Jun 15, 2008

tào lao nhân một buổi tiễn đưa không bình thường

Ông già nhà gần đình Thạnh Phú qua đời, tiếng trống chiều nay báo tin buồn vời vợi trên từng bờ tre, ngọn cỏ. Làng xóm rục rịch kéo lại, làm cuộc tiễn đưa ông. Có người vừa đi vừa cài nút áo, vẫn không hiểu hôm qua ông già còn chống gậy lại cúng đình, bữa nay đã hóa người thiên cổ, sao đời người biến đổi như cái chớp mắt vậy.

Cuộc tiễn kéo dài hai ngày, như một bài ca nhiều biến tấu lung linh. Đoạn buồn thê thiết cũng có vài nốt vui, khi người con gái xếp quần áo tẩn liệm phát hiện ra ba mình có tới hai cái quần… rách đáy. Anh con trai đang mặc áo của ông già sực nhớ cởi áo để… trả, sợ ông già cứ lẽo đẽo vào giấc mơ mà đòi thì phiền. Ông nhắm mắt nằm đó, bụng có nải chuối, miệng ngậm vàng, với bảy hột gạo trắng tinh. Mấy bà già người yêu cũ lại, kêu mở mắt ra đi, nhìn tui nè ông, sao ông đi hỏng nói lời nào vậy (nhưng ông mà nói thì có phải mấy bà té ngửa ra chết giấc không. Mấy bà này tự tin thấy ớn, nhăn nheo teo tóp, còn hấp dẫn gì đến nỗi ông phải ngồi dậy nhìn lom lom). Ông già vẫn nằm im (chắc sợ nải chuối… rớt), miệng hơi mỉm cười, như nói, hà hà, cuối cùng cũng chịu khóc tui, bỏ công hồi mấy bà bỏ tui đi lấy chồng tui cũng đau vất đau vả.

Bản nhạc tiễn đưa sau cao trào than khóc khi đậy nắp áo quan, thì trở lại những tiết tấu nhẹ nhàng. Mấy đứa trẻ con chí chóe giành công việc đốt giấy vàng mã cạnh ông nội, ông ngoại chúng. Khói mù mù. Lửa rực lên rồi le lói bập bùng. Ở ngoài sau bếp mấy chị thợ nấu chuẩn bị dọn cháo khuya ăn với củ cải muối trộn giấm đường, tép rang, thịt vịt xào gừng… Mấy bà già chuyền tay nhau cái micro hát những bài kháng chiến cũ, nghe “mùa thu rồi ngày hăm ba…” là muốn nhịp… đùi. Rồi một ngoại ngậm ngùi hát “Mười thương” theo điệu nói thơ Bạc Liêu, “má ơi con chửa lấy chồng. Con chờ chiến sỹ thành công trở về…”. Chiến sỹ lần này không về nữa, mấy bà kia kéo chéo khăn đội đầu, chấm nước mắt. Đám thanh niên ngồi nhậu khề khà, vừa ngóng coi cái micro mà rảnh, tụi nó sẽ ca vọng cổ tới sáng. Tụi con gái lặt giá, tỉa bông củ cải… cười lích rích bảo nhau, sao ông thầy chùa đẹp trai mà đi tu, uổng.

Người nhà ông già đi qua chỗ ông hay ngồi xếp bằng uống trà, chôn chân đứng nhìn, rớt nước mắt, rồi ai đó réo hỏi, nước mắm để đâu, đường còn hết, chị tất tả quay đi. Có nhiều việc để làm, để đối đãi tròn vẹn. Chị có một khoảng thời gian dài phía trước để thấu tận nỗi mất mát này, khi bà con hàng xóm đã về, và chị đi đâu cũng gặp những chỗ trống không sao lấp đầy được. Nhưng bây giờ chị phải chuẩn bị mâm cơm chay để cúng cha rồi, làm việc thôi.

