Cả khi xe chuyển
bánh rồi bạn vẫn còn kinh ngạc, thì ra chỉ cần chừng này thứ mang theo. Chục
ngoài bộ quần áo, mùng mền, đôi gối, vài
cái khăn choàng cổ. Mà cũng không chắc chúng cần thiết với mình.
Có quá nhiều thứ
để nhìn nhận lại trước và trong những cuộc chia tay, như cái chị khóc mếu kia
chưa chắc sẽ nhớ về bạn nhiều hơn người vẻ như tỉnh bơ cà rỡn (nuốt trộng nỗi
buồn vào lòng vốn là chuyện chẳng dễ gì), hay đằng sau câu “sẽ gọi điện thường
xuyên” là một rừng lừa phỉnh bởi mai đây hít thở thứ không khí khác, sẽ chẳng còn
gì chung để chia sẻ cho nhau. Và xứ sở bạn tưởng như đậm đặc trong từng tế bào
máu, không sống nổi nếu thiếu vắng, ngay khi rời đi đã có nơi chốn mới thay vào.
Hiểu cách những mối
quan hệ biến dạng sau mỗi cuộc chuyển dời, nhất là giữa người với người, nhưng sau
vài lần chuyển nhà, đồ đạc mới là thứ khiến bạn ngạc nhiên. Những thứ bạn phục
thuộc vào, như thể chúng là tai, là mắt, là oxy, hóa ra buông bỏ được. Và có thể
buông nhẹ không.
Vẫn nhớ lần chuyển
nhà đầu tiên, trước buổi rời đi căng đầu nghĩ coi bao nhiêu thứ cồng kềnh này
xe tải hạng nào, bao xe thì chở hết. Gì cũng muốn mang theo. Sao thiếu được cái
tủ lạnh dành trữ đồ ăn, hay bộ bàn trà, vốn là kỷ vật của bà nội. Kệ sách, với tín
đồ gặm chữ không thể không có. Mớ đồ sứ tinh tế nhặt nhạnh được từ những phiên
chợ cuối năm. Phải nhấc bổng căn nhà lên được bạn cũng không bỏ rơi nó. Trên tường
vách vẫn còn những cây đinh xiêu vẹo được đóng bởi tay của ông chồng quá cố, chục
ngoài cái vạch đánh dấu cuộc nhổ giò của thằng con.
“Phải mua giấy
dán tường che hết chỗ tèm lem này mới được”, bà khách đầu tiên tới coi nhà ngay
sau bữa bạn treo bảng reo bán, đã phán luôn khi nhìn thấy những vạch sơn vàng.
Tự tin với mớ vòng vàng xủng xẻng trên người, khách xông vào tận buồng trong,
nói phá luôn cái cửa này cho thoáng gió, bếp kê cao thêm hai cục gạch là vừa, cây
bàng ngoài sân đốn luôn khỏi mất công quét dọn mùa lá rụng. Như thể ngôi nhà đã
thuộc về bà, ngay khi cuộc mua bán còn chưa bắt đầu, mặc cả chưa đến đâu. Trong
giây lát bạn cảm giác mình là khách, đi đứng sẽ sàng, đến bà kia phải mời ngược
lại kìa chị uống nước đi, ngại khỉ khô gì.
Khách về rồi mới dám tin nhà này là nhà mình, trường kỷ bạn đang ngồi nín thở sợ
nó đau đây chính mình đánh đổi từ những buổi dạy thêm khản giọng.
Mớ đồ này phải
đánh đổi thanh xuân mới sắm được đó, bạn bảo vậy, khi cuộc chuyển nhà làm hao kiên
nhẫn của mấy chị tới dọn phụ. Chúng cho bạn cảm giác sống, là nôn nao ngay khi
gặp lần đầu, là khắc khoải chờ đón về, là mãn nguyện khi nhìn chúng chễm chệ giữa
nhà. Cho nên cả cái ấm sứt vòi cũng được cưu mang tới cùng. Bạn chứng minh câu
“một lần dọn nhà bằng ba lần cháy” là ứng vào ai đó, không liên quan gì mình. Sau
cuộc chuyển dời bụi là bị bỏ rơi, cùng những góc trần nhà bị ngấm nước, những tờ
nhật báo mục rã.
