Feb 26, 2013

Tháng Giêng sốt ruột



Tết nhứt, người miệt miền tây xưa rày hay chưng mâm trái cây mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài mà đọc trại âm là một ước mơ : cầu vừa đủ xài. Mua được giống đu đủ vàng thì coi như cầu đủ vàng. Thay dừa bằng chùm sung một bước lên cầu xài sung. Năm nay người ta bày bán trái gọi là dư, nói gọi là vì những cây có tên rất rủng rỉnh là phát tài hay kim ngân lượng, đều không phải mớ tên sơ khai của chúng. Trái dư này, biết đâu tụi con nít quê xó nào kêu bằng trái chọi (không ăn được thì để chọi nhau chứ biết làm gì) nhưng thứ chỉ bày chơi đó thay đổi chắc nụi mâm quả Tết. Ước vọng trên đó giờ gọn lỏn như vầy : Cầu Dư.

Nó làm cho cái thế cầu vừa đủ xài cả trăm năm nay trở nên khiêm tốn, dù khái niệm “đủ xài” cũng đã là vô cùng. Mâm trái cầu dư trên bàn thờ mờ nhạt lòng thành, lẩn khuất sự tham lam, sự bất kính với vong linh người khuất mặt. Ông bà vốn bó miệng vì sung chát, đu đủ non, giờ chỉ biết ngồi ngó thứ trái lạ mà bọn người kia sợ chết dại không dám rớ. Thời của ngoại tôi, cúng vú sữa đầu mùa lên bàn thờ họ luôn chọn những trái chín ngon nhất. Bà ngoại tin người chết gì cũng biết, có lòng hay chỉ qua quýt họ đều hay. Mâm cúng thành kính xưa giờ nhuốm mùi đổi chác. Không phải ai đội hoa quả đến chùa cũng với tâm thế cho đi, chẳng cầu xin gì. Từ cầu no đủ cho đến cầu dư dả,  trong lòng tham tăng bậc có sự kiên nhẫn xuống thang.

Thời thế gì mà sốt ruột. Nhà hàng xóm lại đổi chiếc xe hơi đời mới. Thằng bạn học giờ là doanh nhân trẻ vào tốp mười cả nước. Cô bạn cùng sở làm vừa sắm túi Cucci. Ông anh bên vợ trúng số. Có hàng ngàn lý do để sốt ruột, nhấp nhổm sau cái quãng chỉ so đo chuyện mâm cơm có thịt hay không có thịt, độn khoai hay không độn khoai. Cơn khát này không phải chỉ giàu, mà phải giàu nhanh như thể thời gian chỉ dành cho những người biết chụp giật, kể cả chụp giật ơn phước của tổ tiên, thánh thần.

Nhìn cảnh người ta giẫm đạp lên nhau xin (hoặc cướp) lộc chốn đền chùa, nghĩ xứ sở gì mà hỗn mang, nhập nhoạng. Không phải vì đạo, vì sự thiêng liêng của đức tin mà người này đạp lên vai, lưng người khác. Trong đám đông cướp ấn đền Trần, hẳn có nhiều người miệt mài làm việc nửa đời mà con đường quan trường vẫn xa. Bạn bè có đứa nhiều tiền nên mua được ghế, có đứa con ông cháu cha nên được nâng đỡ, còn mình bơ vơ chỉ có cách đi xin ấn đền Trần. Như để nuôi một hy vọng. Biết có cày cục làm lụng cả đời thì sự thăng tiến vẫn lừ lừ chậm bước. Những vị trí phải đợi lâu hoặc không bao giờ người ta có được nếu chỉ nhờ vào sức của mình, trong một hệ thống thăng tiến không mấy quan tâm tới khả năng làm việc.

