Dec 27, 2007

Nhìn nghiêng thì thấy gì

NHÌN NGHIÊNG NGUYỄN NGỌC TƯ

Lethieunhon.com

Tôi đang cùng đi với Nguyễn Ngọc Tư trên con đường chữ nghĩa. Chúng tôi hào hứng với bản thảo, chúng tôi chộn rộn với áo cơm và thỉnh thoảng cũng mệt mỏi với thị phi, nên lắm lúc tôi quay đầu sang chỉ nhìn thấy Nguyễn Ngọc Tư một cách nghiêng nghiêng!

Lần đầu tiên tôi gặp Nguyễn Ngọc Tư cách đây cũng gần 10 năm rồi. Ngày ấy tôi là một cậu sinh viên báo chí, được tòa soạn THT ưu ái xem như một phóng viên, nên có dịp lang thang khắp nơi. Tháng 3.1998, tôi tham gia trại viết Cây Bút Vàng của Bộ Công An đi thực tế ở Cà Mau. Tôi được phân công về huyện Ngọc Hiển, nơi có doi đất chìa ra biển gọi là Đất Mũi mà thi sĩ Xuân Diệu ví von “ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm”. Khi dắt tôi về nhà khách, Thiếu tá Nguyễn Văn Tươi - Trưởng Công an huyện dúi vào tay tôi cuốn Bán Đảo Cà Mau: “Tạp chí văn nghệ của tỉnh tui nè. Ông cầm mà đọc, ở đây buồn lắm!”. Đêm thị trấn Năm Căn buồn thật, 7 giờ tối đã không còn bóng dáng chiếc xe lôi cút kít nào trên con lộ bê-tông nữa. Ngồi nhìn ra con sông Cửa Lớn ì oàm sóng thỉnh thoảng có tiếng xuồng máy xé nước mãi cũng chán, tôi lôi Bán Đảo Cà Mau ra đọc. Tờ báo mỏng tanh, đọc nhoáng đã hết, nhưng có cái bút ký đọng lại, mà nếu trí nhớ của tôi còn tốt thì hình như có tên là Cái Nước xa xôi. Tôi nhìn tên tác giả, ba chữ lạ hoắc: Nguyễn Ngọc Tư!

Kết thúc đợt thực tế, tôi quay lại thành phố Cà Mau. Trong buổi gặp gỡ với văn nghệ sĩ của tỉnh, tôi tò mò hỏi về người có bút danh Nguyễn Ngọc Tư, lập tức có ai đó chỉ cho tôi một cô gái ngồi khép nép góc phòng. Tôi đến gần chào, cô gái có nước da ngăm đen đúng “mốt” miệt vườn và khuôn mặt hiền lành toét miệng cười toe. Tôi giới thiệu đang “công tác” ở THT, Nguyễn Ngọc Tư có vẻ…ngưỡng mộ: “Ông ngon lành dữ! Không biết chừng nào tôi mới được in bài trên báo Sài Gòn!”. Tôi được dịp trịnh trọng: “Cứ gửi cho tôi!” rồi lúi húi lấy giấy bút ghi địa chỉ tòa soạn cho Nguyễn Ngọc Tư. Sau đó chia tay và… không thấy bài nào gửi từ Cà Mau, cho đến tháng 8.1998 thì lại gặp Nguyễn Ngọc Tư ở Hội nghị nhà văn trẻ toàn quốc tại Hà Nội. Tôi chộp được, hỏi ngay: “Sao không thấy gửi bài?”. Nguyễn Ngọc Tư cười: “Tui viết toàn chuyện nhà quê, sợ người ta không in!”. Tôi chưa kịp 'đốp” lại thì Nguyễn Ngọc Tư nói nho nhỏ với điệu bộ cực kỳ nghiêm trọng: “Người ta xếp tui chung phòng với Nguyễn Thị Châu Giang. Trời ơi, tui hâm mộ chỉ lắm! Mà sao chưa thấy chỉ đâu?”. Cũng may, lúc đó Nguyễn Thị Châu Giang vừa tay xách nách mang đến nơi, tôi bèn “bàn giao” lại: “Đây là cô bạn Cà Mau, chung phòng với chị, chị chiếu cố nhé!”. Chuyện đến đấy kết thúc, vì phụ nữ nói gì với nhau, tôi không tiện nghe, nhưng trông hai người có vẻ quý mến nhau!

Bất ngờ hai năm sau, Nguyễn Ngọc Tư đoạt giải nhất cuộc thi Văn học tuổi hai mươi với tập truyện “Ngọn đèn không tắt”. Và đến Hội nghị nhà văn trẻ toàn quốc năm 2001, Nguyễn Ngọc Tư đã được mọi người chú ý nhiều. Còn đến Hội nghị nhà văn trẻ toàn quốc năm 2006 thì Nguyễn Ngọc Tư trở thành tâm điểm với “Cánh đồng bất tận”. Bây giờ Nguyễn Ngọc Tư đã là tên tuổi ăn khách trên thị trường sách, người hâm mộ có thể kể tên rất nhiều tác phẩm cũng như những chuyện đời tư của cô ấy còn chi tiết hơn cả tôi.

