Jan 11, 2009

chiều hôm thức dậy...



Chập chờn lau sậy…
Tản văn


Năm ba lượt chuyển nhà, đếm trên đầu ngón tay những gì của tuổi lên mười, ngạc nhiên vì có mang theo cả cỏ dại và lau sậy.

Những trưa tì mặt vào cửa sổ, ngó ra thênh thang cỏ hoang trước mặt bỗng nhớ những năm tám mươi, ba đưa cả nhà về sống ở ngoại ô thị xã. Hai bên đường và trong các mảnh vườn mịt mùng lau sậy, ba có chút ngậm ngùi, “người chưa về thì người khác lại đi…”. Ba nhắc những người lính, những người bỏ đi khỏi vùng giáp ranh tránh đạn lạc, lại nhiều người vượt biển tìm chân trời khác... Dấu chân vừa kịp cũ, thì lau sậy mọc lên, lấp mất.

Chúng sống mãnh liệt quá, nhiều khi thấy… ghét. Chiều chiều ba cuốc đất đằng trước, anh em tôi lủi thủi theo sau để lượm rễ cây, chỉ cần sót một mẫu bằng ngón tay thôi, ít lâu sau sẽ thấy sậy mọc lẫn trong mớ rau. Chúng cao hơn rau, xanh hơn, mạnh mẽ hơn, mà bán chẳng ai mua, ăn không được. Củi bình bát, so đũa xài không hết, chẳng ai thèm đốn sậy nhóm lửa. Nên cả xóm cứ thênh thang cỏ hoang, lau sậy. Nên cả tuổi thơ cứ thênh thang cỏ hoang, lau sậy. Những mùa khô, tụi nhỏ đi đốt sậy hai bên đường, lúc cháy chúng nổ giòn tan như pháo, tàn tro bay tao tác giữa lưng trời, khói quăng quật giữa gió làm mắt mũi đứa nào cũng ràn rụa.

Gần với con người lắm, lẫn giữa con người, vây bọc con người, nhưng lau sậy thì cực kỳ cô đơn. Mùa nối mùa chẳng người nào ngó ngàng tới. Một năm chỉ một lần, lúc thân sậy già, ngã màu vàng, rám nắng, má tôi mới đi lựa đám sậy tốt nhất, chặt về vài bó, dìm dưới ao, đợi sa mưa ôm lên đồng cặm gò sạ lúa. Sậy còn tươi mà đem cắm lên đất thì lúa chưa xanh thân sậy đã mọc nhánh rồi. Cứ sống mãnh liệt vậy, nên những thân sậy người ta dùng dây bện chặt thành những tấm đăng rào nhốt gà, vịt hay ven dưới sông đón bắt tôm, cá… cũng chẳng bao lâu đâm nhánh mới, làm thành những viền xanh uốn lượn giữa dòng.

Tha thiết sống, bất chấp yêu ghét, lau sậy cũng trổ bông. Bông cũng không níu kéo bất cứ cái nhìn nào. Lơ thơ. Nhợt nhạt. Chỉ trẻ con là chờ đợi mùa bông chín, mùa gió chướng thổi sòng, mùa áo mới, mùa Tết. Mảnh mai mình hạc, bông lau vươn cao óng mượt, trắng muốt giữa ngút ngàn bông sậy bạc đầu, chảy thành dòng rập rờn trong gió. Trên cái nền dòng sông bông chín, ông trời mặc sức vẽ gió, vẽ nắng lên.

Bông lau, sậy đẹp nhất là lúc đang tàn, lúc đang phai. Dường như có vài thứ giống vậy, như mùa thu, pháo hoa, giao thừa, tiếng chuông chùa… lúc đẹp là lúc mất. Chẳng hiểu đẹp để mất hay vì biết sẽ mất nên đẹp. Gió chướng thông ngọn thì bông sậy lìa cây, vào khi ngọt ngào và mỹ miều nhất, rút lui, buông bỏ vào lúc vinh quang nhất. Nên tôi, trong vai người đứng ngắm phải ngẩn ngơ nhớ tiếc. Đôi lúc nghĩ, có người nào dám và được rời đi nhẹ nhỏm như cái bông sậy nhỏ nhoi này ?

