May 24, 2008

Lẻ




Bây giờ mỗi khi nghĩ về Hà Nội, tôi vẫn hay nhớ về căn phòng nhiều khói và bóng tối đó. Tôi nhớ em, kiểu em nhìn tôi, cái nhìn không bứt không bẻ được, ngay cả khi bạn tôi hôn em, hay hứng khởi dìu em theo một điệu nhạc dùng dằng trên cái sàn nhà chật, ngay khi tôi ngượng, cúi đầu quay đi vì trông thấy những trò âu yếm được trả tiền, tôi vẫn biết em đang nhìn mình chằm chằm. Cái nhìn như quen như lạ, như dò hỏi, như thân thuộc lại vừa xua đuổi, như sợ hãi, ngượng ngùng. Tôi tưởng cho đến khi ra về vẫn không giải mã được cái nhìn đó thì bạn buộc em hát. Em chọn bài “Một cõi đi về”, rằng “trong khi ta về lại nhớ ta đi…”

Giọng em ngọt, tôi nhận ra trong cách phát âm “chong”, “dzề” là miền Tây của tôi. Giống như em nhận ra tôi từ Nam ra chỉ bằng tiếng “dạ”. Tiếng nói cất lên, gây một ảo tưởng người này quen lắm, dường như cùng xóm, cùng trường cấp một với mình. Tôi nối cái nhìn của mình vào cái nhìn em.

Đó là ngày thứ chín tôi nghe lại giọng đồng hương, kể từ khi bắt đầu cuộc lang thang nhỏ trên những ngọn núi xa xôi phương Bắc. Đó là lúc tôi thèm đường chân trời xa được kẽ bằng một viền lúa chín màu vàng nhạt, thèm một tiếng nói miền Tây vẳng vào tai. Nhưng gặp em ở đây, trong tôi không vang lên một lời reo nào. Con gái xứ mình sao mà cứ theo nhau lưu lạc ? Mai tôi về nhưng em còn ở lại đến bao lâu, trong những căn phòng đầy khói và bóng tối ?

Lại nhớ người bạn làm du lịch, có lần nói một câu mà tôi cho là phũ phàng, “con gái xứ mình chịu khó giang hồ lang bạt quá, cùng khắp Việt Nam, qua tới Campuchia, Thái Lan cũng gặp, nói rặt cái giọng miền Tây. Buồn, không muốn hỏi…”. Như em, đã không nói lời nào từ khi nhận ra tôi. Chỉ nhìn vậy thôi. Khước từ niềm vui ríu ran bằng cái giọng quê nhà, như những chị gánh bán trái cây, rau cải người Huế, người Quảng vẫn thường sung sướng nói với nhau ở thềm chợ Cà Mau. Mà, tôi cũng đã hết cơn thèm. Dù ở cái nơi cách quê nhà hai ngàn cây số, một câu nói mang âm sắc thổ ngữ quê xứ không đơn thuần chỉ để nghe và hiểu, với tôi, chỉ hai chữ “… quá chừng” thôi, như lạnh quá chừng, đẹp quá chừng, là miền Tây kéo tới ngọn núi tôi đang đứng, miền Tây của những cánh đồng, dòng kinh, lục bình trôi, cây ô môi bông đỏ, tiếng bìm bịp hui hút trong những bụi dừa nước ven sông, dơi bay chập choạng trong vườn làm mấy trái ổi chín rơi xuống đất …

Và khi cất lên tiếng hát, em cũng mang ít nhiều miền Tây tới đây, trong căn phòng nhỏ có vài gã trai dáo dác ngó chừng công an bên ngoài. Một miền Tây buồn hiu với bóng tối đổ xuống vạt nước cầu ao mà em đang ngồi giặt chiếc áo phèn sau một ngày gặt lúa, với khói mẻ ung mù mù bay la đà trên những vũng nước mưa thấu qua nóc nhà… Nhưng bạn tôi, người đang ôm em trong lòng thì không nhìn thấy những hình ảnh đó, bạn chưa từng vào Nam. Giọng nói của em và những gì thuộc về ký ức em là một thế giới hoàn toàn xa lạ với bạn. Tôi có cảm giác em sẽ cô đơn lắm. Cô đơn ngay khi cất tiếng, khi những người đàn ông trong căn phòng lấy làm buồn cười vì em phát âm ngọng ngịu đôi ba chỗ, vì em “dạ” thay cho “vâng”, em “vậy hả ?” thay cho “thế ạ”…

