Dec 1, 2012

Một chỗ nương tựa




Bà mẹ kể rằng lúc bà qua Hàn Quốc giữ cháu cho con gái đi làm, thấy nó thường xuyên bị chồng và gia đình bên chồng đánh đập, chửi mắng thậm tệ. 

Nghe kể tới đó, tôi nghĩ chắc là nghe lầm. Hoặc bà mẹ cứ lảm nhảm vu vơ trong lúc trộn thính vô mớ cá rô để làm mắm mà hoàn toàn không ý thức được mình đang nói gì. Nhưng bà mẹ lại nhấn mạnh lần nữa, rằng nhiều lần bà thấy thằng rể ngoại quốc đối xử tệ với con gái (đã đẻ hai đứa con kháu khỉnh cho chồng), đánh con gái bầm mặt mũi chân tay, thậm chí còn bóp cổ nó muốn ngất xỉu. Chi tiết này được bà mẹ kể với chú Ba, thím Bảy, bà dì Út…, không sai lệch một chút nào.

Tôi tò mò không biết trước cảnh ấy, bà mẹ đã làm gì ? Bà mẹ phản ứng dữ dội và bảo con gái hãy trở về, làm lại cuộc đời ? Phía trước còn dài lắm, duyên trời dun rủi biết đâu sẽ lại lấy một tấm chồng tử tế, không thì cứ ở vậy, má nuôi. Không đi đường hoàng được thì trốn, đừng có sống cái đời sống tủi cực này, dù là một ngày. Bà dọa với con rễ và bên nhà thông gia là sẽ đi kiện, sẽ cầu cứu chính quyền (chỉ cần bà dọa thôi, còn làm hay không, biết cách hay không thì tính sau). Hay bà mẹ sẽ ngọt lạt bảo con thôi cố nhịn cho ba má lâu lâu đi Hàn Quốc chơi, bên này kiếm tiền nhiều hơn ở quê, gom được kha khá rồi về, bị đánh chửi thì coi như không, ba mày hồi trẻ cũng đánh chửi tao suốt, nhằm nhò gì.

Thắc mắc quá, không biết bà mẹ phản ứng kiểu gì trong suốt thời gian ở Hàn Quốc chứng kiến con cháu bị ngược đãi thậm tệ (như lời bà kể), nhưng rõ ràng bà thấy núm ruột của mình không hạnh phúc. Bà có giúp nó không ?

Ngay từ khởi đầu của bi kịch, thử hình dung bà mẹ nói gì khi con gái báo tin sẽ lấy chồng. Một ông chồng mặt mũi lạ hoắc nói năng bằng thứ ngôn ngữ lạc hoắc, cách biệt hai mươi tuổi và mới gặp nhau có ba ngày trên một cái chợ mà cô dâu bị săm soi như người ta coi vịt có bơm nước hay không. Cô dâu ấy là con gái mẹ, nó còn trẻ dại, ham vui, tin vào những bộ phim Hàn Quốc chiếu trên ti vi với cảnh đẹp lung linh và những anh chàng Hàn chung tình ấm áp, nhưng mẹ có tuổi, lẽ nào không lo âu với cuộc hôn nhân mù mờ trời đất này. Lẽ nào bà mẹ không băn khoăn như mẹ của mẹ từng thấp thỏm khi đàn trai đến dạm hỏi, “tao thấy thằng đó được, nhưng ông ngoại nó mê cờ bạc, không biết bây có phải chịu khổ không ?”. Tôi biết có những mối tình lận đận chỉ vì nỗi ngờ ngờ “hồi đó ông nội nó có ba vợ”, hay “bà con bên nhà đó toàn dân bất hảo, dọ kỹ nghen bây”. Tôi biết những bà mẹ, con lấy chồng ngay bên sông thôi mà buổi lễ xuất giá hai mẹ con còn ôm nhau khóc ròng. Bà mẹ của cô dâu Hàn này chắc cũng khóc trong hôm con gái lấy chồng, nhưng cái cách bà để nó đi vào cuộc hôn nhân mang tính chất bán mua thì thật kỳ lạ. Cái bản năng bảo vệ, bao bọc cho con cái chắc không biến mất, nhưng bị che lấp ở đâu đó, không biết bà mẹ có từng như gà mẹ, xòe cánh bảo vệ cho bầy con mỗi khi thấy bóng ác là chao rờn rợn trong vườn ? Hay hồ hởi, rốt cuộc mình cũng có thằng rễ ngoại kiều y như bà Tư đầu xóm, như ai đó ở xóm Lung, ai đó đằng xóm Chẹt trong một phong trào rầm rộ mà mấy ông nhà báo chơi chữ gọi là “chảy máu cô dâu”.

