Apr 8, 2008

Ba và bốn, năm

Mười phút trước khi xe lăn bánh, tôi khẽ nhích vào trong để chào đón hai người đồng hành. Một cô bé mập mạp, đen giòn cùng với người đàn ông đứng tuổi. Cả xe rướn cổ lên nhìn khi nghe cô bé oang oang, “em sợ trễ xe quá chừng, tối ông chồng em phải bay về nước”. Em còn ở lại, vì không qua được cuộc phỏng vấn sáng nay, chỉ vì câu hỏi cắc cớ bằng tiếng Hàn “chồng cô đi làm lúc mấy giờ ?”. Em xui xẻo, chưa học câu này, nên không biết trả lời sao. Ngồi đằng trước, ngang với anh lái xe là một cuộc hôn nhân quốc tế khác, cô dâu cũng không qua được cuộc phỏng vấn bởi đã ngớ ngẩn trả lời “làm ruộng cực quá nên má kêu lấy chồng…”. Dù sau đó cô nói rằng hôn nhân trên tinh thần tự nguyện yêu thương nhau, nhưng người phỏng vấn đã gạt đi không thương tiếc, “ông đó khó thấy sợ…”, em vói ra sau nói với cô bạn cùng cảnh ngộ.

Nghe trong những tiếng cười nhỏ đằng sau xe có một chút chua xót, một chút khinh miệt, một chút thương hại, một chút dèm pha. Em ngồi cạnh tôi nét mặt tỉnh trân, ngọng ngịu day qua nói chuyện với anh chồng hơi gầy, xấu trai nhưng có vẻ cởi mở, hay cười. Xe trùng trình lăn bánh.

Những lúc tâm trạng thất thường, tôi thường ngồi ghế số ba, trốn miết vào cái góc nhỏ phía sau anh tài xế. Sợ phải chuyện vãn với bạn đường, tôi giả đò ngủ, lặng lẽ nghe đời. Cạnh chỗ tôi, chuyến đi trước, là một đôi tình nhân lệch tuổi. Người đàn ông nắn bàn tay cô gái từ khi bước lên xe, cái tay nhỏ nhắn trắng trẻo e ấp trong một bàn tay gân guốc, chớm héo. Họ nói nhỏ, cô ngã đầu vào vai ông, hát theo một bài hát cũ, “ngày đầu anh tới quán em, em hát bài này nè, vòng nhẫn cưới đó em đeo, thôi hết từ đây mơ mộng nhiều…”. Giọng cô ngọt lịm. Nhạc trên xe đôi khi ngừng phắt, tôi lại nghe một đoạn thầm thì, “thằng con anh hay làm mất đồ đạc…”, “chắc là chị ấy nhõng nhẽo…”, “có tiền em sẽ kiếm nghề làm, sống ổn định. Chứ lây lất như vầy…”. Đáp lại là những hứa hẹn vàng son. Tôi nhắm mắt không phải vì sợ người bên bắt chuyện, mà ngại nhìn thấy bàn tay trong một bàn tay, sợ tắt lịm những thì thầm, sợ ngượng vì trông thấy kiểu nâng niu nhau, mân mê từ cái nút áo, mớ tóc mai, đuôi mắt… Sau này nghĩ lại, buồn cười, hôm đó mắt tôi ngủ suốt cuộc hành trình, tai lại nhìn hai người ngồi cạnh, tai thấy rõ ánh mắt say đắm và gương mặt cô gái nũng nịu rướn sát mặt người đàn ông, như đang cố gắng có một tầm mắt thật ngắn, khoảng cách đủ làm nhòe đi những nếp nhăn của bạn.

Chỗ ngồi được đánh số bốn và năm hôm trước giờ em đang ngồi cùng chồng. Và ông chồng cũng hay kéo tay em lên hôn bằng đôi môi thô. Nhiều lúc thấy em há miệng như con chim non để nhận miếng bánh nhỏ từ tay chồng, tôi vụng về… ngủ. Cầm cuốn sách hướng dẫn giao tiếp bằng hai ngôn ngữ Hàn – Việt, người chồng thỉnh thoảng nói câu gì đó, em nhịu giọng học theo. Thời gian còn lại ông nói bằng… ngón tay di di trên mặt giấy (tôi buồn cười, ngủ quan đảo lộn hết rồi, mình thì nhìn bằng tai). Thỉnh thoảng em day qua tôi, hỏi, “chế ơi, bao lâu nữa mới tới chỗ ăn, ông chồng em than đói bụng…”, hay “Ông chồng em hỏi mấy giờ thì tới Sài Gòn ?”. Nghe tôi nói xong, em vẽ ngón tay vào trong không khí, người chồng cau mặt, nói một từ nào đó, dường như em lại không thuộc bài. Tỏ ra hối lỗi, em ngã đầu vào vai chồng.

