Apr 9, 2008
Tin sáng và những Vân Tiên đã mất…
Anh đang hồi phục, bác sỹ nói vậy. Những vết chém đã được băng bó, máu không chảy nữa, chỉ vài tuần là liền sẹo, vài tuần là anh sẽ ra viện về nhà. Giữa trang báo là chân dung anh, mắt mở bất động, gương mặt thất thần. Như thể trong anh vẫn còn vết thương sâu, như thể nó không ngừng tuôn máu.
Anh sẽ sống, dù chỗ đau đó làm anh không còn Vân Tiên nữa. Ông già nói vậy, sau khi uống cạn ly trà đá mà ông tự thưởng cho mình. Xấp báo trên rổ xe ông đã vơi đi nhanh, sáng nay ai ai cũng quan tâm theo dõi tình hình sức khỏe của mấy anh Vân Tiên vì can thiệp chuyện bất bình trên phố mà thọ nạn. Ông già có kiểu nghĩ không giống mấy tờ báo mà ông bán, báo nói đó là những Lục Vân Tiên dũng cảm, những tấm gương nghĩa hiệp, cần học hỏi và nhân rộng. Ông chỉ ngậm ngùi, họ là Vân Tiên mấy ngày trước đây thôi, giờ họ chỉ là những người bình thường, Vân Tiên mất rồi. Con không tin à, vậy chú hỏi, Vân Tiên của con sáng nay đâu?
Tôi ngậm viên đá nhỏ trong miệng, nghe từng cái lạnh nhỏ từng giọt buốt cả gót chân. Tôi lục lọi mà không thấy Vân Tiên của mình nữa. Vài ngày trước, khi đọc cái tin sáng bàng hoàng, tôi đã bảo lòng, sau này khi gặp kẻ ác trên đường, mình sẽ dửng dưng đi qua, mình chỉ níu chân chúng lại khi biết chắc rằng, cái khăn đi nắng đã che mất mặt mình, và sau lưng mình có hàng trăm người giúp sức. Trời ơi, chính cái ý nghĩ rúm ró đã khiến trong tôi không còn Vân Tiên. Chàng cương trực và dũng mãnh, nhưng chàng cũng nhạy cảm, khi phát hiện ra, tôi chọn sống hèn.
Nhưng cái người đàn ông băng trắng toát giữa trang hai của tờ nhật báo kia, làm thế nào mà ông già bán báo biết anh không còn Vân Tiên nữa. Ông già cười buồn, “Bói chơi thôi. Phải trải đời, có đau thì mới hiểu. Con sống ít quá…”. Tôi bực mình, hỏi vặn lại, con làm sao chú mới chịu là sống nhiều, con phải là cái anh trên báo này, chịu bị dí chém mới được à. Ông già bao dung nheo mắt, trả lời gọn lỏn, “ừ !”.
Nói rồi ông cọc cạch đạp xe đi, xấp báo run rẩy đằng trước, lưng cong khẳm trên con đường ròng ròng nắng. Người bạn ngồi cạnh tôi ngậm ngùi, “mười sáu năm trước, ông già này là thầy tôi…”. Không riêng mình anh, một nửa thị xã nhỏ nhắn này gọi ông già bằng thầy, một ông thầy rất dịu dàng, dạy giỏi, nhớ dai. Và do nhớ dai nên thầy biết cái vách quán cơm sườn của vợ anh hiệu trưởng chính là những mảnh mặt bàn trong mấy cái lớp học nghèo, đã bị cạy mất. Người ta bào gọt kỹ càng những chỗ tèm lem mực, nguệch ngoạc nét chữ học trò nhưng những tấm ván vẫn còn nguyên khổ ngang, dọc, và vết đinh nham nhở. Thầy nói chuyện này trong bữa họp, và nhận được mấy cái vỗ bàn giận dữ của anh hiệu trưởng. Đồng nghiệp xung quanh im lặng. Bạn bè can, “trời ơi, của trường là của nhà nước mà, hơi sức đâu ông lo…”. Thầy viết cái đơn tố cáo lên phòng, hai tháng sau nhận lại một quyết định nghỉ việc. Thầy kiến nghị lần hai, lần ba, lần nữa, rồi một bữa thầy nhận ra những lá đơn viết bằng những tâm huyết, phẩn uất của mình đang được quán ăn sáng của ông hiệu trưởng dùng để gói… bánh mì. Hoặc họ không gói bánh mì nhưng họ muốn để cho thầy thấy họ gói bánh mì. Thầy bỏ cuộc. Mười mấy năm, mưu sinh trên đường, nắng gió đã làm phai đi cái danh xưng thầy giáo. Với tôi, ông là Ông Cà Rem, là ông Tàu Hủ, ông Đậu Nành, giờ thì ông Bán Báo.
