Apr 6, 2008

Nhớ anh Ha, như chú Tín




Tác giả bài này, chú Tín, người ngồi giữa...

Anh Ha với chị Nguyệt...

Bài của chú họa sỹ Trần Luân Tín làm mình nhớ anh Ha chút xíu nữa là... chết. Mình còn nợ anh một entry về buổi tiễn anh về Hàn Quốc. Mình viết rồi và thấy nó giống như... thơ nên mình mắc cỡ.

Trở về cùng người lạ
Ký : Trần Luân Tín

Phải cố gắng lắm mới nhấc chân bước tiếp được, tiếng suối rừng như níu tôi lại, nó rì rầm ẩn khuất… xa vắng mà thân quen như là dòng nhựa của tuổi 20 xa xăm chợt len lỏi trong lồng ngực ngũ tuần ọp ẹp.

Đường dốc, phía trước, cái gáy đỏ hồng của anh chàng cao kều Ha Jae Hong rướn lên. Nắng vỗ xuống mặt đường chói chang. Cái bao ni lông mầu xanh cột trên ba lô của Ha lắc qua lắc lại, đấy là 10 lon bia Ha mua để đèo cho thêm nặng. Tôi nói “Vẫn chưa nặng bằng bộ đội hành quân đâu”, Ha cười rất lành “Để biết một tý, biết một tý thôi cũng được…”.

Rừng Trường Sơn nhận lấy tốp người đi bộ lạ lẫm, có vẻ không giống như nhận những đoàn người đi bộ năm xưa. Có vẻ cũng không nhận ra tôi. Gần 40 năm còn gì, già rồi. Ngày ấy trong lòng rừng là một bọn người tươi rói, hân hoan.

*
Ghé vào một quán cà phê bên đường, chỗ này đã gần cửa khẩu Na Mèo. Quán chỉ có vài cái ghế nhựa, trời chiều sương giá, chủ quan mời khách ngồi vào bộ xa lông gỗ của gia đình cho ấm. Khi biết chị chủ từng là bộ đội, người Hàn Quốc bất chợt trút hết ngại ngùng, bi bô hỏi chuyện.

Cô con gái đặt lên bàn hai đĩa bánh chưng chiên nóng thơm. Chị chủ đon đả rót riệu, riệu nếp cái hoa vàng lừng lựng tỏa hương. Chiều biên giới nồng ấm lên. Ha đưa ly xin riệu liên tục, tay phải cầm ly, tay trái đặt dưới cổ tay phải, đầu cúi xuống. Chị chủ nghiêng cái vò to tướng, miệng múm mím cười.

Lúc tạm biệt, Ha cong lưng, khoát tay vòng vòng lên mặt bàn, hỏi “bao nhiêu ?”. Chị bộ đội bật cười “ Có bán đâu mà bao nhiêu, ăn với gia đình cho vui thôi…”. Người Hàn Quốc ngẩn ra, gật gật đầu cám ơn.

*
Đêm nghỉ lại nhà khách của thị trấn Na Mèo. Khoảng 9 giờ, sau lúc hàn huyên thấm thía, bất chợt đói. Tôi và Ha cùng anh chàng Đông (cũng cao kều như Ha) ngất ngưởng ra phố thị kiếm đồ ăn. Thị trấn biên giới ngủ sớm, giờ này đã im lìm.

Con đường đất nghiêng nghiêng, tối sụi. Cuối đường có ánh đèn le lói, vẻ như là một cái quán nhỏ, tiến đến thì không phải, mà là nhà dân, cửa còn mở nên chúng tôi bước vào.

Bác chủ nhà đồng ý cho những người lạ nấu mỳ. Ha cùng Đông lập tức lộn về nhà khách lấy mấy gói mỳ Hàn Quốc mà Ha đã cẩn thận đem theo. Căn bếp nhỏ phút chốc rộn ràng. Bác chủ đưa hai quả trứng gà, bảo bỏ thêm vào cho thơm. Ăn xong lại còn pha ấm trà mới cho uống.

Lúc chia tay, Ha khom lưng hỏi nhỏ “Bao nhiêu ạ?”. “Không, không lấy tiền. Có gì đâu mà phải tiền nong…”. Người Hàn Quốc ngẩn người, gật gật đầu cám ơn.

*
Sau một chặng Trường Sơn, là thị xã Quảng Trị.

Nấm mộ chung của những người chết không còn tên còn tuổi to lùm lùm, xanh rợn cỏ, lặng lẽ phủ phục giữa khu tưởng niệm. Tôi trở về chỗ của tôi ngày trước, không thể cầm nước mắt.

Người lạ không khóc, anh cúi đầu kính cẩn cắm nén nhang, suốt buổi tham quan không nói một lời. Thị xã Quảng Trị chẳng giữ được gì ngoài ngôi trường Bồ Đề tênh toang tường vỡ. Trong lòng tòa chứng tích này có rất nhiều chậu cây. Dưới chân của bức tường bầm dập vết đạn là tấm bảng hiệu: “Mua bán – trao đổi cây cảnh”.

Chẳng còn gì cả, cái hầm ngầm ngột ngạt của những người lính mặc quần đùi, những người lính bị thương lúc nhúc như sâu… cái bờ sông dựng đứng, há hốc hố bom hố pháo, nơi những thân người tung lên, vỡ tan tành như gạch vụn...

