Đường từ Rạch Giá vào nhà Mai xanh rì cây cỏ. Những cơn mưa cuối mùa còn đọng thành những cái vũng trên con đường xóm. Những quán tạp hóa nhỏ. Một tiệm thu mua phế liệu, ve chai lông vịt tanh nồng. Người phụ nữ đang đốn trúc bên hông nhà ngẩng lên chỉ đường khi chúng tôi hỏi nhà Huỳnh Mai, “đằng đó, chút xíu nữa là tới rồi”. Mũi dao phay lia về phía có căn nhà lụp xụp, thấp và tối.
Sân cũng thấp, có vẻ ngập nước suốt mùa mưa, thấp thoáng rêu mọc theo giề củi mục ướt sũng. Mặt đất tái nhợt, bủng beo. Người trong nhà xúm xít khi khách đến. Ngoại Mai gầy, khóc quắt queo ngoài hàng ba, với tôi. Kể rằng, “con nhỏ có hiếu lắm, nó nói lấy chồng để kiếm ít tiền mua vài công đất, “chớ cha già rồi đâu có đi đâm ếch kiếm sống được nữa…” (Tôi gạch chân mấy chữ lấy chồng để kiếm tiền) Kéo chéo khăn lau nước mắt, bà ngoại lại kể, rối bời. Tôi tự chắp vá không gian và thời gian, “con nhỏ đi mần công nhân được hai năm. Mùa khô đi cắt lúa mướn. Bữa lên máy bay theo chồng ngón tay út còn bó vải do cắt lúa bị đứt…”.
Câu chuyện đứt quãng, trong nhà vọng ra tiếng mẹ Mai, ấm ức, “ai mà ngờ thằng đó ác nhơn vậy, lúc tới đây nó tỏ ra cưng con Mai lắm, hun hít, kéo con nhỏ ngồi trong lòng, ai mà ngờ…”. Giọng mẹ Mai cao quá, át đi tiếng của bà ngoại. Bạn tôi ngồi xem lại album ảnh cưới, vài tấm hình người chồng đã bị cắt lìa, một mình Mai, cánh tay choàng lấy trống rỗng. Một tấm hình Mai chụp chung với các em mình. Nhiều hình ảnh hiện ra trên cái nền âm thanh là giọng nói lúc chì chiết, lúc u uẩn, lúc thê thiết của mẹ Mai. Cùng với tiếng phụ họa của dì, và vài chị nách con từ đằng xóm lại.
Tôi ra đằng sau, em gái Mai đang chụm lửa nồi canh suông khoai rạng. Gian bếp nguệch ngọac vài bó củi, cái tủ chén xiêu xiêu, hai cái cà ràng… Sàn lãn có một rổ ruột ốc bươu vàng. Hỏi, ốc để làm gì, em đáp, dạ cho cá trê lai ăn. Hồi chế em chết, người ta cho tiền, ba em mua cá về nuôi. Mượn đất bà ngoại. Hỏi người ta cho tiền vậy, sao không mua đất ? Trả lời, bên kia người ta hứa cất nhà, cho đất, đang chờ… Em trai Mai dúi vào tay tôi ly trà đá đường, tôi hỏi, em còn học không, Tâm cười, em bỏ học lâu rồi. Cắm câu. Cỡ chạng vạng đi cắm, mười giờ đêm chống xuồng đi thăm một lần, sáng nhổ, một đêm bán được cũng hai ba chục ngàn. Cũng có khi đi đâm ếch, bắt chuột. Gì có tiền là làm.
Mẹ Mai đã thôi nói, đang cắm cúi cùng ba Mai viết biên nhận nhận số tiền từ một tổ chức ở Hàn Quốc nhờ chúng tôi mang tới trao tặng. Tôi đang rảo quanh nhà, mắt tôi đậu ở cành mai giả trên bàn, bà ngoại nói, con nhỏ làm trước khi đi, nó nói nó tên Mai, nên làm nhánh mai này để ở nhà nhìn mai mà nhớ nó. Cái rèm kia cũng vậy… Bà ngoại nói chính tay Mai thêu cái rèm đó, có đôi chim én bay lên trên nền những bông mai rơi lả tả.