Ông già sống một đời bình thường, gắn bó với ruộng vườn, làm một cuộc đi bình thường. Sáng không thấy dậy, thì không dậy nữa, vậy thôi. Mấy bà già ngồi nhai trầu nói, ổng đi trước, rồi từ từ mình cũng đi theo, xuống dưới cũng lại gặp, hỏng sớm thì muộn. Già trẻ ai cũng tin vào một thế giới khác sau cái chết, nên họ bùi ngùi một chút rồi lại cười, nói những câu chuyện buồn cười, như cuộc đời này vốn buồn cười. Con người, khóc mãi mà được sao ?

Gần sáng thì trời mưa nhỏ, đám thanh niên uống say ca hát mệt quá nằm ngáy không hay nước mưa xuyên qua cái rạp lợp bằng lá dừa làm ướt áo. Khói hương gian nhà trước mòn mỏi vơi đi, khói bếp ở nhà sau vẫn đầy ngun ngút. Mấy chị gần như không ngủ, chuẩn bị bữa ăn cuối cùng của cuộc tiễn đưa.

Nắng lên, mấy đứa nhóc nôn nao. Đội đạo tỳ đang tập luyện ngoài liếp vườn. Người cầm đuốc với người vẽ mặt quỷ là hai chú cháu, chú nói, có đá tao thì đá nhẹ nhẹ nghen mậy, tao già rồi. Nhưng lúc làm nghi lễ đuổi quỷ trước quan tài, ông chú ngậm dầu phun ra lửa khè khè, thằng cháu – quỷ bị đánh te tua, cái mặt vằn vện lọ nồi của anh nhăn nhó, làm tụi con nít mắc cười muốn chết. Sau bữa nay, chắc cháu giận chú cả tuần. Con nít nói với nhau, màn đuổi quỷ của đội đạo tỳ này hấp dẫn hơn mấy đám tang trước, đánh y như trong phim Hồng Kông vậy.

Nhạc lại trỗi khúc thê lương, tiếng trống nhỏ từng giọt đằng trước, dắt linh hồn theo loanh quanh mấy liếp dừa liếp chuối, mấy con mương săm sắp nước. Đoàn người vịn mùi khói nhang lũ lượt lội bộ đằng sau, chân bước xôn xang trên bờ cỏ.

Người đi đi thật rồi.

Nhưng bài hát vẫn còn vang, khách lục tục ngồi lại, ăn với gia đình thêm bữa cơm. Họ í ới hỏi nhau bao giờ thì về, về đường nào, xuồng hay xe, tiện đường quá giang. Đi qua khúc quanh trên đường, bỗng ai đó nhắc, hôm trước, ông già còn chống gậy đứng chỗ này, hỏi, “mạnh giỏi, con Ba ?”. Cuộc tiễn đưa như chưa từng có. Về nhà, có đứa trẻ hỏi thiệt thà, “đám ma vui hôn má ?”.



Hôm qua, nhìn một đám tang đông người, long trọng, hoành tráng mà cái cảm giác lạnh lẻo đeo đẳng. Lạnh lẻo từ những bàn tay khiêng chiếc quan tài, từ cái nhìn, gương mặt của những người đứng quanh… Những người thật sự yêu ông - những người rất ấm có lẽ không được ở bên ông lúc đó. Thành ra cứ thấy lạnh rợn người.

Cả một cuộc tiễn đưa bình thường ông không có được. Tôi nghĩ mình hạnh phúc hơn, cuộc tiễn tôi sẽ là cuộc tiễn bình thường, mà ấm (chuyện này mấy mươi năm nữa sẽ xảy ra, không phải bây giờ à nghen, tôi còn nhiều chuyện phải làm lắm)


33 comments:

  1. Anonymous6/16/2008

    Sâu sắc quá chị Tư ơi.

    ReplyDelete
  2. Anonymous6/16/2008

    Mấy hôm nay tôi liên tục ghé vào blog của Tư để được đọc những nhận xét nhân sự kiện này. Đúng là tôi thấy có quá nhiều thứ bình thường bị huyễn hoặc hoá ra thành bất thường (như bài trước), tôi không tin và cũng không lấy gì làm xúc động trong những sự kiện như vậy. Cảm ơn Tư vì những bài viết rất hay. Chúc Tư và hai bạn của Tư sức khoẻ và đạt được những mong muốn.

