Aug 28, 2013

Sổ tay đi đường


Không nhất thiết phải đem nhiều quần áo. Có bao nhiêu kiên nhẫn tranh thủ nhét chật chỗ trống trong ba lô. Cất chúng vào chỗ tiện tay nhất bởi đi đường thường phải xài. Không ra khỏi biên giới, loanh quanh trên dãi đất này, đi có nghĩa là sống chung với bất tiện.

Như thể chạy trời không khỏi nắng, hiển nhiên như nhà xe thề thốt chạy suốt tuyến không rước khách dọc đường, nhưng họ luôn dừng xe lại đón lũ lượt người lên. Ui chao cái chị đó bộ dạng thiệt là nheo nhóc, chạy bỏ sao đành. Xe đi nửa chừng anh tài xế ghé qua nhà thăm bồ, anh ấy vào đó đủ lâu cho những mường tượng úi a úi à nóng hai gò má. Sốt ruột cũng chẳng thay đổi gì, tụi mình nhận ra sống chậm khỏe tim từ những chuyến xe kiểu vậy. Đi dạo cho thẳng cẳng chân, hoặc lấy sách ra đọc, rủ thằng nhỏ ngồi cạnh chơi mấy ván cờ ca rô. Nhiều khi cách bến đến chỉ hai cây số, xe khách tụi mình đi sẽ ghé đổ dầu, ở đó đang bày ra mâm nhậu nên anh lơ sà vào uống vài cốc, gấp gì. Đời dài lắm.

Công lý đi đường là công lý của anh lơ cùng anh tài xế, họ tính tiền gấp ba giá thỏa thuận ban đầu chỉ vì quên xăng dầu lên giá, tụi mình không thông cảm không xong. Máy bay cũng vậy, cũng cái hãng này hôm trước khách chỉ trễ năm phút họ hủy vé, giờ họ trễ nửa ngày, từ điển của các hãng bay la liệt từ “xin lỗi”, nhưng không có chữ “bồi thường” cũng như “công bằng”. Nên anh phi công có hứng chí mời bạn gái vào buồng lái vọc phá mấy cái nút điều khiển cho biết máy bay kỳ diệu làm sao, xong chụp ảnh khoe lên facebook thì tụi mình cũng chỉ có thể cười trừ thôi. Nói theo kiểu anh tài xế chạy tuyến Đồng Văn lúc làm xiếc trên con đường bên mép vực, “Ai thì cũng chỉ một cái mạng thôi. Cùng ngồi một xe, em mà có bề gì thì bọn này cũng đi đứt”. Tụi mình nhận ra rốt cuộc thì cũng có công bằng, thứ mà lúc chết chúng ta sẽ nhận được trong tình trạng cùng nằm thẳng cẳng. Ai cao sang ai hèn kém, đâu có phân biệt khi nằm dưới vực.

Những chuyến xe khách buộc ngồi lên đùi nhau sau khi không còn chỗ trống nào để kê thêm ghế, những chuyến tàu lặc lè người và nước tràn lé đé tận be, những món ăn trong sân bay đắt như thể mì tôm tẩm vàng, những quán bên đường hầm hè buộc khách nên biết điều mà đói bụng. Bất cứ người nào ưa hẹn hò với chân trời cũng đã từng trải qua những mỏi mê ấy, không phải vì xa. Và nơi xứ lạ, ai mà ngờ cả giọng nói của tụi mình cũng tráo trở hại thân, tô bún cá bị tính giá gấp đôi, xe ôm chạy đường vòng chỉ vì tụi mình nói bằng thứ thổ ngữ miệt rừng. Tụi mình có lần cũng dại chê ly nước sấu có con ruồi, lúc trả tiền mới hay ruồi chết đuối cũng đắt đỏ gần bằng ly nước. Cứ hít thở sâu là được, và nghĩ cả đời tụi mình chỉ gặp chị hàng nước ấy một lần thôi, nếu phải duyên thì thắm lại, bạc kiểu này chắc không trông mong ở lần sau rồi. Người bán hàng chắc là cũng nghĩ vậy, thu hái một lần cho mãi mãi. Mắc gì trông theo nước chảy qua cầu.

