Dốc hết giọt can đảm cuối cùng, tranh đấu tới cùng mới tung được tấm chăn ra, hé cửa bước vào Viengxay ủ ê, đục mờ trong sương giá. Cái màu trời tưởng mới hừng đông, nên ngủ hoài, chui rúc hoài trong chăn, mở mắt vẫn sương hiu hắt, mụ mị trên núi, trên cây, trên những mái nhà gỗ im lìm sau hàng rào tre thưa xiêu xiêu.
Người Viengxay nói ba tuần rồi không thấy mặt trời. Dòng sông mùa đông đưa cái rét chảy len lỏi vào từng ngã đường heo hút, quanh co trong thung lũng. Rét còng cả lưng. Đi hết con dốc bỗng bớt lạnh, không biết vì mệt, vì cơ thể đã tự điều chỉnh được, hay vì đi ngang qua những cô bé áo đỏ rực, má đỏ rực, chân ríu trong váy, thẹn thùng chào khách, “Sabaidee !” ?!
Cảm giác nắng đâu đây với tất cả vẻ lung linh nồng ấm và rực rỡ của nó. Ngay cả không có mặt trời thì vẫn cứ nắng. Trên môi của những thiếu nữ, những cụ già, em bé, từng đóa nắng xòe ra. Đi sau nó là câu chào và cái nhìn lấp lánh của một khuôn mặt lấp lánh rựng lên dưới cái rét câm lặng. Cái nhìn thẳng tắp, nụ cười cởi mở đậm dấu trong mắt người. Không phải cái kiểu hững hờ, mặt ngó đâu đó mông lung chào cho có mà tôi vẫn thường gặp xưa rày.
Cười là một cách nói. Trong chợ, cười nghĩa là “Mua giúp tôi ít măng không ?”, cười nghĩa là “xôi còn nóng hổi đây nè”, cười nghĩa là, “cá này tôi bán rẻ thôi mà…”. Không cần chèo kéo chào mời, chợ thong thả đi vào chiều. Trên đường, cười nghĩa là “bữa nay lạnh quá”, cười nghĩa là “mình xấu lắm, đừng chụp hình”, hay “ở đây có lửa, mời ngồi vào cho ấm”…
Tôi không còn mong ngóng mặt trời, càng đi càng thấy ấm, càng thấy nhiều đốm nắng bên đường. Nắng thay đổi theo từng bước chân. Mới thấy cái nắng ban mai của những vạt hoa cải bất chấp thời tiết khắc nghiệt rạng rỡ trong những vuông sân thì cái nắng đỏ ánh ỏi sau mưa của đào phai lại hiện ra. Có rất nhiều đào trong những khu vườn, bên triền núi ra vẻ bâng quơ, hoang dại, như chẳng ai trồng tưới bao giờ, như chẳng hay là mình đẹp. Và hoa trạng nguyên mọc xen trong vạt cỏ úa cũng đỏ chấp chới bất chấp mấy lớp sương giá đắp.
Nhỏ như một phường của Sài Gòn, nhưng đi ba ngày không hết Viengxay. Lối nào cũng ngoằn ngoèo, cũng dẫn tới những ngôi nhà sàn nhỏ, những vuông sân thắp hoa mận, hoa lựu, hoa đào… Lối nào cũng ngang qua những bầy trẻ con chạy giỡn (con nít Viengxay chắc hiền lành từ trong bụng mẹ, sực nhớ lang thang mấy ngày trời không bắt gặp tiếng khóc nào), mặt mũi lem luốc mà cười trong veo… Rẽ vào đâu cũng nhiều hoa cỏ dại, nhiều bếp lửa đốt bên đường, vì Viengxay biết khách bộ hành run rẩy nên sớt ấm cho ?! Ngồi lại, hơ tay trên ngọn khói, ăn mấy củ khoai nướng nóng ran cả lòng, ngó lũ gà con nằm sưởi cạnh, kêu chiu chít. Bình yên đến nỗi thấy kỳ cục nếu tim mình rộn lên khi có nụ cười quá đẹp ngang qua. Cậu nhóc đi cùng cứ lẩm bẩm câu thơ học hồi phổ thông, “cười như mùa thu tỏa nắng…”.