    ReplyDelete
  3. Anonymous6/16/2008

    Tôi hình dung mồn một trước mắt mình một đám ma đời thường, quả là ấm thật, và ngồi xem tivi thấy đám ma kia quả là lạnh thật.

    ReplyDelete
  4. Anonymous6/16/2008

    XIN Ngọc Tư cho copy 3 bài viết mới nhất về Blog

    ReplyDelete
  5. Em xin phép mượn bài này của chị, hén :).

    ReplyDelete
  6. Anonymous6/17/2008

    Bản lĩnh đó chớ! Chúc bạn luôn vui và hp

    ReplyDelete
  7. rất sâu sắc,
    mình xin bài này về blog nhé

    ReplyDelete
  8. Anonymous6/17/2008

    Rất hay. Xin phép Tư cho đăng lại trên Y!360 blog của mình nhé

    ReplyDelete
  9. Anonymous6/17/2008

    Cô Tư là người Nam Bộ mà sao coi bộ cô cay nghiệt quá chừng. Người Nam Bộ hay bao dung, lượng thứ, quảng đại huống chi lại là chuyện so đo giữa những người vừa nằm xuống.
    Cô Tư là nhà văn, lại càng phải có độ rung, độ nhạy để hiểu ai là người tốt, là người đáng để được mọi người ngưỡng mộ.
    Buồn thay, cô hay quen nghe mọi người tung hô, khen ngợi nên chi mất hết chất Nam Bộ rồi cô Tư ơi.

    ReplyDelete
  10. Cát bụi trở về với cát bụi, có người là cát, người là bụi.

    ReplyDelete
  11. Anonymous6/17/2008

    Tư mà cay nghiệt thì còn ai nhân hậu nữa? Cô ấy chỉ cảm nhận được cái hạnh phúc bình dị ấm áp của một người đựơc làm người bình thường, và cái lạnh lẽo của một người phải làm người của công chúng, phải sống cuộc sống và cả cái chết giữa "thiên hạ".
    Nam bộ hay không tùy suy nghĩ, nhưng đó chỉ là một cái nhìn thấu thị...
    Tôi cũng chẳng thich tung hô ai, nhưng đừng chụp mũ, người Nam bộ nặc danh ơi..
    Sorry phải nặc danh vì không có account

    ReplyDelete
  12. Một sự nhạy cảm rất "vô hình" đã khiến Tư như nói thay lời Bác K.
    Cứ nhìn mấy bàn tay chạm vô quan tài mà lòng còn giânkj bác K thì biết.

    Mà đó đâu phải chuyện chính trị, là chuyện để người thành phố chúng ta biết mà ổ chức đám tang cha mẹ ra sao cho nó ấm áp đấy chứ !

    Câu chuyện thật nhiều tầng nhiều nghĩa. Và đó mới là NNT của chúng ta.

    ReplyDelete
  13. Anonymous6/17/2008

    Tôi thấy cô Tư có cay nghiệt gì đâu, có chi li gì với người đã khuất đâu, cô đang nói với những người sống, cô đang phản ảnh một hiện tượng xã hội thôi mà. Bạn nặc danh gì đó ơi, hãy quan sát hiện tượng xảy ra một cách tổng thể, đọc và nghĩ suy một chút nhé. Ông K cũng cần là một người bình thường chứ, sinh lão bệnh tử, phải không bạn. Nhưng tôi nói thật, với tôi sự cảm thông hay nước mắt chỉ dành cho tri kỷ và người thân, những nơi ơn nghĩa chí tình, không thể vơ váo đâu vào mình cũng dành cho được. Hiệu ứng domono làm cho nhiều bạn bị cuốn theo chứ thật ra trong chúng ta co mấy ai hiểu biết được rõ ràng về ông K đâu mà tôi thấy nhiều người bù lu bù la quá. Những hiện tượng như vậy cần phải có những người như cô Tư phản ảnh cho nó bớt đi thì hay hơn biết chừng nào.

    ReplyDelete
  14. Buồn quá chế tư ơi, đất nước mình lại mất thêm một nhân vật lịch sử. E chưa từng một lần được gặp ông.