Thật lòng tôi ước ao bà mẹ đã ít nhất một lần ngăn con đi lấy chồng xa xứ, đã từng cố kéo nó khi thấy rơi vào vũng lầy của cuộc hôn nhân, đã từng cầu cứu với bà hội trưởng phụ nữ kiêm hàng xóm, hoặc ông trưởng ấp kiêm láng giềng – những người tương đối hiểu luật chút ít để nghe họ tư vấn xem làm cách nào can thiệp là tốt nhất. Không thể chờ đợi ở chính quyền, họ là người dưng, họ bảo họ là đầy tớ của dân là nói vui thôi, nhưng những thành viên trong gia đình làm gì để bảo vệ cho ruột thịt ?  Bà mẹ đó ít nhất phải làm một việc gì, dù nhỏ, thí dụ như giựt cây chổi dứ đánh thằng rễ hung bạo, hoặc nếu sợ cái cảnh thế cô trên đất khách thì cũng lấy thân mình che đòn cho con nó đỡ đau và biết đâu thức tỉnh cái thằng người kia một chút gì bằng cái gọi là tình mẫu tử. Giống như đứa bạn ốm yếu cùng xóm mỗi khi thấy tôi bị bắt nạt nó cũng biết co giò chạy đi cầu cứu người lớn. Những hành động dù yếu ớt, nhưng đủ để con gái nhớ rằng nó còn có chỗ nương tựa, để trong lúc quẩn trí nhất, tuyệt vọng nhất nhìn cái chết đang giơ tay chào đón ở mặt đất, cách chỗ nó đang đứng một khoảng không chóng mặt được đo bằng mấy chục tầng lầu, hay lúc thần chết ngoắc nó từ đáy sông sâu, đứa con nhớ ra mình còn người thân để nương tựa.

Không phải đâu, chắc không phải bà mẹ chỉ vô tư vào ra trong cái nhà tường (được xây bằng tiền con gái gửi về), làm hủ mắm cá rô, vỗ béo bầy gà, mua đầu lân, sắm máy lạnh… để chờ đến cuối năm con cháu bồng bế nhau về ăn một cái Tết linh đình. Những biểu hiện của tình thương yêu đó, có vẻ ghỉ sét quá, so với những trận đòn tươi xoi xói mà bà mẹ biết chắc rằng đang trút lên đầu con gái mình ở nơi nào đó, xa xôi…

Thảm kịch của cô dâu Việt này có một lộ trình rõ ràng, phơi trắng ra dưới nắng, đâu phải như phim kể về đứa con giả vờ mình có đời sống hạnh phúc, cho cha mẹ yên tâm vui hưởng tuổi già.

30 comments:

  1. huynhthaison12/01/2012

    Đọc nghe buồn quá Tư ơi !

    ReplyDelete
  2. Anonymous12/01/2012

    Rất đồng ý với Tư. Tôi thấy trong câu chuyện đau lòng này cũng 1 phần lổi của cha mẹ cô ta, thương tâm nhất là bao nhiêu con gái VN mình cứ nhìn phim ãnh của Hàn Quốc và Đài Loan rồi nhắm mắt đưa chân vô con đường chết.Q