Và có kẻ giang hồ nào lại vào đời lơ đãng, ngơ ngác như bông lau, bông sậy ? Tháng Mười mở cửa ra, những cái bông nhỏ rức bay lạc vào nhà. Ngay lập tức, con người tôi bị chia làm ba làm bảy. Tôi Lãng Mạn mừng quá, nhìn ngược trong vệt nắng xiên vào, thấy bông rơi chậm rãi ngu ngơ, bèn muốn làm thơ. Tôi Osin nổi quạu, bông sậy nhẹ quá, chưa chạm chổi vào chúng lại lửng thửng bay, muốn quét cũng không được, muốn đuổi không xong. Tôi Hoài Niệm nhớ quay quắt cái xóm cũ, nhà cũ, lau sậy cũ, nhớ ông ngoại lúc giận quá hay nhặt cây sậy gãy đánh cháu. Roi không gây đau, tôi hí hửng nghĩ ông ngoại mắt mờ, lớn lên mới biết chính mình ngày xưa mờ mắt. Tôi Cụ Non ngồi nhìn những bông sậy long đong tình cờ kết lại thành chùm, xoay tròn trên nền gạch, thấy buồn, chúng nhỏ nhoi đến mắt thường nhìn còn khó, mà biết tìm kiếm và thương nhau, mà mấy bạn mình cũng long đong xứ khác lại không thèm ngó mặt, mà chính mình cũng đang muốn tránh xa người ?!

Cứ vậy, có Tôi Giang Hồ nhìn bông sậy mà nhớ chuyện giang hồ, thì một tôi khác lại yêu tha thiết cái nhà mình đang sống. Bước qua cửa sau đã tới rào, đằng trước chỉ một khoảng sân nhỏ trồng mấy chậu hoa nho nhỏ. Nhưng khu vườn của tôi thì nằm mênh mông tận những chân trời, nơi những cây thốt nốt đứng cô đơn và kiêu hãnh giữa đồng, nơi những cây bằng lăng già nua vắt kiệt mình cho những mùa bông tím, nơi những dòng bông sậy chảy phai cả nắng…

Khu vườn đó, tôi vẫn mang theo từ thuở chín, mười…

10 comments:

  1. Chị Sầu Riêng thân,
    Xin mạo muội được gọi chị như vậy, tại cái tên đó dễ thương quá. Hôm nay em rất mừng khi tìm được blog của chị. Em xin tự giới thiệu đôi chút, em là sinh viên sư phạm tiếng Anh, quê Trà Vinh, học Sài Gòn, 19 tuổi. Sơ sơ để chị biết, mẹ em nói khi làm quen với ai đó mình nên nói sơ sơ về mình mới là lịch sự, cho người ta tiện quyết định có nên làm quen lại với mình hay không :D
    Nói thêm chút nữa về cái cách mà em biết đến chị. Năm Cánh đồng bất tận được in lần đầu, em còn học phổ thông, tò mò đi kiếm nó coi thử, thấy cái hình chị trên bìa, em chết mê nụ cười của chị nên đã rinh nguyên cuốn về. Đọc thấy là lạ, cũng hay hay, nhỏ lớn mới đọc được một giọng văn sệt miền Nam vậy. Nhưng mà thú thật là đọc hổng có hiểu gì hết !!!
    Chị Sầu Riêng được yên vị rất bình an và lặng lẽ trên kệ sách của em cho đến tận khi em lên đại học. Vô nhà sách nào cũng gặp chị, buồn buồn như gặp cố nhân, nhưng là sinh viên rồi thì Bác Hồ không có cho phép mua truyện và tiểu thuyết đọc nữa, nên cũng không dám cầm chị lên thử, vì lỡ mà đọc rồi mê rồi mắc rinh về hết thì có mà đói. Kết quả là... nhịn Sầu Riêng :P
    Đến cách đây 1 tuần, em mới bắt đầu trở lại với Sầu Riêng. Trước sau cũng nhờ trường em... bắt học Tin học. Cô Tin học nói chuyện rất là "ngông", rất là "giang hồ", nghe quen quen, quen thiệt là quen mà... không biết quen ở đâu (!). Nghĩ ngợi, tình cờ lại bắt gặp cái tên Sầu Riêng trong một nhà sách, nghĩ ra liền! Em nói với cô, em thấy cô giống Nguyễn Ngọc Tư. Cô nói Nguyễn Ngọc Tư là ai nghe quen quen vậy, mà Nguyễn Ngọc Tư sao mà bạn nói giống tui. Em nói, Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn, tác giả CÀNH ĐỒNG BẤT TẬN đó cô. Cô nói mèn ơi, sáng tới tối tui lo cày muốn chết, thời gian đâu mà đọc truyện, mà truyện đó ừ hình như tui có nghe. Mà Nguyễn Ngọc Tư sao mà bạn nói tui giống??? Em nói, Nguyễn Ngọc Tư là người Cà Mau, viết văn rất độc đáo, sắc sảo, và hơi... giang hồ. Cô điên lên, nói tui giang hồ à, giang hồ là sao? Dạ, là... giống Nguyễn Ngọc Tư! Vô duyên thấy ớn, cho nên tối đó em quyết tâm đi mượn Sầu Riêng về gặm một miếng, để có cơ sở mà giải thích cho ra cái sự giang hồ của Sầu Riêng, cái sự giang hồ em đã cảm nhận được từ lâu nhưng chưa bao giờ thử lý giải. Rất chi là... vô duyên như thế, em trở lại với Sầu Riêng.
    Hoặc là ngòi bút Sầu Riêng nay đã đổi khác, hoặc là do em đã trưởng thành hơn. Em đọc và hiểu, và càng đọc càng phục lăn cái cách Sầu Riêng làm cho mình hiểu. Sầu Riêng quả là giang hồ, giang hồ một cách không lý giải được, chỉ có thể cảm nhận và cảm nhận khi mở Tạp văn của Sầu Riêng rồi để cho Sầu Riêng dắt mình đi qua rất nhiều rất nhiều ngày, những tháng, những sáng trưa chiều tối rất đỗi bình thường mà lại không bình thường chút nào. Mỗi tối mệt nhoài sau một ngày vật lộn với giảng đường và công việc làm thêm, mở Sầu Riêng ra dưới ánh đèn vàng vọt, tưởng như mình đang "tám" với một bà chị rất thân quen, một bà chị sâu sắc, rất thấu hiểu mình, rất sẵn sàng "tám" và rất... giang hồ. Đọc Sầu Riêng, không thấy Sầu Riêng giống một nhà văn, chỉ thấy Sầu Riêng giống như một nơi trút bầu tâm sự, một tấm gương phản chiếu mà mình rất dễ dàng tìm thấy mình trong đó.
    Và hôm nay em mạo muội viết những dòng này cho Sầu Riêng, giản đơn chỉ vì em muốn nói với Sầu Riêng rằng mỗi tối Sầu Riêng đều... "tám" với em và giúp cho giấc ngủ bình yên hơn, nhẹ nhõm hơn, ngày mai tươi tỉnh hơn, nhiều tin tưởng hơn, và cảm ơn Sầu Riêng rất nhiều vì điều đó!
    Sầu Riêng rất ngon, nhưng ăn nhiều thì ngán, ăn ít thì vẫn thòm thèm. Mỗi ngày chỉ ôột vài trang, vài mươi phút "tám" với Sầu Riêng là đủ. Đủ để mỗi lần ra nhà sách, nhìn GIÓ LẺ hay GIAO THỪA có thể mỉm cười như gặp cố nhân.
    Cô Tin học nói sẽ tìm đọc Sầu Riêng. Em tin cô sẽ chịu là em đúng. Cô sẽ tìm thấy chính mình trên những trang văn của Sầu Riêng, giống như bao nhiêu người khác, và biết đâu, cũng sẽ đâm ghiền "tám" với Sầu Riêng mỗi tối.
    Em xin chúc chị Sầu Riêng luôn vui khỏe để tiếp tục "tám" với những người yêu mến Sầu Riêng!