    ReplyDelete
  15. Anonymous6/17/2008

    Xin phép cho copy bài này sang blog của mình nhe. Cảm ơn

    ReplyDelete
  16. Anonymous6/17/2008

    Ông K là một người đáng trân trọng.
    Và NNT cũng vậy.

    Hy vọng cuộc sống có thêm thật nhiều người tốt từ tâm hồn đến việc làm...

    TK

    ReplyDelete
  17. Anonymous6/17/2008

    Đám tang cụ Phan (1)
    ================


    Tiễn đưa về an nghỉ cuối dòng người

    Đổi mới Đất Nước còn trên đời

    Ra đi vẫn còn nhiều trăn trở

    Nhân hậu vì dân nghèo giữ lời

    Nhà thờ Đức Bà hồi chuông nguyện

    Vĩnh Nghiêm hương thiền ly biệt trời

    Cú quạ kền kền quanh tang lễ (2)

    « Hứa sống công dân tốt con ơi ! » (3)




    1. Cụ Phan Văn Hoà, tên thật của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt


    2. Những đồng chấy bảo thủ lưu manh như Phu đồn điền CHỘT Lê Đức Anh cảm thấy nuối tiếc. "Sự ra đi của Sáu Dân, nhà lãnh đạo nhiều kinh nghiệm, luôn suy nghĩ, trăn trở, lại thẳng thắn… là một sự mất mát lớn.“Nếu còn sống, ông ấy còn giúp được nhiều cho đất nước” .... ĐÚNG LÀ " Cú quạ kền kền quanh tang lễ "

    - Nghe tin “Thủ tướng của thời kì Đổi mới” Võ Văn Kiệt (tên thường gọi là Sáu Dân) ra đi,

    3. Lưu bút di chúc cho con cháu của Anh Sáu Dân

    ReplyDelete
  18. Anonymous6/17/2008

    4 có theo dõi chuyện quanh bài của bác Nguyễn Khải cũng mới về dưới suối vàng không?

    Mà sao dạo này, nhiều người hay bạn chuyện về người đã mất thế nhỉ? Hic hic
    (yourbestfriendinhanoi)

    ReplyDelete
  19. Doc bai nay, nho bai "MOT MINH" dang tren trang cua TS Tran Huu Dung.

    ReplyDelete
  20. Cảm ơn các bạn đã chia sẻ. Cảm ơn luôn những bạn không hiểu tôi, nhờ bạn tôi nghĩ mình sẽ học cách diễn đạt giản dị hơn nữa, để ai cũng hiểu.

    ReplyDelete
  21. Anonymous6/18/2008

    Cảm giác của 1 nhà văn thật đáng khâm phục,lại càng đáng khâm phục hơn khi bạn biết chia sẽ với mọi người.Ngọc Tư làm gợi nhớ đến những câu thơ của BùiMinhQuốc...
    "Đến tận chổ (không còn nghe) tiếng cuộc đời than oán
    Không còn nghe tiếng "Đồng Chí" ấm nồng máu đỏ
    Sao có lúc vang lên lạnh rợn thế này
    Đồng Chí - dao đã nằm ém nhẹm dưới lòng tay
    Mưu mô đã xong và mọi ngã đường đã giăng cạm bẫy."
    Người nằm xuống giờ cũng chẳng còn nghe gì nữa...phải không N.Tư !?

    ReplyDelete
  22. Anonymous6/18/2008

    bài viết hay quá chừng, tui coi tới đâu rùng mình tới đó, thấy thấm gì đâu áh, phải chi tui có được con mắt tinh tế và lòng nhơn trong mỗi cách nhìn sự việc như chế!

    ReplyDelete
  23. Anonymous6/21/2008

    chị Tư, chị viết hay quá, truyện chỉ toàn là chữ, nhưng khi đọc lên, em tưởng tượng ra một bức tranh rất sinh động, hay thậm chí là cả một cuốn phim với hình ảnh đang chuyển động về một đám ma nam bộ rất điển hình. Sự hình dung này làm em cảm thấy rất thích thú, dễ chịu và thoải mái. Tựa hồ như em còn cảm nhận được cái mùi của cây cỏ ở đó, mùi nhang hay thấy ở các đám ma, cùng nhiều hình ảnh, mùi vị, và âm thanh khác. Lại một lần nữa em thấy được cái tài của một nhà văn nó như thế nào. Cảm ơn chị đã cho mọi người được thưởng thức một tác phẩm hay.

