Xóm cũ
Nguyễn Ngọc Tư
Những gương mặt người. Những nóc nhà thưa. Những cây cầu khỉ. Mỗi khi nhớ về xóm cũ, hiện lên ngay trong đầu cái phác họa giản dị đó, cùng những cánh đồng, mảnh vườn xanh xanh đậm nhạt bọc quanh. Một con đường khấp khểnh băng qua xóm, bên lối đi lau sậy chập chờn.
Và hai cái ti vi trắng đen, niềm vui, nỗi xao xuyến không tan của đám trẻ con nghèo, khi những rạ rơm, ao đìa, những trò nghịch trèo cây hái trái đã tạm khép cùng ánh sáng mặt trời. Chỉ còn đêm dài lắm. Nhiều lúc ngó mưa sụt sùi nhớ cũng mưa vầy, cũng những tối nhão ướt như vầy, mình ngoi ngóp trùm cao su đi coi ti vi. Lội bộ cũng xa, mò mẫm trong màu trời nhập nhoạng mà hớn hở như đi hội. Tối nào tụi trẻ con trong xóm tối nào cũng xúm lại hai nhà giàu sang nhất xóm (vì có… ti vi), dán mặt vào cái ánh sáng trắng lung linh kỳ ảo. Có đứa cứ hết chương trình hoạt họa là ngủ khò, ngáy pho pho mà không đêm nào vắng. Vài đứa khác mơ mộng thật thà, cứ khóc òa khi vở cải lương tới khúc đoạn trường, cô Nguyệt bồng con tới nhà người yêu cũ. Đường về khuya lơ khuya lắc, bạn bè lần lượt tới nhà, cứ qua mỗi ánh đèn là vắng đi đôi bước chân. Rồi chỉ còn lại một mình, đi qua những lùm trâm bầu, lùm tre hình thù kỳ dị bên đường, tưởng tượng bao nhiêu chuyện ma quái, đêm nào cũng quắn đuôi bỏ chạy. Vậy rồi chiều lại, vẫn xao xuyến lặn lội đi hẹn hò với cái… ti vi.
Nên xóm thêm một nóc nhà, trẻ con mừng hơn cả. Đường bớt vắng, thêm một ngọn đèn, thêm bạn, cùng những điều lạ lẫm. Dì Tư sinh tố quảy thùng kem về xóm, với bảy đứa con gái môi đỏ tóc dài, mớ tiếng Huế rặt của nhà dì như mở ra một chân trời mới, cả xóm mừng rơn khi biết o đi mô, có nghĩ cô đi đâu vậy. Trưa nào dì Tư cũng quảy thùng kem ngang qua xóm, dì gầy, đi hai hàng, cảm giác nếu chân dì mà thẳng thớm, thì sức nặng của thùng kem sẽ khiến dì té nghiêng té ngửa. Cứ xà bát hai hàng, dì rung chuông , sau tiếng chuông rung là tiếng chó sủa giòn tan, tiếng người lớn nạt mấy con chó, tiếng trẻ con xin tiền. Nghe như tiếng chuông của dì chọc nguậy vào một cái chảo âm thanh, khuấy nó lên, đảo đều rộn rã cho tới khi dì đi khuất.
Thêm một tiếng cười, lau sậy cũng bớt dày, đi vắng ba ngày đã thấy bên đường cặm một ngôi nhà mới, thấp tủn. Đất ven đường chỉ cỏ hoang mọc chen trong đá, bỗng thành cái rẫy dưa, bắp xanh rì. Ông Sáu Rẫy lại mở ra chân trời khác, làm bọn trẻ xóm nghèo há hốc với Bến Te, con cá zô bỏ vô zổ, nó nhảy nghe zột zẹt. Bà Sáu thì điếc đát, hỏi chiều nay ăn cơm với gì, bà nói zẫy không trồng khoai mì. Hỏi bà ơi bồ ngót bao nhiêu một bó, bà nói ừ, nhà có nuôi bốn con chó. Ông Sáu cuốc đất ngoài hè, nói vọng vô, “cái bà này, điếc mà hay nói…”, bà ngỏn ngoẻn cười, “tối đâu mà tối, còn mặt tời mà…”.
Ngày ông Sáu tới, rồi lại nhổ chòi tha vợ con về xứ, cả xóm vẫn chỉ gọi ông, nhớ ông vận theo nghề rẫy mà gia đình ông gắn bó. Như tên dì Tư gắn với thùng sinh tố, cà rem. Như quên luôn tên thật của bà Tám Bánh Cam, ông Mười Cốm Bắp. Gọi tên một người xóm cũ là gọi cả hình ảnh bàn chân chai, vết sẹo dài, bàn tay khô, màu da sạm… và tên những đứa trẻ đã theo cha mẹ đến đây, kết bạn kết bè. Bỗng một sáng vài đứa đi mất, mù mịt như chưa từng có ở trên đời.
