Jan 3, 2011

Gáy người thì lạnh



Bạn định vị trên điện thoại rằng nhà bạn gần một trung tâm dưỡng lão, cứ tới đó đi, bạn sẽ đứng chờ. Xe ôm thả tôi xuống chỗ buồn hiu đó cả buổi, tôi lựng khựng tìm hoài mà không thấy ông già lòng khòng xương xẩu đâu. Và khi tha thẩn ở cuối đường tôi bỗng nhớ mình đã qua đây, đã đi về phía con hẻm vuông góc với chỗ tôi đang đứng, chui vào căn nhà tuềnh toàng của bạn, mười năm trước. Tôi hôm ấy run rẩy như con mèo ốm o bị ướt, khi tới nhà ông Đồng gió, Nhớ khói mà tôi đã ngưỡng mộ lâu rồi. Để lần đầu tiên biết nhà văn cũng có hai mắt một mũi như mọi người, cũng hài hước, cũng lơ tơ mơ, cũng nghèo… 

Cái hồi ức mười năm làm tôi hơi hoảng, mười năm qua tôi đã đi tới đâu, tận những chân trời nào, sao không thăm lại ? Tôi loay hoay với câu hỏi đó khi ngồi chơi với vợ bạn, để đợi bạn đang vẫn còn ngóng đón tôi đâu đó ngoài đầu hẻm. Đến sắp gặp nhau rồi mà lẻ vẫn đuổi theo vẫn so le, trục trặc. Nối lại loay hoay như thể đã bị đứt lìa lâu quá…

Trong nhóm bạn già mà tôi hay lân la, bạn trẻ nhất. Mỗi lần gọi điện cho bạn, và nghe bên kia hịch hạc bảo, “ê nói nghe nè…”, như hai đứa trẻ con thầm thì, như bạn không cách tôi hai mươi lăm tuổi đời và hai trăm cây số.

“Ê nói nghe nè, mầy viết ác vừa vừa thôi, tao không chịu…”

“Ê nói nghe nè, có cái truyện trên Văn nghệ được lắm, sao không đọc ? ”

Tôi không mảy may nghi ngờ việc bạn sẽ còn rầy rà tôi đến vài ba chục năm nữa, dù nhiều lần bạn nói bâng quơ ê nói nghe nè dạo này sao tao nghĩ nhiều về cái chết, làm như đã đi gần tới nó nên ngửi được mùi thấy mờ mờ dung nhan nó rồi. Tôi nghe có chút dửng dưng, chuyện đó thường thôi, thậm chí đôi khi tôi còn rờ đụng nó mà. Bỗng có bữa đầu dây bên kia bỗng rã rời, “ê nói nghe nè, tự dưng tao thấy đời buồn hiu, mậy…”.

Tôi ngớ ra trong giây lát, bởi chưa từng nghĩ bạn cũng buồn. Hồi biết bạn tới giờ lúc nào cũng gặp nhau giữa bạn bầy đông đúc, trong tôi mặc định bạn là con người của hội hè, tạo ra hội hè. Cứ cất tiếng “ê nói nghe nè, làm vài ly đi…” thì ai nấy hồ hởi đáp lời ngay. Cái chất hào sảng, chịu chơi của dân miền Tây mà phải chịu nỗi một mình thì vô lý.

Nhưng giờ quanh bạn thưa đi những tiếng vọng. Những cuộc rượu nếu có chảy về phía ông, cũng bằng một hình thức khác. Nhiều khi nhậu nhẹt bọn tôi đã lấy bạn ra làm mồi cho đỡ lạt miệng. Bọn tôi nhắc chuyện bạn thấy đồng nghiệp bị vợ bạc đãi nên bất bình nhảy ra bênh, ngoay đầu đánh chị kia cho chừa ai ngờ ông chồng nổ xung thiên cự lại “sao mầy đánh vợ tao ?”. Hay chuyện hết tú tài bạn định đi vào cứ theo cách mạng, ngồi chờ tàu đò lâu quá tự dưng thấy… nản, bạn quay về bị chính quyền Sài Gòn bắt lính, ngót bốn năm làm anh binh sĩ ngồi bàn giấy, một bữa pháo lạc bầy tiễn về nhà với gương mặt có vết sẹo dài. Hay chuyện bạn giấu tiền dưới mấy cục gạch tàu lót nền, định xài riêng mà quên biệt, chừng xây lại nhà người ta thấy tiền rải đầy dưới đó. Hay chuyện bạn buồn ngủ quá mà tiếc cảnh vật đường xa nên bôi dầu gió vào mắt cho chúng đừng ríu lại. Hoặc chuyện bạn bỏ quên cái mắt kính trong phòng vệ sinh nữ, hồi đại hội.  

Những câu chuyện ngộ nghĩnh ba hư bảy thực về bạn làm bữa rượu bỗng ngon hơn với những tràng cười nghiêng ngã, cười đến chảy nước mắt ra… Ôi ôi ông ơi bọn tôi vui quá. Sau phút giây ràn rụa ấy, bỗng ràn rụa trong tôi cái ý nghĩ ở trong một cái nhà nhỏ bừa bộn chật chội nằm trên hẻm nhỏ giữa lòng thành phố Long Xuyên, biết đâu chủ nhân của những huyền thoại đang uống rượu một mình.

