Đổi cả thiên thu…
Bạn đi chợ về, thấy cửa sổ mở tung, là biết ba bạn vừa ghé qua nhà. Dấu vết của ông già đây : mấy bóng đèn điện chong chỗ bàn thờ thần tài và hồ cá kiểng đã bị tắt, cái quạt hút cũng ngừng quay. Và cửa sổ thông thống gió trời, mang vào nhà nắng sáng, không khí mát lành cùng bao nhiêu là bông sậy chín.
Lần nào ba bạn ghé qua thì cũng làm bao nhiêu chuyện đó, cùng với một nắm càm ràm, sao mà tụi bây xài phí… Bạn cười, có bao nhiêu đâu mà ba cứ cằn nhằn… Cả nhà bạn cũng nghĩ vậy, trả mươi ngàn cho một vài kí điện thì đáng gì. Ông già chậm rãi nói, tiết kiệm đâu có gì là xấu, phải biết chắt mót cho con cháu sau này… Khi đó, bạn đã tưởng ba nói đến tiền bạc, nhưng dường như không chỉ vậy. Cho đến tối nay, khi người biên tập viên chương trình thời sự trên ti vi khép lại chuỗi tin bão lũ cuối ngày, bạn bỗng nhận ra ba mình kêu dành dụm những thứ hơn cả tiền, những thứ có bao nhiêu tiền vẫn không mua lại được, một khi đã bán đi rồi.
Và sự thật đã có những cánh rừng, những con sông… đâu đó trên đất nước này bị xẻ mảnh, ngắt khúc bán chác, bị biến đổi thành một món hàng mà ai cũng cần : điện. Cuộc mua bán đó bạn cũng có phần, là làn gió mát từ cánh quạt xoay, là ánh sáng bừng lên đến từng góc nhà, là những cái máy biết vâng lời sau mỗi lần nhấn nút, chúng nấu cơm, giặt sạch áo quần, làm nước nóng lên hay đông lại thành viên đá nhỏ… Đã từng chổng mông thổi lửa nấu cơm khói cay xè gian bếp, từng học bài, khâu áo trong ánh đèn dầu tù mù đỏ nhói, từng ngủ hàng ngàn giấc đẫm mồ hôi…nên điện là món hàng bạn sẵn sàng mua mà không mảy may đắn đo nghĩ ngợi. Dù đôi khi cầm hóa đơn mua điện trong tay, bạn cũng bắt chước người ta dèm pha, “mấy ông nhà đèn sướng thiệt, mua một bán mười, chặn sông làm năm bảy khúc, nước trời có sẵn chảy tới đâu điện… tuôn ra tới đó mà lại bán buôn đắt đỏ…” nhưng bạn biết, bạn cần món hàng này biết bao nhiêu, bạn muốn có nó dù đắt đến đâu. Như con nghiện vậy…
Giờ thì bạn biết món hàng này đắt đến nỗi dường như bạn không thể trả nổi, và nợ nần chồng chất thêm sau mỗi cơn giận dữ của thiên nhiên. Lần đầu tiên trong cuộc đời, bạn bật công tắc đèn, nghe sợ. Đèn này thắp sáng trong vòng một giờ bạn sẽ phải trả khoảng ít ngàn đồng, không biết người ta có để dành một phần nào bù đắp lại cho những vùng đất khát khô kiệt quệ, những vùng đất chìm trong biển nước, những khu rừng đã mất, những dòng sông đã chết… hay quên mất ? Và những con người đã chết hoặc vì bão lũ hoặc vì đói nghèo, hơi thở họ là vô giá, làm sao tính được vào những hóa đơn ? Vì vậy mà người ta đã gạt những sinh mạng đó ra ngoài cuộc bán mua này, coi như không có ?