- Con nhỏ nói vì nó tên Mai nên may mắn có chồng ngoại quốc…
Cô gái, và những người thân của mình không phân biệt được giữa mai và may. Không phân biệt được lấy chồng kiếm tiền và lấy chồng vì yêu. Như không phân biệt được một người để nương tựa và kẻ sát nhân. Cũng lầm lẫn nhiều giữa bản thân và một món hàng.
Ngộ nhận, lẫn lộn nhập nhòa cho đến khi Mai chết. Bàn thờ đơn sơ. Mai mắt xếch như đang cười. Cạnh đó là ti vi và đầu đọc DVD mới. Mẹ Mai nói, “con Mai hồi còn sống ước sắm cho cha mẹ coi cải lương, tụi tui mua để vong con nhỏ vui…”
Cái gì chứng minh một linh hồn biết vui khi thấy nhà mình có những thứ mua được bằng chính cái chết của mình ? Chữ của tôi bắt đầu đổ tháo.
Nắng đỏ au báo hiệu sẽ có mưa chiều. Chúng tôi ra về. Bỏ lại sau lưng căn nhà có quá nhiều thứ bất an, hoặc nó không bất an nhưng tự tôi thấy vậy. Của nước mắt thấm trên chéo khăn bà ngoại và sự hí hửng của chị hàng xóm “trời, bao nhiêu tiền đô đó mà đổi được bốn chục triệu lận hả ? Chuyến này vô mánh nghen, sắm đồ đã luôn…”. Của ngôi nhà ngó thấu trời sao bọc lấy giàn ti vi, đầu đĩa mới. Của khói hương bay lên từ bàn thờ cô dâu chết trẻ và câu nói của người dì “tại số con Mai, chứ cả xóm này con gái lấy chồng Hàn cũng nhiều, mà ai cũng sung sướng…”.
Vết thương từ một cái chết có vẻ mau liền da bởi đã được chữa trị bằng tiền, nhiều tiền, được rịt bằng bã thuốc cầm máu mang tên trừng phạt, kẻ sát nhân chịu án 12 năm tù, được che đậy bằng thứ thuốc chống đau “cái số phần nó vậy…”. Và năm ba cái chết cũng chẳng ngăn cản được những cuộc đi, cuộc bán mua, cuộc trôi giạt của hàng trăm hàng ngàn cô gái trên xứ sở này. “Cũng đành bứt sợi dây câu. Ra đi để lại một châu thổ buồn”, ông Cao Thoại Châu, hai câu đó ông làm cho mình hay cho những phận đời lưu lạc ?!
Biết công lý được thực thi bên kia biên giới, tôi ngồi chép lại những dòng trong sổ tay, tôi đã định chỉ kể và kể, không để tình cảm của chính mình chen vào. Rốt cuộc, tôi đã không làm được.
Những người nông dân nghèo khổ đó, có lẽ cả đời chưa một lần đi xa khỏi xóm, nói gì đi nước ngoài.
ReplyDeleteCó nhiều thừ họ không biết, không biết làm, ví dụ như biết cách sử dụng đồng tiền một cách hợp lý theo cách nhìn của đám đông còn lại. Nghịch lý của cuộc sống chăng ?
Nhưng bao nhiêu tiền mua được một người thân, một đứa con rứt ruột sinh ra, vất vả nuôi lớn?
Tui thích hai câu của ông Cao Thoại Châu mà bạn nhắc xin phép mượn về để trên blog nhé
Mới đầu đọc thấy cái tên quen quen, sau em mới nhớ ra cô Mai đó... Thấy buồn. Mà cũng không trách được ba mẹ cổ. Em không biết nữa. Buồn ghê chị ơi.