Tôi không mô tả được chính xác về giọng nói của vùng đất, chỉ là cảm giác một kiểu thổ ngữ thô mộc, tiết tấu giản dị ít bổng trầm. Nhắm mắt để chạm tay vào giọng nói đó, tay tôi như chạm vào một hòn đất đã bắt đầu chớm khô, mềm mại mà chắc chắn, dịu dàng mà rắn rỏi … Và bức tranh tôi vẽ lại giọng nói của chính mình chỉ là lát đất cày thô, khô khốc, bọc lấy những cái rễ cây cỏ mục bên trong.

Giọng nói ít nhiều hoang dã, xa lạ. Có lần ngủ ở Hà Nội, một chỗ gần bến xe Mỹ Đình. Một khách sạn nhỏ nhiều ánh sáng nhất trên con phố Hoàng Quốc Việt. Giữa tối, tôi thấy đói, hỏi anh bảo vệ một chỗ để ăn, anh này ngó thom lom, hỏi một câu ngơ ngẩn, chị ơi, chị có phải là người Việt không. Tôi cười cười, “trời đất, dân miền Tây mà”. Bạn nghe xong, vẫn tần ngần. Câu trả lời của tôi cũng tréo ngoe, giống người bạn Lào ở Viêng Xay, một tối say rượu ngật ngà, cười khà khà, bảo, “tớ nói tiếng Việt giỏi nhưng mà tiếng…miền Nam tớ nghe không được?!”. Trong những cuộc đi xa về phương Bắc, tôi cất tiếng gọi thức ăn, người trong quán ngoái lại; tôi gọi điện thoại trên xe, hành khách chung quanh bỗng thôi gà gật, rướn lên nhìn.

Cũng phải, giọng nói của tôi, ở nơi đất quê người, rất lẻ. Nhưng tôi vẫn thích nói vì trước hết tôi cần nghe giọng của chính mình. Nó gợi lên một vùng đất mà tôi vừa chớm xa. Nó gợi lên một sự bí ẩn, tò mò đối với những người Việt chưa từng tới, gợi nỗi nhớ của những người đã đi qua. Xảy ra vài câu chuyện vài cuộc gặp gỡ. Có hôm tôi trả lời điện thoại xong, một người đàn ông bước lại gần, bảo “tôi đã từng vào Nam, lâu lắm rồi… Nghe cô nói tôi nhớ cù lao Tân Châu…”. Ông là người Ninh Bình, lưu lại trên đất của lụa Lãnh Mỹ A chỉ bảy tháng, rồi trở về nhà. Mười sáu năm rồi, ông kể, mở ti vi nghe mấy ông nông dân Nam Bộ nói chuyện mùa màng, cái kiểu “guộng (ruộng) năm nay chúng (trúng) bộn chú ơi, nhưng dzá (giá) èo ọt quá…” trong lòng lũ lượt hình ảnh của mảnh đất cù lao nằm trơ trọi trên sông Hậu. Giữa câu chuyện của mình, ông dừng lại hỏi, tôi trả lời ngập ngừng, ông lại hỏi, cuối cùng, ông ái ngại, “tôi nói hơi nhiều vì muốn nghe giọng Nam Bộ của cô…”.

Không, đây không chỉ là giọng nói của riêng tôi, mà của cái cù lao Tân Châu trong ký ức ông. Của một miền Tây xa xôi và cách trở, hoang dã và lạ lẫm, sâu thẳm. Miền Tây mà tôi lớn lên cùng vẫn có nhiều chuyện không hiểu thấu. Thí dụ như cái giọng mà ngày ngày tôi nghe người nói người hát người hò, tôi có thể dùng từ ngữ nào, hình ảnh nào, màu sắc nào để miêu tả một cách chính xác ? Thí dụ như em, tôi không biết sao em lại chọn cho mình một cuộc long đong, để giữa nơi xa xôi nào đó cất lên những giai điệu lẻ ?!

