Sep 10, 2008

chỉ là ghi lại một trưa...

Chị ào qua cửa. Và từ cái buổi trưa nắng đỏ, trong cái xóm nghèo Năm Căn đó, tôi biết đến một bà mẹ khác với hình dung quen thuộc khi nghĩ đến mẹ, những gầy, những hiền lành, những dịu dàng, những đau khổ... 
Chị mập ù, ngồi oằn cả một góc ván. Chân mày mỏng. Đứa bé bốn tháng tuổi trên tay gầy và xanh. Chị vừa cho nó bú vừa hút thuốc. Khói thuốc phì ra mũi lúc chị cười, trong cái bảng lảng, cứ như khói cũng tuôn từ mắt chị. Đứa bé điềm nhiên miết vào vú mẹ, dường như nếu chỉ có mùi sữa, mùi mồ hôi, mà thiếu mùi thuốc lá thì nó cũng chẳng nhận ra mẹ. Chắc đã nhận được quá nhiều lời cằn nhằn lẫn ái ngại cho việc phì phèo khói thuốc của mình, chị dụi tắt thuốc, cười khà khà phân bua, “ghiền hồi nhỏ rồi chế ơi, bỏ không được…”.
Nụ cười hồn nhiên, bầu vú cũng hồn nhiên khoe sự đầy đặn của mình. Áo vén cao không lấp lửng, khách khí. Tôi nhìn hai đứa con lớn nheo nhóc đứng cạnh, tôi nhìn bà mẹ nhỏ tuổi hơn mình, có cái gì đó xót xa đến mức lời lẽ cứ lạc đi đâu.

Tôi cứ tưởng sẽ gặp nhiều nước mắt, gặp nhiều vật vã, bởi đứa bé kia, núm ruột của chị, khi năm mươi ngày tuổi đã bị ông hàng xóm xâm hại tình dục. Chị kể lại chuyện đó với một vẻ tự nhiên, như một bà mẹ nói về vụ trớ sữa của con mình. Hoặc chị đã phải kể nhiều lần, vắt nước mắt nhiều lần rồi, ngay sau khi bi kịch xảy ra. Buổi sáng gửi con đi chợ mua cá, lúc về thấy nó tím tái, xốc nó thì máu từ miệng trào ra theo cái bao tay người ta đã dùng chẹn cứng cổ họng nó cho khỏi gào khóc. Lúc về thì cơn bão sẽ ở lại mãi mãi trong căn nhà thuê tồi tàn và ọp ẹp của chị.

Nhắc đến kẻ bất nhân, chị chửi thề giòn tan, giọng giòn tan, ông già sáu mươi chín tuổi đó chắc là ma quỷ nhập, chớ con chị mềm như cục bông gòn, vui sướng gì mà nỡ lòng… Chị cũng giống tôi, không tin con người lại làm vậy. Chị đòng đưa đứa bé gái bất hạnh trong tay, nựng nịu nó cưng ơi cưng à rồi nói chơi chơi, “mấy bà xóm tui chọc, tại con mầy đẹp quá, nên có… rể sớm… Thằng rể lớn tuổi hơn ông ngoại vợ”. Tôi muốn cười với chị, thật lòng, nhưng vo hoài cũng không thành. 

Tôi bệu bạo hỏi tên ông hàng xóm vô đạo, chị ngơ ngác day qua hỏi chồng, “tên gì, ông ?”, thấy khách tròn mắt ngạc nhiên, chị cười, “cứ kêu chú bảy chú bảy mà không để ý ổng họ gì…”. Hai bữa trước tòa án gọi chị lên, hỏi, chị có đòi bồi thường gì không, chị chưng hửng, thằng chả nghèo còn hơn tui nữa mà lấy gì bồi thường. Thôi, khỏi. Chị đốt lại điếu thuốc hút dở khi nảy, bàn tay vung lên lượn một vòng khói, “có đòi năm chục ngàn chưa chắc có, cùng là dân ở nhà mướn, biết nhau quá…”. 

Tôi tắt máy ảnh, tôi đã bật nó với hy vọng được ghi lại những giọt nước mắt lăn trên mặt chị, như tai tôi cũng mong chờ được nghe những lời than thở buồn rầu. Những biểu hiện mà tôi nghĩ, một người mẹ phải như thế như thế. Nhưng tôi không đợi nữa, vì dù không một chút nào tỏ ra đau đớn bi lụy, chị vẫn là một bà mẹ đúng nghĩa, đẹp và gây xao động như tất cả những bà mẹ trên đời. 

Suốt buổi nắng, bà mẹ chỉ thắc thỏm chuyện con gái mình xanh xao quá, “lúc sanh nó được hơn bốn ký lô đó chế, giờ ốm tong vầy…”, rồi mẹ khùynh tay ngó lại mình, đượm buồn, “còn tui thì ú ì. Ai cũng nói tui ăn hết phần của con…”. Nghe như lời tự trách, làm mẹ to khỏe mà cũng không bảo vệ được con mình. Và suốt buổi nắng, bà mẹ không hề tỏ ra lo lắng chuyện trinh tiết, phẩm giá, chuyện con gái mình mai kia sẽ lớn lên với một vết thương…

Tôi không ngạc nhiên, hôm nay là đám giỗ mẹ chị, một bà mẹ nghiện rượu và chết vì ngộ độc rượu. Chị còn thằng em trai suy dinh dưởng, tuổi mười ba héo hắt như trái mướp khô. Tôi không ngạc nhiên, khi ở cái xóm lao động nghèo này, vét nồi bữa sáng đã lo gạo cho bữa chiều. Những người nghèo và không được học hành như chị cứ bị cuốn trong những bi kịch nối tiếp bi kịch, họ buộc phải học cách đau có hơi khác thường, nhưng cần thiết để giữ sống. 

