Hoàng hôn rộn rã
Nhiều khi bạn thấy nhớ những buổi chiều…
Bạn kéo cái ngăn nhớ đó ra, tức thì nghe tiếng con gà mái mẹ la ó ré khi mình nhấc nó vào cái cà vung độn rơm, tụi gà con còn đứng bên ngoài kêu chíp chiu nháo nhác. Mấy con gà lớn hơn đập cánh lạch xạch bay chập chõa lên nóc nhà củi, bầy vịt quế về chuồng lạch bạch tới rúc mỏ vô cái máng đổ xem xép lúa lép . Chạng vạng ở nhà ngoại còn có tiếng con bìm bịp rười rượi kêu nước, tưởng tượng, tiếng con chim này làm tan chảy cả đá chớ không phải chơi.
Bạn có hơn ba ngàn chạng vạng trong đời ướt rượt những âm thanh quen thuộc đó, làm bao nhiêu chuyện đó. Hốt ổ gà, châm dầu đèn, gom củi, lấy mớ quần áo thơm bừng nắng trên sào vào nhà… Hôm nào bạn cũng cố làm cho sớm, để ba chân bốn cẳng chạy đi chơi với tụi bạn, nhưng trời còn nắng thì mẹ con gà còn lang thang đi chơi trong vườn. Đành chờ mặt trời khuất vậy, nhấp nhổm như ngồi trên đống lửa, bên xóm có bầy con nít đang giỡn hớt om sòm.
Và khi tiếng kèn kẹt của những cái cửa sổ lá sách khép ngày, là cả nhà bạn sum vầy. Anh chị bạn tan trường đạp xe vẹo sườn rẽ vô lối nhỏ lót bằng đá chẻ. Má về khi cửa trước lúc cửa sau, tùy bữa đó má đi ruộng hay bơi xuồng tới nhà máy chà gạo làm bạn hàng xáo. Ba vào nhà chỉ một cửa sau, quần cộc ướt mèm vì tưới rau, cuốc đất. Ông đi tới đâu để lại trên nền đất cứng quèo những dấu chân sũng nước chèm nhẹp tới đó. Rồi mấy cái chén úp trên giàn xốn xang chạm vào nhau. Chỉ buổi cơm tối trễ tràng này là đông đủ tiếng đũa khua.
Có lẽ những chạng vạng năm xưa neo cặm vào lòng bạn bởi sự đầm ấm đó. Của cảnh, vật và người. Của một thời chưa biết khăn gói lang thang, đi tới những chân trời xa lạ. Chiều muộn giờ có khi bạn đang ở một miền đất xa xôi nào đó. Hoang mang. Chông chênh. Xớ rớ. Ăn ở quán đông người say, sợ. Ngủ trọ ở chỗ vách phên không kín, sợ. Gặp những ánh nhìn đăm đăm của người lạ, sợ. Và chạng vạng ngơ ngác mon men theo sau tiếng lục lạc lanh canh của những đàn bò vừa đủng đỉnh rời sườn núi, bạn thấy nhớ nhà. Nhớ như người xưa nhớ đến bật ra lời hát, “chiều chiều chim vịt kêu chiều/Ngó về quê mẹ chín chiều ruột đau”. Thời khắc này đã được bạn đổi tên là buổi nhớ nhà mất rồi, hành trình đến tên gọi mới mất mười lăm năm.
Bạn nghĩ có thể bạn tiến hóa từ chim hay gà, nên chạng vạng là bạn muốn về nhà, về tổ. Mấy triệu năm rồi, duy nhất và độc nhất vẫn còn sót lại bản năng này. Khao khát bầu trời nhưng đồng thời cũng nhớ thương tổ lá tổ rơm tổ cỏ.
Nhưng buổi nhớ nhà, buổi sum vầy đôi lúc không còn ý nghĩa như tên gọi, bởi những cuộc gặp gỡ, tiệc tùng, những mối quan hệ phức tạp. Chiều muộn giờ là cuộc gọi ngắn ngủi, “tôi đi nhậu cùng mấy đồng nghiệp, khỏi đợi cơm…”; là tin nhắn lạnh lùng trên điện thoại di động, “em ăn tối với khách ở xa”; hay một mẫu giấy phất phơ trên bàn, “con đi sinh nhật bạn, chắc về khuya, đừng chờ cửa…”.