Vân Tiên trong ông cũng không còn. Tôi nhớ ra điều đó khi ông già tàn tạ và chiếc xe tàn tạ đã rẽ vào một ngã đường khác. Trong mỗi người đều có một Vân Tiên, nhưng bằng cách nào đó, chàng đã mất, biệt tăm mù mịt. Tôi cúi nhìn vào cái ảnh anh nằm bên cái bằng khen, bên những bàn tay chìa ra tin cậy, bên những lời nhắn nhủ động viên. Tôi cảm giác tất cả những cái đó đều muộn màng, như liều thuốc giảm đau. Khi nhát dao đầu tiên xé ngọt trên vai, thì anh đã không còn Vân Tiên.
Từ bây giờ, để đối đầu với cái ác, anh phải vượt lên nỗi ám ảnh đau đớn của da thịt bị đao kiếm xé rách. Còn một ám ảnh dai đẳng nữa, là sự thất vọng, tuyệt vọng khi nhận ra cái tốt sao mà nhỏ nhoi, lẻ loi, yếu đuối, cô đơn vậy. Công lý sao mà chậm chạp, nhợt nhạt vậy. Làm người tốt sao mà khốn khổ vậy, “ở hiền gặp lành”, phải chăng chỉ là sự lừa mị của mấy ông bà già xưa ?!
Vân Tiên đã mất, liệu còn quay lại trong anh, trong tôi, trong ông già bán báo từng là thầy giáo ?! Tôi tin một câu trong kịch "Bí mật vườn lệ Chi" của tác gia Hoàng Hữu Đản “con thú có thể cắn chết con người nhưng vẫn là con thú. Con người mang lẽ phải có thể bị ám hại vì lẽ phải đó, nhưng bảo vệ lẽ phải mãi mãi là Thiên chức của con người”. Có thầy thuốc nào, giùm ơn băng bó lại vết thương trong suốt không thấy được bằng mắt thường kia, để cứu Vân Tiên. Chàng có thể bỏ đi, nhưng chàng không thể chết.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
“Vân Tiên”, chế làm e nhớ lại cách đây 4 năm khi e còn học ở đại học y dược, thầy e nói đề thi sẽ được làm rất công bằng, để nâng cao chất lượng sinh viên mình bằng tầm với sinh viên của Đông Nam Á, và hướng về 1 ngày mai sinh viên mình có thể ngẩng cao đầu với thế giới. E cũng hân hoan, cũng chăm chỉ học hành, và hi vọng đề thi sẽ đầy thử thách… Ai vè đâu, đề thi y hệt đề thi trong quyển sách luyện thi 12.000 đồng một quyển. Nếu không có tâm huyết, không biết ông thầy e nói chuyện đó chi nữa, làm bao nhiêu học trò xao xuyến và hi vọng. Trong buổi họp hội đồng giáo viên, e đứng lên phản đối chuyện ra đề thi giống y như trong sách luyện thi, vậy thì sinh viên khỏi đi học, hơn nữa đây là trường y, sinh viên y nghĩa là sau này sẽ là bác sĩ, tức là phải biết đối mặt với cái khó và bất ngờ, vậy mà ngay đề thi đầu tiên đã bầy sẵn ra miệng cho tụi em ăn, vậy sau này làm sao trở thành bác sĩ tốt. Haha, kết quả là hơn ba phần