Hồi đó bạn đã qua
bốn mươi, tự hào sống trong một căn nhà tiện nghi, và gặt hái vô số trầm trồ từ
những người khách lần đầu tới chơi, “một mình nuôi con đã giỏi, mà còn sắm sửa
vầy thì không phải giỏi vừa”. Ở giữa những thứ đáng giá khiến cho mình đáng
giá.
Mấy khuya mất ngủ
đi lại trong nhà, phát hiện ra đồ đạc tưởng nhiều nhưng góc này, ngách nọ vẫn
trống trơ. Lại phải nghĩ coi sắm thứ gì làm đầy nó. Phải rất lâu sau đó mới nhận
ra bao nhiêu đồ đạc cũng chẳng lấp nổi biển khơi trong lòng.
Đó là khi chuyển
nhà cuộc nữa, tới một nơi chốn xa xôi nghĩ thôi đã ngại, muốn hay không cũng phải
bỏ lại mấy món cồng kềnh. Bạn gọi người bán bớt tủ giường, lúc họ tới lấy đi, bạn
chợt nhận ra những khoảng trống không còn đáng sợ. Dễ chịu nữa là khác. Giây
phút hít hà khoảng không gian thoáng đãng trong nhà, bạn bỗng nghĩ về tự do. Mặc
dù ý nghĩ đó dường như không đúng, mớ tủ giường kia cầm tù bạn hồi nào đâu, mà
giờ lại thấy thoải mái như chim sổ lồng.
Nhưng phải tới
chuyến đi mà bạn tin là cuối cùng này (đêm qua có một bà già bên xóm ngồi bên bạn
thì thầm, “giờ thì con nhỏ chịu nghỉ ngơi rồi”), bạn mới thật sự nhìn đồ đạc
như một giấc mơ. Cái máy điều hòa bạn không cách nào thiếu nó khi đi qua những
mùa khô sôi nắng, giờ không có bạn vẫn ngủ ngon lành. Và ngủ sâu đến mơ cũng nhẹ không thể chạm vào. Hay cái điện thoại kia, thứ kết nối bạn với thế giới,
dính cứng bạn vào những mối quan hệ vô hình, giờ nằm một xó. Từ bạn đi phần lớn
thời gian nó ngủ lơ mơ vậy, nhưng đôi lúc vẫn rung lên, ngay thời khắc ấy bạn có
thể nhìn thấy kẻ đã đánh thức nó đang tự vỗ vào trán mình kêu “mình mất trí thiệt
rồi, người đã đi mất biệt có gọi cũng chẳng thể nghe”. Chị ta không tiết lộ
thêm gọi bạn để nói chuyện gì. Nhưng chuyện gì thì cũng không ngoài cái sự chị
ta nhớ bạn, và quên chị từng tiễn bạn đi.
Em thích bài này của chị!
ReplyDeleteĐiếng quá Tư ơi, đọc tới đoạn cuối mới ngậm ngùi
ReplyDeleteDVD vào thăm trang nhà, được thưởng thức nhiều bài đăng hay!
ReplyDeleteDVD chúc Nhà văn NNT và thân quyến năm mới vui khỏe, an lành, cảm xúc sáng tác dồi dào...
:)
DVD sang thăm nhà, chúc nhà văn NNT ngày 08/3 ấm áp và hạnh phúc!
ReplyDeleteĐời này không biết còn mấy người nghĩ và cảm nhận được như vầy nữa?
ReplyDeleteBAO GIO LEN KE NGOI CO 4 OI.
ReplyDeleteEm muốn liên lạc với Chị Tư về tác quyền tác phẩm chuyển thể qua điện ảnh mà không có email hay số điện thoại. Bạn nào có thông tin Chị Tư xon giúp mình. Thanks
ReplyDeleteCác bạn có thông tin liên lạc Chị Tư cho mình xin, mình muốn liên lạc về tác quyền điện ảnh. Mong giúp mình.
ReplyDeleteLâu quá chừng không thích đọc Bà Tư "nảy nòi" này nữa. Bỗng dưng bữa nay ghé mắt qua lại thấy... hay thiệt!
ReplyDeleteđúng là có những thứ bạn cho mà mình chưa dùng đến, kể cả khi bạn không còn trên cõi đời!!! nhìn thấy nó như nhìn thấy bạn mà bạn thân thì có khi ngồi cạnh nhau cả nửa ngày trời chẳng nói một câu!!!
ReplyDelete