Jul 27, 2007

Loay hoay cổ tích

Tạp văn cũ rồi nhưng lâu nay quên công bố...


Mỗi lần đi nhà sách, bà mẹ trẻ lại na về một mớ sách nuôi dạy trẻ. Đơn vị nào mà treo giải “nuôi con theo sách” chắc chắn bà mẹ giành ngay giải nhất. Chẳng những thuộc lòng những thực đơn cho trẻ, bao nhiêu muỗng dầu, bao nhiêu chất đạm, bao nhiêu chất xơ, phơi nắng sáng bao nhiêu phút là vừa, bà mẹ còn chọn loại nhạc cho con thông minh hơn, màu sắc nào phát triển trí tuệ trẻ. Và mỗi tối, bà mẹ dẹp công chuyện chén bát qua một bên, ráng nằm đọc cho con nghe vài trang sách. Thì mấy cẩm nang nuôi dạy trẻ khuyên vậy mà.

Bác sỹ còn nói, truyện cổ tích sẽ làm cho những tâm hồn bé bỏng kia trở nên dịu dàng hơn. Gì chứ, sách văn học thiếu nhi thì thiếu nhưng cổ tích đầy ra. Cổ tích Việt, cổ tích Tàu, cổ tích Châu Âu, tha hồ mà chọn lựa, mang về. Tâm hồn con mẹ sẽ dịu dàng lắm đây, không chừng lớn lên nó sẽ làm thơ, viết những câu mộng câu mơ khiến đám con gái chung quanh trở nên dại khờ, ý nghĩ đó là bà mẹ sướng điên lên. Hồi xưa, bà mẹ cũng từng bị điêu đứng bởi những câu thơ tán gái. Nhưng bây giờ con mẹ mới ba tuổi, cái ngày con gái nhà người chạy theo nịnh nọt mẹ còn xa.

Nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ là một hành trình dài. Bà mẹ biết vậy. Đêm đêm, bằng tình thương yêu vô bờ bến, mẹ cất tiếng dịu dàng rằng “ngày xửa ngày xưa…”. Rồi dần dần, những câu chuyện cổ tích ấy không còn được đọc bằng tình thương, mà còn là sự kiên nhẫn, sự chịu đựng. Thằng bé vẫn khoái chí nằm nghe, nhưng bà mẹ nhiều khi không cất nổi nên lời.

Bà mẹ nhiều khi tự hỏi, mình vừa lảm nhảm gì vậy trời. Chết là hết, làm gì có chuyện Tấm tái sinh hết kiếp này đến kiếp khác. Những người tốt trên đời mà bà mẹ biết đều chết, và tan như tro bụi, có ai quay lại được đâu. Mà, nhiều kẻ còn xấu xa hơn Lý Thông vẫn nhơn nhơn, sống dai, ăn sung mặc sướng, làm gì có chuyện đang ngồi trong biệt thự mà bị sét đánh chết. Những ý nghĩ kiểu đó cứ mãi ám ảnh lửng lơ, nên nhiều bữa bà mẹ ngắc ngứ nửa chừng, nếu kể tiếp Tấm đem thịt Cám làm mắm gởi về cho dì ghẻ thì ranh giới thiện ác nằm ở đâu, bởi sự tàn nhẫn của cũng y chang nhau. Cũng có khi câu chuyện dừng lại một lúc lâu khi chuẩn bị vào hồi kết, lúc nhà vua tuyên bố trao ngai vàng cho chàng Lang Liêu, vô lý, người có tâm hồn như thế thì phải là một nghệ sỹ, sao lại làm vua để mỏi mòn trong cúi lòn chúc tụng.

Và những câu chuyện cổ tích một thời mộng mị bỗng hóa thành những cục cơm cháy khô, bà mẹ phải trệu trạo nhai mỗi tối. Công chúa trở thành món hàng mà mỗi khi nước gặp nạn, vua cha đem ra làm giải thưởng. Ngộ cái, công chúa không thèm tranh đấu gì, vua chỉ vào người nào là công chúa sà vào lấy người đó làm chồng, chẳng cần có yêu hay không. Đọc mà ấm ức, phát tức. Vào đoạn đầu thì biết khúc cuối, Thiện “sống hạnh phúc đến suốt đời”, Ác bị trừng trị te tua (ước gì đời được vậy). Người nào xấu xí cỡ nào, có bị biến thành cóc nhái cũng có ngày xinh đẹp (làm như xấu thì không sống được vậy, bao nhiêu người không nhan sắc vẫn sống tử tế đó, thí dụ như… bà mẹ). Những lúc nhìn thằng con mình đang ngây người lắng nghe, bà mẹ thấy áy náy, thấy mình giống như đang dối lừa con. Như một ngày bà mẹ nhận ra, trời ơi, những câu chuyện cổ tích hồi xưa dối lừa mình.

Tức mình, bà mẹ tự viết cổ tích. Đọc mới nửa truyện thằng con ngủ khò. Không có hoàng tử công chúa, bà mẹ viết về cuộc đời truân chuyên của anh công nhân A với chị buôn gánh bán bưng B; không cung điện, châu báu họ yêu nhau trong khung cảnh hẻm sâu, nhà thấp. Cũng có vài người ác cho kịch tính, nhưng chẳng ai ác đến tận cùng, ác giữa chừng thôi, vì tận cùng của kẻ ác vẫn là phần người. Và sự trừng phạt cho kẻ ác là hối hận, day dứt đến suốt đời. Truyện cũng dễ thương lắm, chẳng hiểu sao thằng nhỏ không thích.