Cái bản năng không bị mấy triệu năm tiến hóa làm mai một, đôi khi biến mất vì những cách giản dị đơn điệu không ngờ. Nhanh như trở bánh phồng. Chạng vạng đứng bên ngoài những ngôi nhà khép cửa và khóa trái, chạng vạng nghe như ai gọi nó bằng cái tên tan tác. Hai mươi năm, tính ra cũng không dài cho những cuộc đổi thay…
Và đôi khi bạn thấy nhớ những buổi chiều bạn biết là sẽ không bao giờ quay lại nữa…
Nhớ lắm những buổi chiều như vậy
ReplyDelete. . . . má tui đang phì phò thổi lửa nấu cơm chiều. Củi ướt làm má ho khụ khụ. Nhựa cây cháy xèo xèo, thơm thơm. Ba tui khua thùng bằng tôn xách nước châm đầy mấy thùng phuy nước sau nhà để chút nữa ai cũng có nước mà tắm giặt. Bà nội tui ngồi vặn cái radio rọt rẹt nghe xổ số. Lâu lâu la thằng Tí giỡn nhỏ nhỏ, nội nghe không rõ. Tiếng dì ba Mập kêu thằng Tèo về tắm. Bác Năm lọc cọc dắt bò vô chuồng . . . ôi những buổi chiều . . .
ReplyDeleteĐếm có khoảng hơn mười chữ "Chạng vạng". Hihihi Thôi thì chị đặt tựa là: "Chạng Vạng những nỗi niềm" luôn đi, cho bình dân. Chứ hoàng hôn thấy ướt át quá!!!
ReplyDeleteChị Tư viết bài này dành cho những người con gái phải không? Chứ con trai làm gì mà phải sợ "Ăn ở quán đông người say, ngủ trọ ở chỗ vách phên không kín, những ánh nhìn đăm đăm của người lạ..."
@Cuong : Buổi chạng vạng của bạn còn ngọt ngào hơn của tui nữa, nhiều hình ảnh âm thanh thiệt là ngọt ngào...
ReplyDelete@thevulachong : thời này trai cũng sợ đó bạn...
"Ăn ở quán đông người say, sợ. Ngủ trọ ở chỗ vách phên không kín, sợ. Gặp những ánh nhìn đăm đăm của người lạ, sợ". Chị Tư nói đúng quá. Sợ. Cái gì cũng sợ. Sợ một mình ngồi trước bàn ăn. Sợ một mình một tô đầy nhóc, ngồi ôm cái máy tính. Sợ nghe những tiếng nói trong đầu khi miệng vẫn kín bưng. Sợ gió rít bữa đêm. Sợ lúc rãnh rang, sợ phải nhớ.
ReplyDeleteNói đến khi này có nghĩa là nhìn sau thấy lũ nhỏ, chơi quên trời đất khhoong thèm nhìn về phía trước; nhìn về phía trước thấy ông bà khẻ khọt đi đổ nước, nhóm bếp hay tắt cái bóng điện khi không cần thiết. Nhìn lại mình thấy thời gian trôi rất nhanh, không cưỡng được. Buồn mà không hiểu vì sao buồn. Trịnh nói như vầy "Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người". Xoáy quá đó Tư.
ReplyDeleteem chỉ sợ mỗi khi rảnh quá chẳng có gì làm lại nghĩ quẩn.
ReplyDeleteĐời sinh viên, nhiều khi nhớ những buổi chiều như vậy, cảnh vật trời đất "buổi nhớ nhà" cũng đỏ hoe và ướt nhẹp...
ReplyDeleteSao em thích cái câu "Cái bản năng không bị mấy triệu năm... Nhanh như trở bánh phồng" quá! Nó lột tả hết cái "đơn giản" của quá trình đổi thay nếp sống.
Muốn khóc.
