“Tóc nào hãy còn xanh…”
Tạp văn
Có lần ngủ dậy, tôi ngậm ngùi bò đi lượm những sợi tóc rơi rớt trên drap, chị bạn ngạc nhiên, “ai dè liều mạng, bậm trợn như mầy mà cũng biết tiếc từng sợi tóc”. Tôi cười, “tụi nó là một phần của em mà”.
Người nói câu hay ho đó đã sống hai mươi lăm năm mà không biết tóc cũng thuộc về mình. Cô ta hàng ngày thấy nó cùng với gương mặt mình trong gương, chải chuốt, thỉnh thoảng cô ta cũng đi tiệm cắt tỉa chút đỉnh. Nhưng với cô ta, tóc cũng như áo, quần. Gội tóc chỉ vì muốn cái mùi hoa lài đó khiến người đi sau phải hít hà, cắt tóc để cho gương mặt đỡ khó coi, và một cái dây buộc tóc thật đẹp cũng vì muốn thu hút cái nhìn của người đời.
Nên trong suốt thời xanh trẻ của mình, mái tóc tôi thuộc về cái nhìn của người khác. Tóc suôn mộc bà ngoại ưa. Tóc ngắn dễ chạy nhảy, sau này các chị ở cơ quan thích, khen “nhìn trẻ trung lắm”. Và có dạo tóc dài, cũng để cho ba vui.
Ba thích con gái tóc dài. Ba có cô cháu gái, tóc chảy khỏi thắt lưng. Hồi đó, thấy ba thương chị, cứ nghĩ một phần do mái tóc. Tôi nhìn còn thích, nói chi… Nhất là những buổi chiều lơ thơ nắng, nhìn chị gội tóc ở sàn sau. Chị ngồi dong dãi, trước mặt là cái chậu nước nhỏ, chị xỏa tóc vào đó, lộ ra cái cổ cao, phơ phất những sợi tóc con. Phải mất năm bảy gàu, nước mới ướt đến da đầu. Rất thong thả, chậm rãi và từ tốn, bàn tay chị nhẹ nhàng như múa trên mớ tóc, trên tấm khăn lau, cảm giác như ta có thể thổi bàn tay đó bay đi được, dù chị có quá nhiều chuyện phải làm trong buổi chiều, nấu cơm, quét nhà, rửa chén, giặt giũ, rồi đóng các cửa, thắp nhang trên bàn thờ…
Sau này, khi tóc tôi đã quá nửa lưng, tôi nhận ra nuôi được mái tóc dài cần có một bàn tay dịu dàng, tâm hồn dịu dàng, tính cách dịu dàng. Tôi chẳng có chút nào. Một bữa má rầy, con gái con đứa gì tóc tai xấp xãi, sẵn đang nực nội, khó chịu, tôi đi tỉa phứt cái đuôi tóc đã bắt đầu chảy xuống khỏi bờ vai. Cắt lìa một thứ không thuộc về mình, tôi chẳng ngậm ngùi lâu.
Cái con bé ngồi ne nép bên bờ rào, với hai lọn tóc dài rốt cuộc chỉ là một ký ức lưu lại trên tấm hình cũ. Lâu lâu giở ra coi lại, mắc cười vì bộ quần áo năm ấy coi sến quá, sến chảy nước mắt. Lâu lâu giở ra coi lại, mắc cười vì cái mặt mình khi đó khờ ịt. Và lâu lắm mới lại giở ra coi, hết hồn, trời ơi, mình đã từng có một mái tóc xuân xanh.
Đó là lúc tóc bắt đầu xơ xác. Hay trước đó chúng đã lìa bỏ âm thầm mà tôi không biết. Một bữa lùa tay vào, cảm giác tóc đã mỏng không còn đan kín được bàn tay. Má nói, ừ, sinh con xong tóc ai cũng rụng, không ít thì nhiều. Hóa ra, mấy mươi năm trước, một phần tóc má cũng rời đi khi tôi chào đời. Mấy mươi năm trước nữa, ngoại đã ngậm ngùi nhặt tóc mình trên chiếc giường ấm sực lửa than.