Để em, con gái miền Tây lại thuộc về ký ức Hà Nội của tôi, nằm trong ngăn kéo mang tên “ngậm ngùi”.






9 comments:

  1. Anonymous5/25/2008

    Em chúc chị nhẹ nhàng mà rời miền Tây chị lại thấy lòng mình nặng. Có những tấm hình cứ mở ra là thấy buồn muốn khóc!

    ReplyDelete
  2. dạ. vậy là chị đã về đến nhà. Vì ít ai thấy nhẹ nhàng nên em hay chúc mọi người nhẹ nhàng, dù biết điều đó là không thể.

    Miền Tây đã kể câu chuyện gì với chị, chị kể lại cho mọi người bằng những trang viết của mình đi, em chờ.

    ReplyDelete
  3. Tôi ngạc nhiên với hoàn cảnh mà bạn chứng kiến cô gái miền Tây ở Karaoke.Thậm chí tôi phẫn nộ với người đàn ông để bạn vào hoàn cảnh đó.

    ReplyDelete
  4. Tôi thì ngạc nhiên vì bạn Giang quá chắc chắn là tôi ở đó.

    ReplyDelete
  5. Anonymous5/28/2008

    "Thí dụ như em, tôi không biết sao em lại chọn cho mình một cuộc long đong, để giữa nơi xa xôi nào đó cất lên những giai điệu lẻ ?!"

    "Để em, con gái miền Tây lại thuộc về ký ức Hà Nội của tôi, nằm trong ngăn kéo mang tên “ngậm ngùi”."

    Nhiều lúc nghĩ vẫn vơ, tôi cũng hay tự hỏi mình như vậy. Tôi, một người Bắc kỳ, nhưng yêu đất và người miền Tây vì cái chất "thô mộc" của con người nơi đây. Hẳn nhiên, không phải ai cũng thô mộc. Nhưng đấy phải là một cái gì đó rất đặc trưng, đến mức ta nhận ra một ai đó ta gặp ắt là người miền Tây.

    Yêu nên đôi lúc tôi cứ băn khoăn một điều. Tại sao con gái miền Tây hay làm việc trong những căn phòng mà chị kể trên vậy? tại sao con gái miền Tây dễ dàng đi Đài Loan, Hàn Quốc vậy? Xin lỗi có thể làm ai đó buồn vì những câu hỏi này. Nhưng ta vẫn phải nhìn vào sự thật. Tôi đã từng dự khán một phiên tòa có tới gần 80 cô gái là nạn nhân của một vụ án buôn bán phụ nữ đi Malaysia, tất cả đều là con gái miền Tây. Đã đôi lần ngồi bên cạnh những cô gái trong những căn phòng mà chị kể. Nếu hỏi họ từ đâu tới, tôi chắc rằng câu trả lời là từ đâu đó ở miền Tây.

    Tại sao? có nhiều nguồn cơn cho thực trạng ấy. Trong số đó, tôi nghĩ, cái chất thô mộc của người miền Tây là một yếu tố đáng kể. Có lẽ sự nhiễu nhương đã lan tỏa đến xử sở này làm cho cái thô mộc đáng yêu ấy trở thành nạn nhân.

    Dù sao, tôi vẫn yêu sự thô mộc của đất và người miền Tây.

