Nhưng tại sao lại mê thầy ?
Chắc do tâm sinh lý tự nhiên, hễ con gái thì thích thầy, con trai đương nhiên khoái cô ?
Hay vì ông thầy đầu tiên để lại ấn tượng sâu đậm quá ?
Giả thuyết đầu tiên khả năng sai cao, bởi nhiều đứa con gái bạn tôi mê cô giáo đến mức… xin hình cô đem về nhà treo. Giả thuyết thứ hai cũng không chắc, sâu đậm kiểu gì mà tên của người thầy đầu tiên tôi đã quên mất tiêu rồi. Quên gương mặt, dáng đi, giọng nói. Không biết thầy có đẹp trai không, giọng nói có ấm áp không ? Thầy có thường cười đùa hay nghiêm nghị mực thước ? Thầy từ đâu tới, người tự nguyện đến cái xóm heo hút đó để khai sáng cho đám trẻ quê nghèo, hay bị ép buộc về nông thôn cho đủ thời gian thử thách trước khi quay lại thành phố. Và, năm mười sáu tuổi, “thì” có “dậy” chút đỉnh, tôi đặt câu hỏi sau cùng về ông thầy thơ ấu đó, là “không biết thầy có… vợ chưa ?”
Những câu hỏi không một tiếng vọng. Trong miền nhớ mịt mờ, chỉ là những cảm giác lên tiếng, chúng nói, thầy bị “đày”. Vì một ngôi trường (nói vậy cho oai) chỉ có một lớp học ngó ra sông nhỏ, mấy cây cột trâm bầu sần sượng, mái lợp lá chằm đóp, bàn ghế ghép lại bằng những thân cau chẻ, gỗ tạp. Người trong xóm có gì quyên góp nấy, nên lớp học trông lởm chởm như… chổi lông gà. Những bữa mưa nhiều tụi học trò phải ngồi chổm hổm trên ghế, co rúc người cho đỡ lạnh. Trường lớp ọp ẹp, được nhúm học trò, mà tụi nó cũng ọp ẹp. Ọp ẹp theo kiểu tôi thì ốm tong teo, đen rọi đèn pin còn không thấy, theo kiểu đám bạn tôi cũng đa dạng, đứa thì ghẻ chóc đầy đầu, đứa học nửa năm chỉ nhớ được chữ O, may nhờ nhà nó chuyên ấp gà con bán, có đứa đang học bỗng chạy đi mất tiêu, lúc quay lại nó gãi đầu thưa, con đi thăm lờ, cá nhóc. Có đứa một ngày học, bốn ngày nghỉ vì bận mót lúa ngoài đồng, có đứa ghé qua học chừng hai buổi thì đi, ghe nhà nó nhổ sào rồi.
Sau này, nhớ về lớp học đầu tiên, tôi luôn hình dung ông thầy đứng gần tấm bảng gỗ bào vội, sần sùi, gió sông thổi thốc vào, lá mục bay chấp chới, chim non tao tác kêu trong những lùm cây dại bên hè. Hình ảnh thật buồn, cô đơn, hoang hoải. Nhưng là tôi tưởng tượng vậy, bởiđâu còn nhớ thầy đã từng buồn hay vui. Chỉ biết, thầy hay đến trường bằng nhiều hướng khác nhau, lúc đi ngang nhà ngoại tôi, lúc lại từ đằng kia tới, như thể thầy từ trên trời, rơi ngẫu hứng đâu cũng được. Nên có bữa tôi nán lại chờ ngoại luộc trứng chim canh chừng hễ thầy đi qua thì xách tập chạy theo, chờ hoài, ăn hết mớ trứng thì đằng trường thầy cũng dạy hết một bài. Giữa giờ chơi, thầy thả bộ tà tà lại nhà ngoại tôi uống trà, mà sao không uống trà nhà khác, tôi không hiểu. Mười sáu tuổi (lại mười sáu tuổi), tôi có một giả thuyết, ông thầy thương dì tôi, nên giả bộ lại uống trà với ngoại, để được ngó dì.