@thevulachong sao không sợ? Say xỉn, tưởng mình gây sự, chém, nhìn mình thấy ghét, chém. Còn ăn cướp thì nó rất bình đẳng,không kín kẽ thì nó "hốt", bất kể nam nữ :))
Toi dang song noi xu nguoi, nen cang khong the co nhung buoi chieu chang vang nhu vay. Long nhoi dau khi doc bai nay cua ban, boi o que nha toi biet Me dang ngong trong toi, va nhung buoi chang vang bay gio dan con bay xa chua the bay ve to.
ReplyDeleteCó lẽ mình bận rộn quá nên chưa bao giờ cảm nhận được điều gì như vậy. Thấy thèm quá.
ReplyDeleteDịu dàng thiệt đó, Tư à ^__^ Thỉnh thoảng thế này cũng hay, nhớ vài thứ, và quên vài thứ khác ^__^
ReplyDeleteEm không có những buổi chạng vạng như của Tư hay của các bạn. Cũng không hẳn là em thèm những buổi như vậy. Uhm ... hoặc là đủ đầy quá rồi ngán, hoặc chính những đứa như em là cái bước đột phá kỳ cục trong cái chu kỳ tiến hóa mà Tư nói ...
^__^ Ngày lành, Tư!
Tư ơi.. Tư à,
ReplyDeleteCái bản năng còn sót lại: "gà về chuồng, chim về tổ" Tư khai quật được hay ghê!!!! Các nhà "sanh dzật học" chắc cũng ghen tị với Tư về khám phá này. :o)
Chúc Tư luôn vui.
Nguyên.
Oi troi oi, sao tu nhien " sen nuong " du vay Tu.
ReplyDeleteChời ơi thím tư post cái bài làm em nhớ nhà muốn chết!
ReplyDeleteTặng Tư bài này hen, dịu dàng nhất của tui đó, tính tới thời điểm này hen.
ReplyDeleteXuân Đến
Xuân về trườc ngõ với hoa mai
Len chân nhẹ bước với hoa đào
Tư tình với gió, cười với nắng
Xuân Đến kia rồi ... em có hay ?!...
Xuân Đến kia rồi em có hay
Đất trời xuân thắp nắng vàng say
Mơn man mắt biếc xuân khe khẽ ...
Một nụ hôn đầu ... xuân đắm say
Tức cảnh sinh tình ý mừ, hi vọng là khi đọc bài này Tư sẽ phơi phới
ra lò thêm cái gì đó tương tự như cú CDBT chẳng hạn! Hen ...
"Và đôi khi bạn thấy nhớ những buổi chiều bạn biết là sẽ không bao giờ quay lại nữa…" : /:)
ReplyDelete"Và đôi khi bạn thấy nhớ những buổi chiều bạn biết là sẽ không bao giờ quay lại nữa…": bản thân tôi cũng đã từng có cảm giác đó. Xin cám ơn nhà văn NNT.
ReplyDeleteFAQ
Không biết đến bao giờ em mới có thể gặp chị Tư,nhưng có thể gặp chị Tư và được ngồi nói chuyện với chị trong một buổi chiều chạng vạng sẽ là một trong những mơ ước lớn nhất đời của em,nhưng...biết đến bao giờ...
ReplyDeleteMới mua cuốn Nguyệt San SGTT có tản văn này của chị Tư nữa nè!
ReplyDeleteHình bìa lại là thần tượng của em: Phương Thanh, vui ghê. Trong này có 2 thần tượng trong 1 tờ báo
Anh xin cái tản văn này nhé. Làm một chùm tản văn 3 miền cho Tạp chí tết. cám ơn trước, không cho cũng... lấy rồi.
ReplyDeleteVăn Công Hùng
À quên Tư ơi, nhắn cho anh địa chỉ nhé, vào Email: [email protected]
ReplyDeleteTạp chí số này của anh in một bài của một thạc sĩ trẻ ở Quảng Bình "Cánh đồng bất tận- từ góc nhìn phân tâm học"- Hoàng Đăng Khoa. Anh sẽ gửi Tạp chí theo địa chỉ em cho.