    ReplyDelete
  6. Anonymous6/02/2008

    Con gái tôi đang có mấy đối tượng "dòm ngó" và nó nói nó chờ một người con trai đến từ miền tây. Ý nghĩ đó có thể bắt đầu từ khi nó có một chuyến đi mùa hè xanh ở Miền Tây. Nó nói với mẹ : Con thích người miền Tây thật thà, đôn hậu. Họ không sắc sảo hay xét nét khó chịu như người miền Bắc. Điều đó có thể do đất trời sông nước bao la phóng khoáng của miền tây mang lại. Tuy không được tiếp xúc nhiều nhưng tôi cũng đồng ý với con. Đọc bài này của NT, tôi đồng cảm và nghĩ rằng chính người miền tây thật thà và "ngây thơ" vậy nên các cô gái ở đây mới dễ trở thành nạn nhân. Cám ơn bài viết rất hay và tinh tế của NT!

    ReplyDelete
  7. Anonymous6/17/2008

    Người Miền Tây Nam Bộ nói chung là người thích tự do, phóng khoáng, quen sống bên những dòng sông và những cánh đồng bao la, nên không quen sống trong những khuôn khổ bó hẹp khi làm việc ở các cty xí nghiệp. Vả lại nếu các bạn về Miền Tây cũng sẽ thấy rất ít các KCN nên môi trường làm việc chuyên nghiệp cũng không có được rèn luyện ngay từ đầu.

    Và về MT mới thấy, nếu như không đi làm ăn xa thì...chẳng biết làm gì...môi trường giáo dục cũng chưa được cải thiện là mấy, vẫn còn tâm lý không muốn con gái học cao...vì sợ bị ế...

    Con gái MT thường chơn chất, dễ thương xinh đẹp nên cũng là một nguyên nhân đưa đẩy (hồng nhan bạc phận)...

    Nên chăng cần hiểu rõ những yếu tố điạ lý, lịch sử, xã hội, phong tục, tập quán và tâm hồn và mong ước của con người MT để có thể có cái nhìn tổng quát hơn cũng như có hướng mở ra những công việc phù hợp cho họ, cũng là để phát triển MT - vùng đất nhiều tiềm năng này.

    Có Ai đang làm những việc đó không? Ai sẵn sàng làm những việc đó không? Hình như ai cũng biết, cũng nói được nhưng làm gì? làm như thế nào? có ai trả lời giúp tôi k?

    Chị Tư viết nhiều bài rất hay, làm cho người ta sống chậm lại, quay lại nhìn phía sau 1 chút để sống có tâm hơn. Nếu chị Tư dấn thêm 1 chút để góp sức mình cho mảnh đất thân yêu này, tôi tin chắc sẽ có nhiều người ủng hộ. Và tôi là một trong những người đầu tiên, với khả năng của mình.

    TK.

    ReplyDelete
  8. Nam bộ - miền Tây - miền đất mới của Tổ quốc, miền đất nổi tiếng làm chơi ăn thiệt hồi xưa, miền đất mà thiên nhiên quá ưu đãi hồi xưa... có phải những điều đó đã làm nên cái chất phóng khoáng, rộng mở, vô lo của người miền Tây tự hồi xưa? Cho nên bây giờ khi mà cuộc sống càng ngày càng trở nên khó khăn đã làm cho một bộ phận người miền Tây vốn phóng khoáng, rộng mở, vô lo trở nên thiếu bản lĩnh, trở nên quá nghèo đói? Tôi cũng không biết đó có phải là nguyên nhân chủ quan? Nhưng mặt khác, những gì tôi thấy khi đi một chuyến ngang qua Băc bộ : Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Đông, Hà Tây, Bắc Giang, Bắc Ninh...đường sá rất tốt, một vài nơi rộng thênh thang, đến nỗi anh bạn hướng dẫn viên trẻ tuổi đã đùa vui "nông dân ở đây làm đồng đi qua cầu vượt". Miền Tây quê tôi chỉ có mỗi con đường độc đạo nhỏ xíu với những cây cầu già nua mà mỗi lần "sổ mũi nhức đầu" là tắc nghẽn, dồn ứ đến kinh người! Nói chuyện đường sá không thôi, nếu cũng được đầu tư như một số tỉnh miền Bắc thì có lẽ bộ mặt miền Tây sẽ khác đi rất nhiều. Và biết đâu, sẽ không có (hay ít hơn?) những cô gái miền Tây lang bạt đó đây?

    ReplyDelete