Apr 30, 2012

Kịch ở làng


Bà má nghe tức ngực từ lúc tiếng loa rao dặt dìu từ dưới sông vẳng lên nhà. Gió vặn cái tin hội chợ về xóm Củi vẹo thành nhiều khúc, nghe chữ gần chữ xa. Tự dưng từng cơn ho xếp hàng dọc chen đùn lên căng ứ trong cổ họng bà. Nhàn nấu cơm sớm để bà má ăn dằn bụng trước khi uống thuốc, nghe tiếng ho trên nhà ruột chị teo mấy đoạn.

Hội chợ ở lại chỉ hai ngày. Anh nói trên điện thoại rằng lần này quay lại xóm Củi chỉ vì Nhàn. Nghe cái giọng mỏi mòn, nhuốm một chút vô vọng, “hội chợ đã đáo đi đáo lại cái xóm đó bảy lần rồi, tụi con nít ớn rồi...”

Ghe hội chợ cặm ở đầu rạch Bà Chiếc, gần một sân bóng nhỏ. Lần đầu hội chợ về đó, đám nhỏ nôn nao gần như không thể nuốt nổi cơm. Hội chợ khuấy đảo dải xóm bởi tiếng rao giòn không kịp thở vẳng lên từ mấy gian hàng có trò hơn thua như ném vòng vào lon nước ngọt, ném bóng qua ô, lô tô; những bài hát trẻ con đã nhão nói về cái sự thương nhau của cả nhà phát ra hết cỡ từ mấy cái đu quay ngựa xanh thỏ đỏ… Ở xa sẽ nghe một bài hát hỗn loạn rằng “cờ ra con mấy, tóc bà trắng bà trắng như mây, ném vô vòng trúng gói mì tôm, không ném vô vòng em để chàng ôm…”.

Nhàn quá tuổi con nít ham chơi, nhưng hội chợ áp vào cô ngay từ ngày đầu. Mắt ấm, cái cười ấm.

- Bọn này là ai ấy hả ? Nửa sơn đông nửa gánh hát nửa lừa gạt gái nhà quê.

Người đàn ông ấy cười khi tới nhà Nhàn mua vài cây tre để cặm lều. Và hỏi tiếp, cô có dám theo theo tôi không ?

Sau này, câu ấy lặp đi lặp lại nhưng càng ngày lưỡi người nọ càng đuối đi, dịch vị nài nỉ làm cho từng chữ rã rời.

Anh nói Nhàn ơi theo anh đi.
           
Nhàn nói vú sữa chín đầy cây nên phải hái

Anh nói sống vì mình trước hết.

Nhàn nói chanh giấy cũng sắp tới mùa

Anh nói chờ cho tới chừng nào ?

Nhàn nói bà má đang đau.      

Phổi của bà già nhạy cảm kỳ lạ. Nó hay càu nhàu sưng sỉa vì những thứ tưởng chẳng liên quan gì đến việc hít thở, như người ta vẫn hay hào hển vì nắng mưa đột ngột, độ ẩm không khí cao. Nó khò khè vì tiếng chuông leng keng của anh cà rem mỗi khi ghé qua nhà xin nước uống, nó ho hen vì mùi mồ hôi ngai ngái của anh trưởng ấp đến bảo treo cờ vào dịp lễ, nó quăng quật bà già sáu mươi chín tuổi chỉ vì những tiếng thở dài của con đàn bà son trẻ thảng hoặc vẳng lại sàn nước bên hè. Lần sửa lại nhà dưới, bà già ho gần một tháng, không biết vì mùi lá mục ẩm ướt vừa giở ra, hay mùi dăm bào xước lên từ những thân cây đã ngâm trong nước lâu ngày giờ được vớt lên làm kèo, cột. Bà má ho cặm đầu, Nhàn cũng rầu nên không cười khi một anh thợ mộc ngẩn ngơ bảo tối qua anh thấy em gội tóc trong chiêm bao.

- Cái thằng mặt mũi sáng sủa, bây thấy được thì cứ bước tới…

Bà già xúi. Nhàn cười, biết câu sau đây của bà sẽ là “đàn bà có thì, đừng để lỡ. Thằng Tường không biết còn mất, hơi sức đâu mà chờ...”.