Cuộc đời lại cặm vào mảnh đất bỏ trống một ngôi nhà mới, những đứa trẻ mới, một số phận mới. Người đàn ông đi chân giả lúc nào cũng bước cắm cúi, thằng bé con chú vác cái bụng to vèo đằng trước, chắc là nó ăn đất quá nhiều. Chiều đi ngang qua gặp nó đang gặm mớ rễ tranh - ba má nó đào bật lên để lên giồng gieo cải. Nó chìa tay ra, khoe “ngọt lắm !”, sau này nhớ lại, mắc cười, trẻ con có thể tiệc tùng kết bạn từ mớ… rễ cây.
Người lớn chậm rãi hơn, họ sẽ rề lại hỏi cư dân mới của xóm, anh thứ mấy, quê quán ở đâu mà tới đây, và ngó cái chân giả cứng đờ, hỏi anh bị thương ở trận nào. Phước Long hả ? Tui cũng bị cái thẹo bự này, ngay trận đó. Câu chuyện bỗng trở nên ngượng ngập, họ đã từng cầm súng đối mặt nhau, cùng nhau mang về những vết thương, vết thấy được đã lành, vết lòng vẫn rịn máu.
Nhưng người lớn biết cách chữa lành, bằng những điều đơn giản. Đem cho tô chè đậu xanh, nửa mục măng tre, phụ giúp nhau lợp mái nhà, cất chòi vó, sẻ nhau vài gánh nước mưa uống trong mùa nắng, mớ củi chụm qua mùa mưa. Ba của thằng Rễ Tranh đã thôi giấu mình trong lầm lũi, ánh mắt không còn ủ dột cặm xuống chân. Chiều chiều, ông còn vui vẻ tấp tểnh qua bên xóm uống trà.
Con đường xóm lông chông đá, lổn nhổn những ổ gà, hai mươi năm qua với tôi, vẫn là con đường đẹp nhất. Nó đưa đón những bàn chân tần tảo, nó chứng kiến những tấm lòng thơm thảo. Thỉnh thoảng tôi vẫn để nhớ dắt tay về chỗ ngồi yêu thích, vắt vẻo trên ngọn cây cao, ở đó, tôi thấy cô bé bưng dĩa bánh lá mít chan nước cốt dừa đang đi dưới mưa lất phất, tay nó cầm cái nón nhỏ lóng ngóng che đầu thì sợ bánh ướt, che bánh thì ướt đầu, cuối cùng, nó che nửa này nửa kia. Đi một đỗi đường, cô gặp một thằng bé khác đang đứng chơi, cô sượng sùng nói, “má tao cho má mầy bánh”. Ở đó, tôi nhìn thấy chị hai mình, lúp xúp đội thúng rau muống, ngò gai đi chợ sớm mai, tôi nhận biết từng người quen trong xóm, qua nón, áo, qua cái dáng đi cắm cúi, xấp xãi, hớt hãi, tất tả, hay thong thả…
Họ mới là linh hồn của xóm. Sau này đi đây đó, đôi khi gặp lại vài khung cảnh y hệt như xóm – của - mình, nhưng xúc động chỉ thoáng qua rồi tạnh, bởi không có những gương mặt, dáng đi quen.
Bây giờ, xóm còn nguyên chỗ cũ, nhà tôi vẫn còn chỗ cũ, chỉ láng giềng không còn. Người đã dời đi tản mác. Người vẫn ở đó nhưng không phải là người của những năm xưa. Đôi lúc trên đường về, qua những ngôi nhà cao tầng kín cửa, qua những cãi cọ đôi co từng tấc đất, qua những bon chen háy nguýt, bỗng nghĩ, nơi đây từng có những người đàn bà, lúc xay bột làm bánh, họ không quên đong thêm vùa gạo để thơm thảo với láng giềng.
Bây giờ họ đã về đâu ?!
Feb 2, 2009
Xóm cũ
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
hay quá chị à
ReplyDeleteƠn trời! Vậy là mẹ tròn con vuông rồi!
ReplyDeleteLại được đọc tiếp những gì mà NNT viết...
yeah,back to the getto
ReplyDeletetrở lại giang hồ
Chị viết hay thiệt!