tư sinh viên y phẫn nộ với phát biểu của e, vì nếu nó trở thành sự thật nghĩa là họ sẽ không còn những ngày cúp học, đi chơi mà vẫn đạt điểm tốt khi đi thi (vì biết trứơc đề thi còn gì). E cảm thấy không phải Vân Tiên bỏ đi, mà tự chúng ta lấy chổi chà đuổi Vân Tiên đi, vì ta cho rằng Vân Tiên đồng nghĩa với rủi ro (ta không còn nhìn về cái tốt ở Vân Tiên, mà nhìn cái mặt rủi ro có thể xảy ra cho Vân Tiên). Ngày nay, e cứ cảm thấy ta cho rằng mình phải lừa lọc mới là khôn ngoan, phải tránh né mới là thông minh (vì đụng chạm sẽ u đầu mẻ trán). Ngày nay ta đi theo chủ nghĩa cá nhân quá nên cái đẹp ở sự hi sinh vì cộng đồng không nhiều nữa (hay thậm chí ta cho nó là xa xỉ?!). Còn mấy ai nhìn vào cộng động và coi lợi ích và lo âu của cộng đồng là của mình? Thời đại chủ nghĩa cá nhân, mọi người luôn lo nghĩ cho bản thân trước. Thật ra e thấy thầy hơi bi quan. Vân Tiên không chết, mà cũng chẳng bỏ đi, Vân Tiên luôn ở trong mỗi người chúng ta, chẳng qua là chúng ta cố tình quên lãng, cố tình chôn vùi. Thật ra, mỗi chúng ta là một Vân Tiên khi chúng ta thật lòng giúp đỡ một ai đó (không cần phải đâm chém như anh hung kia)…
ReplyDeleteEm nói đúng ơi là đúng. Entry này tôi chỉ viết về một nỗi đau, qua cái chết của Vân Tiên trong lòng ông già bán báo. Chết vì cô đơn và tuyệt vọng. Chết vì mất lòng tin. Tôi nghĩ trong tụi mình thì còn Vân Tiên, nhưng ông già, và hai cái anh đang nằm viện thì chàng đã tiêu tùng rồi. Đôi khi không phải vì sợ hãi, vì hèn nhát, vì lười biếng mà ta đuổi Vân Tiên đi. Ta đứng về phía chàng, cho đến một ngày ta nhận ra, chỉ còn mình ta làm vậy, lẻ loi, nhỏ nhoi. Ta tin vào lẽ phải, ta hết mình vì lẽ phải bỗng dưng nhận ra giữa thời buổi này lẽ phải quá yếu ớt, vô dụng.
ReplyDeleteKhông phải vô tình mà tôi viết ông già bảo phải đau đi đã, phải sống nhiều đi đã.
Tôi và em đầy lạc quan, nhưng thực tế, cũng có nhiều Vân Tiên đã chết.Nhưng đó không phải là Vân Tiên của chúng ta. Mừng quá.
Tôi chưa già như cụ ông bán báo kia, nhưng già hơn hai bạn, chắc chắn vậy, vì biết tuổi của Tư và cô bạn kia gọi Tư là chị.
ReplyDeleteMạn phép nói thay người khác qua cảm nhận của mình. Hồi trẻ hơn bây giờ tôi cũng mong "lấp biển vá trời" như ai, chỉ là ví von không phải có y nói các bạn đang mơ chuyện làm không nổi. Nhưng đến một tuổi nào đó thì thấy rõ "sức người có hạn" thành muốn làm chuyện gì cũng lựa sức mình.
