tạp văn
Có lần, ngồi uống trà ở một ngôi nhà nằm trong con hẻm nhỏ ở thành phố Cần Thơ, tôi nói gièm, cháu viết gì đó về chú nghen, ông Lê Chí lắc đầu nguầy nguậy, thôi Tư ơi, chú thì có gì mà viết. Tôi nản lòng hết biết, một phần vì câu nói của người mà tôi nghĩ là thân thiết, một phần vì sự thật tôi biết quá ít về ông : thơ, quãng đời mà ông có khi tôi chưa sinh ra, thậm chí, tôi sẽ phải ngơ ngác, chú ơi chú sinh năm nào ?
Tôi đi lòng vòng ra sân, nhìn mấy con rùa nắp chạy rượt trong hồ nước, bỗng phát hiện mình biết cái người ở kế bên ông Lê Chí nhiều hơn. Người này ngộ lắm, cũng làm thơ, nghe chừng nổi tiếng… tương đương ông Lê Chí. Tên cũng hao hao, Lê Chi Sắc. Bạn cùng thời với ông uống vài ba ly vô nói vui, “thơ Chi Sắc hả, ừa, không thường đâu, trường phái “câu mâu” mà”. Tôi là lớp hậu sinh, đọc thơ ông rải rác in trên báo, thấy đúng là khó kiếm một câu chép lại để… dỗ dành người yêu.
Tôi gặp ông khá nhiều lần, nhưng trong ngăn ký ức tôi ngoài cái tên ông, thì trống trơn, không có hình ảnh cái của áo ông, hay nét mặt, giọng nói, nụ cười… Giữa những lần chào nhau, ông thường hỏi thăm ba tôi có khỏe không, và tự câu hỏi đó đã làm tôi đi tụt lại giữ một khoảng cách, vì ý nghĩ ông Chi Sắc này là bạn của ba mình, một người lớn.
Nhưng bỗng một ngày tôi nhận ra ông cũng có thể là bạn mình. Ông trẻ quá, nhìn cái kiểu ông hớn hở cầm hai giò lan dại mua ở bên đường, tôi nhớ mình hồi nhỏ gì đâu, nhớ nỗi vui má đi chợ về, mua cho mấy cái bánh ú, củ khoai mì. Cái cảm giác thấy được ông khiến tôi ngây ngất.
Và trong chuyến đi Tây Bắc dài thăm thẳm, ngày nào tôi cũng lặng lẽ lượm lặt chi tiết, hình ảnh ông rồi lục đục cất giữ vào cái ngăn mang tên Lê Chi Sắc. Là ông dắt tay cô gái Mường nhảy sạp trong một tối mưa mịt mùng bản Lác, những bước nhảy hồn nhiên, một chút bối rối, một chút ngượng ngịu, một chút thích thú. Tôi nhớ, ở điệu nhảy cuối cùng, ông đã kéo tôi ra khỏi cái góc nhà, và nỗi vui ông đầy tới mức tràn cả sang tôi. Hay cái cách ông giận dỗi vợ chồng chủ quán ăn dọc đường đã cư xử thô lổ, sau khi lua chén cơm qua quýt, ông bỏ ra xe ngồi một mình. Vẻ mặt rạng rỡ, mắt lấp lánh ánh cười trong một khuya rượu núi Simacai. Một trưa nắng cháy trên những dãy núi héo hắt, ông bước lên xe, trên tay là cây sim dại vừa nhổ bên đường, rễ cây còn ôm theo một chùm đất, ông cười, “về trồng bậy làm kỷ niệm chơi”.
Trên xe, cái góc ông cất đồ không lẫn được với ai, những phong lan, sim dại, tượng gỗ, vật dụng đan bằng mây, tre, cái ếp đơm xôi, tù và sừng trâu. Và đá. Có lần đi giữa đảo đá Jeju, nhà thơ Chim Trắng bỗng dưng nhắc, “trời ơi, phải có thằng cha Lê Chi Sắc ở đây, chả mê phải biết”. Mê đá, chuyến ta bà nào ông nhà thơ này cũng nhặt đá đem về, viết giấy dán lên, Lũng Cú, Hạ Long, Phú Quốc, Côn Sơn… Một bữa sửa nhà giấy rời ra, đá lổn nhổn cục nào như cục nấy, lượt đá ông nhặt sau “tai nạn” đó, ông viết chữ lên luôn cho… chắc.