    ReplyDelete
  2. Xin phép Tư cho gởi lời nhắn với GDVN ở đây nhé.
    Bạn Giáo Dục Việt Nam ơi, comment làm quen của bạn đễ thương quá.
    Bạn vào trang web viet-studies.info của thầy Dũng (có link ngay bên trái), cả một kho của Tư trong đó đó, ngoài ra cũng còn có nhiều cái khác cũng thú vị lắm.

    ReplyDelete
  3. Em gái Trà Vinh viết dễ thương thiệt! Cố học nhé :D

    Đúng như em đó nói, đọc chị Tư có cảm giác rất gần gũi, rất thân quen, có cảm tưởng như thấy chính mình trong đó. Chị Tư bình dị, giản đơn, đặc sệt miền Tây ---> Khoái nhất chỗ này he he :D

    À, cái website bạn gì giới thiệu hay hen. Thích nhất tấm hình thứ hai trên đầu trang, nhìn chị Tư rất dễ thương, chân chất :D

    Nhưng có lẽ ấn tượng nhất từ trước tới giờ là tấm hình chị Tư ôm đứa con trai. Trong tấm ảnh đó, ánh mắt của chị Tư có cái gì đó như là vui như là buồn, như là gần, như là xa xăm lắm he he... :D

    Bye, dzui nhé chị Tư :D

    ReplyDelete
  4. Tôi gặp người cùng yêu bông lau sậy rồi. Vui như "nối lại chiêm bao đứt quãng" (là mượn lời cụ Nguyễn Tuân).
    Cám ơn bạn trẻ. Nói vậy chắc Sầu riêng không phản đối? Tết này tôi 60 rồi.
    Thích Sầu riêng từ CĐBT, rớt nước mắt ở câu "“Phải chi ông này là ông nội mình, thương đỡ chơi, hen Hai?”. Sao mà nó giống cái câu ngày nhỏ xíu, đi học về, tôi đứng ngoài chái bếp mà nói nhỏ nhỏ "Thưa ba con đi học mới về" rồi mới nuốt cục nghẹn cái ực trước khi bước vô nhà thưa ngoại con đi học mới về! Ngẫm nghĩ được rằng cô gái này phải viết được những trang tức tửi như vậy.
    Cám ơn em, Ngọc Tư.
    Con gái tôi cũng cám ơn em.

    ReplyDelete
  5. Anonymous1/13/2009

    Bai nay viet hay lam do Tu. Cam on nhieu .

    ReplyDelete
  6. Hình như người miền tây ai nói chuyện cũng dễ thương ngồ ngộ .

    ReplyDelete
  7. Anonymous1/25/2009

    Em sang thăm nhà, chúc sức khỏe chị và gia đình đây ạ! Một mùa xuân ấm, với gia đình, chị nhé! Nhóc nhà chị chắc vui lắm đây :-)

    ReplyDelete
  8. Anonymous2/28/2009

    Bài này hay quá! Đọc xong chỉ biết thốt lên một tiêng vậy thôi...

    ReplyDelete
  9. Anonymous3/03/2009

    Ui da, tản văn này hay ghê, xin phép được trích đăng trên trang của tiu cho bạn bè đọc nhé .

    ReplyDelete
  10. Anonymous3/09/2009

    " Chập chờn lau trắng trong tay..."

    ReplyDelete