Tôi chỉ thấy lạ chính mình, sao mà mình nhớ chị lâu vậy, nhớ giọng nói giòn tan, điệu bộ vung tay khẳng khái, bầu vú cứ hồn hậu áp vào mặt đứa con mặc đèn flash máy ảnh lóe lên. 

Bà mẹ chỉ quan tâm, con mình cần bú, và nó thì quá gầy gò sau một biến cố không ngờ. Cũng có vài chuyện cần thiết nữa, đứa con gái lớn đã tới tuổi vào lớp 1, thằng con trai kế với dị tật trên mắt không biết có chữa được không. Những điều cần cho tâm hồn, lúc no mới nghĩ tới được...

11 comments:

  1. Anonymous9/10/2008

    Lam nha van kho qua phai khong Tu ? Thay & cam nhan noi dau cua nguoi khac doi luc that nang ne.

    AH

    ReplyDelete
  2. Trời ơi! CON người...

    ReplyDelete
  3. Điều rút ra là... tác giả không kể cấu chuyện hình sự đến độ báo chí cũng né, không có chữ để tường thuật; mà là...hình như là, khả năng tự làm lành vết thương của cuộc sống, cuộc sống chịu đựng được hết, tha thứ được hết, và sẽ hồn nhiên như vậy mà đi !
    Phải không hè ?

    ReplyDelete
  4. Anonymous9/11/2008

    Cuộc sống trong văn của Tư cứ hồn hậu như con người miền Tây vẫn vậy mà làm tôi thấy nghẹn trong lòng. Và tôi cảm thấy như Tư cũng đang nghẹn thắt ruột trước vẻ như "tưng tửng" mà cũng nhân văn làm sao của người mẹ trẻ ấy.

    Cũng muốn chia vui với Tư về tin Tư được nhận giải văn học...gì gì đó nhưng đâu cần đầy đủ cả tên cái giải đó nhỉ? "Mang chuông đi đấm nước người" mà chuông kêu vang vang thế là sướng rồi. Tư nhỉ?

    ReplyDelete
  5. Anonymous9/12/2008

    Hôm trước nhân xem bài có hình em bé (mà Tư đã xóa) tôi viết một entry trên blog của mình cũng nhận được nhiều ý kiến chia sẻ. Trong đó có comment của chị Thủy Cúc bên báo Tuổi Trẻ, tôi nghĩ nếu mình có dịp phổ biến, thì cũng là việc thiện, dù không mong chuyện chẳng lành ấy xảy ra. Comment ấy như sau (trích):

    "...- Mình nhớ có lần trao đổi với cố BS Trần Bồng Sơn. Ông ấy nói một ý rất hay là ở tất cả các vụ hiếp dâm trẻ em, hậu quả thế chất (chuyện trinh tiết) hầu như không có , vì lúc đó cơ thể các bé chưa phát triển đầy đủ. Chỉ có cái hậu quả tinh thần là trầm trọng, do chính cha mẹ , người thân của nạn nhân, hoặc dư luận gây nên. Chứ bản thân bé (những bé quá nhỏ) cũng sẽ quên được, nếu đừng ai nhắc đi nhắc lại. Mỗi lần mình gặp một vụ án HDTE nào, cũng đều cố gắng truyền đạt cái ý kiến này của BS Trần Bồng Sơn cho cha mẹ , người thân của nạn nhân... nhưng không biết là có tác dụng không?"

    ReplyDelete
  6. May : hinh nhu ban hieu lam chu 'trinh tiet' trong bai nay.

    ReplyDelete
  7. Anonymous9/13/2008

    À, trước hết cảm ơn Tư có hồi đáp.
    Có thể tôi chưa hiểu hết ý bạn, trong bài này. Nhưng rất muốn mời Tư xem entry tôi viết, theo link này.

    http://blog.360.yahoo.com/blog-ArnJDyY5eq9FMf4Vnp.ALzW9?p=5278

    Tôi cho rằng chúng ta có cùng suy nghĩ. Có thể bạn sẽ không có nhiều thời gian để xem, cũng xin hiểu rằng không phải tôi đang cố tình tăng page view. Đơn giản bởi vì tôi nghĩ rằng mình có một quan tâm chung nào đó.

    ReplyDelete
  8. Anonymous9/14/2008

    Nguoi Viet minh thuong hay noi "ngheo hen". Nguoi ngheo thi hen. Chu ngheo di voi chu hen.

    Vai nam nua, khi em biet di, biet chay, em se bi ban o cac dong o Sai Gon, o Cambodia. Cung vi chu ngheo di doi voi chu hen.

    Neu em may man hon, duoc nhung thang Taiwanese, Korean, "mua" ve de lam "vo".

    Tam than nho xiu em, bi giay vo.
    Ma chinh em cung khong hieu, tai sao minh bi lam nhung chuyen nhu vay.

    Em khong co tieng noi, vi chua biet noi. Ma ngay ca Bo Me em cung khong co tieng noi vi ngheo.

    Cai xa hoi ma em dang song, khong cho nhung nguoi ngheo nhu em duoc lam "NGUOI". Dieu nay de hieu thoi.

    ReplyDelete
  9. Anonymous9/16/2008

    Trời ơi! Tui đọc mà rơi nước mắt...!

    ReplyDelete
  10. Tư hay quá! Có phải chữ "Trinh tiết" trong bài này là nói về nỗi đau tinh thần?

    ReplyDelete