May 8, 2016

Cũng phải cho hay mình còn sống :p

Đá trổ bông
Tản văn : Tui

Khờ, thằng nhỏ gánh nước đi đằng trước tôi, đang bốc khói. Bằng mắt thường cũng thấy một làn hơi mỏng bả lả gợn quanh nó, nhất là từ đôi ống quần ướt mèm. Nước trong thùng ở hai đầu quang gánh dù không sánh ra chút nào, nhưng cứ nghĩ lên đến đỉnh núi chắc chỉ còn lưng lửng, vì nước bốc hơi. Mình thì có hơn gì, tôi nghĩ, cũng sắp bốc cháy tới nơi rồi.

Nắng hệt một chảo mật nấu sôi, và những con người bé nhỏ ngụp lặn trong ấy chín nhừ, mặt mày đỏ lựng. Thỉnh thoảng Khờ dừng lại để chờ tôi lúc này hồng hộc thở, bước từng bậc đá bằng đôi chân không biết của ai. Dù nó đã lên xuống núi mười bảy lần trong ngày, gánh nước uống cho chục ngoài hộ dân sống trên ấy. Hỏi Khờ sắp tới nơi chưa, nó kêu xíu nữa. Chữ “xíu” không làm tôi mừng, vì biết mình còn trèo nhiều dốc đá mới chạm chân đỉnh núi trọc bon không cây cối.

“Đám đá này mơi mốt trổ bông”, Khờ nói.

Năm Khờ chín tuổi, mẹ dắt nó lên ngọn núi Trời này, bảo ngồi đó đợi đá trổ bông mẹ lên đón. Rồi bà mẹ trẻ xuống núi, biệt dạng. Chị chủ quán nước ngay bên sườn núi vẫn còn nhớ gương mặt cô gái đó, “trẻ măng, đem con đi bỏ mà mặt tỉnh bơ, trửng giỡn với mấy thằng kiếm củi”. Chắc là sớm làm mẹ đơn thân, không mang vác nổi thằng nhỏ khờ căm đặt đâu ngồi đó. Chắc là ngủ quên trên cỏ rồi đẻ Khờ, như những bà mẹ Việt cổ xưa vẫn cấn bầu nhờ uống nước trong gáo dừa, ướm chân vào dấu chân lạ.

Thằng nhỏ từng có cái tên tử tế, nhưng người xóm núi quên mất rồi. Nói cho cùng, làm gì có tên nào hợp với nó, bằng tên Khờ. Trong thân xác thằng con trai sắp ba mươi, là một trí khôn của trẻ con năm bảy tuổi. Thời gian không làm mai một cái niềm tin rồi đá trổ bông, mẹ đón về.

Sống nhờ chén cơm của cư dân triền núi, nhưng Khờ chưa bao giờ làm họ tiếc vì đã nuôi dưỡng mình. Nhờ chi thằng nhỏ cũng làm, và nặng nhọc cỡ nào cũng không than vãn. Mưa nó đi cọ rửa những bậc đá đóng rêu, che giúp mái nhà ai đó, cõng bà Chín Sầu Đâu đi hốt thuốc nam chữa đau khớp, đón thằng Đen kẹt ở trường trong giông gió. Hạn qua nó kiếm củi phơi khô chất đầy miễu hoang, cả xóm xài mút mùa không hết. Mùa khô nào họ cũng uống nước mưa một tay Khờ gánh, từ ngôi chùa gần chân núi Xanh.

Suốt ba chục năm, duy nhất một lần Khờ rời núi chừng tuần lễ. Nó bị sét đánh. Cái đầu trọc của núi mà nó đang chăn giữ, không hiểu sao hay bị sét xuống thăm, đến cây cối không mọc nổi. Bữa đó giông khô, Khờ lom khom gom mớ thuốc nam chùa gửi phơi, thì bị sét quật lăn ra, tóc cháy xém. Câu đầu tiên nó nói khi tỉnh dậy, “đá trổ bông chưa ?”

Tới ông trời còn không bứng thằng Khờ ra khỏi mớ đá đó, người núi Xanh nói. Đúng lúc Khờ lại thêm một lượt gánh nữa ngang qua chỗ quán nước tôi ngồi cùng mấy bà trong xóm, nhe răng cười. Ở Khờ không có vẻ gì bơ vơ, dù đang một mình bơi giữa đá và nắng. Ngay khi nó bị che khuất bởi một cua gắt trên đường mòn, cũng để lại cảm giác ấm áp, chắc nịch. Khó giải thích, nhất là nhân vật ấy mang trong mình một câu chuyện mủi lòng.