ReplyDeleteỪa, người sống tính ngày, người chết tính năm. Tội cái cô Mai quá chừng! Mà Tư trách chi bố mẹ cô ấy. Khi người ta thiếu tiền, thiếu một cách khủng khiếp, người ta có thể đánh đổi rất nhiều thứ để có tiền, và hình như người ta sẵn sàng "ác" để có tiền. Nhưng nghịch cảnh ở chỗ, khi có tiền, người ta không biết nên sử dụng nó như thế nào.
ReplyDeleteTôi buồn đã lâu rồi. Từ hồi lũ lượt những cô thôn nữ bỏ vườn bỏ ruộng đi bán bia ôm. Từ hồi nhìn thấy những cô gái trang điểm cho bóng lên mà không che lấp nổi vẻ quê mùa chân chất đứng dài dài bên hông chợ An Đông để chờ ... một số phận ở chân trời góc biển nào đó. Từ hồi nhìn thấy cô dâu Việt trẻ bân cuối đầu đi thẩn thờ bên một anh chồng già ngắt người nước nào đó trong công viên Đầm Sen một buổi trưa, thỉnh thoảng cô cười một nụ cười gượng để chụp một tấm hình. Cái tên Đầm Sen sao đột nhiên tôi thấy nghẹn ngào vậy. Nông nỗi nào mà những đóa sen của tôi phải lấm bùn vậy? Bây giờ đọc bài này nữa!
ReplyDeleteTôi tin là người Hàn Quốc cũng tin là công lí đã được thực thi. Mà nói cho cùng anh chồng đó cũng là một nạn nhân ... như cô Tư đã viết "khi mà cuộc sống ngày càng khắc nghiệt và lạnh lẻo, vô chừng ...".
Xin viết lại những dòng trong nhật ký của Hiền như là một sự chia sẻ với Ngọc Tư:
ReplyDelete"Ngày 9 tháng 3 năm 2008
Dạo này báo chí hay đăng tin các cô gái Việt vì ham lấy chồng ngoại mà chấp nhận đủ chuyện, kể cả những chuyện rất đau lòng không thể tin được. Chỉ vì muốn có tấm chồng ngoại để đổi đời mà hàng chục, hàng trăm cô gái bằng lòng tham dự những cuộc tuyển vợ của những người Hàn Quốc. Cũng nhìn ngắm, cân đong, đo đếm, rồi đi khám bác sỹ kiểm tra từ trong ra ngoài như người ta lựa hàng hóa ngoài chợ. Rõ ràng đây chỉ là một cuộc mua bán đúng nghĩa, những cô gái chỉ là những món hàng nên không còn khái niệm “nhân phẩm, lòng tự trọng” mà chỉ còn “giá trị hàng hóa”. Nhiều khi cứ nghĩ sao các cô ấy dại khờ quá vậy, chỉ cần suy nghĩ một chút cũng biết những kẻ bỏ tiền ra mua, chọn lựa chán chê đó chắc chắn không thể là một người chồng biết thương yêu, cùng chia sẻ và tôn trọng họ theo cái nghĩa vợ chồng. Vậy thì hạnh phúc trong cái tương lai đang chờ đón họ là điều rất mong manh. Bởi vậy chuyện bị ngược đãi, hành hạ của các cô dâu Việt cũng được báo chí đưa tin thường xuyên, thậm chí gần đây là cái chết hết sức đáng nghi của một cô dâu Việt trên đất Hàn.
Nhưng nghĩ đi rồi cũng phải nghĩ lại, đa phần các cô ấy đều là những người xuất thân từ nông dân nghèo, ít học. Bởi nghèo nên muốn đổi đời, bởi ít học nên suy nghĩ nông cạn. Không hẳn ai nghèo, ít học cũng chọn cách lấy chồng ngoại để có cuộc sống sung túc nhưng chắc chắn rằng những cô gái có học thức không bao giờ chấp nhận đánh đổi như thế.