Trong ngôi nhà quá rộng với một người nhưng quá chật với hàng hàng lớp lớp những mặt nạ gỗ, mặt nạ gốm, tượng nhỏ tượng to, cồng chiêng, trái bầu khô, chuông gió… ông luôn sống trong ký ức của những chuyến đi, của những vùng đất mà mình từng đến, của những người bạn, người thân. Những ký ức xanh tươi rất lâu. Bạn bè cũng nhớ ông lâu, nhớ hoài, vì đi qua một hòn đá lạ, một giò lan, một lọ gốm đất nung, một con… rùa, hay chỉ tiếng những thanh tre khô chạm vào nhau đinh đong… cũng nghĩ, ờ, Lê Chi Sắc thích mấy cái này lắm, hay chuông gió kia nhà Chi Sắc cũng có.
Nên trong lòng bè bạn, ông cũng tươi mới như những ngày đầu. Cái ngăn ký ức của tôi dành cho ông chẳng lâu sau đã chật. Nói về cái sự mê đi… chợ của ông thôi, tôi phải giữ trong mấy ngăn mới đủ. Tôi hình dung, nếu muốn bắt bí ông, hỏi câu “chú đã đi bao nhiêu cái chợ rồi ?”, ông sẽ ngẩn ngơ cười, “hỏi kỳ, sao nhớ hết ?!”. Đến một chỗ nào, ông nhà thơ luôn để ý coi cái chợ nằm đâu, và mình có bao nhiêu thời gian để ra… chợ. Chợ với ông không đơn thuần là chỗ mua bán, mà là chỗ chơi. Câu chữ ông dùng chính xác là vầy : “đi chợ chơi”. Có lần, xe mới dừng lại, ông đã xăm xăm đi, đám trẻ tong tả bám theo. Ông lội lòng vòng, quay xuống rồi ngược lên, đám trẻ mỏi chân, hỏi nhau, “Ủa, anh Chi Sắc đi đâu vậy ?”. “Đâu có biết, thấy đi kiểu hăng vậy là “có vấn đề” nên lội theo”. Đằng trước ông đã ngoặt vào một cửa hàng, ở đó người ta bán toàn tượng gỗ, mặt nạ gỗ, được chạm khắc bằng các đường nét thô sơ, nhưng sống động, huyền bí như vừa mới lấy ra từ những khu nhà mồ. Đám trẻ nhìn ông chống nạnh vừa thở vừa ngiêng ngó, mắt sướng rỡ, tự hỏi, ông làm sao biết được cái chỗ ngộ vầy trời.
Tôi có lần ghé nhà, đúng lúc ông vừa về sau khi đi một vòng qua Hà Tiên, Rạch Giá. Ông hí hửng khoe mấy con chuột đồng và bó hẹ nước mua ở chợ Vị Thanh, “trời ơi, mười mấy năm mới gặp lại hẹ nước”. Tôi mắc cười, như thể bó hẹ nước xanh nhuốt kia là cô Hường cô Huệ nào đó mà hơn mười năm trước ông từng yêu thương hò hẹn. Nhìn ông, rồi nhìn bó hẹ, tôi tự hỏi ông sẽ làm gì với nó, nấu canh, hay xào, hay ông cứ ngồi ngắm nghía, mà nhớ đồng bãi Cà Mau.
Về xứ lần nào ông cũng đi thẳng về quê, khi trở lại thành phố mới là khoảng thời gian cho bạn bè. Và đi chợ, không phải cái chợ lạ bán những món hàng lạ, mà là cái chợ quê xứ bày bán cá rô cá lóc, rau đồng, bông súng, bông so đũa, rắn rùa, tôm lụi… Quen thuộc, nhưng ông vẫn “đi chợ chơi”, để biết đâu, gặp rắn bông súng hay trái bình bát chín, ông sẽ “mua chơi”. Dường như ký ức về cái thời trẻ vụng của ông được lưu giữ trong những cái chợ như thế này, nên ông đi để nhớ đất xưa, nhà xưa, quê xưa. Còn tôi đi chợ là để mua gì đó cho bữa cơm trưa, nhưng có bữa đi qua cô bé ngồi với rổ năn bộp, tôi nhớ ông. Nhớ cái hình ảnh ông rảo lòng vòng trên những cái lối đi xem xép nước và bùn để đi kiếm chúng.