Hỏi mẹ Khờ có từng quay lại không, người núi Xanh nói biết đâu, giờ nhiều du khách lên đây, mặt mũi ai cũng dáo dác như ai, nhớ sao nổi người phụ nữ mấy chục năm về trước. Thằng nhỏ hay bị du khách ghẹo, họ xưng mẹ nè con, mau về với mẹ. “Mẹ tui nói chừng đá trổ bông mới lên đón, giờ có trổ xíu nào đâu”, Khờ nói. Chỉ một lời dối ầu ơ, nhưng với bộ não ngờ nghệch của Khờ, đã thành một thứ dây trói bền dai, buộc nó mãi trên đỉnh núi.

Mẹ Khờ có ở đây, chắc gì lay chuyển được nó, đá chưa nở bông nào.

Dân núi Xanh có lần hối tiếc, khi xúm nhau thuyết phục Khờ, rằng đám đá đó đâu thể trổ bông được, sét đánh quá chừng mà, nhìn thì biết, tới cỏ còn không mọc nổi. Khờ nói luôn, vậy mấy cục đá hong bị trời đánh thể nào cũng có bông. Từ bữa đó nó leo trèo khắp núi. Lo bông đá đang trổ ở hang hốc nào đó, nơi nó chưa mò tới. Còn cả xóm thì phấp phỏng sợ nó trượt chân.

Mình mà nói núi này đá đực khó ra bông, Khờ sẽ hỏi, vậy núi nào mới có ? Tôi hình dung vậy, khi ngó thằng nhỏ vừa gánh xong đôi nước cuối cùng trong ngày, đổ vào cái khạp da bò đặt ngay đỉnh trọc. Nước ấy dành cho du khách uống đỡ khát. Dù họ chỉ dùng rửa mặt, rửa chân, hắt vào người nhau cho vui.

Nắng vẫn xéo xắt, chưa chịu nguội. Tôi quay lại đúng cái chân núi mà vài tiếng đồng hồ trước mình đứng ngán ngẩm vì nắng và hồ Xanh cạn đáy. Nghĩ chắc cũng không cần trèo lên chi, quá biết trên đó có những thứ gì, lại miễu cậu miễu cô, lại những quán xá đu theo vách đá, lại bày bán mấy thứ thần dược từ cỏ cây meo mốc chớ đâu.


Nhưng Khờ xuất hiện, với đôi thùng nước treo đầu gánh, rủ khơi khơi, lên núi chơi, bông đá nay mai sẽ trổ. 

10 comments:

  1. Rứa là biết Tư còn sống :p chờ bài mới lâu ơi là lâu

    ReplyDelete
  2. bữa nào cũng vô thăm 2 lần, bữa nay có bài mới thiệt vui, lâu lắm rồi mới thấy Tư có một truyện hơi bị nhiều tươi sáng hơn những trước hé, thế giới đầy rẫy xấu xa nhưng hãy giữ niềm tin về hi vọng lại bên mình giống nhưcâu truyện về chiếc hộp Pandora vậy đó.

    ReplyDelete
  3. Cảm ơn chị về câu chuyện này và rất nhiều câu chuyện khác!!!

    ReplyDelete
  4. cũng phải có chút gì hy vọng mới còn nhoi được trong những ngày buồn này.

    ReplyDelete
  5. Thỉnh thoảng vẫn vào ngó trang của chị. Tưởng chị quên luôn rồi

    ReplyDelete
  6. Nhờ có Tư và những câu chuyện của Tư mà em chưa bao giờ thôi hình dung cuộc sống của người dân miền Tây có gì khác người dân quê em

    ReplyDelete
  7. Chị Tư ơi, em hơn 30 rồi, nhưng nhiều lúc buồn, khóc thì có sao không chị? Chị ơi, em muốn gặp chị, muốn kể chuyện của mình, muốn ....

    Cảm ơn chị

    ReplyDelete
  8. Cảm ơn cuộc đời đã cho con tiếp xúc vs văn, thơ của cô... Yêu tất cả những gì liên quan đến cô...

    ReplyDelete
  9. Ngày đá đơm bông...
    Bài hát cũ của những ngày Chiến tranh tàn khốc... Giờ Cô Tư lại hát trong thời hoà bình này. Vẫn khắc khoải đau, vẫn khắc khoải hy vọng... Vẫn tin rồi có ngày đá cũng đơm bông!

    ReplyDelete
  10. CHÚT TÌNH RIÊNG CHO LỤC BÌNH
    (Viết để cám ơn em Tư Sầu riêng nhân đọc bài LỤC BÌNH trên blog em năm 2009!)


