Oct 5, 2011

Phía Tấm


Nửa đêm lội mạng, thấy đèn bạn sáng le lói, hỏi có gì vui không. Bạn nói không, đang chán đời, thấy người ăn thịt người ngao ngán quá. Bạn chìa ra những đường dẫn dài ngoằng, kêu đọc thử coi có nghe tanh không, có buồn ói không. Loạt bài đó họ viết về vụ cướp tiệm vàng chấn động cả nước, với những thông tin chi tiết về gã cướp theo kiểu sợi tóc chẻ làm mười sáu, mà trước giờ chỉ Brad Pitt, Tom Cruise, Tạ Đình Phong… mới được (hay bị) quan tâm theo kiểu ấy trên báo lá cải. “Cả em bé nạn nhân còn sống sót duy nhất trong vụ đó cũng bị ăn thịt, em ơi”, bạn dùng hình dung từ, mà tôi nghe ghê ghê.

Phản ứng về sự khai thác thái quá của truyền thông quanh vụ cướp, có người phẩn nộ thốt ra hai từ “súc vật”. Một đám đông bất chấp, cố xộc vào giường bệnh của em bé hãy còn đang đau đớn hoảng loạn, như thể chất người của họ bị rơi mất ở đâu rồi, mất trong lúc chen lấn, mất mà không hay mất. Tôi nhớ hội chợ những năm 80, khi chúng tôi cũng giẫm đạp lên nhau để coi những thai nhi dị dạng ngâm hóa chất, cũng ngó nghiêng, trầm trồ, cũng thấy thỏa mãn như vừa xem cây dừa ba ngọn, rắn hai đầu. Không hay đó cũng là những sinh linh, những cuộc làm người dang dở, không biết đấy cũng là đồng loại. Đám đông năm xưa đám đông bây giờ, vô tâm cũng hơi giống nhau, chỉ khác là em bé nạn nhân này còn sống và hồn xác đang trải qua những cơn sang chấn hãi hùng.

Đám đông ấy không phải hiếu kỳ ghé mắt qua cho thỏa cơn tò mò, mà như thợ săn lao mình vào một cuộc săn, quyết bắt bằng được con mồi. Họ có học. Họ nhiều chữ. Họ cũng có danh vị nhà này nhà nọ. Bạn hỏi tôi nên xếp họ vào phía nào, ác hay rất ác ?

Những khi nói chuyện thiện ác nghe chơi, bạn chia người ác làm hai loại : ác và rất ác, vô tâm và cố tình. Anh nhà văn đem sách của đồng nghiệp liệng vào thùng rác chỉ đơn giản là ghét, nhưng đổ cả bia thừa vào thùng rác ấy thì anh có sự cay nghiệt. Cưa đốn một cái cây không nhẫn tâm bằng ken gốc cho cây chết dần mòn. Ngồi mài một con dao thật bén, nấu nồi nước thật sôi để sát thương người là do ác tính, không phải vì một cơn nóng giận bất ngờ. Tình cờ, luôn có một khoảng trống nào đó, dù rất chông chênh để cho người ta dừng lại, giật mình. Và tình cờ, có người nắm bắt được khoảnh khắc đó, có người bỏ lỡ. Tôi kêu vụ ác tính ác tâm này khó phân biệt quá, không có biên giới rõ ràng gì hết. Làm người mà, sao dễ được, bạn cười. 

Có lần khi đi bảo tàng tỉnh chơi, thấy mấy cái vành tai, bàn tay, ngón chân… của những du kích bị địch xẻo đem ngâm rượu, bạn kêu trời hỡi trời. Họ trưng bày những hiện vật này bâng quơ cùng một dãy, xếp cùng một kiểu với những mẫu vật được ướp phoocmaldehit khác. Chứng tích tội ác chiến tranh nằm cách mẫu vật cá nước ngọt bằng ba bước chân. Nếu lơ đãng người ta sẽ lướt qua những phần cơ thể chết đó như lướt qua những con cá trèn cá thác lác cá kèo. Người ta sẽ dửng dưng như không, sẽ chẳng chút bàng hoàng, lơi bước khi ngang qua dấu vết tội ác. Trưng bày tội ác mà không gây giật mình, thì trưng bày làm chi.

Đoạn cuối của vụ chị Tấm báo thù thì ai cũng thuộc nằm lòng, cũng hả hê nhưng bao nhiêu tuổi đời người ta mới nhận ra đó là một vụ ăn thịt người ? Cái không khí huyễn hoặc biến ảo thần kỳ của cổ tích làm người ta quên lửng chi tiết man rợ đó, và lớp lớp trẻ con nhẹ nhỏm thản nhiên như thể Cám qua đời vì đau răng còn mụ dì ghẻ chết vì sặc muối ớt.

Và những người đang cố nhìn cho bằng được em bé nằm đau kia hẳn đã từng rất say mê cổ tích, từng vô tư đứng về phía chị Tấm, tưởng là chị ấy rất hiền. 

