Các bạn có thể giúp đỡ gia đình chú Ba theo địa chỉ liên lạc sau :
Hội Nạn nhân chât độc da cam/dioxin tỉnh Cà Mau, số 49A, Hùng Vương, P5, TP Cà Mau.
Sdt : (0780) 550882
stk : 946.90.00.00.116 tại Kho bạc nhà nước tỉnh Cà Mau
Họ rất cần được giúp đỡ
Huyền
Mộng
Trắng
cùng hai dị tật gần giống nhau...
Hội Nạn nhân chât độc da cam/dioxin tỉnh Cà Mau, số 49A, Hùng Vương, P5, TP Cà Mau.
Sdt : (0780) 550882
stk : 946.90.00.00.116 tại Kho bạc nhà nước tỉnh Cà Mau
Họ rất cần được giúp đỡ
Chỉ đường đến nhà chú Ba Bạch cho người bạn rồi, nghĩ, anh sẽ làm được một phim rất hay. Những hình ảnh anh ghi lại ở cái nhà lụp xụp bên bờ rạch Xẻo Thùng sẽ gây nhiều cảm xúc hơn những con chữ của tôi, vốn lúng túng khi gặp phải cảnh đời khốn khó. Chúng luôn mơ mộng ủy mị trong khi nỗi đau thì thật quá, trơ trụi quá.
Anh thì khác, anh không viết gì cũng được. Anh có hình ảnh, vô số hình ảnh. Một thím Ba Bạch gầy gò, ngồi lặng lẽ sau lưng chồng, cái nhìn xa vắng. Mặt, cổ và đôi cánh tay chi chít những nốt u da to nhỏ, mắt nhìn đăm đăm xuống chiếc chiếu đã sờn. Mắt bà đục và đỏ (tôi đã tự hỏi do bà khóc nhiều, hay do ảnh hưởng của những nốt phù đã lan khắp thân?). Nỗi buồn trong suốt phủ lên cái góc giường chỗ vợ chồng bà ngồi, thấy rõ cánh tay trái teo và cong của ông, ánh sáng từ cái vách lá rách trống hoác sau lưng họ hắt vào những tia sáng chói lóa kỳ dị.
Hình ảnh anh có là cô bé Huyền gù lưng, còi xương, không lớn lên theo cái tuổi mười tám, đang ngồi giặt thau đồ lớn gấp ba cơ thể mình. Em Mơ loay hoay làm nhân bánh bao, mặt em méo, sưng húp vì bên thái dương vẫn còn thóp lớn bằng khu chén, nó mềm nhũn và phập phồng khi người lạ đứng quá gần (lúc tôi ấn tay vào, chỉ cần lún sâu một chút, tôi tin là đầu ngón tay tôi sẽ chạm vào… óc em). Thằng Lỳ lem luốc ngồi cười với khách, không khó để nhận ra đứa bé thiểu năng trí tuệ, “học bốn năm lớp 1 mà không nhớ chữ nào”.
Khi tôi đến thì nắng đã lên cao, nước bắt đầu ròng. Con rạch sau xóm kiệt nước, để lộ ra những chân nhà sàn cắm xiêu vẹo lỏng chỏng. Những mảnh ván sàn được ghép bằng gỗ vụn, vách sau cũng đắp vá bằng những tấm nilong khác màu, chắc chắn khi anh đến chúng vẫn còn nguyên đó. Sẽ chẳng có phép màu nào thay đổi những gì đang có ở nhà chú Ba, chỉ tuần qua. Hai khối u nhão, phồng lên đầy chật vùng thắt lưng của hai em Trắng và Mộng chẳng mất đi đâu, có thể chúng còn lớn hơn hồi tôi đến. Sẽ rủi ro hơn nếu va chạm mạnh các khối u này, Trắng đã mấy lần phải nằm viện chỉ vì mấy đứa em vấp chân vào lưng. Hôm đó tôi cứ ngại khi phải săm soi thân thể họ, chạm tay vào hai khối u xạm và sần sùi chảy xệ xuống mông, vì hai anh con trai đã qua tuổi hai mươi, sượng sùng trước sự có người phụ nữ ngó nghiêng.
