Đi thật xa mới đến nhà bạn cũ
Ở khoảnh khắc
chốt cài bên trong căn nhà lích kích mở, Vĩnh nghe tiếng kêu của chính mình, trời
ơi rốt cuộc cũng đến nơi, và Miền đang ở phía sau cánh cửa dần hé.
Không nhớ rõ
mặt mũi người đàn bà sắp hiện ra kia, trước ngày mười bảy tháng ba năm ngoái, đời
Vĩnh còn không có góc nào cho cái tên Miền. Một xế trưa có thằng người lem luốc
quảy giỏ trờ tới chỗ Vĩnh ngồi đón khách, hỏi đường tới ga tàu lửa. Nghe bảo đến
ngã tư quẹo trái đi chút nữa đụng ngã năm quẹo phải, thay vì nói cảm ơn, thằng
người kêu trời đất ơi, đúng mầy là thằng Vĩnh cuội rồi, tao Tèo Anh đây, nhớ tao chớ ? Không chấm không phẩy, những
kỷ niệm dắt dây về xóm trọ những thằng nhỏ sinh viên đọ cúc cu coi của ai dài
nhất những cái đũng quần cứng đờ như được hồ những buổi chen bẹp ruột mua rẻ mì
tôm hết hạn dùng. Hổn hển, thằng người nói nửa chừng thì kêu chết tao, sắp trễ
tàu. Ờ mà con Miền nó sinh con cho mày, biết chưa ?
Vĩnh không
biết. Không muốn biết. Những ngày sau đó nó thà rằng mình không biết luôn. Ước
sao thằng bạn lam lũ kia đừng hiện ra, không sẵn miệng cho hay Vĩnh có đứa con
rơi, rồi lẩn mất trong biển người. Chín vía chưa kịp về, Vĩnh phải dọt xe theo
và chặn được bạn cũ ở cổng ga, nhưng cũng chỉ kịp hỏi “Ê vụ sinh con là giỡn
hay chơi, mậy?” và còi tàu băm vằm câu trả lời, nhỏ Miền dạy ở trường mẫu giáo
Anh Đào, tao gặp nó năm ngoái.
“Sao tao với
Miền lại có con được ?”, Vĩnh hét vào đám người trên sân ga hớt hãi. Không ai
trả lời.
Chuyện gì
mà vô lý vậy, mình với cô ta có bồ bịch gì đâu. Ngay cả yêu thương thắm thiết
cho đi không tiếc thứ gì, thông thuộc từng nốt ruồi từng sẹo kín thì cũng đắn
đo chuyện có con khi chưa cưới hỏi. Một cô gái sinh con và chấp nhận là mẹ đơn
thân đâu gọn hơ như đi chợ mua bó rau. Vĩnh nghĩ vậy, cố nhớ Miền là con nhỏ tóc
chấm lưng ai nói gì chọc gì cũng chỉ cười, hay cô gái hay ra sàn nước tắm mưa lộ
thân hình chắc lẳn, hay cô mới dọn đến sau lúc nào cũng có mấy cái lô cuốn lủng
lẳng trên đầu.
Một mình
Vĩnh trở về những buổi nhậu trong xóm trọ khi đứa nào đó xách con gà ở dưới quê
lên, những cọ quẹt khi bọn trai gái đều say lử, và rạo rực không thể kiềm giữ. Mớ
chung đụng mà khi nhớ lại không thể tách bạch ra mình ái a ái à với cô nào trong
dịp nào trong bọn con gái dọn tới xóm trọ rồi đi, người mới đến lại lấp vào căn
phòng trống. Chỉ là lơ đãng đi ngang qua đời nhau, da diết gì đâu mà giữ lại
luôn một giọt máu, khó tin.
Chắc không
phải con mình, nếu phải thì cô ta đã tìm tới để ăn vạ, bắt cưới. Vĩnh tự thuyết
phục mình, những lúc ngồi như cục đá nghĩ tới đứa con rơi, theo như lời thằng bạn.