    ReplyDelete
  3. Anonymous12/02/2012

    Chị Tư có thể có bài phân tích sâu hơn về nguyên nhân này không (ảnh hưởng từ những Phim Hàn, Đài). Chị là người miền Tây nên hy vọng có cái nhìn rõ hơn
    Nhiều khi đọc các báo thì chỉ thấy phê phán thực trạng này nhưng chưa báo nào nói rõ ra được nguyên nhân căn bản và giải pháp nhằm thay đổi
    Cảm ơn chị

    ReplyDelete
  4. Phim Hàn Quốc coi mãi cũng nhàm, nhưng trên các kênh ti vi đài nào cũng thấy chiếu phim Hàn Quốc. Văn hóa nước Việt thì không quảng bá, chỉ thấy quảng bá giùm các nước khác, mà có hay ho gì đâu. Nước ta thật sự chưa có một cái nền vững chắc để từ đó mà đi lên, nếu chỉ vay mượn của người khác thì mình không còn là chính mình nữa.

    ReplyDelete
  5. Gửi mấy bạn bị tui xóa còm : tui là gái Nam gốc Trung.

    ReplyDelete
  6. Trong những cái bi kịch đại loại như này, em thấy lỗi 100% là do các ông bố bà mẹ. Không có nói trăng sao, tại bị gì hết, nhân nào, quả đó. Nếu không tham sân, si ,sỹ thì đâu đến nỗi mất con.

    ReplyDelete
  7. Đọc lại nhớ phim "không chốn nương thân" của Mỹ. Cái tựa này áp cho cô gái vợ Hàn này đúng tắp.

    ReplyDelete
  8. "MẸ".1 tiếng kêu đau của con là mẹ xót rồi nói gì đến chuyện con mình tan nát tả tơi!mà người dưng còn xót nói chi là mẹ.thôi thì nói theo tâm linh đi,chắc kiếp trước cô này mắc nợ nên giờ phải trả!!nợ tiền,nợ tình,nợ tùm lum nên mới thảm thương vậy!giờ thì cổ nợ lại 2 đứa con,nợ 2 mạng sống mà cổ quyết định đem theo!đời buồn quá!!

    ReplyDelete
  9. Chuyến xe nào về Cà Mau tui cũng gặp cảnh một anh Hàn đang vật nhau với mấy câu: Tôi yêu cô ấy vì cô ấy hiền lành và dễ thương.
    Chán!
    Nhưng cũng là một lựa chọn. Ở nhà với tình hình tôm tép mất mùa, hụi hè thất bát...thế này thì khổ trước mắt.

    ReplyDelete
  10. Em gái miền Tây12/03/2012

    Cũng vì khổ quá muốn đổi đời thôi,mà không biết rằng mấy thằng Hàn nó mất dạy lắm không có nhân tính đâu . Bởi vậy tui không bao giờ xem phim Hàn xạo không , làm ăn tiếp xúc với tụi Hàn rồi mới biết rõ tụi nó giang hồ lắm. Chỉ có dân mình hiền lành ,dễ thương thôi chị 4 ha !

    ReplyDelete
  11. Lổi không ở mấy người nông dân thất học ,lổi ở hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam và cao hơn nửa .

    ReplyDelete
    Replies
    1. Anonymous12/21/2012

      Đúng vậy đó bạn nhan Tranviet ạ. Nhà dột tại nóc thủng. Cái bọn Hội liên hiệp phụ nữ chỉ lo ve vuốt bọn trên để được làm " bình hoa di động" kiếm chác cho bản thân, chứ bọn nó có quan tâm gì đến hạnh phúc hay phát triển của phụ nữ Việt Nam đâu. Còn cái bọn trên nữa thì cũng mải lo vơ vét cho bản thân, gia đình. Hội họp ăn nhậu suốt ngày, thì giờ đâu mà biết phụ nữ Việt Nam bây giờ thế nào.

      Delete
  12. đọc báo mình cũng suy nghĩ giống vầy, ứ hự.........

    ReplyDelete
  13. thiếu nữ miền đông12/04/2012

    bổng dưng hơi buồn buồn vì cái..."GỐC", làm tự hào đó giờ vì dân Nam - Miền Tây cũng có người sáng danh chữ nghĩa....