    ReplyDelete
  24. Chị Tư ơi, hình như chị vừa xóa một (or 2 entry gì đấy), trong đó có bài "viết nhân những ngày tóc ngắn" (?) Tôi biết vì phần RSS bên blog tôi có ghi lại tiêu đề ko hà, nhưng bấm vào thì báo là link ko tồn tại (?)

    ReplyDelete
  25. Anonymous6/24/2008

    hok bit đến khi mình chết có ai khóc k, ta?!......"khi sinh ra, ta khóc người cười, phải sống làm sao để khi chết đi, ta cười người khóc!"... Mà, nếu đã "sống đầy" như vậy, cuộc đưa tiễn lại "lạnh tanh" thì buồn thiệt đó....yêu chị nhiều!

    ReplyDelete
  26. Anonymous6/25/2008

    nhoc168: chi, em copy bai chi wa blog cua em nha...hihihi...trong khi doi chi dong y, em chep truoc nha...bai hat wa' chi a`

    ReplyDelete
  27. Anonymous6/27/2008

    Cám ơn 4 nghen, biết nói giùm tui những điều tui cảm được mà hổng có nói được. Xin phép 4 cho bài này của 4 hiện trên private blog tui nghen 4.
    Cám un nhìu hén 4.

    ReplyDelete
  28. Anonymous6/27/2008

    sao may bua nay ko thay gi moi. ma lai con go bo hinh nhu 2 bai nua.Tu man an hay kiem com ghe the.

    ReplyDelete
  29. Anonymous7/04/2008

    Ông ngoại em vừa mất, đọc bài này của chị, ta nói buồn hắt buồn hiu. Ông ngoại em mất cũng đột ngột lắm, mới chiều hôm trước còn đi thắng mỡ để dành kho cá, còn hẹn tụi em ngày mai xào hủ tiếu ăn, vậy mà sáng kêu không chịu dậy, bịch hủ tiếu còn treo lủng lẳng ở tủ chén, nhìn thấy mà nước mắt chảy dài. Cảm ơn chị về những cảm xúc này.

    ReplyDelete
  30. "Người nhà ông già đi qua chỗ ông hay ngồi xếp bằng uống trà, chôn chân đứng nhìn, rớt nước mắt, rồi ai đó réo hỏi, nước mắm để đâu, đường còn hết, chị tất tả quay đi. Có nhiều việc để làm, để đối đãi tròn vẹn. Chị có một khoảng thời gian dài phía trước để thấu tận nỗi mất mát này, khi bà con hàng xóm đã về, và chị đi đâu cũng gặp những chỗ trống không sao lấp đầy được. Nhưng bây giờ chị phải chuẩn bị mâm cơm chay để cúng cha rồi, làm việc thôi."

    ReplyDelete
  31. Tôi thèm cái nhìn như lướt mà điểm rất kĩ,
    Tôi thèm cách viết nhẹ tênh mà trĩu nặng ân tình.
    Cám ơn bạn nhà văn trẻ.

    ReplyDelete
  32. Ma minh cung mat roi, minh doc bai nay cua NNT ma dau nhoi ca long. Phai chi minh co chut tai de viet, thi viet ra cho long nguoi ngoai chut dinh.
    NNT la nha van rat co tam, va rat manh me. Minh rat kham phuc ban.
    Chuc ban luon la ngoi but "sac" nhe!

    ReplyDelete
  33. Anonymous4/28/2009

    Chị Tư quả có cái nhìn hơi bị nhạy cảm.
    Có mấy tay bàn tào lao quá đi, như HàNội Paris (chê Lê Đức Anh là điều quạ), Đìuhiu (đồng chí - dao)
    Chị 4 ơi, em nghĩ cứ bàn chính trị vầy hoài, chắc nhà phải đóng cửa sớm quá, mà em vận muốn đến chơi với chị, khổ ghê.
    Các pác muốn bàn chính trị thì làm ơn ... đi chỗ khác chơi đi.

    ReplyDelete