Gần 10 năm trôi qua, ông thiếu tá Nguyễn Văn Tươi tặng tôi cuốn Bán Đảo Cà Mau đã lên chức Phó Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau, còn tên tuổi Nguyễn Ngọc Tư cũng bay đi khắp nước. Tuy nhiên, Nguyễn Ngọc Tư “ngôi sao” thế nào không biết, nhưng đối với tôi, cô ấy vẫn là một người bạn chân thành, vui vẻ và sâu sắc. Nhiều lần gặp nhau ở Sài Gòn hay Cà Mau, tôi nhắc lại cái lần đầu tiên đọc bút ký của Nguyễn Ngọc Tư trên Bán đảo Cà Mau, tác giả “Cánh đồng bất tận” giải bày: “Hồi nhỏ, tôi thích làm nhà báo, vì nhà báo có vẻ rất oai. Nhưng khi viết tác phẩm đầu tiên khoảng năm 1997, tôi thấy viết văn cũng có cái thú vị của nó. Quan trọng là mình cũng có chút… năng khiếu. Ông chưa được đọc tác phẩm đầu tay của tui đâu. Đó là một truyện ngắn thiếu nhi, có tên là “Đổi thay”, tui viết chuyện người ta chặt cây xanh để làm đường, và trẻ con không có chỗ leo trèo, không có chỗ trú nắng, trú mưa!”.

Nếu tính từ cái truyện ngắn thiếu nhi “Đổi thay” thì Nguyễn Ngọc Tư đã có 10 năm cầm bút thực sự. Thật mừng, nghề văn đã không phụ Nguyễn Ngọc Tư. Những trang viết không chỉ giúp cô đưa cái tình người, tình đất nơi cực Nam tổ quốc đến với mọi miền, mà còn cho cô một khoản dành dụm mua đất, cất nhà. Tất nhiên, để có một ngôi nhà khang trang xây dựng giữa năm 2007 thì Nguyễn Ngọc Tư cũng vay thêm một ít từ ngân hàng, và mỗi tuần cô lụi hụi viết báo để…trả nợ. Bây giờ cô có một cái bàn viết mới hơn hẳn cái bàn viết nhỏ trong căn nhà cũ chống chếnh mép kênh, liệu có gì thay đổi trong giọng văn rặc Nam bộ của cô không? Tôi tin là không. Bởi lẽ chính Nguyễn Ngọc Tư đã khẳng định sự “tuyệt đối yên tĩnh” cho một người cầm bút một cách thấu đáo: “Lấy chồng bảy năm, bảy năm bỏ quê ra thành, bảy năm trôi trong dòng âm thanh hổn độn, bảy năm thấy ngộp thở, bảy năm ao ước sự yên lặng, bảy năm nghĩ ở môi trường nào đó mình có thể viết hay hơn... Vậy mà giữa lúc thinh lặng trong căn chòi giữa đồng lại thấy trống vắng, nhạt nhẽo, thấy chới với như con cá bị bắt khỏi nước, thấy việc chui ra đây hơi bị… cầu kỳ. Con người ta đúng là hay đứng núi này trông núi nọ, nghĩ lại không biết chừng nào mình mới yêu quý, thoả mãn những cái mình có đây. May nhờ có những ngày này, thênh thang giữa đồng khơi, mình với mình cun cút vắng tanh mới nhận ra việc chồng hiền, nhà xấu, nhà nghèo, hoàn cảnh chung quanh tác động chẳng ăn nhập gì với chuyện viết… dở. Dở là dở, chẳng tại ai hết…”

Thần tượng văn chương của Nguyễn Ngọc Tư là Bình Nguyên Lộc. Có lần cô giải thích cô thích văn Bình Nguyên Lộc vì đề tài ông ấy khai thác dễ thương, dễ hiểu và dễ cảm. Khi dư luận rộ lên truyện vừa “Cánh đồng bất tận” gai góc và quyết liệt, Nguyễn Ngọc Tư cũng lắng đi một dạo. Cô ít viết truyện ngắn, mà chuyển sang ngụp lặn với tản văn. Nguyễn Ngọc Tư đủ bản lĩnh để đương đầu với mọi chuyện dù cay nghiệt nhất, dù bẽ bàng nhất. Tuy nhiên, cái cứng rắn đó không đồng nghĩa với tranh biện va chạm. Nguyễn Ngọc Tư co mình lại, không phải sợ hãi mà chỉ muốn nhìn lại bản thân: “Có rất nhiều truyện tôi viết rồi quẳng dưới đáy tủ. Tôi sợ khi bạn đọc thấy nó, bạn đọc sẽ thấy mình bị xúc phạm, không được tôn trọng. Tôi xem văn chương để trút bỏ cảm xúc nặng trĩu trong lòng, nhưng khi viết ra rồi mình càng nặng nề hơn thì tác phẩm ấy thất bại là cái chắc. Nếu tự chọn vài trang viết ưng ý, tôi chọn những tác phẩm khi viết xong thấy lòng vui, cảm động. Ví dụ như “Nhà cổ” hay “Một trái tim khô”, hay “Thương quá rau răm” hay “Cải ơi”!”.