    Một đêm buồn thao thức, bỗng dưng nhớ quay quắt tiếng chim vịt kêu chiều; nhớ cả mùi thơm hăng hắc và mấy cái gai nhọn “thấy ớn” - Nguyễn Ngọc Tư.
    Bởi nhớ quê, nên lân la vào blog của cô nàng “Sầu riêng”.
    Ngạc nhiên và thú vị thấy mấy cái bông tim tím thân quen lạc vào đó. Nghe em tả lục bình với nỗi niềm se sắt mà chị ứa nước mắt. Vậy ra, không ai hiểu lục bình bằng em Tư Sầu riêng.
    Yêu lục bình, thì càng yêu Nguyễn Ngọc Tư.
    Nghe Tư nói “mắc gì tiếc thương cho chúng” bà con đừng có tin, em ấy mắng yêu lục bình đó thôi.
    Chỉ những trái tim hồn nhiên mà lãng mạn; gai góc mà nhiều tình cảm như tụi mình mới yêu thương lục bình đến vậy, Tư nhỉ?
    Đọc bài viết và ngắm mấy cái bông lục bình lênh đênh của em Tư đi, bà con mới thấy không có xứ sở nào đẹp bằng xứ sở miền Tây của tụi tui; mới thấy không có loài hoa nào đẹp bằng lục bình tím trôi trên muôn nẻo sông dài. Ai yêu lục bình thì hãy yêu luôn cái nỗi dùng dằng của nó khi đứng trước cửa biển. Ngay khi đã ra khơi, đã hòa vào biển người mênh mông thì trong lòng vẫn khôn nguôi nuối tiếc một dòng đời quanh co đã nuôi lớn mình với biết bao kỷ niệm vui buồn.
    Thương lắm, nhớ lắm, nhưng xa lắm…dù từ thành phố Saigon tìm tới mấy con sông quẩn quanh xóm nhỏ chỉ ngót ngét vài trăm cây số.
    Thương lắm, nhớ lắm, nên dù có đi đâu ở đâu Ngọc Tư và tui cũng nhớ ngọn gió đồng mênh mang và những gương mặt không quen biết miệt mài trên thửa ruộng tràn trề nắng. Nhớ làn khói chiều quyện chái bếp thân quen của Má mình từ hồi năm nẫm, và những con sóng đỏ ngầu vào mùa nước lụt tràn bờ.
    Miền Tây đương vào mùa lũ lụt đó.
    Những khúc sông nhỏ có thể nhấn chìm nhà cửa, ruộng nương; có thể nhấn chìm những chiếc xuồng câu mỏng manh và gieo tang thương xuống những mái nhà…
    Sông có bỗng dưng nổi điên, thì lục bình vẫn nương theo sự hung hãn của con sóng, vừa đi vừa nở cây nở hoa, dịu dàng một màu tím, dung dị và dễ thương lắm bà con ạ!
    Tụi tui nhớ quê, nhưng quê của những dòng sông có bông lục bình “xa lắm”.
    Xa, vì công việc bộn bề không thể năng lui tới viếng thăm.
    Xa, vì thường khi cao lương mỹ vị, người ta (trong đó có tui) rất dễ quên lâu rồi mình không được ăn con cá con tôm tươi rói của miền sông nước Tiền giang, Hậu giang.
    Thấy quê xa lắm, vì có khi đi đâu đó, hái về một nắm lục bình tím, tỉ mẩn cắm vào cái lọ sứ bóng bẩy, lọ vẫn trơ dáng lọ, còn hồn hoa thì đã bay biến đi đâu mất tiêu.
    Bông lục bình chỉ “hút hồn” người ta khi nó được “cắm” trên những dòng chảy …Cho nên, xin ai đó đừng nỡ “cầm tù” cây lục bình trong những rào chắn, ao đầm. Sẽ tiếc cho dòng sông và cũng tội nghiệp cho đám lục bình nữa à.
    Tui không đẹp, nhưng ai gặp cũng nói tui có cốt cách của người thành thị.
    Hỏng tin đâu nhe! Thử ngắm cái bông tim tím dân dã trôi lên trôi xuống trên dòng sông quê, mới thấy hết vẻ đẹp của một loài thủy sinh hoang dại. Vì vậy dẫu sinh ra ở Saigon, lớn lên ở một miền quê, rồi bươn chải ở nhiều thành phố, nhưng tui vẫn muốn ôm cái gốc quê hiền hậu chân chất đã ăn sâu, bám rễ trong máu thịt của tui rồi!
    Cám ơn nhiều Tư ơi, chị Lục Bình là cái bông tím bình dị và gần gũi của xứ sở sen hồng đầy tình thương mến thương của nhà thơ Thu Nguyệt nè!

    SG, tháng 9 năm 2011
    Lucbinh795 (fb Thanh Thuy Duong)

    ReplyDelete