    ReplyDelete
  14. 4 à......4 ko cần highlight thì em cũng hiểu 4 cũng đau xót lắm mà.......khi viết ra những dòng kia............haiz...........................

    ReplyDelete
  15. Anonymous12/07/2012

    Chi Tu viet van hay cuc ky.
    Em me chi Tu lam lam.
    Chi ao uoc sao co ngay duoc nam tay chi mot cai,chup voi chi tam hinh va duoc chi ky cho mot cai ky niem vao sach.

    ReplyDelete
  16. Trong "Vợ chồng A Phủ", Tô Hoài có viết câu này khi tả nhân vật Mị: "Sống trong cái khổ, Mị quen khổ rồi." Cái khổ không chừa một ai đâu, không những vùi dập mà nó còn bào mòn con người nữa, nhiều cô Mị được tạo ra từ đấy. Nhiều cái khắc nghiệt đến từ cái gọi là cuộc sống bóp nghẹt hành động của con người rồi, có thể họ có nghĩ, nhưng họ không dám làm (thời này nhiều người vậy lắm), ý tưởng thì không ai đánh thuế, bắt phạt (trừ cái nào bị gài)còn hành động thì... ngay từ bước đầu tiên đã bị câu kéo bởi vô vàn khó khăn, vô vàn quy tắc luật lệ. Con thông cảm cho bà mẹ, cho dù bác ấy có không làm gì, vẫn tiếp tục cuộc sống nơi quê nhà một cách bình thường. Nhưng con tin bác ấy không phải vô tâm, có tâm nhưng ngoài cái tâm đó, không có thêm gì cả.

    ReplyDelete
  17. Thấy đắng lòng...

    ReplyDelete
  18. Anonymous12/14/2012

    xót...giận...và thấy mình bất lực

    ReplyDelete
  19. Anonymous12/15/2012

    Qua kinh nghiệm của một vài gia đình VN ở vùng Toronto, Canada thì các cô dâu Việt nhập cư đúng là được chính quyền bảo vệ tới mức. Dùng lời thô tục, la mắng vợ đã đủ là lý do để đưa anh chồng ra toà, lãnh án. Vuốt má vợ không phải lúc, không được vợ đồng tình ( khiến vợ nổi xung gọi 911!) thì những phiền toái với cảnh sát, với toà án, cộng với những chi phí chạy luật sư đủ khiến các ông chồng phải...chùn tay ( nguyenchan.wordpress.com).

    ReplyDelete
  20. Thế rồi những bà mẹ cũng sẽ nửa đêm thức giấc nhờ tới con mình mà thở dài. Tiếc rằng sao mình không làm 1 cái gì đó, thật là anh dũng và 1 lần rồi thôi để con mình bớt khổ, rồi thôi... chịu thôi.

    ReplyDelete
  21. buồn quá... hụt hẫng quá...! câu chuyện nào của chị cũng vậy...

    ReplyDelete
  22. 1/ Hiện có 160.000 cô dâu Việt ở Hàn và Đài Loan. Đã có khoảng 20 vụ án gia đình đã xảy ra và có thể khoảng 10 % gặp khó khăn. Tỉ lệ này so với Việt Nam nhiều hay ít?
    2/ 98 % cô dâu Việt ở Hàn và Đài đều là người đồng bằng Cửu Long. Đó là vì phụ nữ đồng bằng Cửu Long xinh đẹp, dễ thương, chịu khó. Không phải ngẫu nhiên mà đàn ông Hàn, Đài đều chọn phụ nữ đồng bằng Cửu Long.
    3/ Bất chấp cảnh báo từ những vụ án thê lương, phụ nữ đồng bằng Cửu Long vẫn tiếp tục lấy chồng Hàn, Đài Loan. Đó là vì họ không còn con đường nào khác. Dù biết trước nguy hiểm, họ vẫn lên đường. Nếu chẳng may cùng đường thì họ sẽ chứng minh bằng cái chết: “không được hành hạ tôi”. Họ không sợ khổ cũng không sợ chết. Cái chết đôi khi không phải là sự cùng khổ mà là danh dự.
    4/ Chính quyền và xã hội Hàn Quốc - Đài Loan đều hiễu rõ sự xấu hổ mang tính chất dân tộc nếu một cô dâu Việt bị đày đọa tại xứ mình.
    5/ Người Việt tỏ thái độ rất khác nhau. Người lên án “nỗi nhục quốc thể”. Người khinh khi các cô dâu. Người bày tỏ đau thương, tiếc nuối. Người cố gắng ngăn cản dòng chảy các cô dâu. Nhưng thực tế là chẳng ai giúp được gì cho các cô dâu ngoài chính họ.