Cũng chẳng nghĩ được câu thơ, câu văn nào “đắt” hơn để diễn tả nụ cười Viengxay giữa cái rét nhức nhối này. Cũng chẳng nhớ thêm một câu thơ nào khác để diễn tả vẻ cởi mở mà không vồ vập, hiếu khách mà từ tốn, chừng mực. Qua một hẻm núi, có đám trẻ chơi bắn nạng thun, chụp hình chúng xong, một đứa xòe tay ra. Tôi giật mình, một chút chua xót, một chút ngậm ngùi. Nhưng… thằng nhỏ chỉ muốn mời khách xa một trái cây mọc rày bên núi, nhỏ xíu, vừa chát vừa chua.
Cái bàn tay lấm lem nhỏ xíu đó không biết xin tiền. Mà tôi đã gặp đâu đó trên đất nước mình. Chân của trẻ Viengxay cũng trần, áo cũng rách, đôi ba chỗ thịt da tím tái, nhưng năm ngón tay không ra giá “5 USD”.
Nhận ra không phải vì những nụ cười, và câu chào có âm cuối rất ngân nga “Sa – bai – đi…i…i...” (mà phiên âm ra tiếng Việt cũng… buồn : xa bay đi” mà tôi lại cảm động trước Viengxay. Ở cái thung lũng lặng lẽ này, tôi gặp lại tôi, gặp lại những vùng miền trên đất nước tôi của thời đã mất. Hèn gì mà cảm giác thân thiết, dịu dàng, ấm áp. Hèn gì sưởi cái cười mà cóng róng đi qua được rét.
Tôi rời Viengxay đúng hôm mặt trời quay lại. Những hàng rào bên đường trở nên sặc sỡ với váy áo, chăn màn hong nắng. Vài người phụ nữ Lào tắm gội xong ra sân phơi tóc. Chào nhau bỗng thấy nắng vẫn nhợt hơn những nụ cười. Không biết khi mùa hè trở lại, thì nắng trời có rực và ấm hơn nắng trên môi người không ?! Và không biết khi tôi trở lại, bàn tay xòe của những em bé xinh đẹp Viengxay vẫn những ngón tay trong veo, lung linh hoa trái ?!
* Huyện Viengxay thuộc tỉnh Houaphan, được xem là cái nôi, căn cứ địa của Pathet Lào với địa hình hẻo lánh cùng với khoảng 500 hang động tự nhiên ẩn trong các dãy núi. Những năm chiến tranh ác liệt, Viengxay bị cày nát dưới mưa bom, quân dân Lào sống trong các hang động, nhiều tài liệu ghi, có lúc lên đến 23.000 người. Cách Xieng Khouang 370km đường đèo dốc ngoằn ngoèo. Cách cửa khẩu Na Mèo (Thanh Hóa) 56km. Hàng ngày, tầm 10h sáng, có xe đò Viengxay tới cửa khẩu đón khách. Nên mang theo… khẩu trang, nếu không muốn mũi thành hai… ống khói, vì đây là xe thùng trống trải, lại phải è ạch đi đường núi.
*Bạn chỉ cần học câu chào và lời cảm ơn của người Lào thì có thể sống khỏe một tuần. Sau đó thì… chắc phải học thêm bởi diễn hoài cũng… mỏi. Có trường học dạy tiếng Anh nhưng thường thấy người dân… cười mà không nói tiếng Anh (tất nhiên, mấy anh hướng dẫn viên thì ngon lành rồi). Túng quá, bạn cứ nói tiếng… Việt, vì khá nhiều người Viengxay đã từng học tập tại Việt Nam. Nếu bạn đi ngang một sân bóng chuyền và gặp người hát “hết rau rồi em có lấy măng không” trước khi giao bóng thì cho tôi gởi lời thăm. Nhắn rằng tôi nhớ một đêm mùa đông ngồi uống rượu ca hát với bạn, cười nôn khi nghe bạn nói “nhà quê bỏ mẹ” rất ngôn ngữ vỉa hè, ngậm ngùi nghe bạn kể về người con gái Việt, “người ta đã có chồng rồi, mình phải giữ cho người ta yên ấm…’”. Nhớ rượu Viengxay cay ứa nước mắt ra…
Còn đây là chùm ảnh của bạn cao kều Lê Thanh Đông
Xin cám ơn một bài quá hay. Cái hay nhìn thấy nắng khi không có nắng.