Tường, thằng đàn ông duy nhất của nhà này đã khăn gói đi rằm tháng Giêng năm trước của ba năm trước(*). Nhàn chưa kịp quen với tiếng ngáy của anh ta, chưa kịp biết trên người có bao nhiêu nốt ruồi, và Tường cũng chưa kịp cấy vào bụng Nhàn một con lăng quăng biết biến thành đứa trẻ con biết khóc. Số phận Tường lúc đầu còn lờ lững theo những tin đồn, ai đó nói gặp Tường đập đá ở núi Sam, ai đó nói gặp một người giống Tường hay ôm gà đá ở chợ Thủ, ai đó nói Tường theo ghe biển làm ngư phủ, mất tích ngoài khơi sau mấy bữa giông bão tơi bời. Sau thì không nghe tăm tích. Cái tên Tường như chìm trong một dãi sương mù, mờ dần trên môi hai người đàn bà mòn mỏi.

- Sống chết gì thì má cũng coi như không còn nó… - Bà má tuyên bố chắc nụi hôm đám giỗ chồng, với niềm tuyệt vọng vì đến giỗ cha mà thằng con cũng không thấy đâu - Bây thấy có đám nào được thì ưng cho rồi.
     
Chuyện bà già xúi con dâu đi lấy chồng khác, cả xóm biết. Chuyện bà làm mọi cách để chứng minh có thể sống một mình được, Nhàn biết. Bà bửa củi, xỏ kim, tự đánh gió mỗi khi cảm cúm. Trong cái dáng bà bưng thúng gạo è è nhấc chân qua ngạch cửa là một lời tuyên bố dõng dạc, bà già này còn khỏe lắm. Có lảo đảo làm rơi thúng chẳng qua là “trơn quá nên vuột tay”. Củi để lại dằm trên tay mưng mủ thì “sơ sẩy chút thôi, mai mốt lại lành”, và luồn chỉ qua kim có hơi trầy trật hàng giờ chẳng qua “mắt không tỏ vì bụi vướng vô”. Chứng minh cho việc xoay xở lấy là chuyện nhỏ, bà già lấy thuốc nhỏ mắt, không may cầm nhầm chai dầu mù u.

Nhưng đây không phải là câu chuyện nghĩa tình dù bà mẹ chồng hay xua cô con dâu đi, “Luẩn quẩn với má hoài thì con chết già...”, dù chiều ấy bà kêu Nhàn ăn cơm xong bây cứ ra hội chợ chơi, kệ má, ho hen chút đỉnh nhằm nhò gì… Giọng bà quả quyết như thể mấy viên thuốc đã xử lý gọn cái phổi cau có kia. Mà thật, cơn ho bỗng dưng dịu lại.
           
Nhàn ngờ là bà má cố nhịn, quả thật, khi Nhàn qua khỏi cái miếu thổ thần ở góc đất, những tràng ho mới bục ra. Bà tưởng Nhàn đã đi xa nên ho cho đã.

Lúc Nhàn về vẫn chưa khuya lắm. Tiếng ho của bà má nhòe lẫn trong những âm thanh náo động của hội chợ, gió và bóng tối làm Nhàn bị ảo giác mình vẫn chưa đi đến cuộc hẹn hò, đâu đó vẫn có người đang đợi. Chỉ cọng rơm vướng trên cổ áo, những tê mê giữa hai ngón chân cái nhắc Nhàn những cú ôm sâu đã từng có, đã từng trôi qua. Anh nói không quay lại nữa, nhưng Nhàn có thể tìm anh nếu muốn, miễn là đừng lâu quá.

Nhàn nói dạo này má yếu nhiều, có bữa đi xuống bếp mà phải vịn lần vách, tưởng Nhàn không thấy. Bà già đó giờ đang cố nín ho khi nghe tiếng chân con dâu lẹp xẹp qua cửa nhà.

Cách một vách buồng, Nhàn không nghe được bà già thở hắt ra, nhẹ cả người. Có cái mánh nhỏ đem ra xài hoài mà vẫn giữ con nhỏ ở lại với mình. Đối phó với những người tử tế, sao mà dễ.

Mai lại ho bữa nữa, vì hội chợ chưa nhổ sào.


(*) Tóm lại là bốn năm trước J

50 comments:

  1. Dạo này saurieng buồn ghê vậy, Tư ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. À, buồn ở phương diện nào, ta ??? :)

      Delete
  2. Sao không 4 năm trước mà là năm trc của 3 năm trước vậy Chị . ??