16 comments:

  1. Anonymous10/05/2011

    Hôm em bắt gặp clip đó cũng là lúc nửa đêm, buồn ngủ gà gật, vậy mà xem thì mắt mở trừng trừng, thậm chí còn sợ hãi. Thật tình, có cần phải thêm 1 bộ chưởng kiểu 3 đồng 1 mớ này ko...

    ReplyDelete
  2. Hi chị!

    Câu chuyện chị Tấm lại mang một màu sắc so với tất những gì chị viết từ đầu. Lúc em còn học lớp 3 hay kể chuyện cho cả lớp nghe vào giờ giải lao, em đã thay đổi cái kết của câu chuyện Tấm Cám để Tấm vẫn là Tấm hiền hầu như trong tâm tưởng của em và chính điều đó làm giáo viên bất ngờ. Tưởng là hay lắm, nhưng đến lúc 24 tuổi, tình cờ kể lại chuyện đó, một em bé học lớp 8 đã phát biểu ý kiến của mình và em mới hiểu ra rằng chuyện cổ tích nó không chỉ dành cho trẻ em và theo một nghĩa nào đó nó muốn truyền thông điệp nào đó đến với hậu thế.

    Em bé đó nói thế này "Chả lẽ anh muốn người Việt Nam nào cũng cam chịu số phận, không dám thay đổi vận mệnh của mình, không muốn họ đứng lên và đòi lại cái đáng lẽ thuộc về họ ư.." Vâng tới lúc đó mới hiểu sự giống hệt của người Việt với cô Tấm như thế nào. Sự bùng lên và lắm lúc tàn nhẫn của người Việt là một nét tính cách kéo dài hàng thế kỷ. Và có lẽ đó là tính cách của cả loài người.

    Còn có những con người như những con chim kền kền, rỉa rói, xỉa xói, khái thác sự bất hạnh của đồng loại để gây sự chú ý, câu vote..v.v Đáng khinh lắm, nhưng khổ một nổi, đôi lúc chính bản thân những người như chúng ta vẫn lao vào đọc và đó là lý do tại sao blog của nhà văn ít được vào đọc hơn blog của các hot blogger hành nghề xoi mói.

    Vài dòng chia sẽ!

    ReplyDelete
  3. Anonymous10/05/2011

    chắc có khối người thích thú vì "ta đây mắt tinh nhìn thấy rõ con bé" nhỉ !

    ReplyDelete
  4. Đã từng nghĩ suy như vậy về Tấm, nhưng chưa đủ time để nghĩ và suy xét. Thật may là có Tư ...

    Cái này là "văn" đó Tư .

    ReplyDelete
  5. Anonymous10/06/2011

    ...và có Ngọc Tư với những nhân vật thiếu hẳn lòng bao dung hoặc sợ hãi trốn tránh nó( như anh chồng cố chấp trong "Cánh đồng bất tận" hay Dịu trong "Hoa sầu...". Ngọc Tư ơi, văn có thể là hay, có thể "hot" nhưng văn của Ngọc Tư cực đoan quá.
    Bao giờ Việt Nam mới có được Anderson, hay anh em nhà Grim nhỉ?
    _____

    ReplyDelete
  6. Anonymous10/07/2011

    Tôi đồng ý văn của Nguyễn Ngọc Tư có những phát biểu, phát hiện cực đoan nhưng đó là những điều có thể có ai đó đã chứng kiến, suy ngẫm nhưng không biến nó thành văn, thành thơ được. Tôi đã đọc một chuyện (quên tên - xin lỗi nhà văn Nguyễn Ngọc Tư) Nguyễn Ngọc Tư viết về việc xét công nhận (hay không công nhận) liệt sĩ cho một em bé chết cùng mẹ trong một trận xâm nhập hang ổ quân thù. Tôi buồn cả buổi sau khi đọc câu chuyện tưởng vui mà đầy xót xa ấy.
    Nhà văn hơn nhà...không văn chỗ này. Họ có con mắt quan sát, biết chọn lọc chi tiết và xào xáo nó thành văn, thành thơ. Họ làm nhiệm vụ cảnh báo và dự báo. Họ đánh động và đánh thức lương tâm. Họ lên án cái xấu, cái ác và cổ vũ cái tốt, cái thiện...
    Cảm ơn Nguyễn Ngọc Tư vì em đã 'lấy' khá nhiều tiền của tôi rồi và tôi sẵn sàng bỏ tiền để được đọc tiếp những chuyện em sẽ viết.
    Thành

    ReplyDelete
  7. Không muốn nói cũng hải nói leo thêm hôm qua lướt mạng thì tên ác thú Luyện đã là ''anh hùng''của cư dân mạng mất rồi.nào là nhạc chế :Xuân này Luyện không về..Còn cả ''Dêm nay Luyện không ngủ/Còn mải nghĩ đến vàng.../anh rón rén nhẹ nhàng /Đến tiệm vàng Ngọc Bích...Chưa thấy bao giờ chưa có nơi đâu trên đất nước này nó đổ đốn kinh hoàng đến vậy,,,

    ReplyDelete
  8. Anonymous10/12/2011

    và em cũng không chịu nỗi khi đọc đến đoạn người ta bôi keo dán sắt vào... trong Cánh đồng bất tận của chị.