Mà con cái thì Vĩnh thiếu chi. Vợ mang bầu đứa thứ ba, và cái bụng chang bang
kia đã đẩy Vĩnh ra đường bắt khách chạy xe ôm, tranh thủ kiếm thêm chút tiền sau
tan ca ở xưởng giấy. Chuyện có thêm đứa con nữa làm nó sợ.
Lúc lăn những
cuộn giấy dầu chất vào kho, khi ngồi trên xe chờ khách khuya, giữa mê lộ ý nghĩ
vừa trần trụi vừa tục tĩu về lương tháng này và tấm lưng trần lộ ra sau chiếc
áo khoét sâu của cô gái ngang qua, giữa tiền sữa cho con và người đàn ông phè
phỡn đẩy cửa tiệm gội đầu trưng đầy mỹ nữ bên kia đường, trong đầu Vĩnh thỉnh
thoảng lại rẽ qua một người đàn bà, đứa bé, dãy nhà tập thể có cái rào trồng
bông xác pháo, bên hông trường mầm non.
Vĩnh đảo ngang
chỗ đó bảy lần mới vịn được cơn mưa rào để ghé qua chỗ người bảo vệ. Mời ông
già điếu thuốc, Vĩnh nói có cô bạn cũ tên Miền trước dạy ở đây. Ông già rít một
hơi thuốc dài, phun khói ra bằng mũi, “nhà cổ ở cuối dãy”. “Đứa nhỏ chắc lớn rồi
?”, Vĩnh hỏi, ngay lập tức ân hận vì sâu thẳm trong lòng nó đâu muốn xác nhận
chuyện đó. Hơi nước nặng trĩu làm khói thuốc không thể tan nhanh, cứ quầng quã
trên gương mặt ông già, “trời nuôi thằng nhỏ mạnh cùi cụi”.
Con trai. Đứa
nhỏ (có thể) con mình là bé trai. Vĩnh cố lắc đầu phủi tóc ngoáy tai để giũ ra
cho bằng hết sạch ý nghĩ mình có đứa con trai phải đến bảy tuổi rồi. Nhưng ý
nghĩ như bông gòn, càng xua đuổi càng nhơ nhởn, lúc đậu lúc bay, xé không đứt bứt
không rời.
Chở vợ đi
sinh, Vĩnh cũng nghĩ tới một đêm tối mịt đẫm nước sau giông mưa như vầy, có người
đã một mình xách cái giỏ đựng tã trẻ nít đi tới nhà thương. Chậm rãi đi dọc
hành lang phòng bệnh, đôi lúc cô ta phải vịn vách để chịu đựng cơn gò của đứa
trẻ sắp ra đời. Hình dung đó làm Vĩnh giận dữ, rẽ nhầm đường. Vợ nén đau, cười
nói chồng hồn vía bỏ theo chân dài nào.
- Khùng !
Vĩnh nạt.
Lần đầu
tiên áp vào thịt da nhau, vợ nhéo hông Vĩnh, hỏi nửa chơi nửa giỡn rằng đã ôm
bao nhiêu gái rồi, Vĩnh cũng nạt khùng, rồi lấp môi vợ bằng môi mình, lấy cái
khác lấp đầy cái khác. Như để ém tận đáy cái thời trai trẻ đã rong rêu trong thất
vọng. Vĩnh sợ phải kiểm đếm lại những gì thuộc về quãng trước cái biến cố tiệm giày
của gia đình bị lửa nuốt mất, lúc Vĩnh thi cuối năm ba. Lửa liếm cái lưỡi bỏng
rẫy lên mái nhà trước khi nghiến ngấu bằng sạch và bỏ lại tàn tro khánh tận. Người
anh trụ cột tối ấy uống say không kịp chạy ra. Vĩnh thôi học, bỏ trường.
Không ai
cho hay Vĩnh bỏ quên giọt máu, lúc dọn đồ rời xóm trọ. Có thể cô ta từng ám chỉ
xa xôi, hỏi những câu kiểu như anh có thích con nít không, và Vĩnh vô tư bảo “chỉ
nghe thôi đã ớn”. Cô đành câm lặng áp tay lên bụng đứng ngó theo Vĩnh đi mỗi
lúc một xa, như phim.
