Câu trả lời cho buổi chiều cuối năm này là ta tưởng núi có cây. Ngay lần đầu tiên tới đây, ngó ngọn núi xanh um đứng sững giữa trời là ta thấy mê rồi. Nhưng núi như cô nàng mặc yếm, ngó đằng trước có áo nhưng đằng sau lồng lộng thịt da. Ảo tưởng chấm dứt khi bắt đầu bước lên những bậc thang đầu tiên lên núi. Nơi có cây thì không có lối mòn. Chỗ có đường đi thì không có cây. Chỉ có chùa miếu nằm rải trên sườn núi, đi chừng chục bậc đá lại có người rủ ghé cúng bái. Lâu lâu thấy thò ra mấy con rồng đồng bóng rực rỡ màu sơn theo trường phái nghệ thuật “hàng mã”, cùng với voi bêtông nai bêtông đứng nằm cạnh gốc cây bêtông.
Sực nhớ tới tin vắn trên báo bữa qua về triển lãm tranh của một chàng hoạ sĩ chuyên vẽ phong cảnh, chỉ phong cảnh. Điểm lạ là tranh của chàng không một bóng người, chỗ nào có người thì chỗ đó đâu còn gì đẹp nữa, chàng nói vậy. Không biết chàng đã lên núi này chưa ta, có cảm giác nghẹn họng thắt ngực khi thấy người ta cưa phứt cái cây để trơ gốc dùng làm bàn trà chưa. Chắc không núi này thì cũng núi khác, không trảng cỏ này thì cũng cánh rừng khác.
Không có cây. Người sống ở lưng chừng núi chống cái nóng mùa hè cháy trên da thịt bằng…cổ tích. Một ông áo nâu (giống như người trên núi này ưa chuộng áo nâu, hoặc họ là sư hoặc cho giống sư) đang bện võng bằng những sợi dây được xe lại từ vải vụn nói núi này thiêng lắm, mấy chục năm bom đạn vậy mà không có trái bom trái pháo nào rơi trúng, quân mình ở trên này khoẻ re. Có thần thánh chở che hết mà, ông già nói bằng giọng ngút ngất tự hào. Ông hỏi vừa rồi mấy cô cậu trèo lên có thấy bên tay phải có tảng đá giống bàn chân không? Chân Tiên đó. Gần tới đỉnh thì có giếng Tiên, chỗ tiên hồi xưa xuống tắm. Trước đây người ta thấy Phật toả hào quang trên đỉnh núi hoài.
Ta quạu sẵn vụ không có cây, định hỏi vậy chú thấy lần nào chưa, nhưng kịp dừng lại, không thôi hối hận sao. Ông ta mù. Suýt chút nữa là ta bị đôi bàn tay đan võng lẹ làng, những bước chân lẹ làng lúc đi lấy khăn lạnh bán cho khách… lừa. Ta dịu giọng dù nắng vẫn loá bưng con mắt, hỏi bán buôn có khá không chú. Ông cười mắt không một lần chớp, nói bèo bọt lắm cô ơi, đủ ăn là may phước, nhờ thánh thần phù hộ cả.
Rồi ông trở lại kể chuyện thánh thần, như người kia ở chỗ kia đau gan nặng lắm nên lên núi cầu may, lúc xuống núi khối u rụng mất tiêu; như người nọ ở chỗ nọ bị chồng bỏ chồng chê, lên núi cúng bái chồng mê lại liền; như người ở chỗ ấy giàu mà thất đức, thả chó cắn chết người nghèo vô vườn mót củi, bữa đó người đó lên núi chơi đá lở lấp mất luôn… Ông trời có mắt mà, ông kết luận, có lòng thành thì cho đi gì nhận lại nấy, tôi đây tối nào cũng bái lạy trời đất hết.
Cũng may là ông mù nên không nhìn thấy vẻ cười cợt mỉa mai trên mặt ta, nhưng có thể ông cảm nhận được sự chán chường trong hơi thở, trong cách ta bồn chồn bẻ mấy ngón tay, như ông nhận ra càng ngày người hành hương càng thưa vắng, càng ít tiếng bước chân è ạch ngang qua căn chòi ông đang trú qua mưa nắng. Khách du lịch thì tới một lần thấy nai giả nằm dưới gốc cây giả thì không quay lại nữa. Ở cái chỗ đá trọc nắng chang này chỉ có cách trồng trọt canh tác huyền thoại mà sống. Núi càng thiêng, thần thánh càng thiêng thì khách tới càng đông, ông bán được nhiều khăn ướp lạnh. Ta thầm hiểu vậy nhưng để bụng thôi. Nhưng mấy nhóc học trò ngồi nghỉ chân hóng chuyện gần đó chưa hiểu đời tới cỡ đó, một đứa vô tình vọt miệng, “ủa vậy đêm nào cũng lạy mấy chục lạy mà sao thần tiên không làm cho bác Hai sáng mắt cho hết khổ?”