Như một lứa đôi hạnh phúc. Bất chấp những chông chênh khi lời yêu thương chỉ nói bằng những ngón tay, khi người vợ không biết chồng mình đi làm lúc mấy giờ, không biết chính xác tên quê chồng, không biết có qua được lần phỏng vấn cuối cùng. Người ta có thể chặn lối đi của em chỉ bằng những câu tráy khoái, kiểu như, “chồng em mặc áo size mấy, thích ăn món nào nhất, tên lúc nhỏ của chồng em là gì ?”, và em chỉ biết ngơ ngác, chới với nhìn cánh cổng hy vọng đóng sập trước mặt mình.

Tôi muốn ngủ. Tự dưng sợ những biểu hiện của tình yêu, bàn tay ấp trong một bàn tay, đầu âu yếm tựa vào đầu và mắt dịu dàng trong mắt, sự nũng nịu, lời thầm thì... Đơn giản chỉ vì tôi không phân biệt được, tình yêu mình nhìn thấy có phải là tình yêu ? Cảm giác hoang mang giống như, rõ ràng ta đứng trước dòng sông, hay cánh đồng nhưng không chắc đó là cánh đồng, dòng sông, nước có đang ròng và bông lúa đang oằn ngọn ?! Ta thấy cảnh hạnh phúc đoàn viên nhưng không biết đó là thực hay chút nữa tấm màn sẽ khép lại.

Mắt và tai ta đúng hay những dự cảm ngớ ngẩn trong lòng ta đúng, tôi nuốt câu hỏi khi em và chồng dắt nhau xuống xe. Đôi vợ chồng son - ừ thì cưới nhau mới 11 tháng, gặp nhau 4 lần thôi mà – tìm taxi ra sân bay, những ngón tay mỏi vẫn cố níu lại. Tôi nhìn theo, bỗng nhớ đôi tình nhân đồng hành hôm trước, cũng ở bến xe này, người đàn ông đi rồi, cô gái gọi điện thoại, chừng mười phút sau, bằng khoảng thời gian tôi ngồi chờ xe buýt, có anh thanh niên chạy xe máy tới đón, cô lên xe, âu yếm ôm chặt anh ta, tíu tít nói cười.

Bụi bến xe bay mù trời. Trời đất, cái vẻ rưng rức, quyến luyến khi người đàn ông kia xé tay cô đi, đâu rồi ? Bụi bến xe bay mù trời.

3 comments:

  1. Anonymous4/09/2008

    Thì cố mong là tình thật, cố cầu trời đó là tình thật cho nó nhẹ đầu. Trời đất cứ đảo điên bụi mù sá chi Tư !

    ReplyDelete
  2. Đọc kí sự này e thấy vui dùm cho mấy cô gái lấy chồng “ngọai tộc”. Mỗi khi nghe nói lấy chồng Hàn quốc là e nghĩ tới cái sự “bị ép buộc” của mấy chị em. Nhưng có lẽ cũng không phải, biết đâu họ yêu nhau, chế nhỉ, chỉ có điều tình yêu của họ không phải thứ tình yêu mà mình thường diễn tả bằng ngôn ngữ (có phải đây là lý do họ dùng cử chỉ nhiều hơn không?) nên mình cảm thấy lung tung, lan man. Cái này thì e hiểu, e cũng có người bạn (không phải người Việt Nam), hai đứa nói chuyện với nhau cũng không nhiều, nhưng yêu thì vẫn cứ yêu, yêu bằng ánh mắt, bằng nụ cười, bằng quan tâm, và chăm sóc. Nhiều lúc cảm thấy tình yêu thật tự tại, nhưng mà vấn đề ngôn ngữ thì không lo, có 1 năm thôi mà e đọc viết tiếng Anh ào ào, còn đi dạy thêm ở trường đại học nữa. Học ngôn ngữ cũng như làm quen một người, quen lâu rồi thì sẽ thông thạo. Nghe chế 4 kể, thì ra lấy chồng rồi đi xuất ngọai cũng không dễ. Mà có khi nào tự vì mình đọc báo chí nhiều quá rồi đâm ra ám ảnh và luôn cho là lấy chồng ngọai quốc là xấu không hen? Mà chế 4 nè, biết đâu họ chỉ đi con đường khác mình một tí: mình yêu rồi cưới, còn họ, cưới rồi yêu?

    ReplyDelete
  3. Chế ơi, sao cái tự đề ngộ quá vậy? “Ba và bốn, năm” Sao không phải “Ba, bốn và năm”? E nghe nó là lạ, e nghĩ chắc tại “ba” là chế 4, còn “bốn, năm” là đôi vợ chồng người ta nên chế tư để chữ “và” chính giữa. Không biết, e đóan vậy thôi.

    ReplyDelete