    Vậy thì ác quá chị ah!

    ReplyDelete
  9. thiếu nữ miền đông10/12/2011

    thời buổi truyền thông hiện đại mừ, bưng bít kín mít thì biểu là nhát, thông tin thì kêu là ác... còn như thế nào cho "vừa" biết như thế nào? tui hông đồng tình lắm với cách suy-nghĩ-diễn như trên nhưng rất mến phục người dám viết ra điều mình nghĩ...chắc tại "cuồng" Tư wá gòi...(vẫn trông chờ tập thơ nguyễn-ngọc-tư đó nha, đừng hù dọa nhau rồi vờ luôn nha? nha?)

    ReplyDelete
  10. học trò lớp 10 nói:
    Mẹ Cám: thương con vô bờ bến, làm tất cả mọi điều vì con mình
    cám: thông minh lanh lợi, lười ( kiểu như vầy thế hệ trẻ bây giờ là bình thường )
    Tấm: tội cái là mồ côi mẹ sớm, còn lại vừa ngu vừa ỷ lại, sống thụ động và độc ác

    ReplyDelete
  11. Anonymous10/17/2011

    Tôi kể chuyện Tấm cho con tôi nghe, bao giờ kết thúc cũng là "Cô Tấm được hoàng tử rước về làm vợ sống sung sướng sau bao ngày cực khổ. Cô Cám bị đuổi về quê sống"
    Mong là cổ tích cho đáng kiểu cổ tích

    ReplyDelete
  12. Anonymous10/22/2011

    toi thich "phat hien" nay. Nhat la goc nhin dan media "an thit" nhung nguoi dang hoan nan.

    Nho co "luyen", ben media kiem duoc khoi tien...

    ReplyDelete
  13. Đúng là hồi nhỏ, ai cũng coi là Tấm hiền hậu, mẹ con Cám độc ác, nhưng khi đã đủ trưởng thành, mình cứ nghĩ mãi tại sao phần kết của câu chuyện cổ tích lại phá đi hình ảnh dịu hiền của cô Tấm ? Muốn giáo dục ở ác gặp ác thiếu gì cách, chẳng hạn sét đánh chết...nhà văn nhỉ?

    ReplyDelete
  14. Chị Tư ơi, chị hơi cực đoan rồi. Không phải ai nhìn vào em Bích cũng nằm trong "đám đông hiếu kỳ". Hiếu kì chỉ là 1 số, còn số khác, "người" hơn, họ rất muốn biết tin tức về em Bích. Để yên tâm rằng em gái tội nghiệp ấy đang khỏe, đang bình yên giữa vòng tay chăm sóc của những người thân khác trong gia đình. Và những bức ảnh đó phần nào làm cho "người" thấy yên tâm.
    Vả lại, chị cũng biết đó, không giống như chụp ảnh các ngôi sao mà đám nhà báo nhảy vào nhao nhao chụp hình.
    Với em Bích, chỉ có 1, 2 nhà báo được gặp để chụp hình em và các nhà báo này bán hình cho các báo khác.
    Em không phủ nhận chị có lý, nhưng đôi lúc cũng không nên tiêu cực quá. Cám ơn chị đã đọc.

    ReplyDelete
  15. "ác và rất ác, vô tâm và cố tình"
    Biết đâu các câu chuyện cổ tích như "Tấm cám" dạy cho chúng ta bài học về "Vô tình" đấy.
    Trẻ con vô tư vô tâm là chuyện bình thường. Chỉ có những người lớn mà vẫn vô tâm như... trẻ con mới đáng lo.

    Truyện cổ tích tồn tại trong dân gian đã lâu rồi. Thế hệ chúng ta bây giờ đã chắc gì hiểu hết những ẩn ý của người xưa.
    Cái câu "hiền như cô Tấm", không rõ là xuất hiện từ khi nào, có khi đó chỉ là lời bình luận của một "người lớn vô tâm" hay "cố tình vô tâm" thôi.

    ReplyDelete
  16. Chị Tư ơi cho em xin một vé làm fan cuồng nha,chắc tại kết chị Tư quá nên bài nào chị làm e cũng thấy hay và thấm, phê như nghiện thuốc ak, mà cái gì cũng viết ra hết vậy cuộc sống chị thế nào , hôm nào up một bài về cuộc sống một nhà văn với cái giọng tỉnh queo này nha

    ReplyDelete