Ông già khựng lại, sượng trân (*). Nghe trong tiếng đá lông chông rơi xuống núi nhỏ dần nhỏ dần rồi mất hút như tiếng huyền thoại tắt lịm. Trông vẻ mặt hụt hẫng của ông, ta bỗng giật mình biết đâu ông thật sự tin vào cổ tích, ông sống vì nó, hy vọng ở nó và chiều nay đứa trẻ kia đã làm đổ nát ít nhiều.
Trên đường xuống núi với hai cái gối chùn mỏi, bỗng dưng ta tự hỏi, cái vụ đá lở vùi kẻ ác là có thiệt không ta? Sao tự dưng ta thấy hy vọng quá à, bởi có lúc không thể tin vào công lý của người, thì thử tin công lý của trời thử coi sao.
Biết đâu ông già đúng, núi này thiêng lắm chớ không phải không, bằng chứng ta đã xuống núi bằng một ta khác…
(*) Dân gian gọi là “mất lửa”
Bài in báo Sgtt Nguyệt san
Xí tem!
ReplyDeleteTui lớn rồi mà đọc xong văn Tư cũng teen luôn.
Thiên linh linh, địa linh linh! Chỗ nào cũng linh, lòng người thì linh tinh.
HAY !
ReplyDelete"Nhưng núi như cô nàng mặc yếm, ngó đằng trước có áo nhưng đằng sau lồng lộng thịt da"- Kết !!!
ReplyDeleteem cũng từng tin vào chuyện cổ tích, nhưng bây giờ thì hết rồi....BUỒN.
ReplyDeleteChi Tư viết hay quá!
Chị Tư!
ReplyDelete1. "Cái vụ đá lở..." qua bài này thấy chị da diết buồn xót xa về chuyện chó cắn chết người nghèo đâu đó... Em cũng chỉ biết tin vào công lý của Trời... Biết bao nhiêu chuyện chứ đâu phải chỉ chuyện ...con chó! Có khi mù như ông già cũgn hay! "Thà đui mà giữ đạo nhà"!
2. Chị yêu thiên nhiên thế! Thấy con nai đá đứng bên cây đá, lòng như hóa đá... Chị đi Phú Quốc chưa? Em nghe mọi người nói có cơ hội thì đi Phú Quốc, trước khi nó bị "xã hội hóa". Dù còn đó nét hoang sơ, nhưng nó đang bị rồi đó, ngày càng nhanh!
Tư à ... bữa nào rảnh rảnh, thử ngồi viết một bài nào đó mà không làm người ta thở dài đi!
ReplyDeleteRầu! Chưa đi tới cái núi này bao giờ, nhưng tui có đi tới cái thác Đa-ten-la ngoài Đà Lạt rồi, thấy mấy cái cây bị đốn để làm cái máng trượt, tự hỏi, đứa nào quản mà ngu ớn. Không "nghẹn họng thắt ngực", tại cái lòng nó bận "phẫn nộ".
Có lẽ mình già rồi. Muốn ghét muốn thích cái gì cũng phải cân nhắc chậm chạp, còn bọn trẻ, chúng nó quyết liệt lắm, chúng nó thông minh lắm, mấy người như ông lão áo nâu kia đừng hòng lừa mị chúng nó cái chuyện thần thánh. Giống như, bà ngoại ở nhà đừng hòng lừa chúng nó chuyện Tấm được Bụt giúp, vì "đời mạnh ai nấy lo, ai rảnh ..."
Hắc hắc hắc ...
Ờ, tội nghiệp người già như tui. Ôi mà ai biết được, "ngu si hưởng thái bình" ...Bọn kia thông minh quá, thông minh đến nỗi đâu có biết chúng nó đang mất cái gì ... ^^
Buồn man mác,sao chị Tư viết toàn chuyện buồn không hả chị Tư ?
ReplyDeleteđuyyyr
ReplyDeleteVừa xuống núi nên viết hay quá!
ReplyDelete