Bây giờ thị xã, phố phường đã trở lại, nát tan đã trôi đi những 35 năm … giá như còn giữ lại được một quãng bờ sông, một cái hầm ngầm hay một khúc đường ngày ấy… thì thời gian trôi qua, chúng sẽ có giá trị giáo dục to lớn. Tôi thì xót xa, nếu chúng còn, người dân Quảng Trị sẽ nhanh chóng khá lên hơn, vì khách từ tứ phương sẽ kéo tới, có thể là nườm nượp...

Ha Jae Hong lặng lẽ quay phim, bước chân lẹc xẹc nhanh nhanh quanh cái chứng tích duy nhất của một thời rung chuyển thế giới. Bà bán bún bò gánh bên đường ngước nhìn, vẻ như ngạc nhiên vì cái dáng lòng khòng chới với của anh.

Nhớ khi ở ngã ba Đồng Lộc, ở nghĩa trang Trường Sơn anh cũng chới với chênh vênh như thế, thường ngày thì đủng đỉnh chứ có đâu …

*
Đi bách bộ trên cầu Hiền Lương, nước sông, gió sông, bờ bãi mênh mang. Những chiếc xe tải nối nhau ù ù lao qua con cầu mới, ù ù bên con cầu cũ nằm lặng thinh.

Chúng tôi tựa lưng vào thành cầu hút thuốc, khói thuốc thơm lạ lùng. Ha trầm ngâm, chợt ngoảnh qua tôi, nhỏ nhẹ nói “ Em có cảm giác kiếp trước em là người Việt Nam …”.

Không biết cuốn sách anh sẽ viết về chiến thắng của người Việt sẽ ra sao, có sâu sắc không, có hấp dẫn không. Nhưng thế nào thì người lạ này đã không còn là lạ nữa vì những tháng ngày anh lặn lội với quá khứ của đất Việt, vì cái chới với chênh vênh của anh.

Miên man, sao lại hiện lên lời hát vu vơ: “Sống ở đời sống cần có một tấm lòng…”, rồi thì “Để gió cuốn trôi, để gió cuốn trôi…”.

Rồi chúng tôi lại lên đường đi tiếp, còn suốt dọc trường Sơn, còn Tây Nguyên, còn Bình Phước, Tây Ninh, còn Côn Đảo… đường còn rất dài.

15/3/08.



10 comments:

  1. Anonymous4/06/2008

    Cái câu "em có cảm giác kiếp trước em là người Việt Nam" nghe cảm động quá, hiểu họ yêu đất nước mình, đau với dân tộc mình.

    ReplyDelete
  2. Tư và mọi người coi chừng virus ở link của typogal.

    ReplyDelete
  3. Oh. Minh xoa roi. Khop chai lai lai !

    ReplyDelete
  4. Nhớ Việt Nam quá… một ngày không xa, e cũng sẽ như chú Ha kia, nhưng mà không phải chỉ là người quá giang qua một chuyến đò, một dòng lịch sử, e là người Việt Nam, là một cuộc hành trình trở về đất mẹ, để an cư lạc nghiệp, để trân trọng mỗi ngày bình an mình đang sống, để nhẹ nhàng thở hơi thở trên quê hương. Hihi, e tính rùi, đến lúc đó chị Tư đi tham quan ở đâu sẽ có con nhóc này bám theo chị Tư, e thì cực kì ít nói, và rất bụi bặm nên chế 4 khỏi lo e phiền. hihi.

    ReplyDelete
  5. Hi..hi. Con nhỏ Jolene Shmily ơi. Về Việt Nam dám ghé chỗ tù hia là tù hia nói chế hai nấu đãi một nồi bún nước lèo đúng điệu Sóc Trăng liền. (Đảm bảo bún nước lèo có con cá lóc trứng, mắm bù hóc và ngải bún thứ thiệt! Nhưng phải trong mùa mưa à nghe! Mùa này ngải bún khô queo hết rồi... không ngon.)

    ReplyDelete
  6. :) Đi chung với a Bình à? E về e tự bíết đi tìm chế 4 của e, hihi. Còn món a nói nghe ngon quá ha, để khi nào năn nỉ chế 4 nấu cho ăn…

    ReplyDelete
  7. Hi.. hi. Smiley, đừng tưởng nhầm à nghe. Chế hai ở đây là "bà đầm" của tù hia đó.

    ReplyDelete
  8. Hà .. nhầm rồi Shmily. "I'm sorry!"

    ReplyDelete
  9. Hà ... Shmily ơi. Vậy là em chưa rành ngôn ngữ người Việt "Minh hương" và "phương ngữ" vùng Sóc trăng - Bạc Liêu - Cà Mau rồi. Em cũng chưa hiểu tính cách người nam bộ "lưu lạc" (Cách nói này là của Nguyễn Ngọc Tư - không phải của anh). Cái vụ này thì em làm sao đọc và hiểu hết Nguyễn Ngọc Tư được! Mà em cũng chưa biết món ngon của quê hương rồi. Chẳng qua hia và chế hai muốn cho em khỏi phải "ngẩn ngơ" và "chới với chênh vênh" như cái anh Ha Jea Hong kia thôi.
    Có một lần hia đọc nhà văn Sơn Nam. Sơn Nam cho bà bán cháo lòng nói câu này: "Muốn cho nồi cháo lòng ngon trước hết cần có một ... tấm lòng".

    ReplyDelete
  10. Okie, vậy coi như đây là một lời hứa hen, khi nào zỉa kiếm tù hia (hỏng biết nghĩa là gì) với lại chế 2 (tức là ai đó của tù hia) để đi khám phá nam bộ. Xin lỗi nhe, từ nhỏ đến lớn e sống trong thành phố nên … sorry

    ReplyDelete