    ReplyDelete
  3. huynhthaison5/01/2012

    Đọc bài của Tư sao mà buồn da diết !

    ReplyDelete
    Replies
    1. Vì lẽ chi mà buồn quá chừng vậy ?

      Delete
  4. Anonymous5/01/2012

    Kể Tư nghe chuyện có thật này, xảy ra trong một xóm nhỏ ở SG gần 20 năm trước.

    Bà mẹ làm bánh bò bán ngoài chợ. Nhà mái lá lụp xụp, tàn tạ nhất xóm. Con trai xì ke. Rồi quen một cô con gái, họ lấy nhau, ở chung với bà mẹ. Đến một ngày, người con trai sốc thuốc chết. Người con dâu ở vậy, cùng với mẹ chồng làm bánh bò. Thỉnh thoảng, thấy gia đình cô con dâu ghé chơi. Căn nhà được xây lại, khang trang hơn. Cô con dâu giờ mở một tiệm tạp hóa nhỏ ngay trong nhà.

    2 năm trước về lại SG, thăm xóm nhỏ, tui gặp cô này. Chào hỏi vài câu. Biết bà bánh bò mất đã lâu.

    Giờ đọc truyện của Tư, nhớ chuyện cũ. Tui nghĩ cái tình người, rồi duyên và nợ nữa. Từ ngoài nhìn vào, không hiểu hết là kịch hay đời.

    ReplyDelete
  5. Tu viet chuyen von khong buon, nhung that qua, cho nen tran trui...cho nen doc xong lai thay chan chuong. Buon nhu vay day!

    ReplyDelete
  6. Anonymous5/01/2012

    Cái bà Tư này ngày càng viết ác đó nghen. Xì tai này là của người xứ Bắc, sao lây nhiễm vậy trời ?

    ReplyDelete
  7. thiếu nữ miền đông5/01/2012

    ác...đạn thiệt!
    má chồng mãi mãi muôn đời vẫn là...má chồng!

    mà truyện này có "ký tặng" ..bà Nội sắp nhỏ hông zị ta? ac ac...

    ReplyDelete
  8. 4 à, đọc tới câu: đối phó với những người tử tế, sao mà dễ... thấy giận quá chừng...
    đóng kịch để làm gì vậy ko biết... thấy giận ghê....
    bực thiệt....
    nhưng nghĩ lại thì bà già 69 tuổi rồi, ko có người đỡ đần chăm sóc thì sao được ha 4...
    ...................................

    ReplyDelete
  9. Truyện buồn quá bạn ơi
    không biết người chồng kia có về không?
    ko biết Nhàn có đứa trẻ biết khóc sau cái hội trợ đó nữa không? :(

    ReplyDelete
  10. Đọc các truyện của chị Tư mà không thấm, không buồn, không nghĩ, không có gì đó bứt rứt thì hok phải chị Tư...he.he.he.

    ReplyDelete
  11. Trời!!! sao tên sâu riêng nge hay zậy. Anh Sầu Riêng qua blog em thăm để lại lời bình nhá :D

    ReplyDelete
    Replies
    1. À, anh sẽ xem xét đề nghị này :)

      Delete
    2. Anonymous5/04/2012

      hi hi, lại còn Hiển...pro nữa chứ!

      Delete
    3. Anonymous5/04/2012

      Người ta sơ ý một chút mà. Đâu cần phải giễu cợt vậy....

      Delete
    4. thiếu nữ miền đông5/06/2012

      "anh" Tư ...nghe vui tai wá đêê....ê..

      Delete
  12. Chị Tư ơi, sao em có cảm giác cái bài này hơi khác khác với mấy cái cuốn sách chị viết quá. Em đọc mà không hiểu gì hết :(

    ReplyDelete
  13. Replies
    1. Anonymous5/04/2012

      Bà nào vậy???