Cái sự cuồng tín với những thứ xung quanh thánh thần (không phải với thánh thần), là hệ thống đức tin sụp đổ. Người ta không quên cái câu có làm thì mới có ăn của ông bà dạy, nhưng nhìn lên họ nhìn thấy nhan nhản những kẻ chẳng làm gì mà vẫn phờn phơ, vẫn ngồi trên trước. Nhìn xuống lại muôn trùng người tốt lăn lóc mưu sinh, sống thua thiệt cả đời. Chỉ có một thứ thay đổi số phận con người : phép màu của thần thánh. Nhưng thần thánh chưa chắc công bằng, biết đâu lại chiều chuộng kẻ có tiền có quyền. Thôi cướp lấy cho chắc ăn. Chẳng có gì chắc chắn trong việc đứng chờ thì sẽ đến lượt mình như là đến tuổi sẽ nhận được số hưu.  

Trong tờ giấy mà mấy chị đàn bà xúi nhau học thuộc lòng để khấn vái lúc đi chùa, bốn chữ gia đạo bình an đứng sau cùng, sau “làm một được hai, trồng một gặt mười…”. Mấy chị, cũng như nhiều người khác, vào chùa không phải để cầu an. Bây giờ, lúc rạp mình trước đức Phật là lúc tâm chúng sinh bất an nhất.

Chịu khó ngồi lâu nhìn tháng Giêng (không chỉ năm nay) thì sẽ thấy nó trở thành một lễ hội vơ vét khổng lồ. Kẻ vét hy vọng từ trời, kẻ vét túi khách hành hương, địa phương vét phí. Đứng ở đền chùa, thấy lòng người đang loạn lạc rõ ràng hơn bất cứ chỗ nào. Vỡ đê đạo đức, cháu vác dao rượt chém bà. Vỡ đê đức tin, lộc trời rủ nhau đi cướp. Mai kia không biết thêm hệ thống tinh thần nào đổ nữa đây, chính quyền nhìn thấy cảnh đền Trần mà không lo thì hơi lạ. Bởi chuyện ở sân đền là họ sốt ruột lắm rồi, đến nỗi giẫm đạp trên đồng loại, đức tin. Ai dám chắc sốt ruột đến thế thì thôi.

p/s : Hết !

29 comments:

  1. Anonymous2/26/2013

    ...suy ngẫm...

    ReplyDelete
  2. Anonymous2/26/2013

    mình cũng đang đau đáu cái câu "Mai kia không biết thêm hệ thống tinh thần nào đổ nữa đây ???..." như bạn vậy !

    ReplyDelete
  3. thiếu nữ miền đông2/26/2013

    ui trời, còn hơn gặp lại người yêu cũ nữa, "còm" một cái trước, đọc sau....hix

    ReplyDelete
  4. Vỡ đê đạo đức, cháu vác dao rượt chém bà (thầy hiếp học trò). Vỡ đê đức tin, lộc trời rủ nhau đi cướp (lộc đời tạo thế cướp). Từ những cái này đã làm nên bối cảnh nhức nhói XH.Hãy khóc lên đi, khóc lên đi! Khóc cho dân tôi nghe!

    ReplyDelete
  5. thiếu nữ miền đông2/26/2013

    ôi, chả lẽ Tư cũng ngây thơ hổng biết rằng ba cái lễ hội đền trần đền trụi kia là do...chính quyền X....kỳ công dựng lên? "chính quyền nhìn thấy cảnh đền Trần mà không lo thì hơi lạ" có gì mà "lạ" ?
    nếu bàn chuyện "chính chị" thấy mệt....quay lại từ đầu bàn về mấy cái trái "mâm quả" kia, năm nay bọn "dân cư (liều) mạng" hiến kế đủ thứ:
    - cầu dừa đủ xài
    - cầu chuối đủ sung
    - cầu sung đủ quất
    - cầu quất đủ bầu (hơi sáng tạo là cúng trái bầu, trái này chỉ để nấu canh, xào trứng, hấp cá lóc.....này nọ)
    - cầu bầu đủ sữa...(vú sữa)
    - cầu sữa đủ xài...(có kẻ đọc là "cầu vú đủ xài")
    - cầu.....
    đầu năm vui vẻ chút đi, buồn quá....

    ReplyDelete
    Replies
    1. Có chỗ còn "cầu sung xài vú dâu" nữa đấy cô gái gì mà dô dziên.