Nhưng có giả thuyết khác ít ngang trái lãng mạn hơn, là thầy cần phải gặp ngoại để tìm ra phương cách “chiến đấu” với cái tật… xé tập của tôi. Hồi đó, mỗi cuốn tập của tôi khi viết tới trang cuối thì nó còn chừng… mười sáu trang, cả thảy. Ngoài vụ đó, tôi còn nhiều vấn đề khiến “nhà trường phải phối hợp với phụ huynh”. Có lần quậy tưng trong lớp, thầy dọa, chút nữa lại méc ngoại. Báo hại lúc ra chơi phải chạy về nhà để rình, nếu thầy méc thiệt thì thủ tiêu mấy cây roi ngoại hay giắt trên vách. Bi kịch, đứng ngoài hè trò bị kiến vàng cắn tả tơi, trong nhà thầy thủng thỉnh ngồi uống với ngoại, hỏi những câu kiểu như, lúa vụ này khá hôn, chú Hai. Vào học, thầy bảo, méc rồi, về nhà bị đòn nứt đít. Tôi gãi chân, cười thầm, ông thầy nói dóc dễ sợ.
Hồi đó, chắc chắn tôi không sợ thầy, từ đó suy ra là thầy dễ chịu lắm. Thương lắm. Đến nỗi khi trở ra thị xã học tiếp, tôi nhớ mình đã viết một lá thơ gởi thầy (tất nhiên, giấy xé ra từ tập học). Rồi mấy cây cột cặm trong lớp một ngày kia được bà con trong xóm nhổ về làm củi chụm, thầy biến mất, lặng lẽ như hồi thầy tới.
Tôi lại có ông thầy khác, ông này có họ hàng bên má, vai cậu tôi. Vô lớp tôi gọi thầy, trống trường đánh cái thùng, tôi kêu cậu ơi cậu à, mà kêu lớn lắm. Cho tụi bạn nó… nể, thấy tui xấu vậy mà cũng có cậu làm thầy giáo à nghen. Hồi đó sao mà thầy cô giáo có giá dữ vậy không biết, bị tôi đem ra lòe thiên hạ, cũng thu được chút lợi, cái lợi đáng kể nhất khi có ông cậu họ làm thầy giáo là không bị bạn ăn hiếp. Hai mươi sáu tuổi, nghĩ lại thấy mình khờ, giờ thì gặp ai đáng chú, đáng bác cũng muốn gọi bằng thầy, để được xưng… em.
Hơn mươi năm ngồi chai đít khỉ ở trường, học qua nhiều thầy cô giáo, nhưng năm nào có thầy thì năm đó học được, nói chung sáng ngủ dậy có muốn… tới trường. Thầy đẹp trai thì, chậc, còn gì bằng. Có dạo, đi học vi tính, hai ông thầy đều đẹp, độc thân, đều dịu dàng, trẻ trung, khóa ấy, tôi đậu… thủ khoa (ha ha ha).
Thật tình, tôi không biết những ông thầy mà tôi mê có phải là giáo viên giỏi (cấp huyện, cấp tỉnh) không, có phương pháp sư phạm không, hiệu quả tới đâu, giảng bài có cuốn hút không, dạy có dễ hiểu không, và tôi đã nhận được những kiến thức gì, tôi nhớ chỉ vì ông thầy đó dễ thương. Những ông thầy không làm tôi sợ bằng cách buộc tôi cúi đầu vâng dạ, những ông thầy không bắt tôi phải lễ phép khép nép trước mặt mình, gò học trò vào một sự kính trọng gượng gạo. Có thể có thầy nghiêm khắc, lúc nào đó, quãng nào đó, nhưng tôi không nhớ, chỉ nhớ thầy đó y chang bạn tôi. Trong không gian trường học chật chội, tẻ nhạt với những thứ kỷ luật bó buộc, những bài học khô rốc, cứng ngắc, những ông thầy để lại trong ký ức tôi sự khoáng đạt, mạnh mẽ, dắt tôi lướt đi trên khuôn khổ, tiểu tiết.
Đó là những người đàn ông dịu dàng và bao dung, giống như ông ngoại tôi, ba tôi, đến nỗi, khi tìm kiếm tình yêu, hay bắt đầu quan hệ bạn bè, tôi luôn nghĩ tới những ông thầy của mình. Giữa thầy và trò, giữa bề trên và kẻ dưới, giữa người cho và người nhận, tôi đã nhận được sự thân ái, yêu thương, đồng đẳng giữa người và người.
Nên nhớ thầy, trước nhất, tôi nhớ người.
Tui nghĩ vầy nè bởi vì thầy có những điều hay ho giống như cha ta và là người khác phái không có họ hàng với ta nên trong vô thức ta luôn tìm kiếm một người giống người ta hằng tôn kính (là cha), để yêu mến và đặc biệt là ta có quyền yêu mến.
ReplyDeleteChị Tư viết bài đọc lôi cuốn quá trời quá đất!
ReplyDelete