Tôi không biết chút gì về phim ảnh, nhưng có cảm giác dù phim anh không có lời bình thì những hình ảnh nhoi nhói đó sẽ lên tiếng kể về một nỗi buồn. Của những thân phận tật nguyền. Của cái nghèo vây bủa. Chiếc xuồng máy anh em Trắng, Mộng dùng đi bán bánh bao trở về nhà, sau một buổi sáng ế ẩm, chỉ bán được 50 cái. Những đứa em gái vẫn đang nhồi bột, xào nhân chuẩn bị bánh bán bữa chiều. Cái xoong hấp bánh đen đúa ngoài hàng ba le lói khói.
Cũng có vài buổi trưa những đứa con trai mang về bánh ế cùng với cái biên lai phạt của cảnh sát giao thông đường thủy do không có bằng lái phương tiện thủy dân dụng. Không làm bằng lái được vì không hộ khẩu, không được làm giấy chứng minh nhân dân. Sống ở xóm Đảo đã gần hai mươi năm, cái nền nhà ẩm thấp dưới chân chú vẫn là của nhà nước. 64/65 hộ ở xóm ven rừng, cách thị trấn Năm Căn sầm uất chỉ một dòng sông, đều chung cảnh ngộ. Điện mua đắt đỏ từ bên sông, bật một ngọn đèn là xót ruột. Trước đây cả xóm bám mặt sông buôn bán dạo, giờ quá nửa bà con chuyển qua nghề… bốc vác, vì sợ cảnh vay mượn ba bốn trăm ngàn để đi nộp phạt. Trắng kể nhiều bữa chui vào lùm cây chờ mấy anh cảnh sát rời trạm, nên mấy trăm cái bánh bao còn nguyên.
Bánh còn, bữa cơm thì khuyết, nhiều khi chỉ nước đá lạnh chan với mấy con ba khía rang mặn chát. Bữa cơm trưa nhà chú Ba cũng biết kể chuyện, bằng mớ thức ăn ít ỏi, bằng tiếng đũa ràn rạt khua chén, bằng âm thanh muỗng chạm vào đáy xoong cơm. Bảy nỗi đau tật nguyền ngồi chung với vài thành viên mạnh lành còn lại. Dị tật ăn mòn cả ước mơ, những chàng trai cô gái thậm chí không hy vọng mong chờ một mối tình, bởi “thân mang tật, không làm lụng gì được mà còn nghèo quá chừng…”.
Huyền
Những gương mặt hiền hậu, buồn buồn, thậm chí Huyền còn rất xinh xắn, nhưng Huyền sẽ mãi mãi ở trong nhân dạng của đứa trẻ. Nếu Mơ không đau đầu thì buổi sáng hai chị em sẽ đi làm bánh thuê trong xóm, ngày cũng được chừng mười ngàn tiền công. Chú Ba cũng đi kéo nước mướn. Đám con trai thì bán dài theo những vuông tôm xa. Sau bữa cơm trưa vào rừng bắt ba khía, hay xuống sông mò cá.
Chú Ba đôi lúc nhịn thuốc mua vé số, chú cũng chẳng còn biết hy vọng vào cái gì. Công việc khuân vác nặng nhọc ở những bãi bán vật liệu xây dựng, những nhà máy nước đá, những xưởng cưa… lại là nỗi ước ao của cả gia đình chú, “phải tụi nhỏ khỏe mạnh, ngày cũng kiếm được ít chục ngàn mua gạo, chớ buôn bán bấp bênh vầy…”.
Nhưng cả mơ ước dưới mức bình thường đó, họ cũng không có được. Và khi bắt gặp cái nhìn, cái vẫy tay chất chứa hy vọng, tôi bỗng thấy mình giống như tờ vé số, đầy may rủi, chữ nghĩa tôi thì giúp được không, dù nhỏ, như làm lại bức vách rách tả tơi kia ?!
Vậy nên, tôi mới nhờ bạn xuống chiếc đò nhỏ, và đi về cái xóm heo hút đó. Trăm sự cậy nhờ vào những hình ảnh xót xa của anh.