Có người hỏi rằng sao con gái quê mình kỳ vậy, cứ mơ ước vọng ngoại mong tìm cuộc sống giàu sang ở xứ người trong khi người ta làm thân viễn xứ luôn canh cánh bên lòng nỗi nhớ quê, nhớ nhà, nhớ người. Thiệt cũng hỏng biết trả lời sao. Kẻ ở quê cứ trông ngóng một cuộc ra đi, người ở xa lại đau đáu nhớ quê. Có lẽ tại cái gì mình không có thì mình muốn cho bằng được vậy mà. Suy cho cùng cũng tại quê mình, dân mình nghèo. Nghèo nên mong giàu đôi khi bằng cả những cách oái ăm không thể hiểu nổi. Vậy ai có lòng thì cố gắng giúp quê mình thoát nghèo đi nha, giúp bằng cách nào cũng được miễn thấy hợp với khả năng của mình là được rồi."
This comment has been removed by the author.
ReplyDeleteE kiếm email của chế muốn khùng luôn, vậy mà cuối cùng cũng kiếm ra. Vui quá. Vậy là từ nay có thể nói chuyện với chế rồi.
ReplyDeleteChuyện chẳng có gì mới, sự việc báo chí đưa đầy ai cũng hay. Vậy mà hôm nay đọc bài của Tư vẫn thấy nghèn nghẹn.
ReplyDeleteBuồn nhất là chưa kịp tròn tháng đã "phải" dự đám cưới của "đứa bé" lấy ông già Đài loan lớn hơn tuổi mẹ ở Đầm sen. Caí đầm mà chẳng có sen nào có thể tách được mùi bùn!
Có những con đường, con sông vĩ đại và huy hoàng của lịch sử. Những con đường mà chúng ta lấy làm tự hào vì lớp lớp tiền nhân và những người hy sinh anh dũng đã đi qua. Nhưng cũng có những chi lưu lẫn khuất trong cỏ rậm, băng qua những vũng bùn, góp một chút nước rồi sẽ được lắng trong. Ai ơi, xin trách những cô gái đó của tôi ít ít thôi. Họ đã đổi cuộc đời mình để tìm một chút mơ ước tội nghiệp - dĩ nhiên là có một phần cho họ - nhưng một phần là cho cha mẹ, anh em. Góc cạnh nào đó cuộc đánh đổi là không đáng, thiếu danh dự, thiếu tình người. Nhưng xin thương yêu, thông cảm. Xin "Vậy ai có lòng thì cố gắng giúp quê mình thoát nghèo đi nha". Họ cũng là núm ruột của mình mà...
ReplyDeleteTa không là ai nên đâu dám phán rằng những cô gái "quê" lấy-chồng-kiếm-tiền là không còn "nhân phẩm và lòng tự trọng"! Ta càng không dám nghĩ rằng quyết định của các cô gái ấy là "dại khờ"? Chắc họ cũng biết khi có một người chồng mình thật sự thương yêu thì mình có hạnh phúc, nhưng hạnh phúc phải chăng chỉ xoay quanh chuyện vợ chồng? Còn cha mẹ, còn em, và, còn ngoại...
ReplyDeleteTa không là Mai nên làm sao hiểu hết sự tuyệt vọng của Mai. Có những sự bứng gốc hãi hùng. Có những tủi nhục được nuốt theo nước mắt chảy vào trong.
Ta là ai mà đi khóc người dưng? Một nén tâm hương cầu mong Mai siêu thoát. Nén thứ hai cầu mong ai trót sống cảnh của Mai được sự bình yên. Còn nén nữa cầu mong con gái tôi và tất cả con gái, con trai của mọi gia đình không bao giờ phải chọn con đường của Mai.
Có ai làm gì đó giúp những cô gái kia không. Việc làm, học vấn...Hay là ta ngậm ngùi, ta thương tiếc những số phận...nhưng chuyện tạo công ăn việc làm, được học hành tử tế là của nhà nước...
ReplyDeleteHãy làm gì đi chứ!Tôi đang bắt đầu đây...