Bác bán báo kia có thể thất vọng đến mức đánh mất Vân Tiên của mình, có thể vì sức bác bây giờ không nuôi nổi Vân Tiên nhổ cây đánh cướp, nhưng Vân Tiên tốt với bạn, thảo với mẹ vẫn còn ở đấy thôi, nếu không đã không đi bán báo mà đi lừa đảo bạn ạ.
Em rất thích cách viết của cô Tư . Nhẹ nhàng mà câu nào cũng đau . :)
ReplyDeleteXin phép vong hồn nhà thơ La Quốc Tiến để đặt bài thơ của ông vào đây.
ReplyDeleteLục Vân Tiên thọ nạn giữa rừng
La Quốc Tiến.
Có một lão già mù ăn xin ngân nga các đoạn Lục Vân Tiên
trên những chuyến phà ngang Rạch Miễu
Có một gã thanh niên say rượu ghếch chân lên thành lan can đứng tiểu
Có cô con gái móc bóp lấy chiếc gương soi và tô lại mặt mình
cùng lúc lão già mù bắt đầu ngân nga
"Trước đèn xem truyện Tây Minh..."
Có đứa bé gái mải mê với chiếc chong chóng giấy màu sặc sỡ
Có một bà già thọt chân gánh bó củi dừa ngồi than thở chuyện củi nặng... đường lầy... gạo đắt
Có gã trung niên vận jean ngồi nhóp nhép kẹo cao su
Có những chị bạn hàng thản nhiên bóc vỏ những trái chuối
nhét vào cổ chú gà tơ đến nỗi trợn trừng
Không có ai
cam đoan là không ai hay tin
"Lục Vân Tiên đang thọ nạn giữa rừng"
để tỏ chút âu lo cho con người trung nghĩa
Tôi móc gói thuốc ra
tôi hút
điếu thuốc đen tắt ngóm nửa chừng
mẹ nó! Thuốc dỏm
Phà vẫn chạy
máy vẫn nổ
sóng vẫn vỗ
tôi dựa vào ghế ngủ gà ngủ gật
khi giật mình mở mắt
lại nghe:
“Lục Vân Tiên đang thọ nạn giữa rừng”
Rừng ở đâu mà dày thế nhỉ?
trên chuyến phà tôi đi
dường như cũng có một khóm rừng
mà những cái cây sao mà trơ trọi
những cái cây đã phai mất hơi rừng
Phà vẫn chạy khàn giọng
lão già mù vẫn ngân nga
gã thanh niên say rượu vẫn càm ràm điều gì như là oan ức
cô gái vẫn tiếp tục soi gương
như cố khám phá một điều gì đang lẩn trốn trên khuôn mặt
đứa bé gái đã ngủ
chiếc chong chóng vẫn xoay
bà già thọt chân vẫn ngồi than thở
gã trung niên vẫn làu bàu với kẹo cao su
những con gà tơ vẫn ngủ gà ngủ gật
sau khi nuốt xong bữa tiệc chiêu đãi cuối cùng...
Không có ai
cam đoan là không ai hay tin
"Lục Vân Tiên đang thọ nạn giữa rừng"
Chị viết hay quá. Càng trưởng thành, tôi càng cảm thấy mình hèn nhát (đang xảy ra trong suy nghĩ). Bao nhiêu sự việc thời sự xảy ra hàng ngày giữa đời thường trong những năm đầu thế kỷ 21 của một đất nước XHCN mà sao na ná giống những câu chuyện trên phim về thời phong kiến hay chiếu trên TV mỗi ngày quá.
ReplyDeleteCó phải lý do quan trọng nhất làm cho Vân Tiên trong mỗi chúng ta trốn sâu trong 1 góc khuất nào đó (hoặc mất đi như một số người đã từng là Vân Tiên) là mức độ thực thi pháp luật của chúng ta quá thấp? Và ai là người thực thi pháp luật? Họ hành động vì lợi ích của cả xã hội hay vì lợi ích của một bộ phận thiểu số nào đó? Không biết2 anh đã - từng - là - Vân Tiên có cảm xúc gì khi đang nằm trong bệnh viện với tấm bằng khen bên cạnh?
