Jun 23, 2007

Ông ngoại

Tui không nhớ mình đã gặp nhau trước đó chưa, ở đâu, và ông ngoại trông thế nào, nhưng tôi tin chắc chắn, câu “có chiếc máy bay quân sự rơi, phía kia…” mà ông ngoại nói khi đi ngang qua tui là lời nói đầu tiên trong lịch sử ngoại giao của hai đứa ta.

Lúc đó tàu dừng lại khá lâu, và qua cửa kính của toa tàu, tui nhìn thấy một đoàn người dài, và đông như kiến kéo nhau đi ra từ một con đường làng, như thể họ chui ra từ những rặng cây, bờ ruộng, họ đi mãi đi mãi, không dứt. Tui thắc mắc, không biết chuyện gì, ông ngoại đi thị sát về, ngang qua vẻ mặt ngơ ngác của tui, và ông ngoại giải thích.

Ông ngoại cười tuyệt đẹp, không thể giải thích được nó đẹp làm sao, có thể như trẻ con nhoẻn cười, hơi buồn, có thể thấy sự tinh quái, nhưng nhẹ như không, và cuộc đời này bỗng dưng chẳng là cái đinh gì nữa. Lúc mới lên tàu, gặp nhau chỉ cười. Tui thậm chí không dám chào, vì sợ, sợ tất cả những người viết trẻ ở Sài Gòn, bởi cảm giác họ không thích mình. Bởi mình được lăng xê hơi quá so với cái tầm viết của mình (mặc dù mình chẳng chạy “cửa sau” để đạt được điều đó). Họ không thích bởi lối viết bản năng, bởi mình ít học, bởi mình không giao du. Mình cũng sợ ông ngoại vì ông viết quá thông minh, mà giữa thông minh và không thông minh là một quãng xa, nên nghĩ ông ngoại (như những người thông minh khác) đang đứng trên cao, khi dễ mình.

Nên ông ngoại chỉ cười, và nói mỗi câu liên quan đến… máy bay suốt những ngày hội nghị. Và chỉ cười thôi, nhưng lòng tui cảm thấy ấm áp, một người viết văn trẻ Sài Gòn cười với tui, vậy là ổn rồi.

Tui không mong gì nữa, nên một bữa mừng quýnh thấy tin nhắn của ông ngoại, rất lễ phép, gọi chị ơi chị à. Ông ngoại nói tui cười giống một em bé buồn. Ông ngoại nói là một em bé buồn trong cái quãng tui chông chênh, ngu ngơ không biết mình là ai. Và ông ngoại bảo tui là một em bé buồn. Tui cảm động muốn chết giấc. Không ai, kể cả tui có thể nhìn thấu tới tui như vậy. Một em bé buồn.

Tất nhiên là ông ngoại chẳng biết được những gì tui nghĩ. Kỷ niệm của hai đứa cũng chẳng có gì để kể, một lần ông ngoại tới quán cà phê ở Hội An thì tui đứng lên chuẩn bị đi, một lần nhậu với nhau ở Cà Mau, ông ngoại phải ngồi chồm hổm trên ghế vì quá trời muỗi, một lần uống cà phê ở Sài Gòn, vào cái quán mị trong hẻm, tui cũng quên là nó tên gì. Những cuốn sách ông ngoại tặng. Kể nhau nghe vài góc đời. Nhắn mấy cái tin lộn gan lộn ruột. Đọc nhau trên báo. Hết.