Chỉ là những tế bào chết, nhưng chúng cũng làm nên cuộc hy sinh. Cái ý nghĩ đó làm tôi ngậm ngùi. Không phải là tóc người dưng, tóc của mình đây, cái sợi vừa rớt xuống vai. Và không phải chỉ vì thằng nhóc nhỏ xíu đang khóc cười kia mà tóc rơi. Chúng lìa đi khi tôi cau có, giận dữ, khi tôi mất ngủ, ngập đầu vào những trang viết, nhốt mình trong những cuộc họp tẻ nhạt, khi tôi thấy mình đang rất nhớ ai. Và khi ngồi cầm sợi tóc rời, thương đến nỗi nhìn nó cảm giác vẫn còn tươm máu, thì lại có những sợi tóc khác buông tay cho sự nuối tiếc này.
Có lần ngồi gội đầu, sững sờ nhớ ra mình đã mất nhiều hơn là mấy sợi tóc kia. Sự hồn nhiên tươi tỉnh. Vài đứa bạn xưa. Mấy người quen cũ. Nhặt tóc còn có thể nhìn thấy mất nhưng có những cái mất khác không nhận biết được. Mỗi ngày nhìn thấy người thân ra vào, lui tới, bỗng một hôm phải nhấc điện thoại lên hỏi, ba ơi, ba sinh năm nào ? Ba cách má bao nhiêu tuổi ?”, giềng mối còn, nhưng cảm giác về nhau đã mất. Đôi khi lần khân một chuyến thăm, vì nghĩ, người còn ở đó chớ có đi đâu, không hay những sợi dây liên kết tan chảy từng ngày.
Không dấu vết nào để lại cho những cuộc mất. Cho đến tóc rơi, nhắc nhớ cái cách người ứng xử với người. Chỉ có thể nhặt những tàn tích và ký ức để ngậm ngùi, để ngó mình mà tử tế hơn.
Vì chẳng bao giờ trở lại mái tóc xa xanh năm trước. Buồn xo. Nhớ hai câu thơ của Tô Thùy Yên đã chép lâu rồi, “…Một buổi vuốt tóc mình. Nghe sướt ghê lòng tay…”, nghĩ, mình sướt cả khúc lòng chứ, phụ nữ mà. Gặp người chị họ trong một đám giỗ, ngó tóc chị vẫn lướt thướt trên lưng, khen, tóc chị đẹp làm em phát thèm. Chị day lại cười, “đẹp thì cũng chẳng làm gì, chị muốn được như em…”. Để chị sẽ có một mái tóc thưa, sẽ nghe được tiếng trẻ nhỏ gọi mẹ, mẹ ơi. Tiếng kêu mà quá nửa đời người chị và chồng mong chờ trong vô vọng.
Mười năm trước, trong khi gội đầu, chị dạy tôi cách yêu thương những gì thuộc về mình, tôi không học được. Mười năm sau, chị dạy tôi biết ngọn núi mình đang đứng cũng rất cao. Tôi cố học điều đó. Một bữa xế trưa, chạy về nhà thơ ấu, gầy rạc dán mình trên võng. Ba nằm toòng teng trên võng gần đó, bỗng ngồi dậy kêu lên, “trời đất ơi, sao tóc tai xơ cờ vậy ?”. Tôi cười và giấu mặt vào võng giấu nước mắt, khi không còn mái tóc dài lướt thướt, ba vẫn thương tôi hơn bao giờ hết.
Còn buồn chi nữa, đời muốn ta để dành buồn cho muôn vàn chuyện khác…
Hi chị Tư, không ngờ chỉ với vài sợi tóc cũng thành ra câu chuyện mà chỉ có những người tinh ý mới có thể nhận ra và viết như thế này.
ReplyDeleteEm thích cách viết của chị trước đây hơn, nhưng cái gì cũng thay đổi, giọng văn cũng thế, khi tuổi tác thay đổi, cách nhìn nhận vấn đề và giọng văn thay đổi là điều tất yếu.
Cám ơn chị về những cuốn sách ký tặng nhiều lắm.
Nếu chị rảnh vào blog của em chơi
http://360.yahoo.com/tuan0208
Chúc chị cuối tuần vui vẻ ;)
ENAT
trời, giờ mới được đọcc bài này, thấy hay quá, vì mình cũng là phụ nữ, có con nhỏ và ... bị rụng tóc sau khi sinh nó
ReplyDeleteTôi không nhìn thấy tóc,tôi chỉ thấy những sợi tơ lòng
ReplyDelete