Mộng
Trắng
cùng hai dị tật gần giống nhau...
Chị Hội Đồng Tư coi nghĩ cách nào giúp họ giùm em với. Là đồng hương mà em cũng chỉ nói được câu này vì họ thôi, thêm một nỗi buồn nữa trong tháng bảy.
ReplyDeletenoi buon noi tiep noi buon hay cung gop suc giup do ho
ReplyDeleteNhân gian, con người sinh ra, lớn lên là cả một quá trình tranh đấu sinh tồn, ai cũng có những nỗi riêng. Nhưng sau có nhiều cuộc đời cơ cực và thiếu may mắn quá. Xin được chia sẻ, dù không biết bằng gì, một chút tấm lòng vậy. Cảm ơn chủ blog này!
ReplyDeleteXin được chia sẻ cùng Ngọc Tư một nỗi buồn của tháng 7. Ước gì có thể giúp được họ?
ReplyDelete@Cô Tư: Ngoài việc thông tin (dĩ nhiên là rất cần thiết), Tư có biết cách nào chuyển giùm những đóng góp vật chất đến gđ chú Bạch không?
ReplyDeleteThật cảm kích tấm lòng nhân hậu và tâm dạ hiền lành của cô Tư qua những gì đã thấy và đọc trong thời gian qua... Mặc dù có phần nào đúng như nhà văn Sơn Nam nói... nhưng trong lòng tôi cô Tư luôn nhân hậu, hiền lành... Thật lòng tôi muốn trợ giúp gì đó... thí dụ như gia đình chú Bạch, hoặc em bé bị nạn mấy tháng tuổi kia... hoặc giúp em bé bán bánh bao khu dân cư nghèo lúc trước được đến trường (nếu em không được đi học)
ReplyDeleteTôi hiện chỉ là 1 người bình thường, với thu nhập ổn định bình thường... mỗi tháng tôi có thể trợ giúp 300 - 500 ngàn đồng VN... vào việc gì đó có ít cho 1 người nào đó thật sự cần số tiền đó...
Tôi cũng xin nói thêm... tôi là người không được khôn khéo trong cách nói cũng như cách xử sự với những đồng tiền dành dụm dư hàng tháng của mình... Nên tôi đã cho đi không toan tính, cũng như không khéo léo, thành ra hình như tôi có cảm giác đã vô tình làm tổn thương người nhận và cả chính bản thân mình... Vì vậy những lúc gần đây tôi suy nghĩ lại... mình nên làm thế nào để cảm thấy tự nhiên thoải mái và có ý nghĩa giữa người cho và người nhận... Một người bạn có nói/nhắc với tôi rằng... Bây giờ bạn không ở vị trí bình thường, mà là người đang sống ở nước ngoài, một việt kiều... nhiều lúc nghĩ đến câu này tôi bối rối lắm...
Thôi, dù sao đi nữa thì... cô Tư là người của công chúng, một nhà báo, nhà văn... Và là người Mẹ có con sắp vào lớp 1, Chúc mừng cô Tư nha... Nếu cô Tư đã viết, đưa nhiều tin và hình ảnh... và cảm nhận của cô vào dòng chữ... Tôi muốn bày tỏ lòng mình qua những gì mình nhìn và đọc... Cô Tư có thêm cách nào làm lại bức vách kia hoặc làm thau giặt đồ của em Huyền nhỏ lại hoặc buổi trưa nắng có ly nước sạch để uống, bữa cơm có thêm chén canh và miếng cá/thịt...
Nếu có cách nào đó cô Tư liên lạc với tôi qua E-mail: [email protected]
Chúc cô cùng gia đình vui khỏe, bình an.
Mến
Diễm
Từ Pac Pó
ReplyDeletehttp://www.thethaovanhoa.vn/home/doi-song-xa-hoi/Thuong-lam-nhung-bup-tren-canh%21/132/20080815040017384,15.htm
đến Cà mau ?
Bịnh này, da tai tái, nổi nhiều cục u toàn thân... là bịnh do da cam ư ? Mình gặp nhiều người bị vậy mà không nghĩ là NNCĐDC.
ReplyDelete