    ReplyDelete
  23. thiếu nữ miền đông12/23/2012

    Ngay cái mục đích lấy chồng để "tị nạn" kinh tế đã không mấy "trong sáng" rồi. Đàn ông Đài, Hàn..đủ sức lấy vợ sở tại đâu vất vả đi xứ khác chi cho mệt. Họ (hoặc gia đình họ) cũng mong muốn có một câu dâu tốt, một cuộc sống tốt chứ.
    Rõ ràng là một hợp đồng hôn nhân đầy rủi ro cho cả 2 bên.
    Lấy chồng ở VN cũng đầy những “ca” đỡ không nổi, đàn ông VN cũng khối kẻ dã man, đánh vợ như đánh kẻ thù, mấy cô dâu VN tại…VN tự tử cũng có, ôm con quẳng xuống kênh cũng có, ức quá đốt chồng luôn (!)
    Sáng nay báo TT đưa tin, có một anh Hà Nội trấn nước con 10 tháng tuổi, bỏ vô bao ximang đem ra sau hè…trát ximang !
    Nếu số thống kê kia đáng tin cậy thì còn khoảng 159.999.980 cô trong đó 143.999.982 cô chưa gặp khó khăn...hỏi coi trong 143.999.982 cô đó có ai muốn về Việt Nam làm ruộng? làm công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất? nếu chịu về thì làm …đến chừng nào xây được nhà cho cha mẹ?
    Sự việc nào xẩy ra cũng đau lòng, mỗi người mỗi cảm nhận, đừng quá gay gắt, những nước văn minh họ cũng muốn giảm bớt tiêu cực xã hội.
    Thôi thì nhìn vào hiện tượng “SPY-NHÍ” mà lạc quan về những đứa trẻ gốc Việt.
    Rất thích cách Tư bày tỏ “tiên trách kỷ hậu trách nhân”

    ReplyDelete
  24. thiếu nữ miền đông12/23/2012

    xin lỗi mấy con số: 159.980 và 143.982 hic

    ReplyDelete
  25. Đọc những tác phẩm của chị Tư luôn làm em bị ám ảnh mãi...
    Cảm ơn chị đã cho em một góc nhìn mới!
    Cảm ơn và chúc chị mạnh khỏe, đủ mọi điều :)

    Chị xem thử video này và hi vọng có thể giúp em một câu chuyện về nó được không ?

    http://www.youtube.com/watch?v=YrMHCm31XXg&list=UUnMBdgOtD931K3IWcRo11zg

    Cảm ơn chị nhiều!

    ReplyDelete
  26. Tui ở gần khu phố Đại Hàn (bây giờ gọi Hàn Quốc) Queen NewYork,Dân Hàn 90% từ trai đến gái xấu hoắc nếu không nhờ dao, kéo, silicon.

    ReplyDelete
  27. Anonymous11/17/2013


    Có con mà gả chồng xa
    Trước là mất giỗ ,sau là mất con
    Có con mà gả chồng gần
    Có bát canh cần nó cũng bưng cho

    ReplyDelete
  28. Hoi dan ong viet, neu cac ong khong ruou che, co bac, say xin, danh vo thi phu nu viet co csn fai di lam dau xu han, dai ko? Neu cac ong thuong phan gai viet, la nhung chi, nhung em, nhung con, nhung chau, nhung hang xom cua ta, lam on thay doi chinh minh di, de gai viet duoc nho.

    ReplyDelete