Người cầm bút, tránh sao được những giây phút cô đơn. Người cầm bút ở tỉnh nhỏ như Nguyễn Ngọc Tư càng dễ cảm giác trống vắng hơn. Đã có nhiều lời mời cô lên TPHCM làm việc, nhưng cô vẫn kiên quyết: “Tôi gắn bó với nơi này vì thói quen, vì sự thân thuộc, chứ chưa hẳn tuyệt đối vì yêu. Không khí tỉnh nhỏ hợp với tui, nếu tui sống trên Sài Gòn chắc tui phải ra đường…bán bắp nướng!”. Mỗi chiều ở Cà Mau, Nguyễn Ngọc Tư hay đi nhậu với…các ông bạn già, để nghe những chuyện đời của họ. Đó là cách cô thực tế cuộc sống, cách nạp năng lượng cho trang viết mới. Nếu không nhậu với mấy ông bạn già thì cô dắt cậu con trai mà cô gọi là “ông bạn nhỏ Huy” đi lòng vòng. Cái guồng quay tưởng chừng tẻ nhạt ấy vẫn mang đến cho cô một miền hạnh phúc bình dị. “Ông bạn nhỏ Huy” rất kháu, hình như cũng biết mẹ mình viết văn nổi tiếng, nhưng Nguyễn Ngọc Tư ưu tư theo hướng khác: “Mai mốt nếu được, tôi biểu nó chọn nghề khác. Văn chương làm người ta già cỗi trước tuổi. Tôi biết sự cơ cực khi luôn phải sống với muôn nỗi vướng bận trong lòng, không lúc nào là thanh thản, thoải mái”.

Khi Nguyễn Ngọc Tư mới xuất hiện, nhiều người đón già đón non rằng cô viết hết mấy câu chuyện loanh quanh vùng sông nước sẽ…trắng tay. Không ngờ, càng ngày cô càng mở rộng biên độ sáng tác của bản thân. Càng viết càng chứng tỏ một tài năng thiên bẩm, cái thứ tài năng tràn từ rung động người cầm bút ra trang giấy lênh láng mà không cần bất cứ thủ pháp tô vẽ nào. Liệu Nguyễn Ngọc Tư có trở thành một nhân vật văn chương tầm cỡ như vài anh tài phương Nam là Sơn Nam, Nguyễn Quang Sáng, Đoàn Giỏi hay không? Tôi chẳng dám tiên liệu, nên vài dịp hỏi Nguyễn Ngọc Tư có ấp ủ nhón sang lĩnh vực tiểu thuyết chăng? Cô chỉ cười, nét cười lặng lẽ và hồn hậu: “Tôi chỉ rành về những con người nhỏ bé và lam lũ. Tui không biết về chợ búa, quan chức nên tui xin đầu hàng trước đề tài…tham nhũng. Khái niệm tiểu thuyết đối với tui vẫn là một cái gì đó rất lớn lao. Tui chưa đủ tự tin để động tay đến. Tui tập mỗi ngày đều viết. Tui viết vào lúc lòng bình lặng và thoải mái, thời gian nào không quan trọng. Viết với mối lo, làm sao đừng để tụt lại!”

Trước khi hoàn tất những dòng cuối cùng cho bài này, tôi nói với Nguyễn Ngọc Tư: “Tôi viết về bà theo cách nhìn nghiêng của tôi. Còn bà, khi nhìn thẳng mình, thì bà tự thấy thế nào?”. “Khổ chủ” nơi cuối đất Cà Mau rành rọt: “Chỉ cần ba chữ là ra tui rồi. Đó là đen, buồn và hơi khùng!”. Tin được không nhỉ? Thì cứ tạm tin như vậy, vì Nguyễn Ngọc Tư vẫn chưa dừng lại, vẫn đang băng băng lối riêng trên con đường văn chương Việt Nam những năm đầu thế kỷ 21!

Muối : Cảm ơn Nhơn đã nhìn nghiêng tôi, dù ở góc độ đó chưa thể gọi là thấy. Tôi chờ người không nhìn tôi, dù nghiêng hay thẳng mà thấy tôi.


2 comments:

  1. Chị Tư ơi, em thích đọc truyện của chị viết quanh quẩn xóm làng, nông dân này nọ dữ lắm, hì...

    Còn chuyện chị có trở thành Sơn Nam hay Đoàn Giỏi hay không không quan trọng với em, quan trọng là chị có cái phong cách riêng của mình, đừng có lẫn vô người khác nghen!

    Ủng hộ chị Tư!!!

    ReplyDelete
  2. Anonymous1/07/2008

    Tui thích câu cuối của Tư.

    ReplyDelete