Vĩnh vẫn
thường quay kính chiếu hậu vào gương mặt khách, những khi chở phụ nữ trạc tuổi
mình, tự hỏi “phải Miền không ?”. Vài lần bị khách bắt quả tang, trừng mắt, “ê,
không chơi ngó lén nghen bồ”. Những lần tiệm kiếng quen kêu giao hàng, Vĩnh hay
hình dung Miền chạy xe phía sau, người vào tấm kiếng đang dựng dọc lưng nó. Miền
từng đến rất gần, nhưng vì những ngăn cách vô tình, hay bởi bắt gặp cái nhìn hờ
hững của Vĩnh nên cô lặng lẽ rút lui.
Đứa nhỏ có
phải con tôi ? Câu hỏi đó Vĩnh cứ miết thành rãnh trong đầu, lúc kéo sụp cái
nón che bớt mặt khi ngang qua trường mẫu giáo. Hàng rào giấu sau nó một thế giới
mịt mùng, chưa lần nào Vĩnh thấy trẻ con chạy chơi, không thấy quần áo nhỏ nhắn
treo sào phơi, cũng không nghe những bài hát trẻ con vẳng ra từ máy hát. Dãy
nhà im ắng lạ lùng, như không người. Đứa bé chỉ tồn tại trên môi của thằng bạn
cũ đến số điện thoại cũng không có và ông bảo vệ già lẩn thẩn xua những bà mẹ đến
sớm dán mặt vào rào chờ đến giờ đón con “không lo ở nhà quét dọn, lại đứng đây
phơi nắng”.
Thằng nhỏ
giống ai, ta ? Có lần lỡ để xổng một tia tò mò, Vĩnh phải dập tắt nó bằng cách
bẻ ý nghĩ qua bữa nhậu ở quán Gầm Cầu, chút nữa mua cho bé út cái trống lắc, giờ
này chắc vợ đã nấu cơm.
Làm sao nêm chật những khoảng trống rợn trong đầu.
Chỉ cần bước
qua cái cỗng rào xiêu, gõ cửa căn phòng cuối dãy, và đống dây ngờ trói Vĩnh sẽ
được tháo bỏ, nhưng nó sớm nản lòng khi hình dung cái gật đầu sẽ sàng. Vĩnh sợ phải
chia đời mình trước và sau cái gật đầu, như từng chia quãng trước và sau vụ
cháy, mà tàn tro mặn xót Vĩnh còn dọn dẹp đến tận bây giờ. Miền gật, có thể
Vĩnh sẽ không bao giờ tìm lại cái trật tự mà thằng đàn ông ba mươi bốn tuổi đã vật
vã xếp đặt sao cho vừa vặn với vài công việc tầm thường, với cô vợ và ba đứa
con, món tiền điện nước cuối tháng và học phí cho tụi nhỏ.
Cũng không
thể phẩy tay coi như mơ. Chẳng cơn mơ nào lại sáng rỡ đến vậy. Màu nắng quạu xế
trưa khi thằng bạn kéo tay áo lau mồ hôi, cái nhát gừng lơ đãng của ông bảo vệ
già dưới cơn mưa nhỏ, hàng rào oằn hoa xác pháo đỏ cam. Tất cả đều gây nên sự
rúng động mỗi khi Vĩnh nghĩ về. Làm gì có chiêm bao bức bối đến nỗi Vĩnh phải lên
tiếng bênh một gã bỏ rơi cô bồ nhí báo tin anh ơi bụng em vừa mọc một trái tim.
Vợ phì cười, “Người ta chửi thằng trong phim mà, chạm cọng dây nào sao lại lên
tiếng”.