      Delete
    2. This comment has been removed by the author.

      Delete
    3. Có chỗ còn "cầu sung xài vú dâu" nữa đấy cô gái gì mà dô dziên.

      Delete
  6. Anonymous2/26/2013

    bài viết này cực hay, cực thấm thía

    ReplyDelete
  7. Anonymous2/26/2013

    Hay quá chị ạ

    ReplyDelete
  8. Ngọc Tư ơi biết không, nhà văn Lê Hoài Nam đã có lần nói với mình là đã định viết bài để nói cho mọi người biết ấn đền Trần mà moi người giẫm đạp lên nhau để lấy cho được là ấn của thằng gác cổng chứ không phải là ấn của Vua. Nhưng rồi biết là sẽ gặp vô cùng rắc rối nên nhà văn chưa viết.
    Chưa viết mà Lê Hoài Nam đã đang từ Phó chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Nam Định phải chuyển sang làm nhân viên của hội chữ thập đỏ Nam Định cạnh trụ sở Hội văn học. Không biết viết rồi thì nhà văn sẽ đi đâu nhỉ???

    ReplyDelete
  9. Anonymous2/27/2013

    Đọc mà buồn quá. Buồn cho đời và cho mình. Cái xã hội mình mất hết căn bản rồi

    ReplyDelete
  10. Anonymous2/27/2013

    chị Tư cho em xin bài này với tên chị về FB nhé?

    ReplyDelete
  11. Mình thích câu p/s của Tư, chân thật quá, nghe ... hơi khùng thiệt đó :))

    ReplyDelete
  12. Anonymous2/28/2013

    Về chuyện vái lạy cũng vậy, chúng ta chỉ thành tâm dập đầu trước những bức tượng chứ không bao giờ lạy tạ người sống hay thiên nhiên tươi đẹp. Trong khi đó, quan sát việc cúng khai trương, cúng xe,... mình thấy người cúng thất thành tâm chí nguyện trước đồ cúng, mà đồ cúng khi đó là 1 con heo quay, một con gà luộc. Thành ra cảnh tượng cứ trông như là bái lạy heo quay, gà luộc.
    Trong một lần cúng chay ở nhà người bạn, một vị sư không biết đạo hạnh thế nào nhưng cực kỳ tự tin tuyên bố, người sống ngồi đây các vị không lạy, lại cứ xì xụp trước mấy bức tượng kia. Mình thật sứ ngớ người trước câu nói ấy. Chợt nhớ tới một giai thoại thiền: một ngày mùa đông rất lạnh, hai thầy trò thiền sư nọ đã đốt hết củi dự trữ sưởi ấm mà vẫn còn rét run. Ông thầy bảo học trò, lấy tất cả cái gì bằng gỗ cho vào lò, chú tiểu tìm kiếm hết cả chùa xong lập cập bảo: bạch thầy, đã không còn gỗ nữa ạ. Ông thầy quắc mắt: thế cái gì đây? Nói đoạn, ông vớ lấy bức tượng Phật bằng gỗ thẳng tay cho vào lò trong ánh mắt sợ hãi của người đệ tử.
    Vị thiền sư nọ nếu không phải kẻ điên thì chắc chắn là tay tu hành đạt đến trình độ kinh khiếp. Trình độ mà tâm đã không trụ vào đâu để còn có cái ngã mà sợ hãi. Cũng như vị thiền sư nọ khi đi thăm một người bạn. Đến nơi, thổ địa nể sợ công phu mà ra vái chào, thiền sư mới chậc lưỡi bảo: Ta tu hành thấp kém, khởi ý du hành đã bị quỷ thần thấy được.
    Thế mới hay, tâm ý của con người cũng kinh động quỷ thần lắm lắm. Cao Huy Thuần trong truyện ngắn đăng báo xuân năm nay có kể một câu chuyện. Một nhà sư cầu siêu cho một người chết bất đắc kì tử, do thể xác mỏi mệt mà tâm trí không định, đã để người chết không được siêu thoát, cứ là oan hồn vất vưởng thế gian. Nhân kinh nghiệm ấy, nhà sư mới khuyên chuyện cúng bái là phải hết sức cẩn trọng, tâm ý lòng thành, lễ nghi nghiêm chỉnh.
    Liên hệ 2 câu chuyên động tâm của thiền sư với câu chuyện con quỷ trong kịch Thành Lộc mình chợt kinh sợ việc khấn vái cầu xin. Ý khởi đầu các pháp, một ước muốn khởi sanh mà quỷ thần bắt được và kết giao thì không biết là điềm lành hay dữ. Nhân quả rành rành ra đó, tài hèn mà tước vị cao, đức mỏng mà quyền lực lớn, trách sao không sinh biến?