Vậy là bà mẹ lại đọc truyện cổ tích của người xưa, thằng con lại tròn xoe mắt. Nó không biết mẹ nó đang nhọc lòng đến mức nào khi cứ buột miệng thốt thành lời những điều vô lý, phi hiện thực. Hay chính xác, hiện thực đốt cháy sự mơ mộng, trí tưởng tượng của người lớn rồi. Nó không biết những trò biến hóa, những ông Bụt bà Tiên bỗng một ngày trở nên mắc cười, vô duyên. Nó không biết người lương thiện không thể chờ đợi những điều đó, người lương thiện phải tự mình tranh đấu, để sống, dù bị dập vùi.

Rồi, lớn lên, cũng phải vài lần lòng nó sẽ đau, sẽ nát như mẹ nó từng như thế, khi nhận ra đời hoàn toàn không là cổ tích. Nhưng nó sẽ vẫn dịu dàng, nhờ những câu chuyện mà bà mẹ kể đêm đêm.

Những cẩm nang nuôi dạy trẻ luôn luôn đúng. Thí dụ như bà mẹ, dù va chạm đổ vỡ nhiều nhưng vẫn quá chừng dịu dàng…




3 comments:

  1. Anonymous7/27/2007

    Hy vong khi lon len thang be du co lam chu tich cua bat cu doan the nao van giu duoc tam long nhan ai, diu dang, cho du doi khong nhu la co tich.

    Dua be se thay la minh may man co mot ba me doc co tich cho minh nghe.

    Lovely post! Thanks.

    ReplyDelete
  2. Anonymous7/27/2007

    Doi khi toi co y nghi khong hay. Toi uoc gi toi co the dem ban vao thanh pho, cho ban o trong mot khu o chuot, khong cho ban co chong con. De chi? De toi se duoc doc nhung tac pham noi len nhung noi long, nhung co cuc, cua nguoi thanh pho.
    Ban viet ve nhung tam long cua nguoi mien dat mui va nhung chuyen nay rat tuyet voi. Toi nghi ban se noi dum nhung nguoi o thanh pho voi nhung noi long khac nhau.

    Hanh phuc nao cung giong nhau nhung noi kho thi moi gia dinh moi khac. (Cai nay la tui dich cua ong Lev Tolstoy trong quyen Karanina, cho tui khong co biet noi hay ho vay dau)

    ReplyDelete
  3. Tư biết không, hồi nhỏ em mê cổ tích lắm. Em rất khác Tư, hồi nhỏ em ngoan, hiền, khờ, nhát, không nghịch phá, không la cà đi đâu nhiều, ít chơi với đám bạn "anh chị" trong xóm nên thế giới của em được bao bọc bởi sách, mà chủ yếu là những câu chuyện cổ tích (tây ta gì đủ cả). Đến lớp 4 lớp 5 những câu chuyện cổ tích đó nhường chỗ dần cho những bài thơ, truyện ngắn truyện dài trong sách văn học, và dần dần những tác phẩm đó lại nhường chỗ cho những cuốn sách kinh tế khô khan.

    Một bữa nọ (gần đây thôi), em đang google cái gì đó bỗng "lạc" vô một trang cổ tích VN. Thế là em bắt đầu đọc, và đóng trang đó lại sau... mấy tiếng đồng hồ. Cảm giác trong em khi đọc lại những câu chuyện cổ tích năm xưa vẫn thân thương đến lạ, nhưng đó không phải là khoảnh khắc tìm lại thế giới mộng mơ lúc nhỏ, cũng không phải để tìm một chốn nghỉ ngơi cho tâm hồn mệt mỏi vì thế giới thực tại, "người lớn" mà mình đang sống. Những câu chuyện cổ tích giờ đây mở lại cho em hình ảnh những xóm làng xưa với những con người VN chân chất, giản dị, có tình có nghĩa, biết mơ ước về những điều tốt đẹp. Cổ tích có thể không thực tế, nhưng nó là một trong những phương tiện hướng con người đến một thế giới tốt đẹp hơn mà ta vẫn mơ ước, và cái phương tiện đó lại đi vào lòng người (nhất là lòng trẻ thơ) một cách hết sức nhẹ nhàng, tự nhiên. Và dĩ nhiên, như Tư nói:

    "Rồi, lớn lên, cũng phải vài lần lòng nó sẽ đau, sẽ nát như mẹ nó từng như thế, khi nhận ra đời hoàn toàn không là cổ tích. Nhưng nó sẽ vẫn dịu dàng, nhờ những câu chuyện mà bà mẹ kể đêm đêm."

    Hơn nữa, em cho rằng cổ tích còn thực hiện hiệu quả hơn nhiều thể loại văn học khác cái chức năng nuôi dưỡng tình yêu quê hương đất nước trong mỗi chúng ta thông qua việc tái hiện lại những hình ảnh giản dị cố hữu của đất nước con người VN (mà nay phần nhiều đã mất).

    ReplyDelete