Tấm bằng khen đó, có phải nhắn nhủ rằng, rồi mai đây, sẽ có những người tiếp tục nhận bằng khen trên giường bệnh như 2 anh không?
“Tin sáng và những Vân Tiên đã mất”— làm e nhớ lại một bài thơ đã đọc cách đây 7 năm trên báo hoa học trò, tự dưng hôm nay muốn chia sẻ với mọi người:
ReplyDeleteONLY A PERSON WHO RISKS IS FREE
by Author Unknown
To laugh is to risk appearing the fool. (Cười là một rủi ro vì nhìn ta cứ như một con ngốc)
To weep is to risk appearing sentimental. (Khóc là một rủi ro vì nhìn ta quá yếu đuối, đa cảm)
To reach for another is to risk involvement. (Giúp đỡ người khác là rủi ro bị dính líu)
To expose your ideas, your dreams,
before a crowd is to risk their loss. (Dám phát biểu tư tưởng, ý kiến của mình trước đám đông là một rủi ro sẽ đánh mất chúng.
To love is to risk not being loved in return. (Yêu là một rủi ro vì có thể người sẽ không yêu lại ta)
To live is to risk dying. (SỐNG CŨNG LÀ MỘT RỦI RO VÌ TA SẼ CHẾT)
To believe is to risk despair. (Tin tưởng là một rủi ro vì có thể ta sẽ thất vọng)
To try is to risk failure. (Cố gắng là rủi ro vì ta có thể thất bại)
But risks must be taken, because the
greatest hazard in life is to risk nothing. (Nhưng ta phải chấp nhận những rủi ro, vì nguy hiểm nhất trong đời người là không dám chấp nhận, và đương đầu với rủi ro)
The people who risk nothing, do nothing,
have nothing, are nothing.
They may avoid suffering and sorrow,
but they cannot learn, feel, change,
grow, love, live.
Chained by their attitudes they are slaves;
they have forfeited their freedom.
Only a person who risks is free.
(Xin lỗi mọi người vì không tìm được bản dịch nên e tạm dịch một vài câu)
E ngưỡng mộ Vân Tiên và cũng ngưỡng mộ hai anh ở bản tin sáng. Cái cảnh hai anh nằm bên tấm bằng khen nghe có vẻ miễn cưỡng và mỉa mai quá. Ta không nói ra nhưng phải chăng ta đang nghĩ “Trời ơi, bị khùng sao mà tự đi hại bản thân?” Phải chăng Vân Tiên của hai anh không tự chết, không tự bỏ đi, mà vì cách nhìn của mình làm hai anh đau, làm Vân Tiên của hai anh sợ sệt, chùn bước. Thật ra lúc giúp người ai nghĩ tới tấm bằng khen mà ta phải nhìn vào nó bây giờ mà cảm thấy đau xót, mỉa mai và châm biếm?!
E cảm thấy Vân Tiên là một phần con người mà ta phải nuôi dưỡng, và yêu thương. Vân Tiên là phần giúp ta chấp nhận những rủi ro trong cuộc sống để đứng thẳng lên, để trung thành với những ý tưởng của mình, và để chống lại những cái xấu (injustice). Thật ra e yêu văn chế 4 đến mức coi chế 4 là thần tượng luôn vì chế 4 dám nói, dám phơi bày, dám bị đưa lên thớt (cái này chắc cũng giống hai anh kia, không nghĩ tới, nhưng kết quả nó zậy!), nhưng quan trọng là chế 4 dám viết và dám sống, dám đem luôn những ước muốn của mọi người vào trang viết (không biết có lay động được người cần lay động không, nhưng 100% lay động được e- thế hệ trẻ).