      Delete
  14. Anonymous5/05/2012

    mình đọc câu kết xong cứ ngẩn cả người ra, haizzz ... chẹp

    ReplyDelete
  15. http://www.viet-studies.info/NNTu/GioiThieuBaoThuyDien_NNTu.htm
    http://www.dn.se/dnbok/bokrecensioner/nguyen-ngoc-tu-falt-utan-slut
    http://gd.se/kultur/boken/1.4563612-har-flyter-sorgen-fram

    Hôm nay tui ghé trang nhà của Thầy Trần Hữu Dũng mới biết là "Cánh đồng bất tận" của cô Tư đã có "Fält utan slut". Tui sẽ mua về đọc, tui sẽ học được thêm rất nhiều.... Chúc mừng cô Tư nha! Ngày nào đó cô Tư nhận giải Nobel, tui sẽ rất tự hào :-)

    Chúc cô Tư cùng gia đình vui khỏe bình an!

    ReplyDelete
  16. Bùi Quốc Huy5/06/2012

    Hay.Đúng chất Tư từ nội dung đến lối kể.Kết câu kết.

    ReplyDelete
  17. Anonymous5/06/2012

    "...và Tường cũng chưa kịp cấy vào bụng Nhàn một con lăng quăng biết biến thành đứa trẻ con biết khóc".
    Câu văn này NNT đang dùng phép so sánh tuy nhiên viết như vầy thật không ổn. Vĩ sao? Vì về mặt khoa học con lăng quăng chỉ có thể biến thành con muỗi chứ lăng quăng không thể biến thành đứa trẻ con biết khóc.Có thể với cách nói thông thường của dân gian thì tinh trùng của người đàn ông nếu soi qua kính hiển vi sẽ thấy có hình dạng từa tựa như con lăng quăng(?) Ở đây nếu chỉ đơn giản so sánh về sự giống nhau về hình dáng thì được nhưng so sánh về cái sự "biến đổi" của con lăng quăng như câu văn Tư viết thì không đúng (vì con người thì không thể cấy lăng quăng được mà con người chỉ cấy những con "từa tựa như con lăng quăng" thôi.)
    Vì thế chỗ này nhà văn nên sửa lại cách viết lại, và theo tôi cách tốt nhất là bỏ hai chữ lăng quăng vào trong dấu ngoặt kép (""): "lăng quăng".

    ReplyDelete
    Replies
    1. Mình sẽ để ý hơn vụ này. Cảm ơn đã tận tình !

      Delete
    2. :-))))
      Tiếp thu dễ sợ!

      Delete
    3. Phan tich ve "ky thuat" khong sai. Tuy nhien minh van ket kieu "tung tung" gian di cua Sau Rieng:).
      (ong nay giong chuyen gia phong thi nghiem qua???!)

      Delete
    4. Anonymous5/21/2012

      Tiếp thu của chị Tư thiệt hay. Như bạn "uống trà" à, chị Tư viết văn chứ có làm pác sĩ phụ sản đâu?

      Delete
    5. Anonymous5/27/2012

      Quý vị mê văn chị Tư quá nên nói vậy thôi. Tôi cũng thích văn chị Tư nhưng chuyện nào ra chuyện đó. Là tôi chân thành chứ hoàn toàn không có ý gì khác ở đây. Thật ra, nhà văn hay bất cứ "nhà" nào cũng vậy, làm việc gì thì cũng cần phải cẩn thận và chính xác, phải không nào? Đừng nghĩ là nhà văn không phải bác sĩ thì có quyền sai.

