Aug 30, 2010

mất lúc cất lời…

Có một quãng dài lắm anh gần như không nói bằng lời.

Đói, khát, lạnh, sợ hãi, hạnh phúc… anh thể hiện bằng ngôn ngữ cơ thể, bằng bàn tay ánh mắt bằng nét mặt và tiếng khóc, cười… Nếu buộc phải nói thì anh buông tiếng grừ grừ u uẩn. Mọi người nối những sợi nhìn bền dai đến với anh, nhất là mẹ, mong chạm vào thế giới sâu thẳm bí ẩn kia.

Cho tới bây giờ anh vẫn giữ dư vị ngọt ngào của thời - câm - lặng đó. Mọi người quýnh quáng lên chỉ vì thấy anh cau mày nhăn nhó hoặc sa sầm mặt, nước mắt ngắn dài. Ai cũng trưởng thành, tưởng đã hiểu thấu mọi lẽ đời, bỗng rơi vào cơn hoang mang dài trước một gã đàn ông trầm mặc. "Tại sao anh ấy cười mông lung vậy ?", "hay chàng ta bị đau ở đâu ?", họ ngó nghiêng anh mong tìm kiếm và giải mã những tín hiệu. Nâng niu từng tia nhìn, từng nhịp tim, người ta bắt đầu nhận ra từng thay đổi nhỏ ở anh như dấu muỗi cắn ở bắp chân, vết xước sau vành tai, những sợi tóc chớm dài… ngay khi chúng vừa xuất hiện. Mọi người gần như chong tất cả cái giác quan của họ lên để giao tiếp với anh, một gã đàn ông kiêu bạc hết chỗ nói.

Ban đầu thì có vài trục trặc nhỏ, anh kêu lạnh quá (bằng ngôn ngữ của riêng anh) nhưng mọi người cứ nghĩ là anh đói. Đôi lúc anh thèm ngủ khủng khiếp mà họ mãi lao xao cười nói. Anh không ưa bóng tối vậy mà nhiều lúc thức giấc nửa đêm thấy mọi người đã tắt hết đèn. Những hiểu lầm không đáng kể mau chóng qua đi, người ta bắt đầu thông thuộc anh chính xác như thể anh đang nói những câu kiểu như "khát nước muốn chết", "nực thấy mồ tổ…". Mẹ còn hào hứng bắt chước kiểu nói bằng ngôn ngữ cơ thể giống như anh, và những lúc đó mẹ cười sảng khoái.

Mẹ bước vào thế giới vô ngôn để cùng anh làm một, như hồi anh còn nằm khoanh trong cái bụng lặc lè. Mẹ hầu như không day lưng lại, vì ánh nhìn đứt đoạn cũng có nghĩa mẹ để lạc mất anh rồi. Mẹ không thích vậy. Mẹ anh còn phát hiện ra những cơn giận không ngôn từ thường ít gây đau cho tâm hồn, bởi lời nói cũng bén ngót cũng gây thương tích như dao lam vậy. Nên mẹ hết sức ung dung trong lúc mọi người sốt ruột nhìn anh đau đáu, cái thằng này biết chừng nào mới chịu nói đây ???

Thì có sao đâu, mẹ nói, trở ngại gì đâu, không nói thì cũng thương mà, có khi còn nhiều hơn. Chỉ cần thay đổi thói thường một tí. Người ta quen yêu thương nhau bằng lời, họ nói con yêu mẹ nhiều nhiều hoặc anh yêu em lắm lắm luôn, và âm thanh lọt vào tai người kia gây nên những rung động. Kiểu này dễ dàng và giản dị, anh không thích nên cứ cười cười làm lơ, kiên nhẫn chờ đợi thương yêu, bằng mắt, bằng cách nhìn nhau lâu lâu, lâu nữa. Bằng cách chạm vào da thịt ấm mềm, hay một vòng tay ôm riết, những nụ hôn lên má và dọc trên triền sóng mũi, hoặc gối đầu lên cánh tay… anh nói rằng, tôi yêu mọi người quá chừng.