Nghèo thì ở đâu cũng nghèo. Cả cái nước Việt Nam nơi nào cũng nghèo hết. Miền Trung Việt Nam còn nghèo hơn Miền Nam. Mà tại sao con gái Miền Nam và con gái Miền Bắc sẵn sàng lấy chồng ngoại quốc, trong khi con gái Miền Trung đâu lấy chồng ngoại quốc nhiều vậy. Tui thấy con gái Miền Nam coi rẻ thân xác mình và ham vật chất hơn thì phải
ReplyDeleteCái thời những cô thôn nữ xinh tươi ngồi xếp đống cho những người nước ngoài - đa phần là bị thiểu năng trí tuệ, bệnh tật, già yếu - săm soi như một món hàng, người ta bảo “vì nghèo”.
ReplyDeleteCái ngày những cô thiếu nữ trẻ trung bỏ lại gia đình, cha mẹ, lưu lạc theo chồng xa xứ. Bơ vơ nơi đất khách quê người, sống không ra sống, trở về trong nắm tro, người ta nói “do nghèo”
Khi cha chồng, nàng dâu, anh em xâu xé nhau vì chia không tròn món tiền tuất của người thân vừa nằm xuống sau tai nạn sập cầu. Khi những chiếc điện thoại đời mới, những đầu máy DVD còn cả tem nằm cạnh chiếc bàn thờ mới lập đơn sơ, những món tiền từ thiện được vung vẩy vô tội vạ, người ta lại chép miệng “tại nghèo”.
Người biết chuyện, lớn tuổi bảo: "chỉ nghèo thôi đừng nên nghèo và hèn". Người trẻ tuổi thì nói: "Giấy rách phải giữ lấy lề"
Còn cái nghèo, nó tủi phận, ôm cây chuối sau hè khóc ròng “Chi mà tội quá trời ơi!” bạn Tư à!
- Có khi nào bạn ngồi nhìn ngoại bệnh mà trong túi bạn không còn một cắc nào không?
ReplyDelete- Có khi nào bạn còng lưng cả ngày trên miếng ruộng "đi cấy, đi gặt" để buổi chiều về nhìn thấy trong chén cơm của gia đình chỉ có mấy hột tương thôi không?
- Có khi nào bạn giật mình thức dậy trong đêm vì giường bạn ướt sủng do nhà dột không?
- Có khi nào bạn nhìn thấy những cô công nhân mặt mũi xanh dờn tan ca ở các khu công nghiệp không?
Khi đó bạn sẽ làm gì?
Và có khi nào bạn đọc tác phẩm "Những kẻ khốn cùng (Les misérables)" của Victor Hugo chưa?
I used to be poor. I don't think that we think deep when we're poor. The poor makes me blind and soft. I can trade anything just to escape it even it costs a price.
ReplyDeleteIf anyone could treat me kindly, I would probaly just fall for him/her.
If anyone could help me out, I would definitely follow him/her.
But there's nobody tell me to stop thinking like that. If you were her, Mai, put yourself in her shoes, you might do the same thing.
It's destiny. What can we do?
I do not recommend you to surrend destiny. I just ask you for a little bit of kindness. If you can, please help, please reach out for people who are in need. Just help them as much as you can, maybe a few nice words, or a strong influence, or hope...
Can you please? As long as we try, we can make a difference in other people lives. Do not sit there and overthinking. There's something called destiny that we can not escape, we can only try our best to fix it.
Wháts the hell of destiny yóure talking about. You can not help, help, help them by giving them money, and encouraging them to get married with foreigners. The best solution: Micro economy: job training. Macro economy: education, and creating jobs from the goverments
ReplyDeleteTôi xóa một lời nhắn của mình và của bạn. Vì tôi chỉ cà rỡn chơi thôi bỗng đâu hóa thành cuộc tranh cãi với lời lẽ ngày càng nặng nề, không cho riêng tôi mà liên lụy đến nhiều người khác.
ReplyDeleteNếu bạn thật sự bức xúc và giận dữ, xin hãy bày tỏ trên diễn đàn của riêng mình.
Tôi sẽ đến đó, như một người khách yêu quý, trân trọng chủ nhà