Những ngày này đọc đâu đó, nghe đâu đó cụm từ “con người đang trả giá…”, nhưng chính xác ai trả giá ? Câu trả lời có vị chát : người nghèo. Còn những kẻ trực tiếp xẻ sông, san rừng, phá núi núp trong những tòa nhà cao, kín đáo… họ không bị làm sao hết, không cái gì ngăn được họ làm giàu và mưu tính để giàu thêm thêm thêm nữa. Dù đổi cả thiên thu…
Ờ, đổi cả thiên thu, mà vẫn họ vẫn thiếu thiếu sao ấy, bạn nghĩ vậy, thiếu cái gì thì bạn vẫn đang nghĩ thêm, để tìm những từ ngữ ít phũ phàng hơn sự thật. Nhưng chắc chắn là nhà họ thiếu một… ông già giống như ba bạn. Một ông già nghèo mà mẫn tiệp, đi đến đâu đánh thức những cái đẹp thẳm sâu, những cái đẹp bị vùi lấp, bị từ bỏ. Cả những thứ vô cùng bình thường như gió mát, nắng sớm cũng được ông già mời gọi nâng niu, bởi chúng làm người ta trong trẻo và thanh thản. Hơn hết, ông nhắc dành phần cho con cháu, dạy bạn biết sợ khi vui trên nỗi đau người…
Chào Tư, mê văn của Tư từ lâu... có dịp gặp Tư trên trang blog này.
ReplyDeleteVề chuyện điện, nếu không xài thì có giúp gì cho việc chống lũ lụt không? Hay là đã sản xuất ra rồi thì dù không xài điện cũng tiêu đi mất ?
U dung roi do Tu, moi chuyen deu do len dau nguoi ngheo, o dau cung vay nhung cung no nhung noi nguoi giau cung bi, tai dat nuoc minh nguoi ngheo la da so ma.
ReplyDeletevậy đó! em cũng có một bóng điện cứ thắp hoài, tính mỗi tháng 9000đ nên không tắt, nghĩ cứ để cho ấm cúng ..
ReplyDeleteCái đó gọi là giáo dục mà Tư...
ReplyDeleteChi Tu, em rat thich bai nay cua chi. Cho em copy cai bai nay ve multiply cua em cho moi nguoi doc duoc khong? (www.changcocmultiply.com) Em cam on chi. Em doi tin chi. ;)
ReplyDeleteAn Nhien
Thời ngày nay mình sống không cho riêng mình nữa chị Tư à! Kêu nhà mình tiết kiệm, mấy ổng còn xài lãng phí thấy bà cố nội luôn.
ReplyDeleteUi, bạn chỉ được cái nói đúng
ReplyDelete@ An Nhiên : ok, em !
ReplyDelete^__^ Tư lại lên tiếng vì hòa bình thế giới! hí hí …
ReplyDeleteLà như vầy, tui đã từng nghĩ, có ráng lết mấy bước đem bịch rác của mình vào đúng nơi-an-nghỉ-cuối-cùng của nó thì cũng chẳng thể làm cái khu vực này sạch thêm tí nào, vì rác đã đầy ra đấy rồi cơ mà! Vậy thì để tiết kiệm sức lực, mình cũng cho rác của mình phơi thây ngoài vỉa hè luôn! Uhm … chẳng chết ai. Mà cũng chẳng cứu được ai ^__^
Âu là, cái vụ điện này cũng giống như thế …
Tui nói nhảm đấy ^__^ nghe làm gì!
Vừa rồi đọc TTVH cuối tuần, thấy có mở chuyên mục nhà văn và mưu sinh, ngẫm thấy đời nó tráo trở. Đọc đến cuối bài mới thấy nhắc đến chuyện nhà văn NT từ tít trong kia ra, hỏng bít có phải Tư không ? Buồn mà cười không được !
ReplyDeleteChi Tu cho phep tui copy bai nay ve blog cua tui nhe www.xanh.biz
ReplyDeleteCam on chi nhieu. Doi tin chi
Cảm ơn vì bài viết hic hic. Tư ở óng Cà mau mà cũng quan tâm tới miền Trung dữ. Quê tui ở Phú Yên, nơi vừa xảy ra bão lũ. Giá mà mỗi ng tắt bớt đi 1 ngọn đèn, dũng cảm bỏ bớt đi những thủy điện, thì đâu cần phải ùn ùn đi cứu trợ bão lụt, chỉ tổ thương hại ng khác ....