Những bất tiện đó cứ phơi ra trên con đường tụi mình đi tìm cái gọi là vẻ đẹp tiềm ẩn. Ngay cả lúc thấy mỏi mòn nhất, cũng không lấy điểm đến ra để dỗ dành mình. Xứ Việt khét tiếng chịu chơi đồ giả, kiểu như núi thật phá đi để làm núi giả, đốn trụi rừng để đắp mấy con rồng con hươu cao cổ xi măng, đánh sập cái chùa cổ hàng trăm năm để xây chùa mới sơn phết long lanh. Cảnh sắc giả trơ thiên địa kiểu vậy tụi mình gặp hoài, bất chấp có đi đến một hay hai ngàn cây số. Ngồi ru cho thất vọng thiu thiu ngủ sau một hồi dâng lên nghẹn họng, tụi mình nghĩ cái dặm đường vừa trải qua đó, nó đáng giá hơn nhiều. Đi chơi tức là chơi trên những dặm đường giữa bến đầu và bến cuối. Chơi có nghĩa là dặm dài hít bụi, ngắm cảnh vật lướt qua cho trí tưởng tượng chạy rong.


May mắn đôi khi từ tụi mình mà ra, ai cũng được nhận những cái cười trong veo của những thiếu nữ Bắc Hà má rực trong cái nắng thu sóng sánh, chỉ cần đừng ngó họ qua ống kính máy ảnh. Tụi mình chưa bao giờ nguôi hy vọng, chen lẫn giữa mớ bất tiện mang tên con - người sẽ nhận được an ủi của cỏ cây, sương đỉnh núi và mưa lưng đèo. Và xa, rất xa trong rừng thẳm hay xó núi, vẫn còn những người thuần phác, chỉ nhìn thôi mà chữa lành được bao vết thương. 

(Dạo này biến đau thương thành hành động, biến đói bụng thành tác phẩm :p)

18 comments:

  1. Chỉ nhìn thôi.....

    ReplyDelete
  2. Anonymous8/28/2013

    cảm ơn Ngọc Tư miêu tả phong cách có 1-0-2 của con người Việt Nam thời nay...

    ReplyDelete
  3. Anonymous8/29/2013

    Cô Tư hay lắm. Văn ở VN tôi chỉ sưu tầm mỗi cô và Thiệp Huy thôi. Chúc cô dẻo cẳng và bộn bề.

    ReplyDelete
  4. "Và xa, rất xa trong rừng thẳm hay xó núi, vẫn còn những người thuần phác, chỉ nhìn thôi mà chữa lành được bao vết thương" - Nguyễn Ngọc Tư có biệt tài nhìn thấu con người, đổ đầy người đọc bằng những hoang mang nhưng rồi cuối cùng lại thắp lên một chút hi vọng nhỏ nhoi mà trong veo.

    ReplyDelete
  5. Anonymous8/31/2013

    viết gì về chị Bảy Phương Mỹ Chi đi chị Tư :)

    ReplyDelete
  6. Anonymous8/31/2013

    bài này ko đc hay và sâu cay như mấy bài trước chị ạ

    ReplyDelete
  7. Vẫn yêu thích văn phong của bạn, và ngày một nhiều hơn...

    ReplyDelete
  8. Anonymous9/03/2013

    ^bạn ở trên này, ví như "vẫn còn những người thuần phác, chỉ nhìn thôi mà chữa lành được bao vết thương" không làm bạn quên thèm những chuyện sâu cay thì bạn nên bỏ chút đỉnh thời gian mà nhìn lại nhé.

    ReplyDelete
  9. "Cảnh sắc giả trơ thiên địa kiểu vậy tụi mình gặp hoài, bất chấp có đi đến một hay hai ngàn cây số"
    E là cái mầm "bệnh hình thức" gieo bấy lâu đã đến kỳ bội thu rồi. Ngửa mặt lên trời cười to 1 tiếng cho hả cô Tư ơi.

    ReplyDelete
  10. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  11. Đọc bài "Sổ tay đi đường" của chị Tư thấy được nhiều tương đồng và đồng cảm.

    ReplyDelete
  12. Anonymous9/06/2013

    "Xứ Việt khét tiếng chịu chơi đồ giả" - like mạnh câu này à nha :)

    ReplyDelete
  13. Anonymous9/08/2013

    Them mot tan van tuyet voi cua NNT! Thich nhat doan cuoi.

    ReplyDelete
  14. "Khôn dại cùng chôn ba thước đất
    Giàu sang chưa chín một nồi kê"

    ReplyDelete
  15. Đi du lịch ở nước mình như là yêu thì khổ không yêu thì lỗ...

    ReplyDelete
  16. Và xa, rất xa trong rừng thẳm hay xó núi, vẫn còn những người thuần phác, chỉ nhìn thôi mà chữa lành được bao vết thương.
    Và lại xách túi hít bụi người cho cuộc hành hương du lịch tìm linh hồn thuần phác.

    ReplyDelete