Jul 2, 2016

Không mùa

Tháng Sáu, những bà mẹ đổi chỗ đợi con từ cổng trường sang nhà riêng giáo viên dạy hè. Trên đầu bông điệp tây đang nở rộ, như bầy bướm mê sảng từ đâu về đậu rợp. Biết là mùa của mình, bông tha hồ cháy.

Nhờ mưa và điệp tây thay áo, những bà mẹ bôn ba còn chút ý thức về thời gian. Bởi cuộc đón đưa con chẳng khác chi quãng tụi nhỏ còn trong học kỳ, lịch trình dày mịt. Nghỉ hè, với học trò thành phố, là dời chỗ học. Chuyện đó bình thường đến nỗi chẳng còn ai bồn chồn hỏi kỳ nghỉ của tụi nhỏ đã lạc đi đâu.

Và những bà mẹ vẫn ngày mấy lượt cắp con đi về, trong cái thời tiết khó đỡ, bên này cầu đang nắng, qua sông mưa phủ đầu. Nhưng tới chừng đám nhỏ lớn khôn, mẹ khỏi phải đón đưa chắc gì đã sướng. Ngoài kia đầy bất trắc, níu cổng nhà ngóng con có khi còn cực lòng hơn.

Nghe những bà mẹ này đưa chuyện, mới thấy sống là bươn bả không cách nào ngừng. Ngày này ríu vào ngày kia, thành một chuỗi bất tận. Không bận tay chân thì bận tâm. Không mùa, đời người dằng dặc không rào vách. Thời gian của người được tính bằng những sự kiện kiểu như sinh con, cất nhà, chuyển cơ quan, nghỉ hưu.

Một bà mẹ sực nhớ mình từng có mùa, hồi con nít. Mỗi năm được chơi đã đời ba tháng. Hết hè rồi vẫn còn ngây ngất, gặp chữ mà bụng vẫn còn để ở dế, diều, bắt ốc, tắm ao. Tụi bạn dân chợ sống bên kia cầu Phán Tề cũng mang thẹo mới vô khoe, đọ coi ai đen hơn. Đứa đen nhất là đứa cực ngầu.  

Đó là khoảng thời gian thật sự khác biệt, độc lập với những ngày còn lại trong năm. Giống như quãng gấu ngủ đông, bàng thay lá, chim di trú. Bây giờ ngó lại, thấy mùa như cuộc tái sinh. Sang mùa là mình lại mới tinh, háo hức như sống lần đầu.

Nhưng cũng không kéo dài mãi, mùa của học trò vô lo nghĩ nhiều lắm năm bảy năm, là hết. Ngủ, khoảng thời gian buông bỏ ấy lại quá sức ít ỏi, không thể tính là mùa. Tết, người ta hay lấy đó làm mốc tính thời gian, gọi mùa cũng không phải. Bà mẹ nọ nhiều bận trốn nhà đi chơi, tự tìm mùa cho mình, nhưng trốn xa tận chỗ nào đến giờ vẫn gọi về nhắc con dậy học bài, cẩn thận ngó chừng cửa nẻo, đồ ăn trong tủ lạnh nhớ hâm nóng trước khi ăn.

Tưởng chỉ đa mang thì người ta sống mới không mùa, nhưng ngó thầy Tuệ ở đằng chùa Huệ Nghiêm, cũng kinh kệ xuyên mưa nắng. Mấy anh ham chơi hay nhậu, lấy gì phân biệt cuộc say này với cuộc say kia ?

Nhìn các mẹ ngồi đợi con tan học, ảo giác như thời gian chẳng nhúc nhích đi đâu. Bất chấp mưa tháng bảy hay nắng tháng ba nực nồng, mẹ Tâm tranh thủ thêu tranh chữ thập, mẹ Trúc lặt mớ rau, mẹ Thọ bán đặc sản qua mạng nên níu điện thoại nói lăng líu. Lại có người đọc sách, không góp nói, chỉ góp cười, bồn chồn nghe lóm.

Có nhiều ước mơ, vì lý do nào đó mà mấy bà mẹ bỏ dở, giờ muốn con làm thay. Không thể học lơ mơ mà đủ cho hai người, nên mẹ đưa con tới các lớp học hè, quyết liệt như đi vào cuộc chiến không được bại. Đứng thứ ba trong lớp cũng chưa được, sang năm phải cầm chắc hạng nhứt. Có mẹ nhà giàu, chẳng thiếu gì ngoài tự tin, nên con thi chữ đẹp toàn thành cũng làm chị sướng quá chừng. Một dạng mẹ khác, ít thôi, mang con đi học hè để nó có cơ hội nhìn mặt người, thay vì nhìn ti vi. Bà mẹ kéo cô giáo ra một góc, dặn cô cứ để em nó học cho vui, không cần áp lực gì đâu. Cô nhìn mẹ như người mới rớt từ trời xuống.

Chỉ thằng nhóc đó, lúc tan học còn chút sức mỉm cười. Đám nhỏ kia mặt héo, kiếng cận trễ xuống mũi không thèm đẩy lên, ngáp ơi hời. Xe máy nổ giòn, những bà mẹ mang bầu đằng lưng, mang con đi đến trồng nhà cô giáo khác, hy vọng ở đó đứa nhỏ nhận được chút dưỡng chất trần gian. Vẫn còn một môn học nữa mới tới giờ cơm trưa.


Những giáo viên dạy thể dục, giáo dục công dân hay những cô mẫu giáo, nhận lấy mùa hè trong man mác, cảm thấy ít nhiều thua thiệt, bất công khi nhìn bao đồng nghiệp mình sống không mùa. 

7 comments:

  1. Đã lâu lắm không vào thăm em, không biết em đã biên xong cuốn tiểu thuyết mới nào chưa :D

    ReplyDelete
  2. Đọc bài của chị thấy bùi ngùi nhớ tuổi thơ rong chơi 3 tháng hè của mình mà tội tụi nhỏ bây giờ quá?

    ReplyDelete
  3. Cô ơi, đọc bài nào của cô con củng có cảm giác gợn buồn, có phải nổi buồn đã thấm nhuần vào văn phong của cô?

    ReplyDelete
  4. Thiết nghĩ con trẻ bây giờ "thiệt thòi" hơn trẻ con ngày xưa...khi mà phải đeo trên lưng những chiếc cặp nặng trịnh, thời gian rảnh thì cắm mặt vào tivi, điện thoại... Bài viết của cô để lại nhiều suy ngẫm ! Cám ơn cô :)

    ReplyDelete
  5. Thầy Tuệ ở chùa Huệ Nghiêm :)))

    ReplyDelete