Kỳ diệu là rồi ai cũng cảm nhận được.

Một bữa anh rủ mẹ ra sân sau chơi. Ở đó có cây hoàng lan buổi trưa thêu nắng ra đầy đất. Anh muốn mẹ ngồi lên cái ghế con mà mẹ vẫn thường ngồi khi giặt giũ, và anh sẽ ngồi lên đôi chân mẹ. Nhưng anh nói kiểu gì thì mẹ cũng không hiểu, cuối cùng anh buột phải kêu "Má, ghế !".

Lúc đó anh gần hai mươi tháng tuổi.

Và mẹ bắt đầu những chuyến đi xa, điện thoại về nhà mẹ nói với anh, "nhớ cưng quá…". Cả hai đều muốn khóc, như nhau. Thấy thiếu thiếu gì đâu…


12 comments:

  1. ......#########............
    #######........###########

    ReplyDelete
  2. @AnT : !!!!!!!!!!!!!!!!!!....!!!!!!!
    @Goldmund : Anh ấy đa tạ :)

    ReplyDelete
  3. Hun anh 2 cái nè, anh này chắc nhõng nhẽo với mẹ lắm đây :x

    ReplyDelete
  4. Anonymous9/01/2010

    Hanh phuc gian di. Cam on chi.

    ReplyDelete
  5. Anonymous9/01/2010

    Chời, tưởng anh nào, ai dè anh này, lâu lắm mới thấy xuất hiện nghen. Chụp hình ảnh nhiều nhiều post lên đây cho cưng với, chị !

    ReplyDelete
  6. MyHang9/01/2010

    dễ thương quá ! cả "anh ấy" và "mẹ của anh ấy"

    ReplyDelete
  7. Ừa, bữa ni còm được rùi.
    Bữa sau có thương con dâu như rứa không ? Mệt thật đấy ! Cả 2 người phụ nữ cùng thương 1 anh, Keke.
    Mà hình như Saurieng có những 2 cô con dâu lận.
    Nộm đu đủ ngoài xứ ... có đủ hấp dẫn cho cả hai phái, nó khiến cho người ngồi ăn chỉ là một phần, người dừng xe mua về cho chồng con ... và cả mình nữa không ít. Ăn ở nhà và nhớ chuyện hồi xưa, chàng dẫn nàng đi ăn nộm đu đủ. Giờ có thêm một ông anh ngồi chưa vững cũng quơ quào, nói đì đẹt "Của con, của con" . Chậc, cũng có cần nhiều lắm đâu ...

    ReplyDelete
  8. Anonymous9/06/2010

    cái thèng này nhìn thấy quen quen, sao giống chồng nhí của tui quá zậy móa...

    ReplyDelete
  9. Anonymous9/07/2010

    Cái tiêu đề nghĩa là gì chị???

    ReplyDelete
  10. Anh chậm nói mà má anh bình thản chấp nhận nhẹ nhàng hen. Trong khi mọi người quáng quàng ke ke :D

    Làm nhớ hồi nhỏ em cũng chậm nói lắm (hơn cả anh này luôn) làm cả nhà lo gần chết, tuy kêu thì biết nghe he he :))

    Anh này sổ sữa và giống má nhiều ghê, nhất là cái mũi hi hi :D

    ReplyDelete
  11. Mất lúc cất lời... Em thích cái tiêu đề này. Khi "anh" nói được, mọi cảm xúc, suy nghĩ, vui - buồn, yêu - ghét, thương - giận,... đều được diễn đạt bằng ngôn ngữ. Rồi phải đến lúc "anh" để lại khoang thời gian "vô ngôn" sau lưng và Mẹ Tư sẽ cất nó vào kỷ niệm. Mẹ Tư sẽ giữ cho "anh" và cho riêng mình.

    ReplyDelete