Bằng cách đó, ông sống trong tôi. Những ký ức về ông đôi khi cánh cửa không giữ được, chúng ào tới, xôn xao. Mấy đứa con gái theo hỏi ông làm sao mà trẻ lâu, bắc chước cái kiểu “ăn uống giản dị”, như lời ông nói. Mỗi sáng uống một cốc mật ong pha loảng, trưa ăn bữa chính, chiều mấy củ khoai luộc hay ít trái chuối xiêm. Mỗi tuần vài ba lượt ăn lá nha đam (gọt vỏ), xay chung với ít mật, ít trái dâu tây. Cũng không đơn giản lắm đâu, nhưng thích trẻ lâu nên bấm bụng làm theo. Rồi một bữa nhận ra, cái tâm hồn đã già từ thuở thiếu nhi của mình, già hoài không trẻ, thì níu kiểu gì cũng không có được vẻ mặt nhẹ nhỏm của ông, hay cái kiểu lè lưỡi, rụt vai cười hồn hậu.
Giữa hai bờ già – trẻ, ông qua lại tỉnh bơ. Mới hồn nhiên đó, bỗng dưng nghe ông cằn nhằn mấy người trong đoàn sao rề rà chậm chạp, tôi thấy ông đã ở bên bờ của ba tôi. Hay có lần ông rầy tôi viết cái entry hơi gay gắt trên blog, tôi buồn quá xách xe về, cảm giác ông không phải bạn – tuổi – ba – mươi thô vụng của mình, ông là người lớn, ông cách tôi một con sông. Buổi tối gặp lại, nghe ông rủ, sáng mai đi kiếm cái giỏ bàng đi… chợ chơi, tôi bỗng chênh chao, ông này đúng là bạn mình mà. Nghĩ kỹ thì ông khó tính, khó nổi bật lên trong những người khó mà tôi quen. Không phải là nhiều hay ít, mà là cái kiểu khác nhau. Cái kiểu của ông Lê Chi Sắc này, tôi ngán, vì đúng lúc cảm nhận của mình bị dẫn dắt vào cái trẻ trung, hồn nhiên, bỗng dưng ông sang bờ quay quắt làm mình đứng lại chơ vơ.
Mà ông nhanh lắm, sông rộng vậy nhưng ông bước qua bờ gọn hơ, bất ngờ. Hoặc là trong ông không hề có một dòng ngăn cách nào. Làm “mất lửa” nhiều người với kiểu câu “thôi nhỏ ơi, chú thì có gì đâu mà viết” nhưng ông lại ấm áp trước gánh hàng rong, người bán vé số, con chim sẻ, người chạy xe lôi. Coi cái cách ông dịu dàng với ký ức, với kỷ niệm, ai cũng nghĩ ông là người cũ, ở bên bờ cũ nhưng ông hiện đại không ngờ. Ông về xứ lần nào cũng có vài ba người bị ông rầy vì không sắm điện thoại di động, không chịu làm quen với máy tính, không vô mạng…Một chị cười ngất, nói chắc ông quảng cáo cho hảng máy tính nào đây. Ông cũng cười xòa, rồi nghiêm giọng, nói vậy chớ cái máy vi tính hay lắm, không tưởng tượng được đâu em ơi. Ông luôn tạo một con đường vòng, cứ nói vài câu là ông quay về ngay cái chủ đề đó. Với tôi, ông nhà thơ đã chớm bảy mươi này, chưa biết chat trong gmail, chưa biết nén file hình ảnh nhỏ lại để gửi kèm thư cho mau… mới là biểu tượng cho… IT. Tiếp nhận muộn màng, tự mày mò, tự khám phá công nghệ mới một cách kiên nhẫn và hào hứng, như thể ông đang tìm một giò lan đẹp, đến một vùng đất đẹp… Buông bó hẹ nước chuột đồng qua một bên, ông ngồi trước máy tính đọc và trả lời mấy cái thư, xử lý tin, bài cho website văn học đồng bằng rồi quay lại với hẹ nước chuột đồng, hình ảnh ấy sao mà ngộ.
Nhưng với ông nhà thơ này, đâu có gì ngộ. Bình thường thôi. Và cũng rất bình thường khi bạn bè một bữa ngồi làm việc trên máy tính bỗng nhớ ông, như đã từng nhớ ông khi gặp bờ rào đá, hoa cỏ lạ…
Tu nhien lai dang mot loat doc khong kip con may ngay kia den tham roi di ve tay khong :)
ReplyDeleteHôm nay nếu "cỏ không mọc" thì buồn biết mấy Tư ơi...
ReplyDelete