    ReplyDelete
  13. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  14. Mới đọc bên SGTT thì chạy qua đây tính nhắn tin thì thấy nó nằm chình ình tự bao giờ (:D).

    Tư viết hay quá. Gảy đúng chỗ nghiệt của nhiều người, nhiều mặt người, nhiều người người.. :)

    ReplyDelete
  15. Trăm sự xét cho cùng cũng là do giáo dục.Giáo dục từ trong gia đình ra đến nhà trường, xã hội. Cha mẹ không làm gương cho con cái, không quan tâm, dạy dỗ, chỉ biết chạy theo đồng tiền. Mạng intơnet đầy dẫy những hình ảnh, thông tin bậy bạ. Tâm hồn trẻ thơ như một tờ giấy trắng. Trách ai bây giờ !

    ReplyDelete
  16. Anonymous2/28/2013

    RẰM THÁNG GIÊNG LÊN CHÙA

    Lên chùa tìm chút thảnh thơi
    Ai dè
    Chùa cũng như ... đời ngoài kia
    Cũng thứ hạng
    Cũng phân chia
    Chỗ này vô nhiễm
    Chỗ kia thị trường
    Đành rằng tất cả vô thường
    Thôi
    Ta về lại phố phường
    Ẩn tu .

    N V G

    ReplyDelete
  17. Mất lòng tin ở trần thế con người đành quay về với cái vô hình .Xã hôi mà như thế thì làm sao mà khá được.

    ReplyDelete
  18. Riết rồi ... Mới có mấy mươi năm, sao ra nông nỗi. Hik

    ReplyDelete
  19. Chính xác là gần 38 năm :(

    ReplyDelete
  20. Chị ơi cho em hỏi về cuộc thi sáng tác văn học tuổi 20 lần V. Hiện em đang không sống ở Việt Nam thì có thể gửi bài dự thi qua email không ạ? Đối với truyện ngắn thì có quy định nào về số lượng từ không chị? Và bắt buộc phải gửi đủ 6 truyện đúng không ạ? Mong nhận được câu trả lời của chị. Xin lỗi chị vì comment không liên quan đến bài viết.

    ReplyDelete
  21. Thật đáng để suy ngẫm. Cảm ơn cô Tư

    ReplyDelete
  22. "Từ cầu no đủ cho đến cầu dư dả, trong lòng tham tăng bậc có sự kiên nhẫn xuống thang."

    Trời ơi câu này nó hay.......

    ReplyDelete
  23. Văn Sự5/29/2013

    Khi họ mất niềm tin ở cái này họ sẽ đi tìm niềm tin ở cái khác. Bởi con người phải đấu tranh để sinh tồn nên phải cần điểm tựa về tinh thần mà sống.
    Xưa có công bằng, bác ái, bình đẳng thì họ tin vào khả năng của chính mình. Nay những cái đó mất đi họ phải tin vào thần thánh thôi! Tin tới mức có mắt như mù!

    ReplyDelete
  24. Anonymous6/10/2013

    4000 năm văn hiến... mà vẫn không ngóc đầu lên nỗi vì ba cái mê tin dị đoan, đút lót ăn hối lộ, lạm quyền bao che...

    ReplyDelete
  25. Lý giải rành mạch, mà đúng, mà hay, thích nhất câu: "Bây giờ, lúc rạp mình trước đức Phật là lúc tâm chúng sinh bất an nhất."

    ReplyDelete