E đồng ý với May, không cần phải đâm chém quá nhiều, những việc làm nhỏ cũng thể hiện được những Vân Tiên trong chúng ta, e thích cách nhìn này quá, vì Vân Tiên “cũng từng là trẻ con” nên ta phải nuôi dưỡng Vân Tiên để từ những việc nhỏ, một ngày nào đó Vân Tiên của ta đủ mạnh mẽ, đủ dũng cảm để đứng lên chống lại một cái xấu to lớn.
Tin nhắn của lão tiều:
ReplyDelete"Gã Lục Vân Tiên nhờ lão nói lại giùm gã xin cảm ơn sự quan tâm của mọi người. Lão đã cõng Lục Vân Tiên trả lại đằng chợ rồi! Không chừng gã đang đạp xe bán báo, bán kẹo hay đang làm một công việc tạp nham nào đó kiếm ăn.Gã cũng trở nên hơi tư lự vì đang khi gã mắc nàn trong hang đói rã ruột thì không ai cứu mà còn đồn gã chết. Đừng kiếm gã mất công vì sau cái vụ đó gã già khọm, mình mẩy thẹo không, chỉ có trái tim là còn mạnh khỏe, gã hay nhét cái bằng khen trong túi quần,vất vã kiếm ăn mướt mồ hôi mà không biết có còn đi thi được nữa không, chẳng có gì giống một trang hảo hớn đẹp trai hết ...nhưng đúng là Lục Vân Tiên còn sống đó!"
:) haha, chi ly chi ly, chu binh that la chi ly.
ReplyDeleteCảm ơn chị Tư đã (lại) viết một bài đáng suy nghĩ.
ReplyDeleteEm nghĩ tinh thần "Vân Tiên" chỉ có thể được tích cực phát huy khi xã hội thật sự coi trọng và bảo vệ lẽ phải. Can thiệp vào chuyện bất bình rồi dính vào những hệ lụy nghiêm trọng cho bản thân và người thân tất nhiên sẽ khiến bất kì ai chần chừ trước khi "ra tay nghĩa hiệp", bất kể họ có theo chủ nghĩa cá nhân như bạn Jolene nói hay ko. Thí dụ như một anh gặp sự bất bình muốn can thiệp, ko lẽ việc anh chần chừ đắn đo suy nghĩ liệu mình sẽ bị thương, gây đau khổ và khó khăn cho gia đình sau này v.v. lại là "hèn nhát" hay "phản-Vân Tiên"? Bởi vậy em nghĩ ko nên cứ đổ lỗi cho chủ nghĩa cá nhân, mà phải chú trọng xây dựng xã hội và luật pháp sao cho lẽ phải, và những người hành động vì lẽ phát, thực sự được tôn trọng và bảo vệ.
Trong một xã hội công bằng mà luật pháp và lẻ phải được tôn trọng thì Lục Vân Tiên... thất nghiệp. Khi cái bất nghĩa tràn ngập phố phường thôn xóm, từ trong nhà ra ngoài đường, thì sự xuất hiện của LVT, dù là múa kiếm hay múa bút, mới thật có ý nghĩa. Chuyện LVT trói gô bọn gian tà hay bị chúng cho nằm liệt giường... chẳng ăn nhập gì đến cái DŨNG đáng trân quý của LVT.
ReplyDeleteEm nghĩ Vân Tiên không chết, cũng như vhi5 đã nói là ''chàng có thể bỏ đi, nhưng chàng không thề chết''. Em, lấy chính bản thân em ra nói thì Vân Tiên trong em đã bỏ em đi rồi, khi mà đi học thì học theo luật của thầy cô, đi chơi ngoài đường thì theo luật của xã hội (hay là luật rừng của chính những người làm luật), và em nghĩ rằng khi đi ra khỏi một nơi mà những ''người lớn'',''cán bộ'' ở trên muốn làm gì thì làm như ở nhà mình thì em mới có hy vọng tìm Vân Tiên. Có điều là, nhà thì dù gì cũng là nhà...
ReplyDelete