ReplyDeleteHehe, cám ơn chị. Em post lên đây rồi nè. http://changcoc.multiply.com/journal/item/23/23
ReplyDeleteBINH DINH- PHU YEN: Trời mưa ức ửi suốt 3 ngày, nước đã xâm xấp mặt sân, ai nấy đều ngồi bó gối trong nhà van vái ông trời ngớt mưa. Nữa đêm bỗng nước ở đâu ùn lên, nước vô nền nhà: tỉnh ngủ, cả nhà í ới nhau dọn đồ đạc; nước leo lên giường: coi chừng mấy đứa nhỏ!; nước leo lên bàn: thôi bỏ hết đồ đạc lo sống, nhưng bốn bề nước mênh mông biết đi đâu bây giờ?; nước leo qua cửa sổ: người leo lên rầm nhà; nước ngập cửa cái:người bồng bế nhau lên mái nhà. Trâu, bò, gà, vịt, con vàng, con mực... trôi tuốt tuồn tuột theo dòng lũ cuốn. Cái áo quan nhà ai chôn mấy tháng trước nay nước cuốn trôi bập bềnh nữa đêm đến thăm người sống, nhà này đẩy ra trôi qua nhà khác...
ReplyDeleteCuốn phim tư liệu bi thảm (thật nhưng chưa đủ thảm như thật)do ai đạo diễn vậy?
Hỏi Ông trời: năm nào mùa này Ta cũng phát chẩn, các ngươi phải lo mà giữ gìn.
Hỏi Nông Dân: tui chỉ có một cây rựa đi củi núi thôi ( nhưng một cây rựa mỗi năm phá tới 5 ha rừng)
Hỏi Thủy Điện: thủy điện thì phải xả lũ, không xả lũ phá vỡ đập có mà đại họa. ( nhưng xả khi nào thì dân không biết phải hỏi Ông Trời...)
Hỏi Lâm Tặc: không bít,chỉ bít lấy gỗ thoi! muốn bít đi hỏi kỉm lăm.
Biết hỏi ai đây? Má ơi, sang năm làn mình có Giỗ Làng!
Chị Tư,
ReplyDeleteEm đang làm một bài thuyết trình nhỏ về chị ở trường (em đang học ĐH sư phạm TPHCM). Có một thông tin mà em thấy các trang web khác nhau lại nói khác nhau, đó là những quyển sách đã xuát bản của chị. Em tìm mãi không ra nên xin mạn phép hỏi chị: đến chị đã xuất bản bao nhiêu quyển sách và trong đó bao nhiêu là truyện ngắn, bao nhiêu là tạp văn?
Cảm ơn chị nhiều và mong hồi âm của chị.
@Nhảm : vầy : ngọn đèn không tắt, giao thừa, nước chảy mây trôi, tản văn nguyễn ngọc tư, ông ngoại, ngọn đèn không tắt, truyện ngắn nguyễn ngọc tư, gió lẻ và chín câu chuyện khác, ngày mai của những ngày mai, biển của mỗi người...
ReplyDeleteHình như là 3 tập tản văn còn nhiu là truyện đó, cũng hong nhớ rõ nữa, hic.
À, sắp có tập tản văn mới ra, tên là "yêu người ngóng núi"
@Le Hoang : Hôm bữa nghe nói mà không hiểu nói gì, bữa nay mới đọc bài báo đó, may quá, hong phải tui.
Chờ không thấy chị trả lời nên em làm đại, xong rồi, may mà đủ...
ReplyDeleteHy vọng sau bài thuyết trình của em thì chị có thêm vài độc giả, hì hì...
(Do yêu cầu bài tập, em phải dịch tất cả tựa sách ra tiếng Anh, toát mồ hôi, hic...)