Ông ngoại đi nhiều, thông minh, học nhiều, cái gì cũng biết, tui toàn ru rú xó quê, ít học, ngơ ngác, cái gì cũng không biết, vì vậy tui ngưỡng mộ ông ngoại, thật lòng. Như thể đó là cuộc đời mà tui mơ ước, nhưng vĩnh viễn không bao giờ đạt tới và ông ngoại đang sống thay tui. Những tin nhắn tới lui đôi lúc làm buổi chiều của tui rực rỡ. Dù ủi đồ hay đang nấu cơm thì vẫn rực rỡ, ấm áp. Có thể đổi thù (là tui nghĩ vậy, áp dụng với tất cả người viết Sài Gòn, nhưng là thù đơn phương, người ta thù tui chứ tui chẳng bao giờ) ra bạn, nên tui quý. Cũng có thể vì tui đang miên man quay quắt, tui đứng giữa thiên khơi mà không ai thấy tui, ông ngoại thấy, tui quý. Cũng có thể do ông ngoại cười quá đẹp…

Giả thuyết này càng được khẳng định thêm, khi gặp lại ông ngoại lần thứ hai. Tui mắc cỡ. Trời đất ơi, tui toàn đi ghẹo trai mà bây giờ lại mắc cỡ, vậy mới điên. Mắc cỡ vì đã nhắn những cái tin ởm ờ thương nhớ, mắc cỡ vì khi gặp lại thấy mình giống như đã… chọc ghẹo trẻ vị thành niên. Tán tỉnh ông già ? Không sao cả, nhưng chọc ghẹo ông ngoại thì… khả ố thật.

Sau đó thì ông ngoại về, sau đó thì nhớ ông ngoại. Sau đó cảm thấy cái sự nhớ này đầy… nguy cơ. Có thể gọi, nhắn tin với bất cứ ai nhưng luôn dằn vặt trước số máy của ông ngoại, nên ? không nên ? Nói gì cho đỡ.. lãng xẹt, vô duyên ? Mỗi tuần, lật tờ báo quen coi bài của ông ngoại để biết lúc này ngoại đi đâu, về đâu. Mỗi lần thấy hình ông ngoại nhoẻn cười (hoặc không nhoẻn cười) tui cũng thấy rực rỡ. Sao mình giống iêu đơn phương quá vậy trời, tui hoang mang.

Hay vì tui quờ quạng trên con đường đời mù mịt mây mưa, bỗng dưng ông ngoại hiện ra bất ngờ, mang gương mặt, nụ cười bình thản, lảng đảng đi bên cạnh tui một quãng. Và điều đó làm tui tưởng người trên đời này chết hết rồi, nên muốn chạy theo ông ngoại cho có bạn ?

Và bây giờ thì khoẻ rồi, tui nhận thấy cái giả thuyết sau, tức là giả thuyết “mù mịt mây mưa” là hợp lý, và cái sự nhớ ông ngoại cũng quá chừng đơn giản, tui nhớ thằng bạn dễ thương. Vậy thôi. Hú hồn hú vía.

Vậy mới dám đưa cái bài này lên blog này.


5 comments:

  1. Anonymous6/22/2007

    Tu oi,
    Da qua! Gap Tu roi.
    "Ong Ngoai" la ai vay? De chut nua minh doc lai. Bay gio moi vo toi so. Bi duoi viec thi nguy to!

    ReplyDelete
  2. Ong ngoai la ong ngoai. Chac chi ong ngoai moi biet ong ngoai la ong ngoai. Boi neu minh noi duoc ong ngoai la ai thi minh da noi ong ngoai la ai roi. Roi ram qua.

    ReplyDelete
  3. Anonymous6/22/2007

    "tui nhớ "thằng bạn" dễ thương.."
    Tu oi, co dung that la "thằng bạn" khong?

    ReplyDelete
  4. Anonymous6/22/2007

    Du that long khong phai "tui nhớ thằng bạn dễ thương" thi co gi phai
    "Hú hồn hú vía"
    ha Tu.
    Bay gio la 5 gio 26 phut sang o ben do. Toi qua Tu ngu co ngon khong?
    Co bao gio mo thay "thằng bạn dễ thương" khong?

    ReplyDelete
  5. Khong, boi vi bay gio co thang ban de thuong khac roi. tom lai, tui co nhieu thang ban de thuong (tui toan choi voi dan ong, con trai)

    ReplyDelete