      Delete
  18. Anonymous5/06/2012

    Tuy không phủ nhận Tư có cái hay là từ những điều vụn vặt trong cuộc sống thường nhật cửa con người nhưng vẫn có thể khái quát thành những câu chuyện làm lay động lòng người. Thế nhưng theo tôi ở truyện ngắn này thật ra Tư viết chưa thật "sắc nét" và "chắc tay" lắm. Có lẽ vì Tư muốn qua câu chuyện này để gửi gắm suy nghĩ của mình rằng trong cuộc sống những người tử tế rất dễ bị người đời lường gạt như cách Tư nói ở cuối truyện: "Đối phó với những người tử tế, sao mà dễ". Tuy nhiên, chỉ bằng vài việc làm nho nhỏ của bà già 69 tuổi nhằm giữ chân đứa con dâu ở lại với mình mà bảo bà già này là người "diễn kịch" để "đối phó" với con dâu rồi khái quát lên thành vỡ "kịch ở làng" thì chưa thuyết phục lắm. Đúng là bào lão có "đóng kịch" thiệt nhưng xét ở góc độ tâm lý người già thì chuyện này hoàn toàn có thể thông cảm được. Ngoài ra, đặt trong cái nhìn và tâm lý chung của người Việt (trọng tình nghĩa)thì dù cho bà già chồng không "diễn kịch" đi nữa thì những cô con dâu nào "hiểu chuyện" chắc cũng không nỡ bỏ bà già gần đất xa trời, sống nay chết mai để đi theo anh chàng trong đoàn ghánh hát hội chợ. Làm vậy dù ai coi cho. Cho nên, dù thông cảm cho cô Nhàn trong chuyện bị bà già chồng "chơi chiêu" nhưng nếu cô Nhàn hiểu chuyện thì chẳng có gì là "kịch" ở đây cả. Phải chăng vì Tư đã có ý đồ trước và hơi "nôn nóng" gài cái tứ: "Đối phó với những người tử tế, sao mà dễ" nên có gì đó hơi "non tay" trong xây dựng tính cách nhân vật cũng như tạo kịch tính cho câu chuyện?
    Tóm lại, dù yêu mến Tư nhưng theo tôi truyện này chỉ đạt mức trung bình - khá.

    ReplyDelete
  19. Đọc truyện chị Tư lần nào cũng buồn miên man là buồn...

    ReplyDelete
  20. Trời ơi, trưa em cầm tờ ngày ngồi quán cafe 1 mình đọc bài của Tư mà thành tâm thần phân liệt luôn vì thích quá, cứ tưởng mình ở Làng cơ... Đọc xong thì nhớ ra đi cafe mà không mang theo tiền.

    ReplyDelete
    Replies
    1. À, không mang tiền thì còn an ủi, không... mặc gì mới nguy. Lần sau em cửn thựn hơn hén ! :)

      Delete
    2. Đợi tình hình báo tháng 6 rồi em update

      Delete
  21. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  22. Tư ơi! Một dạo nhỏ bạn đưa cho em đọc một truyện ngắn của Tư! Đọc xong, em có viết vài dòng theo mạch cảm xúc cho Tư. Để yên thì thấy cũng tưng tức! Mà gửi cho Tư thì chưa dám! Giờ Tư "xử" sao Tư? :)

    ReplyDelete
  23. Em gái miền Tây5/10/2012

    Đúng là diễn cho ra thì vai nào cũng khó cả . Bây giờ ai sống cũng đeo mặt nạ hết nhưng như bà má chồng này thì hơi cao tay chắc chỉ có Tư mới nghĩ ra thôi, nghĩ hơi lo cho con dâu của Tư sau này à nha!

    ReplyDelete
  24. Anonymous5/10/2012

    Sầu riêng bởi tại ăn xôi
    Cho nên nó mới lôi thôi thế này
    Vì sao không chuyển thịt cầy
    Thêm ly rượu đế hết ngay sạch sầu

    ReplyDelete
  25. Anonymous5/16/2012

    Chị Tư ơi, bà "mộng chè" này cao tay thiệt. Xin phép chi cho em tải bài này về face book nha.

    ReplyDelete
  26. Anonymous5/18/2012

    Trời ơi! Những người như bà má chồng này thiếu gì đâu. Xứ mình đầy mà. cảm ơn c Tư. cái gì qua ngòi bút của chị cũng là "chất liệu" tuyệt vời cả

    ReplyDelete
  27. Chị vẫn tâm lí thiệt!

    ReplyDelete
  28. Anonymous5/18/2012

    Vẫn biết có những bà già điêu như vậy. Nhưng sao mình vẫn cảm thấy ghét cái kết. Dù mình hiểu ý đồ chị Tư...

    ReplyDelete
  29. Em mong một ngày không xa được gặp chị Tư ở ngoài đời chứ không chỉ qua những trang văn. Yêu giọng văn của chị nhiều lắm!

    ReplyDelete
  30. thiếu nữ miền đông5/27/2012

    lâu quá rồi Sầu Riêng ơi...đợi lâu quá...

    ReplyDelete
  31. Anonymous5/29/2012

    Kết thật bất ngờ!
    Một cách nhìn sâu.

    ReplyDelete
  32. Anonymous5/29/2012

    kết rết bất ngờ.

    ReplyDelete
  33. chị đúng là một tài năng văn chương của đất nước

    ReplyDelete