Vợ lúc nào
cũng cười, lấy phải anh chồng không giàu có, sớm con cái nhóc nheo, nhưng chuyện
đó chẳng làm cô thôi thắp lửa trên môi. Nhưng nụ cười đó sẽ tắt xèo đi như lửa
mắc mưa, khi Vĩnh nuốt nước bọt nói em à, chuyện là hồi trước anh có quen sơ một
con nhỏ, nó không nói không rằng đẻ con cho anh, vậy đó.
Lúc bước
vào vuông sân khu tập thể, Vĩnh không biết vì bọt bia bốc lên đầu, vì hôm qua con
gái méc bạn réo tên ba ra chửi, mà nó không thể đáp trả xứng đáng vì thằng kia
không có ba. Vì những giấc mơ mà Vĩnh không sao nhớ nổi, nhưng vợ kể anh đã khóc
thút thít rất tội. Hay bởi vừa nãy ngang qua dãy rào xác pháo, Vĩnh nhìn thấy một
chiếc xe ba bánh của con nít nằm vắt trên miệng thùng rác, bánh xe trước long
ra, rớt rời. Chiếc xe như một chiến binh hết thời, nằm buồn với những vết
thương được băng bó tạm bợ bằng dây dù, sợi vải.
Đẩy cái cỗng
rào hờ hững có cũng như không, Vĩnh như mộng du, không biết vừa rồi là mở ra
hay khép lại. Thấy hơi xây xẩm, đi mãi gần hai năm mới đặt chân lên cái thềm
nhà này.
Và cánh cửa
ở căn phòng cuối dãy mở vừa đủ cho vệt sáng ngã dài trên cái đầu nhấp nhô lô cuốn.
Người đàn bà không chút ngạc nhiên nào trong ánh mắt, giọng bình thản như mới vừa
gặp Vĩnh hôm qua :
- Vĩnh tới
rồi ha. Vô chơi, anh !
Truyện của Tư sao nó buồn buồn,lừng chừng... đôi khi khiến người ta ấm ức như "lý con sáo sang sông"
ReplyDeletetruyện như mơ như thực, chẳng biết đâu là bám vào bởi chỉ toàn là những ý nghĩ đuổi nhau không kịp... nói như thực thì giống như khói thuốc nhẹ tênh không rõ hình hài, nói như mơ thì giống như tiếng đàn bầu buông từng giọt, từng giọt đặc quánh,... từng câu từng chữ rơi lộp độp rơi như tiếng mưa rơi trên mái tol buồn thúi ruột. Nhưng cũng may... câu cuối cùng làm ai cũng giật mình tỉnh ra... không riêng gì Vĩnh...
ReplyDeleteLúc đầu cứ ngỡ là một câu chuyện vẹn tròn, đọc đến đoạn giữa mới hay là dòng nội tâm của một người đàn ông vô tình bị người ta gợi về quá khứ, chạm đến câu cuối cùng mới nhận ra: không phải mơ, tất cả đều là đời thực đó thôi. Có chút hụt hẫng, có chút dở dang, chút tiếc nuối và nhiều ám ảnh. :)
ReplyDeleteEm thấy thú vị với sự kiên nhẫn và bình thản của nhân vật Miến... :)
ReplyDeleteTui ....ghé qua đọc bài -thấy hay quá lên rất muốn đọc cho hết -Cảm ơn chủ nhà nhiều -Chúc chủ nhật vi vẻ nhé
ReplyDeleteTôi đọc chị Tư lần đầu tiên là truyện ngắn "Một dòng xuôi mải miết". Đến nhà cũng có khá nhiều sách của chị. Nếu có thể được, xin chị một cuốn bất kỳ, có chữ ký.
ReplyDeleteĐịa chỉ của tôi: Nguyễn Phan Anh - 53 Lê Lợi, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.
Chị cho xin địa chỉ để tôi gửi phí chuyển phát cho chị.
Trân trọng!
Đọc Saurieng - mình phải dừng lại ở nhiều câu , nhiều chữ để đọc lại chờ thấm !
ReplyDeleteChỉ sợ đọc lướt qua sẽ hoá vô tình với Nghệ Thuật Diễn Đạt của Cô Tư .