ReplyDeleteCười là một cách nói..///////////
ReplyDeletexem ra "con nhỏ rót nước" nếu làm "phó nháy" thì hổng bằng Lê Thanh Đông
@ Bài viét về một vùng quê nghèo của đất nước bạn Lào giữa ngày giá rét mà mộc mạc ấm áp tình người, Bài hay lắm, tôi thích lối viết hồn hậu và tinh tế của bạn. Thực ra, lòng người viết có trong trẻo ấm nóng thì mới nhìn được nắng lung linh trong những nụ cười và những bàn tay lem luốc...
ReplyDelete@ Bài viét về một vùng quê nghèo của đất nước bạn Lào giữa ngày giá rét mà mộc mạc ấm áp tình người, Bài hay lắm, tôi thích lối viết hồn hậu và tinh tế của bạn. Thực ra, lòng người viết có trong trẻo ấm nóng thì mới nhìn được nắng lung linh trong những nụ cười và những bàn tay lem luốc...
ReplyDeleteXem ra cái máy ảnh của con nhỏ rót nước cũng chỉ bằng 1/20 của Lê Thanh Đông. Hic hic
ReplyDeleteÁi chà. Cô nhỏ rót nước vừa đi qua một chốn thiên đường đó biết không. Nhiều lần nhìn bàn tay bé bỏng của một đứa bé đưa ra - ở nhiều nơi trên quê hương mình - tôi lại muốn khóc, tim tôi thắt lại nghẹn ngào - vì đau xót. Và những nụ cười nữa ... tôi đã đọc đâu đó cách người ta viết về những nụ cười, chẳng hạn nụ cười thơ ngây, cười thẹn thùng, cười cay độc .v.v nhưng tôi mới thấy có người đọc được tiếng nói từ nụ cười cụ thể. Nghe ra tiếng vỗ từ một lòng bàn tay ... thật là tuyệt!
ReplyDeleteCó một câu hơi khó hiểu: "Bình yên đến nỗi thấy kỳ cục nếu tim mình rộn lên khi có nụ cười quá đẹp ngang qua.".Hay là tại mình không có cái trãi nghiệm như người viết?!
ReplyDeleteTroi!
ReplyDeleteTuyet voi!
Xin cam on! Minh doc di doc lai, xem di xem lai nhung buc anh.
Minh chang biet gi ve ky thuat chup hinh, cung khong co nhieu kinh nghiem ve gia ca cua may anh, nhung lim ca nguoi khi xem nhung buc anh chup cua "co nho rot nuoc".
"Co nho rot nuoc" oi, cam on co nhieu, nhieu lam! Co cham vao cai mo uoc nho nhoi, nhung nhu la da vuot xa tam tay cua minh.
Du sao, van cau mong ngay ve huu, duoc ve song trong mot ngoi nha nho chim trong suong mu lang dang, mot ngoi nha voi "vuông sân thắp hoa mận, hoa lựu, hoa đào…" nhu trong hinh chup cua co.
Cam on that nhieu!
Vuong Duc Binh@
ReplyDeletetui cung hong hieu cau ay noi gi luon. Haha
Chao "CO NHO ROT NUOC"
ReplyDeleteBay gio thi minh biet them tai sao minh me may tam anh cua co.
Tai vi
"tôi gặp lại tôi, gặp lại những vùng miền trên đất nước tôi của thời đã mất...."
Chuc co mot ngay moi yen binh.
Hà hà .. không sao hết nếu người viết cũng không hiểu! Nhưng làm ơn đừng sửa câu đó nghe. Làm ơn để yên câu đó ... ở chỗ đó. Vậy thì mình sẽ tiếp tục không buồn hiểu, mình sẽ cảm nhận thôi.
ReplyDeletethiên hạ đang chờ...
ReplyDeleteN.N.T. viết về:
cột cây số cuối cùng của Tổ quốc
cây Ghi ta phím lõm
hai tiếng "nhẹ hơn lông vũ & nặng hơn núi: dzậy thôi"
và về.....cây sầu riêng
luôn thích đón chờ xem những bài viết "kiểu như thế này" của chị
ReplyDeletenhân 8-3:
ReplyDeletehãy là
cánh chim không mỏi
bay khắp trời Cà Mau
nhân 8-3:
ReplyDeleteChúc Cô Tư
sẽ là
Cánh chim Cà Mau
Bay khắp cõi người.
Hình dễ thương quá
ReplyDeleteHình đẹp quá! Còn phần chữ thì khỏi bàn rồi.
ReplyDelete