

    Ray rut cai doan anh ban kem "Lay lat vay ma thang nho cung sap qua duoc nam nhut Dai Hoc Can Tho..." Chang biet roi nhung thang nho nhu vay co ngay tro ve voi que huong , noi ma cha me chung ban than ban mat de lam nen nhung ong do, ong tong khong ta???

    ReplyDelete
  11. lâu qua rồi không ghé chị Tư.lại thấy mình bỏ bớt được nhăn nhó dọc đường vào.

    ReplyDelete