ReplyDeleteCảm giác khi đọc bài này là hình dung ra ánh mắt buồn buồn của chị, và đâu đó là hình ảnh của một cơn gió nhỏ, mát dìu dịu, mon men lần về kỷ niệm, về với quá khứ... :)
Đôi khi đọc những chuyện chị viết lại thấy mình trong đó cùng với những suy nghĩ, tâm trạng, tình cảm giống giống thế mà trước giờ ko biết nói ra thế nào hoặc để nó đi lạc hoặc hờ hửng với nó... :)
Chúc chị khỏe, viết hay, lên tay đều đều nghen! :D
Hihi, mung qua! Bua gio thiet la nho Ngoc Tu ma khong dam nhac, cung khong dam hoi vi biet Tu mac ban voi anh ban nho moi cua Tu.Chuc mung me tron con vuong, chuc mung bai viet khai but hay qua chung. Wellcome back
ReplyDeleteChị Tư ơi, hơi ngoài luồng một tí nha. Cánh đồng bất tận đã lên sàn kịch rồi đó. Chị Tư đọc bài viết về kịch CĐBT qua đường link này nha.
ReplyDeletehttp://blog.360.yahoo.com/blog-oLDxugUlaaFTKo2kdHqn51I-?cq=1&p=1188&n=28500
Chúc mừng mẹ tròn con vuông.
Thân/ Caphesua
Em lại có thêm một chú nhóc nữa ha, chúc mừng em nhe. Thời gian vừa qua cứ vào blog của em hoài mà không thấy đăng bài, lòng cứ băn khoăn không biết tại sao. Giờ thì biết rồi. Mà em siêng thiệt đó. Em tranh thủ viết bằng cách nào vậy?
ReplyDeleteChào chị, em là một người thích đọc văn của chị. Hôm nay mới comment trên blog của chị.
ReplyDeleteThực sự em rất thích giọng văn Nam bộ của chị, em cũng đọc nhiều tác phẩm nói về cuộc sống của con người miền Nam và em thực sự bị cuốn hút bởi những cây cầu khỉ, những dòng sông và con người nơi đây. Nhưng em cũng cảm thấy cuộc sống bây giờ có lẽ không giống như trong sách vở mà em vẫn được đọc, Khi xưa em được biết đến con người nơi đây qua những bà má nam bộ, những cô gái dịu dàng, đảm đang thì hôm nay em thất vọng với những thông tin không hay về con người nơi đây (chắc chị cũng hiểu em đang đề cập về vấn đề gì). Có lẽ em quá cực đoan chị nhỉ. Nhưng trong đầu em bây giờ luôn tự hỏi "liệu rằng nơi đây có giống với những gì mình đọc trong sách vở không?"
Em lan man quá nhỉ. Chỉ vì em đọc được câu viết của chị: "Người vẫn ở đó nhưng không phải là người của những năm xưa".
Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ
ReplyDeleteMừng Sầu Riêng đã mẹ tròn con vuông.
ReplyDeleteMừng vì Sầu Riêng đã trở lại.
Mừng vì được đọc bài này. Mời lần đọc tản văn của Sầu Riêng thì hết chín lần tôi cảm động ... rụng rời vì thấy y như Sầu Riêng viết cho mình. Như trong bài này tôi như thấy lại cái xóm nhỏ tôi đã lớn lên trong đó, thấy những cây sậy dần mất đi, thấy tôi sợ ma cắm đầu chạy trong đêm ... như ma đuổi, thấy lại "cà rem Kim Tòng con gái có chồng đồng bạc hai cây, con gái chưa chồng đồng bạc một cây", thấy lại cái rạp hát Huỳnh Long tôi rón rén vén vách chun vô mỗi khi được quá nửa phim xã giàn, thấy con kinh 16 đầy nhóc cá chốt, thấy Chế Minh ngồi cặm cụi lảy mày bắp mỗi trưa cho Bà Hai bán xôi bắp nấu ... như vậy đó để tôi thấy tôi sống lại. Một lần nữa cảm ơn Sầu Riêng.
Sao em không chuyển qua bên yahoo cho có nhiều người đọc hơn Tư ?
ReplyDeleteThành thị đã về tới nông thôn rồi hả chị Tư.
ReplyDeleteNuba
Tư nè, sau truyện ngắn "Cánh đồng bất tận" theo suy nghĩ của anh là rất hay, nhưng sao quá ngắn và dạo này hay viết tạp bút vậy? Cố lên 1 quyển cỡ "Nỗi buồn chiến tranh" đi ? Hay là viết về người già chưa dám viết (vì trẻ quá :D)? Cỡ như cánh đồng bất tận lẽ ra chưa nên dừng ở đó... Tại sao k cho con bé đó có thai, ông bố của cô bé đó chết già kiểu như "Tiếng chim hót trong bụi mận gai" . Đó mới chỉ là khởi đầu mà chưa có kết như "Nhân nào quả đó". Muốn viết cho Tư rất nhiều nhưng kẹt. Nếu Tư đọc được những lời này thì reply cho anh theo Email : [email protected] nhé. Thanks.
ReplyDeletecó ai cho mình hỏi làm sao để Comment được hình ảnh và video trong Blogspot giống như thế này http://pic-memory.blogspot.com
ReplyDelete