Tôi vẫn hay thấy tuổi già của mình khi soi vào bạn. Bỗng trái tính trái nết, bỗng bạn bè đâu hết, thấy lẻ cả ở trong nhà mình. Đau đáu nỗi đời không biết nói với ai nên sà vào cuộc vui nào cũng tuôn cho đã cơn thèm, nào văn chương nào tôn giáo, nào cái ác nhiễu nhương… Xưa góp vui người ta gọi mời, giờ góp ưu phiền người ta ngại rủ lại chơi, thành ra bị bỏ rơi, thành ra bọn tôi cứ luẩn quẩn đi theo cái vòng cô đơn vô tận.
Hết duyên rồi. Như chữ bạn vẫn thường dùng khi nói về cô bạn thân hồi trước. Phụ bạc luôn len lỏi trong máu của mỗi người. Và những cuộc bỏ rơi nhau vẫn đang xảy ra ở đâu đó.

Từ ngày biết bạn cũng hay buồn, chập chờn mãi trong tôi hình ảnh một ông già mở ti vi cho nó oang oang và ngồi uống rượu một mình. Tới nhà chơi bỗng thấy may là bạn còn có sách ở bên, quơ tay đâu cũng đụng, mắt ngó đâu cũng thấy, chân đi đâu cũng vấp. Bạn vẫn ham, vẫn như đói ngấu mỗi khi gặp bất cứ cuốn sách nào. Tôi không còn thấy xa xót bồn chồn. Mang theo cuốn tản văn của Sandor Marai đọc lúc dọc đường, tôi để lại cho bạn. Cuốn sách này sẽ ở mãi đây, ngay cả khi tôi đã quay lưng đi khỏi.

Một cuốn sách thì cả khi chìa gáy ra, người ta cũng nhận được một cái gì đó ấm áp, trao gửi. 


14 comments:

  1. biết bạn rồi, sắp tới qua Long Xuyên sẽ ghé chơi, biết đâu sẽ uống rượu với bạn

    ReplyDelete
  2. buon qua vay chi!

    doi song biet no la the ma sao ta van cu luon mien mang hoai ve no'!

    ReplyDelete
  3. Ha ha, giống tui thiệt, toàn chơi với bạn già. May sao vẫn còn thích chơi với người trẻ ...

    ReplyDelete
  4. Anonymous1/04/2011

    Đọc xong bài này tự dưng cảm thấy Tư già đi mấy chục tuổi:(. Đau đáu chi, suy tư chi hoài cho nó khắc thêm lên trái vài ba chục cái nếp nhăn:))

    ReplyDelete
  5. PhamZung1/04/2011

    Haizaaa! Tự nhủ không zô trang này đọc để chờ Tư ra sách thì mua (cho nó mới) mà cầm lòng hổng đậu!

    ReplyDelete
  6. Chơi với bạn già tốt đấy chứ. Chơi với bọn trẻ coi chừng giống tui, một ngày nọ, bọn trẻ hỏi Ủa, bà có gia đình chưa mà sao thấy giống "ở không" quá vậy ! Chúng nó "xem xét lại đạo đức" của mình làm mình bật ngửa

    Tư ơi, mình thích đọc blog Tư. Sách Tư ra, mình cũng nhặt về hết để có thể mang theo mọi lúc mọi nơi. :-)

    ReplyDelete
  7. thiếu nữ miền đông1/05/2011

    ê, nói nghe nè, làm bạn zí Tư là thành..."đề tài" của Tư hết, viết hết cho mà coi. có người khoái chí, nhưng chắc cũng có người ngần ngại chứ heng....(bâng quơ thoy hà, hổng có ý xấu)

    ReplyDelete
  8. Em cũng có quyển tản văn của Sandor nữa chị Tư ah, hay quá chừng. Còn bài viết này chị làm người ta bùi ngùi, lặng thinh. Em thích nhất đoạn "Xưa góp vui... giờ góp ưu phiền...", khi mình buồn khổ rồi thì nỗi cô đơn càng như thử thách mình, và đời ta nhiều lúc trơ trọi mà không ai hay...
    Cám ơn chị cho một bài biết thật hay.

    ReplyDelete
  9. Vạn vật đều do duyên hợp mà thành, duyên hết thì tiêu tán, có chi ta phải níu kéo rồi lại thêm sầu thêm não, hãy nhìn tất cả như nó là -)

    ReplyDelete
  10. Anonymous1/07/2011

    Suy nghĩ của Tư "già" quá !

    ReplyDelete
  11. Mỗi lần đọc, lại lặng đi vài giây.
    Cảm ơn bạn!
    Mình có cảm giác đang đọc "Linh Sơn" của Cao Hành Kiện!

    ReplyDelete
  12. Hơi hợi.. hay quá... nhưng lai buồn à chạnh lòng quá... hơi hợi..

    ReplyDelete
  13. Mình rất khoái giọng văn Nam bộ của bạn, nói thẳng nói thật dù sự thật đôi khi cũng chẳng vừa lòng nhau...mình ở rất xa nhưng đầy đủ sách bạn

    ReplyDelete
  14. mới đọc xong, có phải "Gáy Người Thì Lạnh" <=> "Gánh người thì lạy" phải không chị, đôi khi thấy cuộc đời và thân phận, người và người phức tạp quá... mà càng phức tạp thì càng nặng, gánh sao nổi :(.

    ReplyDelete